Vậy quyền lợi của các bên chung sống như vợ chồng, nhưng không có đăng ký kết hôn mà xin ly hôn sẽ được giải quyết như thế nào? Bài viết đã đề cập đến vấn đề này qua hai trường hợp cụ thể, đó là: (i) Quyền lợi của các bên trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà được pháp luật công nhận; (ii) Quyền lợi của các bên trong trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không được pháp luật thừa nhận.
Thực tế hiện nay, tình trạng nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn đang diễn ra ở nước ta ngày càng phổ biến và có xu hướng phát triển phức tạp cả về số lượng cũng như về tính chất của quan hệ. Bởi lẽ, việc chung sống như vợ chồng có nhiều biểu hiện đa dạng với những chủ thể không đơn thuần như trước đây chỉ là giữa nam và nữ, mà còn diễn ra giữa những người cùng giới tính, những người chuyển giới…
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã đưa ra định nghĩa: “Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng”1.
1. Quyền lợi của các bên trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà được pháp luật công nhận
Tại khoản 3 Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình đã quy định việc áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 11 của Luật này: Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03/01/1987, ngày Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Tòa án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.
Cho đến nay, khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có hiệu lực thi hành, trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 thì vẫn được pháp luật thừa nhận quan hệ hôn nhân. Theo đó, quyền lợi của người phụ nữ sẽ được bảo vệ như người vợ trong trường hợp nam, nữ có đăng ký kết hôn. Nếu người vợ đang có thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì người chồng không được quyền yêu cầu ly hôn, hay nói cách khác người chồng bị hạn chế quyền yêu cầu ly hôn2. Đây là một nguyên tắc thể hiện sâu sắc tính nhân văn và tiến bộ trong tư tưởng cũng như bản chất nội dung pháp luật nước ta nói chung và pháp luật về hôn nhân gia đình nói riêng. Quyền lợi của trẻ em và phụ nữ - những người yếu thế - được pháp luật tôn trọng, đề cao và bảo vệ chặt chẽ. Quy định này được đặt ra nhằm bảo vệ bà mẹ và trẻ em, cũng như bảo vệ phụ nữ có thai và thai nhi. Bởi cần phải xác định rằng, trong quan hệ vợ chồng, việc sinh đẻ không phải đơn thuần là việc riêng của người vợ, đó là việc chung, là trách nhiệm chung của cả hai vợ chồng. Mặt khác, sinh đẻ là chức năng xã hội của gia đình. Vì vậy, phải thấy được trách nhiệm chung đó để giải quyết vấn đề ly hôn cho thỏa đáng, hợp lý, hợp tình nhằm bảo đảm quyền lợi của phụ nữ và của con cái, bảo vệ lợi ích của gia đình và xã hội.
Bên cạnh đó, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 còn ghi nhận quyền lưu cư của vợ hoặc chồng khi ly hôn khi họ “có khó khăn về chỗ ở thì được quyền lưu cư trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”3. Tuy nhiên, Luật này chưa đưa ra được quy định như thế nào được hiểu là có “khó khăn về chỗ ở”, bởi sẽ tránh được trường hợp một bên lạm dụng để gây trở ngại, bất tiện, khó xử đối với người kia.
Về quyền nhân thân: Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật4. Quyền nhân thân gắn liền với mỗi cá nhân và vẫn được giữ nguyên giá trị khi cá nhân đó kết hôn. Vì vậy, với tư cách là công dân, vợ, chồng có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của một công dân. Bên cạnh đó, vợ, chồng còn có các quyền và nghĩa vụ với nhau, với gia đình, xã hội. Quyền lợi về nhân thân của vợ, chồng mang yếu tố tình cảm, là lợi ích tinh thần giữa vợ và chồng, gắn liền với bản thân vợ, chồng trong suốt thời kỳ hôn nhân. Nhưng khi hôn nhân chấm dứt thì đồng thời chấm dứt quyền nhân thân giữa vợ và chồng với nhau, tức họ hoàn toàn có thể xác lập quan hệ hôn nhân với người khác.
Về tài sản: Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có ghi nhận chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận, đây là quy định rất mới so với các đạo luật trước đó. Vì vậy, khi ly hôn, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng công nhận sự thỏa thuận về tài sản của vợ chồng khi ly hôn. Theo đó, việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó, nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng các điều khoản quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 20145. Quy định trên đã tôn trọng quyền tự định đoạt về tài sản của vợ chồng, đặc biệt đối với người phụ nữ, họ được pháp luật bảo đảm rất chặt chẽ về quyền của mình.
Trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định, pháp luật vẫn công nhận việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì Tòa án mới giải quyết theo quy định của điều luật.
