Tóm tắt: Trên cơ sở đề cập đến các vấn đề liên quan đến quyền hưởng an sinh xã hội, thực tiễn thực hiện pháp luật về vấn đề này, bài viết đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật an sinh xã hội để đảm bảo quyền hưởng an sinh xã hội của người dân.
Abstract: Based on the analyzation of issues relating to the right of social security, the practice of law implementation in this area, the article proposes some recommendations for completing social security law with a view to guarantee the right of social security of citizens.
1. Quyền hưởng an sinh xã hội
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), an sinh xã hội (ASXH) được hiểu là sự bảo vệ mà xã hội cung cấp cho các thành viên của mình thông qua một loạt các biện pháp công cộng nhằm chống lại khủng hoảng, khó khăn về kinh tế và xã hội mà theo đó sẽ làm mất hoặc giảm thu nhập đáng kể do bệnh tật, thai sản, tai nạn lao động, tàn tật và tử vong; chăm sóc y tế và trợ cấp cho các gia đình có con nhỏ[1]. Ở Việt Nam, quyền hưởng ASXH được quy định trong Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền được đảm bảo an sinh xã hội”. Bên cạnh đó, Điều 34 Hiến pháp năm 2013 cũng quy định rõ, mọi công dân Việt Nam bất kể là người già, trẻ em, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các thành phần kinh tế đều có quyền được hưởng ASXH. Pháp luật Việt Nam cũng ghi nhận nghĩa vụ đảm bảo cho người dân thực hiện quyền ASXH thông qua việc mở rộng các dịch vụ, loại hình bảo hiểm xã hội. “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội….”[2]. Vấn đề này phù hợp với quy định của Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội năm 1966 (Việt Nam gia nhập ngày 24/9/1982). Như vậy, quyền hưởng ASXH là quyền công dân và Nhà nước là chủ thể có nghĩa vụ đảm bảo cho công dân Việt Nam thực hiện quyền hưởng ASXH này.
Hệ thống pháp luật ASXH ở Việt Nam hiện nay bao gồm các bộ phận pháp luật sau: (i) Bảo hiểm xã hội; (ii) Bảo hiểm y tế; (iii) Bảo hiểm thất nghiệp; (iv) Trợ giúp xã hội; (v) Ưu đãi xã hội. Mỗi bộ phận pháp luật này có đối tượng điều chỉnh, nội dung, vai trò và thực hiện theo những nguyên tắc khác nhau. Trong đó, pháp luật ưu đãi xã hội là nét đặc thù riêng có của hệ thống pháp luật ASXH tại Việt Nam. Nó ra đời xuất phát từ truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, thể hiện tinh thần “đền ơn đáp nghĩa” đối với những cá nhân đã hy sinh hoặc bị thương tật do tham gia vào các cuộc kháng chiến để giành độc lập dân tộc hoặc có công trong thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc chủ nghĩa xã hội.
- Pháp luật về bảo hiểm xã hội bao gồm: (i) Bảo hiểm xã hội bắt buộc (gồm ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tử tuất; hưu trí); (ii) Bảo hiểm xã hội tự nguyện (gồm hưu trí và tử tuất). Người lao động, cá nhân (tự mình hoặc cùng với người sử dụng lao động) tham gia đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, nghĩa là áp dụng nguyên tắc có đóng - có hưởng.
- Pháp luật về bảo hiểm y tế: Để được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh với mức chi trả thấp (thậm chí là không phải trả chi phí), người dân phải tham gia mua bảo hiểm y tế (trừ một số trường hợp cá nhân không phải thanh toán chi phí khám chữa bệnh thông thường do được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế như: Trẻ em dưới 06 tuổi, người có công cách mạng, cựu chiến binh...).
