1. Quyền được chăm sóc sức khỏe trong các công ước, tuyên ngôn, khuyến cáo quốc tế và pháp luật của các nước
1.1. Về quyền của người bệnh
Quyền của người bệnh được xác định trong Công ước Châu Âu về nhân quyền và y sinh học (phần liên quan đến quyền của người bệnh) và Tuyên ngôn về những quyền của bệnh nhân của Hiệp hội Y tế Thế giới (Lisbonne năm 1981, Bali năm 1995). Theo đó, người bệnh có quyền được khám bệnh, chữa bệnh khi ốm đau, chăm sóc cấp cứu kịp thời; được tôn trọng tính mạng và nhân phẩm; được cung cấp thông tin, quyết định vấn đề khám bệnh, chữa bệnh của bản thân, chọn người đại diện cho mình, biết về danh tính của thầy thuốc; được thầy thuốc chuyên khoa tư vấn; được đối xử công bằng trong khám bệnh, chữa bệnh; được quyền có phiên dịch; được tiếp cận hồ sơ, bệnh án trong quá trình điều trị, được giữ bí mật thông tin cá nhân; được tố cáo những sai sót chuyên môn của người hành nghề; được hưởng những săn sóc y tế có chất lượng; quyền được lựa chọn; quyền quyết định; quyền đối với bệnh nhân bị mất ý thức; quyền đối với bệnh nhân bất lực về pháp lý; quyền giúp đỡ về tín ngưỡng…
1.2. Về nghĩa vụ của người hành nghề y
Các nguyên tắc y đức và bổn phận của thầy thuốc được quy định khá đầy đủ trong các văn bản như:
- Tuyên ngôn Helsinki của Hiệp hội Y khoa Thế giới về nghiên cứu y sinh học (năm 1964, bổ sung năm 1975, năm 1983, năm 1989).
- Nghĩa vụ luật y khoa quốc tế (năm 1949, sửa đổi năm 1968 và năm 1983).
- Nghĩa vụ luật y đức thầy thuốc Châu Âu (năm 1987).
- Pháp lệnh số 95-1000 ngày 5/9/1995 của Y sỹ đoàn Pháp mang tên Nghĩa vụ luật y.
- Nghĩa vụ luật thầy thuốc tại Quebec Canada, Nghĩa vụ luật thầy thuốc của Vương quốc Bỉ, Nghĩa vụ luật thầy thuốc của Thái Lan.
Theo đó, người hành nghề y luôn phải giữ các chuẩn mực về y đức và thực hiện đúng bổn phận, trách nhiệm với bệnh nhân (tôn trọng người bệnh, trách nhiệm khi hành nghề, trung thực, sẵn sàng và mau mắn, trách nhiệm pháp lý, tính độc lập trong nghề nghiệp); bổn phận đối với nghề nghiệp (liên hệ với người cùng ngành, liên hệ với đồng nghiệp, liên hệ với tập đoàn thầy thuốc, đóng góp vào phát triển ngành nghề, giữ gìn bí mật nghề nghiệp); các quy định về hồ sơ bệnh án (quản lý hồ sơ, lưu trữ hồ sơ bệnh án, kê đơn)… Đồng thời, thực hiện nghiên cứu y học phối hợp với săn sóc y khoa.
1.3. Về quyền và nghĩa vụ trong hoạt động hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người
Một số văn bản quốc tế và pháp luật các nước[1] đã đưa ra những nguyên tắc cơ bản cũng như nhiều quy định cụ thể trong hoạt động hiến, ghép mô bộ phận của cơ thể người như: Không được thương mại hóa bộ phận cơ thể người, mô, máu, tế bào; bảo vệ người chưa thành niên và người được pháp luật bảo hộ; phải có sự đồng ý của đương sự về việc hiến, ghép mô, bộ phận của cơ thể người; quyền được thông tin đối với cả người hiến và người nhận; chỉ được lấy mô, bộ phận cơ thể trong trường hợp tim ngừng đập… Có thể kể đến các văn bản như:
- Nghị quyết về việc phát triển các hoạt động cấy ghép năm 2004 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tuyên bố toàn cầu về đạo đức sinh học và quyền con người của Ủy ban quốc tế về đạo đức y sinh (thuộc tổ chức UNNESCO).
