Abstract: The Constitution of 2013 states: "Everyone has the right to enjoy and access cultural values participate in cultural life and make use of cultural facilities"(Article 41). Thus, enjoyment of cultural values is an important content of cultural rights. To better understand the constitutional right to enjoy cultural values, it is possible to outline the contents of the rights based on the provisions of the relevant legal instruments.
Trong pháp luật Việt Nam, quyền thưởng thức các giá trị văn hóa trong văn học, nghệ thuật, di sản văn hóa được quy định trong các văn bản pháp luật với các hình thức khác nhau như tham quan, nghiên cứu di sản văn hóa. Luật Di sản văn hóa quy định tổ chức, cá nhân có quyền tham quan, nghiên cứu di sản văn hóa; tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp di sản văn hóa có nghĩa vụ tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham quan, du lịch, nghiên cứu di sản văn hóa. Thông qua tham quan, nghiên cứu, giá trị và ý nghĩa của di sản văn hóa mới được lan tỏa. Bên cạnh đó, công dân còn được nghe, đọc, xem các tác phẩm văn học, nghệ thuật, các lễ hội thuyền thống. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin...”. Đây là căn cứ pháp lý rất quan trọng để công dân thực hiện quyền thưởng thức các giá trị văn hóa trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Các văn bản pháp luật chủ yếu quy định dưới góc độ các chủ thể có liên quan phải tạo mọi điều kiện tốt nhất để người dân có thể thực hiện được việc nghe, đọc, xem các tác phẩm văn học, nghệ thuật, các lễ hội thuyền thống.
Để các hoạt động nghệ thuật, đặc biệt là các hoạt động nghệ thuật có chất lượng cao đi vào cuộc sống, Nhà nước đã ban hành các chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu theo quy định của pháp luật; đầu tư cho việc sưu tầm, nghiên cứu, giữ gìn, phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa nghệ thuật thế giới; tài trợ biểu diễn nghệ thuật phục vụ tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; tài trợ, đặt hàng sáng tác, dàn dựng và biểu diễn tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao, tác phẩm nghệ thuật phục vụ thiếu niên, nhi đồng; đào tạo, bồi dưỡng tài năng nghệ thuật trẻ. Đối với nhân dân ở các xã đặc biệt khó khăn ở miền núi và vùng sâu, vùng xa được quy định trong Chương trình 135 của Chính phủ, trong một năm được xem miễn phí chiếu phim nhựa hoặc băng hình 04 lần và biểu diễn nghệ thuật 02 lần, xem miễn phí đội thông tin lưu động biểu diễn 04 lần và triển lãm do tỉnh, thành phố tổ chức lưu động 02 lần. Người tàn tật, người già cô đơn được mời xem phim nhựa hoặc băng hình, xem biểu diễn nghệ thuật 04 lần/năm, được giảm 50% giá vé hiện hành trong trường hợp tổ chức tập thể xem phim hoặc băng hình, xem biểu diễn nghệ thuật, tham quan bảo tàng, di tích do cơ quan nhà nước hoặc tổ chức xã hội thực hiện trên địa bàn; được tham quan bảo tàng di tích, công trình văn hóa, triển lãm hoặc triển lãm lưu động theo hình thức tập thể 02 lần/năm…
2. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Điều 18 Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền quy định: “Ai cũng có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo; quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng và quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng qua sự giảng dạy, hành đạo, thờ phụng và nghi lễ, hoặc riêng mình hoặc với người khác, tại nơi công cộng hay tại nhà riêng”. Ở Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 coi quyền tự do tín ngưỡng là một nhu cầu và là một quyền tất yếu của người dân cần phải được tôn trọng, bảo vệ và tạo điều kiện để họ thực hiện tốt nhất quyền đó. Điều 3 Luật Tín ngưỡng tôn giáo quy định: Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của Nhân dân; Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo. Đây là những sự đảm bảo rất quan trọng để người dân có thể thực hiện được quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa có trong tôn giáo, tín ngưỡng. Bên cạnh đó, Điều 5 Luật này cũng quy định nghiêm cấm các hành vi như: Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo...
3. Quyền sử dụng ngôn ngữ
Điều 42 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp”. Đây là một quyền hiến định mới xuất hiện trong Hiến pháp năm 2013. Ngôn ngữ có vai trò quan trọng trong việc thể hiện và lưu giữ các giá trị văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà ngôn ngữ của nhiều dân tộc, đặc biệt là các dân tộc thiểu số đang có nguy cơ bị mai một. Bên cạnh đó, nhu cầu hội nhập cũng yêu cầu mỗi người phải sử dụng nhiều ngôn ngữ để mở rộng giao lưu, hợp tác. Vì vậy, việc khẳng định quyền sử dụng ngôn ngữ bao gồm quyền sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp có ý nghĩa rất lớn. Ngôn ngữ chính là một giá trị văn hóa được kết tinh trong giao tiếp từ ngàn đời của các dân tộc và là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa khác. Hiến pháp khẳng định quyền sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo tồn tiếng nói và chữ viết của các dân tộc thiểu số, đặc biệt trong thời đại mở rộng sự giao lưu, hội nhập giữa các dân tộc hiện nay.