- Đối với bảo hiểm thất nghiệp: Để được chia sẻ rủi ro và nhận được sự hỗ trợ khi bị thất nghiệp thì người lao động phải tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định pháp luật trên cơ sở tiền lương, tiền công của họ. Những lợi ích mà người lao động có thể được hưởng khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp như: Trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm…
Nếu như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp áp dụng chủ yếu theo nguyên tắc có đóng - có hưởng, thì trợ giúp xã hội và ưu đãi xã hội có đối tượng được áp dụng chủ yếu là những người có hoàn cảnh khó khăn như trẻ em không nơi nương tựa, người nghèo, người cao tuổi… hoặc gia đình liệt sĩ, chính sách, thương binh, mẹ Việt Nam anh hùng… Họ là những người cần được xã hội hỗ trợ, giúp đỡ để khắc phục hoàn cảnh khó khăn, sớm hòa nhập vào trong cuộc sống.
Như vậy, với hệ thống các quy định pháp luật về ASXH, thì nội hàm của quyền hưởng ASXH được hiểu theo nghĩa rộng với quyền được hưởng các chế độ như chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, quyền khám chữa bệnh; quyền được tham gia chế độ hưu trí và nhận lương hưu khi hết độ tuổi lao động hay khi không còn khả năng lao động; quyền được hưởng chế độ thai sản; quyền được nhận hỗ trợ, ưu đãi từ Nhà nước, xã hội khi rơi vào những hoàn cảnh nhất định… Quyền hưởng ASXH vừa là quyền con người, vừa là quyền công dân của mọi công dân Việt Nam.
2. Thực tiễn thực hiện pháp luật về an sinh xã hội ở nước ta
Trên thực tiễn, hệ thống pháp luật được Nhà nước ban hành đã tạo điều kiện cho người lao động thực hiện các quyền công dân nói chung, quyền hưởng ASXH nói riêng với sự hỗ trợ, phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức hữu quan. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tăng lên. Năm 2006, cả nước chỉ có 6,7 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội thì năm 2013 con số này là 63 triệu người. Năm 2016, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đạt 76,1 triệu người, tăng 5,9 triệu người so với năm 2015. Đối với bảo hiểm y tế, năm 2005 có 23 triệu người tham gia chiếm 28,77% tổng dân số, thì năm 2009, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng 58,2% với hơn 50 triệu người tham gia[3]. Tỷ lệ này tiếp tục tăng vào năm 2012 có 59.164 triệu người tham gia bảo hiểm y tế chiếm 66,8% tổng dân số[4]; tính đến hết năm 2015, có hơn 71 triệu người tham gia bảo hiểm y tế trên cả nước chiếm 77% dân số nước ta[5]. Các thông số trên cho thấy, công tác đảm bảo ASXH ở nước ta đạt được nhiều kết quả khả quan, người dân có ý thức hơn về quyền lợi của mình khi tham gia các chế độ bảo hiểm xã hội. Nguồn thu của các quỹ tương ứng cũng tăng cao qua các năm, góp phần giải quyết các chế độ cho người lao động và các đối tượng có liên quan cũng như tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển.
Bên cạnh đó, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nghèo cũng nhận được sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước ta. Theo đó, nhiều chính sách, chương trình được ban hành và áp dụng vào thực tiễn nhằm giảm tỉ lệ hộ nghèo ở nước ta như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 (Chương trình 135), Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo trong giai đoạn 2009 - 2020 (Chương trình 30a)... Sau một thời gian nỗ lực thực hiện, công tác giảm nghèo ở nước ta đạt được kết quả ấn tượng với tỷ lệ nghèo chính thức ở Việt Nam đã giảm từ 30% (năm 1993) xuống còn 22% (năm 2005), tiếp tục giảm còn 14,2% (năm 2010) xuống còn 9,6% (năm 2012)[6] và giảm còn dưới 5% (năm 2015)[7].
Hoạt động trợ giúp xã hội cũng nhận được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, năm 2015 đã giải quyết trợ cấp xã hội hàng tháng cho trên 2.643 triệu đối tượng là người cao tuổi không có lương hưu, người cao tuổi cô đơn thuộc hộ nghèo, người khuyết tật nặng, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa… Kinh phí chi trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ chi phí mai táng, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng liên quan khoảng 13 nghìn tỷ đồng/năm[8]. Ngoài ra, hoạt động cứu trợ cho người dân chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, hỏa hoạn được các địa phương thực hiện kịp thời. Từng bước phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội với khoảng hơn 400 cơ sở được sử dụng để chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật... Các hoạt động từ thiện, hoạt động cộng đồng được thực hiện linh hoạt, nhận được sự quan tâm rộng rãi của người dân và toàn xã hội.
