1. Dẫn nhập
Quyền tự do cư trú là một trong các quyền cơ bản và quan trọng trong nội dung về quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định tại Chương II Hiến pháp năm 2013.
Điều 23 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”[1]. Việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế theo quy định của luật. Nội dung, thời gian hạn chế quyền tự do cư trú thực hiện theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án, quyết định của cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền hoặc theo quy định của luật có liên quan[2].
Trong pháp luật Việt Nam hiện hành, quyền cư trú của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013 (tại Điều 23); Bộ luật Dân sự năm 2015 (từ Điều 40 đến Điều 45) và Luật Cư trú năm 2020.
Việc xác định nơi cư trú của cá nhân có ý nghĩa quan trọng về mặt pháp lý cũng như trên thực tiễn. Nơi cư trú là địa điểm chủ yếu mà các cá nhân xác lập, thực hiện các quyền, nghĩa vụ dân sự[3]. Nhà nước thực hiện quản lý công dân theo lãnh thổ (tỉnh, thành phố, huyện, quận, thị xã, xã, phường, thị trấn, thôn, bản, làng…). Các quyền và nghĩa vụ của công dân đối với Nhà nước và ngược lại như quyền bầu cử, thực hiện nghĩa vụ quân sự hay đăng ký khai sinh, khai tử… phát sinh tại nơi cư trú của cá nhân (thường trú hoặc tạm trú). Trong quan hệ xã hội của cá nhân, nơi cư trú là nơi cá nhân thường xuyên thực hiện các hoạt động cá nhân (lao động, học tập, làm việc), xây dựng các mối quan hệ với các cá nhân khác như việc lựa chọn nơi cư trú để giao nhận hàng hóa, thư tín, địa điểm tổ chức hội họp cá nhân[4].
Với tầm quan trọng như trên, Luật Cư trú năm 2020 được Quốc hội ban hành với vai trò là luật chuyên ngành quy định về việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; việc đăng ký, quản lý cư trú; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân, cơ quan, tổ chức về đăng ký, quản lý cư trú[5].
2. Nơi cư trú của cá nhân, của công dân và thủ tục đăng ký tạm trú
Nơi cứ trú của cá nhân được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015[6] khoản 2, 8, 9, 10 Điều 2 Luật Cư trú năm 2020[7].
Xét về phạm vi thì cá nhân bao gồm cả công dân, người nước ngoài và người không quốc tịch cư trú trên lãnh thổ Việt Nam. Mỗi con người từ khi sinh ra đều tồn tại và được định vị tại một không gian, địa điểm nhất định trong xã hội. Để Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước của mình về quản lý công dân, quản lý cư trú theo lãnh thổ thì công dân cần phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về nơi cư trú của mình (đăng ký thường trú hoặc tạm trú). Đây vừa là quyền đồng thời cũng là nghĩa vụ của công dân.
3. Điều kiện, hồ sơ, thủ tục đăng ký tạm trú và vấn đề vướng mắc khi thực hiện thủ tục hành chính về tạm trú
Điều kiện, hồ sơ, thủ tục đăng ký tạm trú hiện hành được quy định tại Điều 27, Điều 28 Luật Cư trú năm 2020[8].
Một vấn đề vướng mắc đặt ra ở đây là, đối với công dân đang có nơi thường trú ở một tỉnh nhưng họ có nhu cầu đăng ký thường trú tại một tỉnh khác để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác thì tại thời điểm họ thực hiện thủ tục đề nghị đăng ký tạm trú họ có nhất định phải đến cư trú thực tế tại địa điểm là chỗ ở hợp pháp mà họ đề nghị cơ quan có thẩm quyền đăng ký tạm trú không hay họ chỉ cần chứng minh họ đã có chỗ ở hợp pháp là đủ điều kiện để cơ quan công an có thẩm quyền thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú. Trên thực tế đã có vụ việc xảy ra như sau[9]:
Gia đình anh M có 04 nhân khẩu gồm, anh M và vợ là chị Đ, 01 người con trai sinh năm 2016 đang học lớp 1 và con gái sinh năm 2019 đang học mẫu giáo. Tất cả đều đăng ký thường trú tại thành phố P, tỉnh G.
