Tóm tắt: Bài viết đánh giá thực trạng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về quyền của bị can và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng nói chung và cơ quan điều tra nói riêng trong việc bảo đảm quyền của bị can và đưa ra các kiến nghị hoàn thiện Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nhằm bảo đảm hơn nữa quyền của bị can.
Abstract: The article assesses the current situation of the provisions of the Criminal Procedure Code of 2015 on the rights of the accused and the responsibilities of the competent procedure-conducting agencies in general and the investigating agencies in particular in ensuring rights of the accused and makes recommendations to improve the Criminal Procedure Code of 2015 to further ensure the rights of the accused.
1. Đặt vấn đề
Quyền con người của bị can là các quyền cơ bản, vốn có dành cho bị can là cá nhân, được Nhà nước ghi nhận và bảo đảm thực hiện[1]. Quyền con người của bị can mang tính phổ quát còn trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định cụ thể về các quyền của bị can như là một phương thức để thực thi quyền con người của bị can[2]. Hiện nay, Việt Nam đã gia nhập hầu hết các Công ước nhân quyền chủ chốt của Liên Hợp quốc, trong đó có Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước chống tra tấn. Để thực hiện nghĩa vụ tại các điều ước quốc tế trong lĩnh vực về quyền con người, Nhà nước Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật và coi đó là công cụ đặc biệt quan trọng đối với việc tôn trọng và thúc đẩy quyền con người.
Báo cáo quốc gia về thực hiện quyền con người ở Việt Nam theo cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ cập chu kỳ 2 nêu rõ: Việt Nam luôn tôn trọng các quyền con người cơ bản của những người bị tạm giữ, tạm giam. Pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của những người bị tạm giữ, tạm giam. Người bị tạm giữ, tạm giam có thể được gặp thân nhân, luật sư hoặc người bào chữa khác theo quy định của pháp luật; được tiếp cận thông tin qua hệ thống báo chí, phát thanh, truyền hình trong nhà tạm giữ, tạm giam; có quyền khiếu nại, tố cáo đối với các hành vi vi phạm pháp luật và quy chế của nhà tạm giữ, tạm giam. Mặc dù Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung khá toàn diện về các quyền của bị can, mang lại ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người nói chung và của bị can nói riêng, tuy nhiên, có thể thấy một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 vẫn còn có những vướng mắc, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hơn.
2. Thực trạng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về quyền của bị can và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc bảo đảm quyền của bị can
Từ góc độ bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của con người, là người đã bị buộc tội vì có căn cứ xác định là đã thực hiện tội phạm, bị can là người dễ có nguy cơ bị xâm phạm các quyền tự do dân chủ, nhất là quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm… Các xâm phạm này có thể xuất phát từ cơ quan, người tiến hành tố tụng (như bức cung, dùng nhục hình trong điều tra…) hoặc từ cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân (trả thù của người bị hại, quyết định tạm đình chỉ công tác của cơ quan, tổ chức…)[3]. Do đó, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định khá cụ thể về các quyền của bị can. Các quyền đó bao gồm: Được biết lý do mình bị khởi tố; được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ; nhận quyết định khởi tố bị can, quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, bản kết luận điều tra, quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án, bản cáo trạng, quyết định truy tố và các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này; trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; đề nghị giám định, định giá tài sản, đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; tự bào chữa, nhờ người bào chữa; đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu; khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Bên cạnh các quy định về 10 nhóm quyền của bị can tại khoản 2 Điều 60, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 còn quy định các quyền khác nhằm bảo đảm cho bị can thực hiện tốt các quyền của mình như: Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự (Điều 16); suy đoán vô tội (Điều 13); xác định sự thật của vụ án (Điều 15); thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng (Điều 74); hỏi cung bị can (Điều 183)...
Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, để bảo đảm các quyền của bị can, cơ quan điều tra giữ vai trò hết sức quan trọng và chủ yếu trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ để chứng minh sự thật của vụ án. Vì vậy, khi thực hiện các hoạt động điều tra, đặc biệt là các hoạt động liên quan trực tiếp đến quyền của bị can, cơ quan điều tra phải quán triệt sâu sắc các nguyên tắc suy đoán vô tội, xác định sự thật của vụ án nhằm bảo đảm các quyền của bị can mà Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã ghi nhận.