- Công ước về bảo vệ quyền con người và nhân phẩm con người trong việc ứng dụng các tiến bộ y học và sinh học ngày 04/4/1997 (gọi tắt là Công ước OVIEDO) của Hội đồng châu Âu.
- Hiệp ước về Liên minh châu Âu (gọi tắt là Hiệp ước Maastricht) được ký ngày 07/2/1992 ở Maastricht (Hà Lan), có hiệu lực từ ngày 01/11/1993 quy định cho phép lấy mô, bộ phận cơ thể của người bị chết não.
- Pháp luật về hiến mô, bộ phận cơ thể người của Pháp, Anh.
- Đạo luật số 16-98 về hiến, lấy, ghép bộ phận cơ thể người và hiến mô năm 1998 của Maroc; Đạo luật số 91-22 về lấy, ghép bộ phận cơ thể người ngày 25/3/1991 của Tuynidi; Luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người ban hành năm 1979 của Tây Ban Nha.
1.4. Về hoạt động y tế tư nhân
Pháp luật một số nước ban hành luật riêng về hoạt động y tế tư nhân như:
- Luật về hoạt động y tế tư nhân của Samara Oblast (Nga).
- Luật về hành nghề y của Thái Lan.
- Luật về hành nghề của thầy thuốc ở Pháp (cả công và tư).
Theo đó, các quốc gia quy định về điều kiện hoạt động đối với y tế tư nhân như:
+ Xây dựng các tổ chức y tế tư nhân, quyền thực hiện các hoạt động y tế tư nhân, quyền của chủ thể các hoạt động y tế tư nhân, trách nhiệm của chủ thể hoạt động y tế tư nhân, tài liệu và báo cáo y tế, chấm dứt hoạt động y tế tư nhân.
+ Hoạt động y tế tư nhân phải được tiến hành dựa trên giấy phép. Giấy phép để tiến hành một loại hình hoạt động y tế tư nhân cụ thể phải do Uỷ ban cấp phép thuộc Tổng cục Y tế Chính phủ cấp (Nga) hoặc do Hội đồng y khoa cấp phép (Thái Lan).
+ Hội đồng y khoa có nghĩa vụ: Đăng ký và cấp giấy phép cho những người nộp đơn xin phép được hành nghề y; đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép hành nghề; công nhận bằng cấp, chứng chỉ về y tế hoặc bằng chuyên nghiệp của các thể chế; công nhận các chương trình giảng dạy về đào tạo y tế; công nhận tiêu chuẩn học thuật của các thể chế y tế; cấp văn bằng chuyên ngành y trong các lĩnh vực khác nhau về hành nghề y và cấp chứng chỉ đào tạo đặc biệt về nghề y.
1.5. Về bảo hiểm y tế[2]
Pháp luật về bảo hiểm y tế của một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Pháp đều quy định bảo hiểm y tế toàn dân và bắt buộc. Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế rất rộng, bao gồm những người làm công ăn lương, lao động tự do, nông dân và người không có nghề nghiệp. Tuy nhiên, pháp luật bảo hiểm y tế có những quy định phù hợp dành riêng cho từng đối tượng.
Luật quy định chế độ cùng chi trả khi đi khám, chữa bệnh; quyền lợi bảo hiểm y tế bị hạn chế đối với phần lớn các dịch vụ kỹ thuật mới, chi phí cao. Chính phủ có chương trình hỗ trợ y tế cho người nghèo.
Chính phủ một số nước (như Pháp) đã đưa vào sử dụng “thẻ khám bệnh” (giống như thẻ ngân hàng có số an sinh xã hội và chứa các thông tin về người sở hữu thẻ) và trang bị cho các cơ sở y tế các máy đọc thẻ. Người dân không phải ứng tiền trước, mà chỉ cần đưa thẻ qua máy đọc, các thông tin cần thiết sẽ được chuyển giao và chi phí khám, chữa bệnh sẽ được thanh toán trực tiếp giữa quỹ và cơ sở y tế. Các nhà thuốc cũng được trang bị máy này.