Tuy nhiên, từ thực tiễn thực hiện pháp luật ASXH cho thấy còn nhiều bất cập và hiện tượng tiêu cực phát sinh làm ảnh hưởng đến quyền hưởng ASXH của người dân, cụ thể:
Một là, việc già hóa dân số đang diễn ra và có những tác động đến nền kinh tế - xã hội, quỹ bảo hiểm xã hội ở nước ta, thể hiện rõ nét là tác động đến sự an toàn của hệ thống hưu trí. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tỉ lệ người đóng bảo hiểm trên số người hưởng lương hưu đang có xu hướng giảm mạnh trong những năm gần đây. Cụ thể, từ 34 người đóng bảo hiểm cho 01 người hưởng lương hưu vào năm 2000 thì đến năm 2010, có 10,7 người đóng cho 01 người hưởng. Bên cạnh việc tăng tuổi thọ trung bình của người dân thì tỷ lệ người cao tuổi được chi trả lương hưu và thời gian chi trả lương hưu cũng đang tăng dần, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung, sự bền vững của hệ thống tài chính hưu trí nói riêng. Thêm nữa, việc sử dụng, quản lý và bảo toàn quỹ bảo hiểm xã hội ở nước ta có sự bất ổn với nhiều nguyên nhân: Việc sử dụng, đầu tư quỹ chưa đem lại hiệu quả, cho vay mà không có khả năng thu hồi nợ, chi phí quản lý hệ thống ngày một tăng[9]… Sự thất thoát quỹ bảo hiểm xã hội (trong đó chủ yếu là quỹ hưu trí và tử tuất) có tác động nhất định đến việc giải quyết chế độ, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, đặc biệt là những người đang tham gia đóng bảo hiểm.
Hai là, hiện nay, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp. Nếu trong năm đầu tiên thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện (năm 2008) có 6.110 người tham gia chiếm 0,01% lực lượng lao động, thì đến năm 2016, con số này tăng lên là 203.560 người chiếm tỷ lệ 0,3%[10]. Mặc dù có sự gia tăng về số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ở các năm, nhưng tỷ lệ tham gia vẫn còn quá thấp so với lực lượng lao động, đặc biệt là ở khu vực lao động phi chính thức. Đó là chưa kể đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chủ yếu là những người đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng chưa đủ điều kiện để được hưởng lương hưu hàng tháng nên phải tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để đủ điều kiện được chi trả lương hưu hàng tháng.
Ba là, bộ phận nòng cốt, trung tâm của hệ thống ASXH ở nước ta chính là hệ thống bảo hiểm xã hội - thực hiện theo nguyên tắc có đóng, có hưởng. Cụ thể, để được hưởng các quyền lợi về ốm đau, hưu trí, thai sản..., thì người dân phải tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Theo đó, nhiều người lao động nhận thức được bản chất, tính nhân văn của hệ thống bảo hiểm xã hội nên họ tham gia đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ thông qua đơn vị sử dụng lao động của mình. Tuy nhiên, thực tế có nhiều doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động hay chậm đóng để lạm dụng tiền đóng bảo hiểm của người lao động hoặc nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội… Cụ thể, năm 2007, tổng nợ bảo hiểm xã hội bắt buộc là 1.733,9 tỷ đồng, đến năm 2010, tổng nợ là 2.472 tỷ đồng nợ bảo hiểm xã hội và năm 2013, tổng nợ bảo hiểm xã hội bắt buộc là 4.752 tỷ đồng[11]. Tình trạng nợ tiền, chậm đóng và trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước với tỷ lệ cao như: Hà Nội, Sơn La, Thanh Hóa, TP. Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Bạc Liêu, Thừa Thiên - Huế…
Bốn là, việc thực hiện pháp luật ưu đãi xã hội còn tồn tại nhiều hiện tượng tiêu cực, gây nên bức xúc trong dư luận xã hội. Chẳng hạn, theo báo cáo thanh tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có 1.800 hồ sơ trong tổng số 60.000 hồ sơ thanh tra tại 19 tỉnh, thành phố không đủ điều kiện để được hưởng chính sách ưu đãi[12]. Theo đó, các đối tượng vi phạm thực hiện hành vi làm giả hồ sơ để được hưởng chính sách ưu đãi nhiều nhất là thương binh, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Những hành vi vi phạm pháp luật nêu trên không chỉ làm thất thoát hàng tỷ đồng của ngân sách nhà nước mà quan trọng hơn là gây bức xúc, tác động đến tâm lý của người dân trong hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” vốn dĩ là truyền thống cao quý, tốt đẹp của Nhà nước ta.
3. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật an sinh xã hội ở nước ta
Từ thực tiễn thực hiện pháp luật an sinh xã hội, cho thấy, cần thiết phải có những giải pháp tích cực để hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về ASXH ở nước ta, cụ thể:
Thứ nhất, cần thiết phải có sự điều chỉnh về quyền lợi được hưởng nhằm tăng sức hấp dẫn, thu hút sự tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của người dân, người lao động. Chẳng hạn, nên bổ sung chế độ ốm đau cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để tăng sức hấp dẫn đối với người tham gia hoặc bổ sung chế độ thai sản để tăng sức hấp dẫn đối với lao động nữ. Việc điều chỉnh bổ sung quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện này còn góp phần tạo sự công bằng, bình đẳng cho người tham gia giữa hai chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Thứ hai, vấn đề cân đối, sử dụng, quản lý, bảo toàn, phát triển quỹ bảo hiểm xã hội có ảnh hưởng rất lớn đến việc chi trả quyền lợi cho người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện (bộ phận nòng cốt của bảo hiểm xã hội). Bởi lẽ, nếu quỹ bảo hiểm xã hội (chủ yếu là quỹ hưu trí và tử tuất) không được đảm bảo cân đối thu chi sẽ là gánh nặng cho ngân sách nhà nước và sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội. Vì vậy, một trong những giải pháp nhằm góp phần đảm bảo quỹ bảo hiểm xã hội được duy trì, phát triển là tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. Cụ thể, cần thiết phải điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cho cả nam và nữ. Tuy nhiên, cũng cần quan tâm, xem xét đến lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cho phù hợp, tránh trường hợp tăng đột ngột sẽ có tác động đến tâm lý người tham gia. Trên tinh thần đó, chúng tôi đồng ý với phương án 2 về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu[13]. Cụ thể, tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường là nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi nhưng cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ 60 tuổi. Đối với người lao động làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại thì tuổi nghỉ hưu có thể thấp hơn so với độ tuổi quy định áp dụng ở điều kiện lao động bình thường.
Thứ ba, xuất phát từ thực trạng có nhiều doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trốn đóng, chậm đóng, nợ tiền bảo hiểm xã hội như hiện nay, cơ quan hữu quan cần thiết phải ban hành những chế tài nghiêm khắc đối với những hành vi nêu trên. Cùng với các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội thất nghiệp như: Nghị định số 93/2013/NĐ-CP, Nghị định số 88/2015/NĐ-CP, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)[14], thì việc xử lý đối với các chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật trong việc chậm đóng, nợ bảo hiểm xã hội bắt buộc đã có phần “mạnh tay”, mang tính răn đe hơn so với quy định trước đây theo hướng xử lý hình sự đối với chủ doanh nghiệp vi phạm. Tuy nhiên, tình trạng chây ỳ, nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội vẫn còn xảy ra. Do đó, bên cạnh việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý vi phạm hành chính, các cơ quan hữu quan cần phối hợp để xem xét xử lý hình sự đối với chủ thể vi phạm. Khi tiến hành xử lý hình sự đối với pháp nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu, thành viên hoặc có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật, cần thận trọng trong việc điều tra, xét xử để đảm bảo xử đúng người, đúng tội. Bên cạnh đó, cũng cần có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với hành vi làm giả hồ sơ, giấy tờ để được hưởng các chế độ ưu đãi xã hội nhằm bảo vệ lợi ích của người xứng đáng được hưởng, củng cố niềm tin cho nhân dân, xã hội về một chính sách, chế độ tốt đẹp, đặc thù ở nước ta. Ngoài ra, cần phải tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân về quyền lợi được hưởng về lâu dài (được hưởng lương hưu trong chế độ hưu trí) của họ khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đặc biệt là trong điều kiện tuổi thọ trung bình càng tăng như hiện nay.
