Câu chuyện được phản ánh là trường hợp của bà T. là người phải thi hành án, hiện đang là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc một Công ty cổ phần Đầu tư & Kinh doanh bất động sản. Với địa vị của bà, cũng như quy mô hoạt động của Công ty mà bà T. là Tổng giám đốc, cơ quan thi hành án dân sự hoàn toàn có thể khấu trừ một phần tiền lương và thu nhập của bà T. tại Công ty theo quy định của khoản 1 Điều 79 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 để thực hiện việc thi hành án. Rất tiếc cho đến nay, qua nhiều năm yêu cầu thi hành án, nhưng người được thi hành án là ông V. vẫn không nhận được bất cứ khoản tiền thi hành án nào từ phía bà T. Trong trường hợp này, ông V. hoàn toàn có quyền nghi ngờ về động cơ mà cơ quan thi hành án trả lại đơn yêu cầu của ông. Phải chăng, bà T. thật sự không có điều kiện thi hành án hay được quyền “chây ỳ” vì những lý do nào khác...?
Trên thực tế, còn có trường hợp chính những quy định bất cập của pháp luật hiện hành cũng đang vô hình chung “khuyến khích” người phải thi hành án “chây ỳ” trong thi hành án. Bởi lẽ, việc cố tình kéo dài này thường có lợi cho họ. Quy định về việc tính lãi suất chậm thi hành án bằng mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố là một ví dụ. Rất nhiều ngân hàng đã kêu ca về sự bất hợp lý của quy định này, bởi khi khách hàng vay tiền của ngân hàng nhưng sau đó không trả, vụ việc phải đưa ra Tòa án giải quyết và ngân hàng thắng kiện. Sau khi bản án hoặc quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, nếu khách hàng đó chậm thi hành nghĩa vụ trả tiền, thì lãi suất chậm thi hành án chỉ được tính bằng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Trên thực tế, lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố thường thấp hơn nhiều so với lãi suất mà các ngân hàng đang cho vay. Quy định này khiến các ngân hàng nói riêng và người được thi hành án nói chung thiệt đơn, thiệt kép. Mặt khác, như đã nói ở trên, nó khuyến khích sự chây ỳ của người phải thi hành án. Rất tiếc đến nay các quy định bất hợp lý này vẫn được áp dụng bình thường.
Trần Trung Thi