- Về tài sản riêng: Theo nguyên tắc, tài sản riêng của ai sẽ thuộc quyền sở hữu của người đó, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 chưa có quy định rõ về chia tài sản riêng của vợ, chồng khi vợ, chồng ly hôn. Nhưng Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định: “Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.
Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác”6.
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có quy định “đồ dùng, tư trang cá nhân” là tài sản riêng của vợ, chồng7. Hiện nay, chưa có văn bản nào quy định rõ “đồ dùng, tư trang cá nhân” là gì và giá trị của nó như thế nào. Vì vậy, đồ dùng, tư trang cá nhân thường được hiểu là những tài sản phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của con người (quần áo, giày dép…) và các tài sản phục vụ cho nhu cầu lao động, nghề nghiệp (máy móc, đồ nghề…) hay các tài sản khác mang tính chất kỉ niệm (đồ trang sức, vàng, bạc, đá quý…). Những tài sản này có thể có nguồn gốc phát sinh từ tài sản chung hoặc tài sản riêng của vợ, chồng; trong nhiều trường hợp cũng cần xem xét nguồn gốc và giá trị của tài sản đó so với khối tài sản chung và mức thu nhập thực tế của mỗi người. Điều này xuất phát từ truyền thống và thói quen của người Việt Nam thường hay tặng cho con cái những trang sức đắt tiền làm quà tặng khi con kết hôn hoặc vợ chồng khi ăn nên làm ra thường dùng tài sản chung để mua sắm những đồ nữ trang bằng vàng, bạc để tích lũy. Trên thực tế, đồ dùng, tư trang cá nhân này thường “gắn” với người phụ nữ nhiều hơn do đặc điểm sở thích mua sắm và trưng diện. Nhưng khi xảy sinh tranh chấp, việc giải quyết số “vốn liếng” này rất phức tạp, nếu dựa trên nguyên tắc suy đoán tại khoản 3 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì có thể coi đó là tài sản chung vợ chồng, nếu ai muốn xác định đó là tài sản riêng của mình thì có nghĩa vụ phải chứng minh. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 chưa giải quyết được vướng mắc trên, nên việc giải quyết tranh chấp về tài sản này trên thực tế sẽ vẫn còn tồn tại khó khăn, đặc biệt khi “đồ dùng, tư trang cá nhân” có giá trị lớn.
- Về tài sản chung: Theo nguyên tắc, tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính tới:
+ Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
+ Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
+ Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
+ Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng8.
Về nội dung nguyên tắc chia tài sản, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 kế thừa nội dung Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Bên cạnh đó, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định rất rõ tại khoản 5 Điều 59: “Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”. Quy định này mang tính kế thừa và phù hợp với nguyên tắc xuyên suốt của Luật Hôn nhân và gia đình về bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em; mang tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với đạo đức xã hội đối với phụ nữ và trẻ em - đối tượng được coi là thế yếu trong xã hội.
Khác với Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã ghi nhận việc chia tài sản chung có tính đến yếu tố lỗi mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng. Lỗi của vợ, chồng có thể kể đến như không chăm lo làm ăn, cố tình tẩu tán tài sản, cờ bạc, rượu chè, có hành vi ngoại tình, đánh đập vợ (chồng) thường xuyên… Tòa án sẽ xem xét khi phân chia tài sản chung theo hướng người nào có lỗi, lỗi nhiều hơn sẽ nhận được tài sản ít hơn. Quy định này đã chặt chẽ hơn, phù hợp với đời sống thực tế, tạo điều kiện cho Tòa án giải quyết được nhanh và hợp với ý chí của các đương sự, tránh sự xét xử tùy tiện của Tòa án.
2. Quyền lợi của các bên khi nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không được pháp luật thừa nhận
Trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng không được pháp luật thừa nhận hay có thể hiểu nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không có giá trị pháp lý, bao gồm các trường hợp cụ thể sau:
- Nam, nữ đủ điều kiện đăng ký kết hôn nhưng không đăng ký kết hôn
Trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng, dù hai bên có đủ điều kiện kết hôn (Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về các điều kiện kết hôn), nhưng xuất phát từ một vài lý do mà các bên không tiến hành kết hôn, như ở các tỉnh miền núi, do phong tục tập quán, kết hôn chỉ cần sự chứng kiến của già làng nên việc đăng ký kết hôn chưa được người dân quan tâm hoặc với nhiều đôi nam, nữ sống không muốn ràng buộc mà chỉ cần “góp gạo thổi cơm chung” không cần đăng ký kết hôn.