Khi tiến hành tố tụng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân. Các cơ quan này phải thường xuyên kiểm tra tính hợp pháp và sự cần thiết của những biện pháp đã áp dụng, kịp thời hủy bỏ hoặc thay đổi những biện pháp đó nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc không còn cần thiết. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi giải quyết vụ án là đang thực thi quyền lực của Nhà nước. Trong mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân, quyền của công dân làm phát sinh nghĩa vụ tương ứng của Nhà nước mà cơ quan, người có thẩm quyền có trách nhiệm thực hiện[4]. Để bảo đảm cho các quyền con người của bị can được thực hiện trên thực tế, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sao cho việc thực hiện các quyền hạn, nghĩa vụ này phải đầy đủ và tuân thủ pháp luật một cách triệt để. Quyền con người của bị can gắn với nghĩa vụ của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Quyền của họ chỉ được thực thi khi các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của mình. Nhiệm vụ của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bao gồm những công việc, hành vi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng buộc phải thực hiện để tạo điều kiện cho bị can thực hiện quyền con người của mình[5]. Để bảo đảm các quyền của bị can theo khoản 2 Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Bộ luật đã quy định các nghĩa vụ cụ thể của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng như một số các quy định tiêu biểu sau: Quy định về trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng (Điều 71), nghĩa vụ giải thích quyền và nghĩa vụ cho bị can trong quá trình tiến hành hỏi cung bị can (Điều 183), nghĩa vụ phải gửi hoặc giao các quyết định cho bị can hoặc người đại diện của bị can (khoản 3 Điều 229), nghĩa vụ phải giải thích quyền và nghĩa vụ cho bị can trong các trường hợp họ bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn (khoản 2 Điều 113, khoản 3 Điều 117). Bên cạnh đó, để bảo đảm quyền bào chữa của bị can, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thông báo, giải thích và tạo điều kiện cho bị can thực hiện các quyền của mình (Điều 75), chỉ định người bào chữa cho bị can đối với các trường hợp bắt buộc phải có sự tham gia của người bào chữa (Điều 76)... Ngoài ra, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng có các quy định về trình tự, thủ tục điều tra nhằm bảo đảm quyền con người của bị can, các quy định về áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế tố tụng và các hoạt động điều tra như hỏi cung, khám xét, xem xét dấu vết trên thân thể... nhằm hạn chế sự lạm quyền của các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cũng như bảo đảm quyền của người “yếu thế” là bị can khi phải đối mặt với các quyết định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Nhìn chung, các quy định trên trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 là khá đầy đủ, chặt chẽ, thể hiện rõ trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, tuy nhiên, vẫn tồn tại một số quy định còn vướng mắc, bất cập, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị can. Thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự cho thấy, một số cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng coi trọng việc xử lý tội phạm; mặc định bị can phải khai báo tội trạng, không khai báo là ngoan cố, chống đối và sẽ bị nghiêm trị. Từ những nhận thức sai lầm đó dẫn tới việc không giải thích rõ về quyền khai báo của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và thực tế đã xảy ra các vụ việc mớm cung, dụ cung, ép cung, bức cung, sử dụng nhục hình để tra tấn người bị tình nghi phạm tội nhằm có được lời khai nhận tội. Thực trạng trên cho thấy, cần phải hoàn thiện Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nhằm bảo đảm quyền cho bị can trong các hoạt động tố tụng hình sự hơn nữa.
3. Hoàn thiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về quyền của bị can và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc bảo đảm quyền của bị can
Thứ nhất, cần bổ sung vào khoản 2 Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cho bị can, bị cáo có quyền thu thập chứng cứ và đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại.
Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chưa quy định cho bị can quyền thu thập chứng cứ đã hạn chế quyền bình đẳng của bị can, ảnh hưởng tới việc tự bảo vệ quyền con người của bị can. Dù trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng và việc thu thập chứng cứ để xác định có tội hay vô tội đối với bị can, tuy nhiên, việc thu thập chứng cứ cũng là rất cần thiết đối với bị can, nhất là các chứng cứ vô tội hoặc các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Đặc biệt đối với bị can không có người bào chữa thì họ càng cần có quyền này để thực hiện việc thu thập chứng cứ.
Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chỉ quy định cho bị can có quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu (điểm đ khoản 2) mà không quy định cho bị can có quyền được đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ. Trong trường hợp bị can có người bào chữa thì người bào chữa của bị can có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ theo điểm k khoản 1 Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, tuy nhiên, đối với bị can, bị cáo không có người bào chữa thì sẽ gặp khó khăn trong việc thu thập chứng cứ cũng như làm rõ các tình tiết khác của vụ án, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động tự bào chữa của họ. Đặc biệt là đối với những bị can, bị can đang bị tam giam sẽ càng gặp khó khăn hơn[6]. Như vậy, để bảo đảm tốt hơn các quyền của bị can thì Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng cần quy định cho bị can thêm quyền này. Trong trường hợp bị can không thể tự mình thu thập chứng cứ thì họ có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tố tụng thu thập chứng cứ[7].