Tóm lại, quyền hưởng ASXH không chỉ được thừa nhận trong hệ thống pháp luật Việt Nam mà còn được pháp luật ở nhiều quốc gia và pháp luật quốc tế thừa nhận. Vì vậy, Nhà nước cần phải tôn trọng, bảo vệ và có cơ chế bảo đảm để người dân thực hiện quyền của mình, trong đó, việc hoàn thiện pháp luật ASXH sẽ góp phần nâng cao chất lượng, tạo điều kiện, động lực để người dân thực hiện tốt quyền hưởng ASXH trong cuộc sống.
Đại học Tài chính - Kế toán
[1]. Patricia Justino (2005), “Beyond HEPR: A Framework for an intergrated national system of social security in Vietnam”, UNDP Vietnam policy dialogue paper 2005/1, Hà Nội, tr. 13.
[2]. Xem Điều 59 Hiến pháp năm 2013.
[3]. Bộ Y tế, “Báo cáo kết quả nghiên cứu khả năng thực hiện bảo hiểm tế toàn dân”, Hà Nội.
[4]. Duyên Duyên, “66,8% dân số Việt Nam tham gia bảo hiểm y tế”, http://baodatviet.vn/doi-song/668-dan-so-viet-nam-tham-gia-bao-hiem-y-te-2348392 (truy cập ngày 22/9/2017).
[5]. Anh Chi, “Khoảng 77% dân số tham gia bảo hiểm y tế”, http://www.nhandan.com.vn/xahoi/bhxh-va-cuoc-song/item/28557902-khoang-77-dan-so-tham-gia-bao-hiem-y-te.html (truy cập ngày 22/9/2017).
[6]. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội (2015), “Báo cáo tổng quan các kết quả nghiên cứu về giảm nghèo ở Việt Nam”, Hà Nội, tr. 19.
[7]. Trang Thông tin điện tử của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, “Cả nước vẫn còn hơn 2,3 triệu hộ nghèo”, http://www.molisa.gov.vn/vi/Pages/chitiettin.aspx?IDNews=24957 (truy cập ngày 18/9/2017).
[8]. Nguyễn Trọng Đàm, “Thực trạng thực hiện chính sách trợ giúp xã hội và giải pháp đổi mới giai đoạn tới”, http://www.molisa.gov.vn/vi/Pages/chitiettin.aspx?IDNews=24255 (truy cập ngày 18/9/2017).
[9]. Đỗ Quang Hải và Phạm Thị Thi (2016), “Một số vấn đề về việc hình thành, sử dụng và phát triển quỹ bảo hiểm xã hội theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 6(338), tr. 64-69.
[10]. Thảo Miên, “Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện - Vì sao người dân chưa mặn mà”, http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/tien-te-bao-hiem/2017-04-05/tham-gia-bhxh-tu-nguyen-vi-sao-nguoi-dan-chua-man-ma-42187.aspx (truy cập ngày 30/9/2017).
[11]. Báo cáo số 833/BC-BHXH, ngày 14/3/2014 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
[12]. Báo Nhân dân điện tử, “Ngăn chặn hành vi trục lợi chính sách ưu đãi người có công”, http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/item/32753802-ngan-chan-truc-loi-chinh-sach-voi-nguoi-co-cong.html (truy cập ngày 18/9/2017).
[13]. Xem Điều 187, Dự thảo (lần thứ nhất) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động, http://www.molisa.gov.vn/vi/Pages/DanhSachGopYDuThaoVanBan.aspx?iDuThao=889.
[14]. Xem Điều 126 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).