- Nam, nữ không đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật
Nam và nữ không đủ điều kiện đăng ký kết hôn nhưng chung sống với nhau như vợ chồng (kể từ ngày 03/01/1987 trở về sau) mà không đăng ký kết hôn. Trường hợp này có nghĩa là một trong hai bên hay cả hai bên nam và nữ không đủ điều kiện kết hôn, nên họ không thể đăng ký kết hôn nhưng vẫn chung sống với nhau như vợ chồng. Ví dụ, trường hợp hai bên nam và nữ đều đủ 16 tuổi, có tài sản riêng, chung sống với nhau như vợ chồng, thậm chí có quan hệ tình dục với nhau một cách tự nguyện thì hành vi chung sống này cũng không bị xem là vi phạm pháp luật.
- Chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính
Về nguyên tắc, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”9, tuy nhiên, trên thực tế, pháp luật không cấm những người cùng giới tính được chung sống với nhau. Do đó, việc những người cùng giới tính chung sống với nhau như vợ chồng không bị xem là vi phạm pháp luật.
Những hành vi chung sống như vợ chồng của hai bên hoàn toàn không vi phạm pháp luật. Về hình thức, nam, nữ chung sống như vợ chồng không có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn do cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn cấp. Ðiều đó có nghĩa là giữa họ trong quan hệ hôn nhân không có chứng cứ về mặt pháp lý để khẳng định họ là vợ chồng. Vậy, khi họ xin “ly hôn”, quyền lợi của họ sẽ được bảo đảm như thế nào?
Lần đầu tiên, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định về giải quyết hậu quả pháp lý của việc nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.
Về nhân thân: Giữa họ không phát sinh quan hệ hôn nhân, theo đó, khi nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn, chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì “không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng”10, điều này đúng với cả trường hợp nam, nữ không đủ điều kiện kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng.
Quy định này được nhắc lại một lần nữa thông qua thủ tục tố tụng: “Trong trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng”11. Tức là quyền và nghĩa vụ vợ chồng của họ theo ý nghĩa pháp lý chưa từng phát sinh, nên Tòa án sẽ không tuyên bố quan hệ đó chấm dứt.
Về tài sản: Cần khẳng định rằng, việc ưu tiên giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của các bên nam, nữ đủ điều kiện kết hôn chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn theo thỏa thuận giữa các bên là rất hợp lý. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định cụ thể như sau: “Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan”12.
Thế nhưng, trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 lại không đề cập đến trường hợp thỏa thuận vô hiệu, trong khi trường hợp giữa các bên không có thỏa thuận và trường hợp giữa các bên có thỏa thuận nhưng thỏa thuận vô hiệu là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Chẳng hạn, giữa các bên nam, nữ đủ điều kiện kết hôn chung sống như vợ chồng có thỏa thuận với nhau về quan hệ tài sản, nhưng thỏa thuận đó là giả tạo nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì bị xem là thỏa thuận vô hiệu13.
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập”. Quy định như vậy không chỉ bảo đảm tính nhân văn, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con mà sâu xa hơn còn phù hợp với lẽ công bằng, bảo vệ quyền tài sản của các bên liên quan. Thừa nhận công việc nội trợ và các công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được xem như lao động có thu nhập là quy định tiến bộ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phụ nữ trong quá trình chung sống. Tuy nhiên, do tồn tại quy định mang tính tùy nghi “các công việc khác có liên quan” nên nếu không được giải thích rõ ràng và áp dụng thống nhất thì bảo đảm pháp lý này sẽ bị giới hạn trên thực tế.
Việc chung sống giữa những người cùng giới tính là quyền mỗi người với tư cách cá nhân của họ. Nhà nước thông qua pháp luật có quyền không công nhận hôn nhân của họ. Về bản chất thì quan hệ chung sống giữa những người cùng giới tính là sự thỏa thuận của hai bên chung sống, như một quan hệ dân sự. Các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ việc chung sống giữa họ được giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự. Vậy nên, khi có tranh chấp xảy ra giữa họ về tài sản và các quyền, nghĩa vụ thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự để giải quyết thì sẽ hợp lý và phù hợp với thực tế hơn.
Đại học Luật Hà Nội
1. Xem khoản 7 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
2. Xem khoản 3 Điều 54 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
3. Xem Điều 63 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
4. Xem khoản 1 Điều 57 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
5. Xem khoản 1 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
6. Xem khoản 4 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
7. Xem khoản 1 Điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.
8. Xem khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
9. Xem khoản 2 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
10. Xem khoản 1 Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
11. Xem khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
12. Xem khoản 1 Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
13. Điều 129 Bộ luật Dân sự năm 2005 về giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo: Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác thì giao dịch giả tạo vô hiệu, còn giao dịch bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này. Trong trường hợp xác lập giao dịch giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch đó vô hiệu.