Bên cạnh đó, điểm g khoản 2 Điều 60 cũng chỉ quy định cho bị can có quyền đề nghị giám định, định giá tài sản mà không có quyền đề nghị giám định bổ sung, giám định lại. Đối với quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng giám định bổ sung, giám định lại, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng chỉ quy định cho người bào chữa của bị can có quyền này. Như vậy, trong trường hợp bị can không có người bào chữa thì bị can lại không thực hiện được quyền đề nghị giám định bổ sung và giám định lại mà chỉ có quyền đề nghị giám định. Giám định và giám định bổ sung, giám định lại là các loại giám định khác nhau. Trong trường hợp bị can không đồng ý với kết luận giám định vì nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc khi thấy phát sinh vấn đề mới cần phải giám định liên quan đến tình tiết của vụ án đã có kết luận giám định trước đó thì họ cũng cần có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền giám định bổ sung. Đối với trường hợp giám định lại, khi bị can có nghi ngờ về kết luận giám định lần đầu không chính xác cũng cần có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định lại để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Như vậy, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cần bổ sung cho bị can có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng giám định bổ sung, giám định lại.
Từ các phân tích trên, tác giả kiến nghị bổ sung vào khoản 2 Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như sau:
“Điều 60. Bị can
2. Bị can có quyền:
a)...
...) Thu thập chứng cứ; đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại”.
Thứ hai, bổ sung khoản 2 Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quyền được đề nghị gặp người bào chữa của bị can.
Hiện nay, trong điểm h khoản 2 Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chỉ quy định cho bị can quyền được tự bào chữa, nhờ người bào chữa, mà không quy định quyền được đề nghị gặp người bào chữa. Quyền được gặp người bào chữa lại được quy định như một quyền của người bào chữa tại điểm a khoản 1 Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, đó là người bào chữa có quyền: Gặp, hỏi người bị buộc tội. Vậy trong trường hợp cần thiết khi muốn gặp người bào chữa để trao đổi thì bị can có quyền được đề nghị gặp người bào chữa không? Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chưa quy định quyền này, do đó, việc gặp gỡ giữa bị can và người bào chữa hoàn toàn bị phụ thuộc vào việc người bào chữa có đăng ký gặp bị can và cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có đồng ý cho gặp hay không[8].
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 183 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về trách nhiệm bắt buộc phải có mặt của kiểm sát viên khi hỏi cung bị can.
Việc tham gia của kiểm sát viên không những vừa giám sát, kiểm tra các hoạt động điều tra của cơ quan điều tra mà còn thực hành quyền công tố trong giai đoạn này nhằm bảo đảm quyền con người của bị can. Hỏi cung bị can là một hoạt động điều tra quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến quyền con người của bị can nếu hoạt động này không được thực hiện một cách đầy đủ, đúng quy định của pháp luật. Việc tham gia của kiểm sát viên trong hoạt động hỏi cung bị can sẽ hạn chế được các vi phạm pháp luật của điều tra viên, tránh lạm quyền và không tôn trọng các quyền con người của bị can mà pháp luật đã ghi nhận. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 183 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 lại quy định: “Khi xét thấy cần thiết, kiểm sát viên tham gia việc hỏi cung bị can”. Như vậy, trước khi hỏi cung bị can thì điều tra viên phải có trách nhiệm thông báo cho kiểm sát viên và người bào chữa thời gian, địa điểm hỏi cung nhưng không phải lần hỏi cung nào, kiểm sát viên cũng phải có mặt mà chỉ “khi xét thấy cần thiết” thì kiểm sát viên mới tham gia. Thế nào là trường hợp khi thấy cần thiết thì Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng chưa quy định cụ thể. Tác giả cho rằng nên sửa đổi, bổ sung quy định này theo hướng kiểm sát viên phải có mặt ở lần đầu hỏi cung bị can, các lần khác trong trường hợp cần thiết, kiểm sát viên tham gia việc hỏi cung bị can và cần có văn bản hướng dẫn, giải thích cụ thể về các trường hợp cần thiết để kiểm sát viên dùng làm căn cứ xác định trách nhiệm tham gia việc hỏi cung bị can. Từ những phân tích trên, tác giả kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 183 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như sau: “Việc hỏi cung bị can do điều tra viên tiến hành ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can. Có thể hỏi cung bị can tại nơi tiến hành điều tra hoặc tại nơi ở của người đó. Trước khi hỏi cung bị can, điều tra viên phải thông báo cho kiểm sát viên và người bào chữa thời gian, địa điểm hỏi cung. Khi tiến hành hỏi cung bị can lần đầu, kiểm sát viên phải tham gia. Trong các lần hỏi cung tiếp theo, khi xét thấy cần thiết, kiểm sát viên tham gia hỏi cung bị can”.