1.6. Về quản lý dược[3]
Để bình ổn giá thuốc và bảo đảm chất lượng các loại thuốc dùng cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, pháp luật về quản lý thuốc của một số quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Pháp và Ba Lan đều quy định cụ thể về các vấn đề: Vai trò của đơn vị tham gia quản lý giá thuốc và đấu thầu thuốc; nguyên tắc, phạm vi và biện pháp quản lý giá thuốc; mô hình, phương thức quản lý, tổ chức mua thuốc và quản lý giá thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh; mô hình và phương thức tổ chức đấu thầu thuốc quốc gia và Dự trữ thuốc quốc gia; chính sách thuốc quốc gia; kinh doanh thuốc; chứng chỉ hành nghề, kinh doanh dược; đăng ký thuốc; việc quản lý chất lượng, thu hồi thuốc trên thị trường; về nghiên cứu thử tương đương sinh học/thử lâm sàng.
Riêng Trung Quốc đã ban hành một đạo luật riêng về y dược học cổ truyền[4] quy định người hành nghề y dược học cổ truyền có thể tham gia các kỳ thi để được cấp phép hành nghề y dược học cổ truyền tại các bệnh viện và phòng khám hay khám, chữa bệnh tự do. Đồng thời, quy định chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các hành vi sử dụng các chất độc hại cao, thuốc trừ sâu có độc tính cao trong quá trình trồng dược thảo.
2. Những giá trị có thể vận dụng được đối với Việt Nam
2.1. Về vấn đề ban hành các luật chuyên ngành
Pháp luật các nước đều có xu hướng quy định về một vấn đề cụ thể nào đó trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Ví dụ: Luật về sơ suất y khoa của Hoa Kỳ, Luật về hành nghề y tư nhân của bang Samara oblast (Nga), Luật nghề y của Thái Lan (quy định chủ yếu về Hội đồng y khoa - cơ quan có thẩm quyền giải quyết hành nghề y tế). Do đó, có thể nghiên cứu xu hướng này để vận dụng trong xây dựng hệ thống pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh của Việt Nam, bảo đảm các quy định cụ thể, tránh chung chung.
2.2. Về vấn đề y tế tư nhân
Pháp luật một số nước có luật riêng đối với người hành nghề thuộc khu vực công và khu vực tư nhân (như Malaysia và bang Oblast - Nga). Do đó, có thể nghiên cứu cách ban hành luật như vậy khi sửa đổi, bổ sung Luật khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, có thể ban hành riêng một đạo luật về y tế tư nhân hoặc phải quy định cụ thể hơn về loại hình này trong trường hợp vẫn giữ luật quy định chung cả hai loại hình (công và tư).
Trong thơi gian tới, chúng ta cần nghiên cứu hoàn chỉnh những quy định cụ thể để quản lý y tế tư[5] tập trung vào các vấn đề sau: Quy định về đăng ký, cấp phép hoạt động cho cơ sở hành nghề; các quy định về tự kiểm soát thực hành chuyên môn; quy định về kiểm định cho cơ sở khám chữa bệnh; quy định về công bố thông tin; quy định kiểm soát tài chính thông qua hệ thống chi trả…
2.3. Về vấn đề chứng chỉ hành nghề y
Pháp luật của các nước đều có quy định về việc thành lập Hội đồng để cấp chứng chỉ hành nghề cho các cá nhân hành nghề trong cả nước; đồng thời đưa ra những quy định cụ thể về hình thức, điều kiện hành nghề đối với cơ sở và cá nhân hành nghề cũng như thủ tục, trình tự cấp giấy phép hành nghề. Do đó, có thể nghiên cứu để sửa đổi các quy định của Việt Nam hiện nay về việc cấp chứng chỉ hành nghề. Trong đó, cân nhắc một số vấn đề như:
+ Loại bỏ quy định Bộ Y tế cấp, cấp lại, thu hồi chứng chỉ hành nghề như hiện nay, mà thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia có chức năng cấp, cấp lại, đình chỉ, thu hồi chứng chỉ hành nghề. Thành viên của Hội đồng Y khoa có đại diện Bộ Y tế, đại diện Hội nghề nghiệp, đại diện một số trường Đại học y khoa và người hành nghề.
