Ngày nay, khi công nghệ thông tin phát triển, nhất là sự xuất hiện của mạng xã hội, quyền riêng tư đang ngày càng bị xâm phạm, điều này xuất phát từ việc nhiều thiết bị sử dụng công nghệ hiện đại cùng với truyền thông bị lạm dụng để theo dõi, can thiệp vào cuộc sống của người khác khi không có sự đồng ý của họ, cũng như việc kiểm soát mạng xã hội là cực kỳ khó khăn do đặc thù, có quá nhiều chủ tài khoản và nhiều trường hợp ẩn danh. Khái niệm quyền riêng tư đang ngày càng trở nên khó phân định trong thời kỹ thuật số, khi đặt trong bối cảnh với các quyền tự do khác, tự do báo chí, tự do thông tin, tự do ngôn luận và quyền được bảo vệ sự riêng tư. Mạng xã hội ngày nay đang giúp người dân thực hành quyền dân chủ, biểu lộ thái độ của họ trước các vấn đề xã hội, nhưng hệ thống pháp luật chưa ban hành kịp thời các quy định để bảo vệ sự riêng tư của mỗi cá nhân, vì đây là quyền có tính bao quát cao và có thể được nghiên cứu bởi nhiều cách tiếp cận khác nhau và quyền này liên quan mật thiết đến nhiều vấn đề như quyền bí mật đời tư, quyền tiếp cận thông tin, cơ chế bảo mật thông tin trên internet...
Dịch bệnh Covid-19 vừa qua đã dấy lên sự lo ngại về quyền riêng tư của bệnh nhân và người nghi nhiễm bệnh Covid-19 bị xâm phạm nghiêm trọng. Thậm chí, vấn đề này còn gây xung đột giữa các quan điểm không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia, đặc biệt là khi quyền này bị hạn chế nhằm bảo vệ lợi ích cộng đồng. Bài viết “Quyền riêng tư của bệnh nhân nhiễm bệnh truyền nhiễm trong bối cảnh đại dịch Covid-19” của TS. Thái Thị Tuyết Dung tập trung phân tích về quyền riêng tư của cá nhân, các quy định pháp luật về vấn đề này và thực tiễn hiện nay khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, các quan điểm khác nhau trong việc bảo vệ quyền riêng tư như thế nào, từ đó, đề xuất một số kiến nghị.
Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm 200 trang “Hoàn thiện khung pháp lý trong phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam” của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật năm 2021.