4. Quyền thực hành lối sống văn hóa
Lối sống là các chiều cạnh chủ quan của văn hóa, là quá trình hiện thực hóa các giá trị văn hóa thông qua hoạt động sống của con người. Xây dựng đời sống văn hóa nói chung, lối sống văn hóa nói riêng là một nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi phải có quyết tâm cao của toàn xã hội và của từng cá nhân. Đời sống văn hóa là môi trường thuận lợi để mọi người thực hành lối sống văn hóa. Thực hành lối sống văn hóa ở đây được hiểu ở cả nghĩa thực hiện những thói quen hành xử đẹp vốn có và tiếp cận những lối sống đẹp, tích cực từ người khác, nơi khác. Tuy nhiên, cho đến nay rất ít các quy định pháp luật đề cập đến việc bảo đảm quyền thực hành lối sống văn hóa. Mặc dù Luật Di sản văn hóa có quy định Nhà nước và xã hội bảo vệ, phát huy những thuần phong mỹ tục trong lối sống, nếp sống của dân tộc; bài trừ những hủ tục có hại đến đời sống văn hóa của nhân dân, song các quy định này cũng chỉ mới đề cập đến phạm vi lối sống mang tính truyền thống, còn về lối sống mới, hiện đại, hội nhập thì chưa có văn bản pháp luật nào điều chỉnh.
5. Quyền áp dụng phong tục tập quán
Phong tục tập quán là những cách thức ứng xử của con người đối với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội của mình. Nó được đúc rút và hình thành trong tiến trình lịch sử, được cộng đồng thừa nhận, tuân thủ và truyền trao cho các thế hệ kế tiếp. Cách ứng xử này chính là những hoạt động sống đã trở thành thói quen của con người, được hình thành trong quá trình lịch sử và ổn định thành nề nếp, được cộng đồng thừa nhận, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cùng với sự phát triển của xã hội và sự chọn lọc của thời gian, hiện nay, xã hội vẫn còn tồn tại nhiều phong tục tập quán tốt đẹp, là công cụ quan trọng để điều chỉnh những mối quan hệ cụ thể xảy ra trong cộng đồng.
Điều 7 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình: “Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc, không trái với nguyên tắc quy định tại Điều 2 và không vi phạm điều cấm của Luật này được áp dụng…”. Luật chỉ thừa nhận những tập quán tốt đẹp nhưng không vi phạm pháp luật, những tập quán lỗi thời, lạc hậu sẽ bị hủy bỏ, đồng thời, cũng làm rõ điều kiện để tập quán được áp dụng, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, giải quyết vụ việc hôn nhân và gia đình có áp dụng tập quán, tuyên truyền, vận động nhân dân về áp dụng tập quán…
6. Quyền tiếp cận và hưởng thụ các tri thức dân gian
Đối với các tri thức dân gian, Điều 24 Luật Di sản văn hóa quy định: Nhà nước có chính sách khuyến khích việc duy trì, phục hồi và phát triển các nghề thủ công truyền thống có giá trị tiêu biểu; nghiên cứu và ứng dụng những tri thức về y, dược học cổ truyền; duy trì và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực, giá trị về trang phục truyền thống dân tộc và các tri thức dân gian khác.
Nhà nước khuyến khích duy trì, phục hồi và phát triển nghề thủ công truyền thống thông qua các biện pháp như: Điều tra, phân loại các nghề thủ công truyền thống trong phạm vi cả nước; hỗ trợ việc duy trì và phục hồi các nghề thủ công truyền thống có giá trị tiêu biểu hoặc có nguy cơ bị mai một, thất truyền; tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác và sử dụng vật liệu truyền thống; có chính sách khuyến khích và hỗ trợ việc sử dụng các phương pháp, kỹ thuật thủ công truyền thống; đẩy mạnh việc quảng bá sản phẩm thủ công truyền thống ở thị trường trong nước và nước ngoài bằng nhiều hình thức; có chính sách ưu đãi về thuế đối với các hoạt động duy trì, phục hồi và phát triển nghề thủ công truyền thống có giá trị tiêu biểu theo quy định của pháp luật về thuế. Tuy nhiên, đối với y, dược học cổ truyền và các tri thức dân gian khác, hiện nay vẫn chưa có quy định và văn bản pháp luật nào cụ thể hóa, vì vậy, những tri thức này có nguy cơ bị mai một rất nhanh và khó phục hồi.
Có thể nói, quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa đã được hiến định trong Hiến pháp năm 2013 và thực tế đã có nhiều văn bản pháp luật cụ thể hóa các quy định này. Tuy nhiên, các nội dung của quyền này cần được quy định cụ thể hơn, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực thi, nhằm đảm bảo tốt hơn các quyền con người ở Việt Nam.
Khoa Luật, Đại học Vinh