+ Việc xét cấp chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam hiện nay chỉ dựa trên hồ sơ. Vì vậy, cân nhắc việc đề xuất giao cho Hội đồng Y khoa tổ chức kỳ thi quốc gia đánh giá năng lực hành nghề những cá nhân hành nghề y; công nhận bằng cấp, chứng chỉ về y tế hoặc bằng chuyên nghiệp của các quốc gia, tổ chức; công nhận các chương trình giảng dạy về đào tạo y tế…
+ Giấy phép hành nghề cũng như chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam hiện đang được gia hạn 03 năm một lần. Đề xuất nghiên cứu áp dụng như kinh nghiệm của các nước khác là: Gia hạn hàng năm với sự tuân thủ một cách nghiêm ngặt hàng loạt các điều kiện đặt ra.
2.4. Về vấn đề sai sót y khoa
Tại Luật Sơ suất y khoa của Mỹ có ban hành quy định về vấn đề rủi ro nghề nghiệp và hình thức bảo hiểm đối với rủi ro này cũng như trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại. Tại Việt Nam, trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 đã ghi nhận 07 điều liên quan đến vấn đề này. Tuy nhiên, trên thực tế đã xảy ra nhiều vụ việc chết người trong lĩnh vực y tế, nhưng việc xử lý khá khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, cần cân nhắc việc ban hành một đạo luật riêng về sai sót y khoa để cụ thể hóa vấn đề này.
2.5. Về vấn đề bảo hiểm y tế
Pháp luật các nước quy định bảo hiểm y tế toàn dân và bắt buộc. Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế rất rộng, bao gồm những người làm công ăn lương, lao động tự do, nông dân và người không có nghề nghiệp. Đối với từng đối tượng thì sẽ có những quy định về mức đóng, cơ chế chi trả phù hợp riêng. Do đó, Việt Nam có thể nghiên cứu để sửa đổi quy định của Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014), trong đó, chú ý một số vấn đề như:
+ Đối với nhóm đối tượng lao động tự do, buôn bán nhỏ di cư từ vùng nông thôn lên thành phố lớn mà chưa đăng ký tạm trú dài hạn (sổ tạm trú) thì cho phép được mua bảo hiểm y tế.
+ Điều chỉnh các bất cập trong quy định về quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế; đơn giản hóa thủ tục liên quan đến thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế… Ví dụ: Chúng ta có thể nghiên cứu, tham khảo hệ thống thẻ “khám bệnh” ở Pháp.
2.6. Về vấn đề hiến mô, bộ phận cơ thể người
- Pháp luật các nước quy định về cơ chế đồng ý trong hiến mô, bộ phận cơ thể người theo hướng suy đoán sự đồng ý (như Tây Ban Nha, Pháp). Tại những nước thực hiện theo cơ chế này, lượng người hiến mô tạng nhiều hơn hẳn so với các nước theo cơ chế chủ động đồng ý (chủ động đăng ký hiến bằng văn bản, nếu không đăng ý hiến thì con như người đó không đồng ý hiến). Xu thế chung ở nhiều nước trên thế giới đã quy định theo cơ chế chủ động đồng ý cũng đang vận động cho việc chuyển sang cơ chế suy đoán sự đồng ý hiến, đặc biệt là hiến sau khi chết.
Do đó, có thể nghiên cứu quy định này để sửa đổi pháp luật hiện hành của Việt Nam theo hướng việc hiến mô, bộ phận cơ thể khi còn sống cũng như sau khi chết theo cơ chế chủ động đồng ý. Đặc biệt là khi đời sống kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, nhận thức của nhân dân ngày càng cao và nhu cầu cấy, ghép mô, bộ phận cơ thể ngày càng lớn.
- Pháp luật các nước cũng quy định về trường hợp hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết của người chưa thành niên. Theo đó, nếu người chưa thành niên chết thì pháp luật quy định được lấy mô, bộ phận cơ thể người này khi có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ người đó, trường hợp đặc biệt nếu cha mẹ ly hôn hoặc quá xa thì chỉ cần sự đồng ý của một người.
Do đó, có thể nghiên cứu quy định này để mở rộng đối tượng được hiến mô, bộ phận cơ thể (khoản 5 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 quy định chỉ có người đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mới có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác).