Thứ tư, bổ sung quy định về giải thích quyền và nghĩa vụ cho bị can theo khoản 2 Điều 183 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Khoản 2 Điều 183 quy định: “Trước khi tiến hành hỏi cung lần đầu, điều tra viên phải giải thích cho bị can biết rõ quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 60 của Bộ luật này. Việc này phải được ghi vào biên bản”. Theo quy định này, việc giải thích quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cho bị can là trách nhiệm bắt buộc của điều tra viên khi tiến hành hỏi cung bị can. So với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì quy định trong khoản 2 Điều 183 đã giới hạn số lần giải thích quyền và nghĩa vụ của bị can là chỉ giải thích ở lần hỏi cung đầu tiên. Trước đây do không quy định cụ thể chỉ giải thích lần hỏi cung đầu tiên hay tất cả cả các lần hỏi cung đều phải giải thích vì vậy thực tiễn hỏi cung cho thấy, có nơi điều tra viên chỉ giải thích quyền và nghĩa vụ cho bị can lần đầu tiên, có nơi lần nào hỏi cung bị can cũng giải thích. Mặc dù so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, quy định mới này đã xác định rõ trách nhiệm của điều tra viên về số lần giải thích quyền và nghĩa vụ cho bị can khi hỏi cung nhưng dường như lại “bó hẹp” quyền được giải thích về quyền và nghĩa vụ của bị can. Như vậy, đối với những bị can có nhận thức tốt thì có thể nắm vững được ngay các quyền và nghĩa vụ của mình trong lần giải thích đầu tiên, còn những bị can nhận thức hạn chế thì chỉ được nghe giải thích duy nhất một lần quyền và nghĩa vụ của mình có thể vẫn chưa hiểu rõ được quyền và nghĩa vụ của mình, nhất là trong trường hợp khi bị hỏi cung lần đầu, tâm lý bị can có thể không bình tĩnh, quá lo lắng, sợ hãi... dẫn đến việc tiếp thu sự giải thích của điều tra viên bị hạn chế. Tác giả cho rằng cần bổ sung quy định vào khoản 2 Điều 183: “Các lần hỏi cung sau nếu bị can đề nghị, điều tra viên phải giải thích lại quyền và nghĩa vụ cho bị can”.
4. Kết luận
Trong các giai đoạn của tố tụng hình sự, giai đoạn điều tra là giai đoạn có khả năng và nhu cầu áp dụng các biện pháp cưỡng chế cao nhất, là giai đoạn xung yếu nhất ở khía cạnh quyền của bị can. Do đó, bảo đảm các quyền của bị can trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự là vô cùng cần thiết. Cơ quan điều tra là một trong những cơ quan phải có trách nhiệm trong việc bảo đảm các quyền của bị can, qua việc làm rõ những quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về quyền của bị can và trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan điều tra trong việc bảo đảm quyền của bị can.
LS. Nguyễn Hồng Bách
Công ty Luật TNHH Hồng Bách và cộng sản
[1]. Trần Thị Thu Hiền (2021), Bảo đảm quyền của bị can trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2021, tr. 74.
[2]. PGS.TS. Đỗ Thị Phượng (2022), Hoàn thiện Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nhằm bảo đảm quyền con người của bị can trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế của Đại học Luật, Đại học Huế và Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Tula, Liên bang Nga về hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực tư pháp hình sự hiện nay - Lý luận và thực tiễn, tr. 37.
[3]. Lại Văn Trình (2011), Bảo đảm quyền con người của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự Việt Nam, Luận án tiến sỹ luật học, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 37.
[4]. Trần Văn Độ (2010), Bảo vệ quyền con người của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, Tạp chí Khoa học pháp lý, (6), tr. 34.
[5]. Trần Thị Thu Hiền (2020), Bảo đảm quyền con người của bị can trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, Luận án tiến sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2020, tr. 107.
[6]. Vũ Huy Hoàng (2021), Bảo đảm quyền bào chữa đối với người bị buộc tội trong tố tụng hình sự https://tapchitoaan.vn/bai-viet/xay-dung-phat-luat/bao-dam-quyen-bao-chua-doi-voi-nguoi-bi-buoc-toi-trong-to-tung-hinh-su5532.html, truy cập ngày 04/5/2022.
[7]. PGS.TS. Đỗ Thị Phượng (2022), tlđd, tr. 39.
[8]. PGS.TS. Đỗ Thị Phượng (2022), tlđd, tr. 40.