- Nghiên cứu sửa đổi quy định hiện hành theo hướng cho phép thanh toán các loại xét nghiệm liên quan đến người hiến tạng khi còn sống kể cả trong trường hợp sau khi đã có chứng nhận hiến tạng hoặc xác nhận của cơ sở y tế rằng người đó không đủ điều kiện để hiến tạng[6].
Mặt khác, xác định rõ kinh phí dành cho chăm sóc, phục hồi sức khoẻ sau khi hiến và các quyền lợi chính đáng khác (như: Được khám sức khỏe định kỳ miễn phí; được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; được ưu tiên ghép mô, tạng khi có chỉ định ghép của cơ sở y tế theo Điều 17 của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006) đối với người đã hiến mô, tạng sẽ được lấy từ nguồn nào (từ ngân sách Nhà nước hay thông qua bảo hiểm y tế?).
- Nghiên cứu xây dựng bảo hiểm y tế về hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người trong hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân cho phù hợp hơn, theo hướng Quỹ bảo hiểm y tế nên chi trả chi phí xét nghiệm nhằm hỗ trợ đắc lực cho người hiến (theo kinh nghiệm của nước Pháp) và người ghép mô, tạng có thẻ bảo hiểm y tế được thanh toán toàn bộ chi phí sàng lọc trước khi ghép tạng.
2.7. Về vấn đề quản lý y dược cổ truyền
Áp dụng kinh nghiệm Trung Quốc để ban hành riêng một Luật về Y dược học cổ truyền để tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ hơn cho hoạt động này.
Nghiên cứu sửa đổi quy định về dược cổ truyền trong Luật Dược năm 2016 theo hướng phải đưa vào hành vi bị cấm và có chế tài nghiêm khắc với các hành vi sử dụng chất độc hại, thuốc trừ sâu độc tính cao trong quá trình trồng dược thảo. Hiện nay, Luật mới chỉ yêu cầu chung chung tại khoản 1 Điều 68 như sau: “Dược liệu phải đạt tiêu chuẩn chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Khi đưa vào sản xuất, chế biến, bào chế thuốc, mức tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản, giới hạn kim loại nặng, giới hạn vi sinh vật, giới hạn độc tính của dược liệu không được vượt mức quy định”); trong hành vi bị cấm thì chỉ có trường hợp “Sản xuất, pha chế, bán thuốc cổ truyền có kết hợp với dược chất khi chưa được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền” tại khoản 13 Điều 6.
Vụ Tổng hợp, Văn phòng Quốc hội
ThS. Nguyễn Thúy Hà
Viện Nghiên cứu lập pháp
[1]. Bùi Đức Hiển, Viện Nhà nước và Pháp luật, “Pháp luật một số nước trên thế giới về hiến mô, bộ phận cơ thể và hiến xác của cá nhân”, chuyên đề dành cho Đề tài khoa học cấp trường Đại học Luật Hà Nội năm 2011.
[2]. “Bảo hiểm y tế: Kinh nghiệm các nước”, Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử, ngày 25/01/2014, (http://tailieu.ttbd.gov.vn:8080/index.php/tai-lieu/tai-lieu-bien-tap/item/92-bao-hiem-y-te-kinh-nghiem-mot-so-nuoc).
[3]. Báo cáo tổng quan pháp luật về dược của một số nước liên quan đến những nội dung Luật Dược (sửa đổi).
[4]. Minh Ngọc, “Trung Quốc thông qua luật thúc đẩy y học cổ truyền”, Báo Pháp luật Online ngày 05/01/2017 (http://baophapluat.vn/quoc-te/trung-quoc-thong-qua-luat-thuc-day-y-hoc-co-truyen-313824.html).
[5]. GS.TSKH. Phạm Mạnh Hùng, “Đổi mới quản lý y tế tư ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Cộng sản điện tử ngày 13/4/2016 (http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Binh-luan/2016/38335/Doi-moi-quan-ly-y-te-tu-o-Viet-Nam-hien-nay.aspx).
[6]. Nguyễn Hoàng Phúc, “Một số vấn đề bất cập trong hệ thống pháp luật về hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người”, Báo Sức khỏe và Đời sống số ngày 25/10/2016, (https://suckhoedoisong.vn/mot-so-van-de-bat-cap-trong-he-thong-phap-luat-ve-hien-ghep-mo-bo-phan-co-the-nguoi-n124110.html).