Năm 2022, vợ anh M chuyển xuống làm việc và đăng ký tạm trú tại cơ quan làm việc tại Phường H, Quận NHS, thành phố ĐN. Anh M tiếp tục làm việc và chăm sóc 02 con đang đi học tại nơi thường trú.
Đầu năm 2023, anh M dự định chuyển xuống thành phố ĐN sinh sống và làm việc nên gia đình anh M đã liên hệ thuê căn hộ chung cư của chủ sở hữu hợp pháp tại phường H, quận NHS, thành phố ĐN để có chỗ ở hợp pháp đăng ký tạm trú và sau đó anh M thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú cũng như liên hệ chuyển trường cho 02 con xuống học tại địa bàn tạm trú vì phải là người có đăng ký thường trú hoặc tạm trú trường mới tiếp nhận học sinh. Gia đình anh M, chị Đ cũng đã đăng ký chuyển vào nơi ở hợp pháp với Ban quản lý chung cư nơi họ đã thuê căn hộ làm nơi ở hợp pháp.
Sau khi thuê nhà xong, anh M cùng vợ là chị Đ nộp hồ sơ đăng ký tạm trú tại Công an phường H sau đó về lại thành phố P, tỉnh G để tiếp tục làm việc, chăm sóc 02 con đi học. Dự định sau khi đăng ký xong tạm trú và liên hệ chuyển trường cho các con xong thì anh M cùng 02 con sẽ di chuyển xuống cư trú luôn tại địa chỉ đăng ký tạm trú. Hồ sơ đăng ký tạm trú đủ thành phần theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Cư trú năm 2020.
Tuy nhiên, sau đó anh M, chị Đ nhận được Phiếu từ chối tiếp nhận hồ sơ đăng ký tạm trú của Công an phường H (CT07) với lý do: Nhân khẩu từ ngoài tỉnh đến là hồ sơ không đủ điều kiện do công dân không cư trú thực tế tại nơi đề nghị đăng ký tạm trú. Anh M cho rằng, việc Công an phường H từ chối đăng ký tạm trú trong trường hợp này là không đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vì không muốn làm phức tạp thêm vấn đề nên sau đó anh M đã phải xin nghỉ phép, nhờ người chăm sóc và đưa đón con đi học để xuống ở thực tế để làm thủ tục đăng ký tạm trú, sau khi có kết quả giải quyết mới về lại nơi thường trú để làm việc và liên hệ làm thủ tục để chuyển trường cho các con.
Xét theo quy định của Điều 27 Luật Cư trú năm 2020 về điều kiện đăng ký tạm trú thì luật chỉ quy định là “công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú”, luật không quy định là “công dân đang cư trú tại chỗ ở hợp pháp” và chỗ ở hợp pháp trong trường hợp này là điều kiện để được đăng ký tạm trú. Mặt khác, tại khoản 2 Điều 28 về hồ sơ, thủ tục đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú quy định “Người đăng ký tạm trú nộp hồ sơ đăng ký tạm trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình dự kiến tạm trú”.
Như vậy, theo quy định của Luật Cư trú năm 2020 trong trường hợp này phải được hiểu là khi làm thủ tục đăng ký tạm trú chỉ là nơi người đề nghị “dự kiến tạm trú” chứ không phải nơi đang cư trú như trường hợp thường trú tại Điều 22 Luật Cư trú năm 2020. Vì vậy, trong trường hợp trên đây, việc cơ quan Công an phường H, quận NHS, tỉnh ĐN ra thông báo từ chối tiếp nhận giải quyết hồ sơ đăng ký tạm trú với lý do “công dân không không cư trú thực tế tại nơi đề nghị đăng ký tạm trú”, tác giả cho rằng không đúng quy định của pháp luật về cư trú.
Vấn đề này cần sớm cho những hướng dẫn nghiệp vụ chính thức từ phía cơ quan có chức năng thuộc Bộ Công an để việc áp dụng pháp luật về cư trú nói chung và đăng ký tạm trú nói riêng được thống nhất, bảo đảm quyền lợi của công dân khi thực hiện quyền tạm trú. Việc này cũng góp phần vào việc ổn định, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, tránh những bức xúc từ phía nhân dân, tăng niềm tin của nhân dân vào cơ quan hành chính nhà nước.
Quyền tự do cư trú, trong đó có quyền tạm trú là một trọng những quyền cơ bản của công dân. Luật Cư trú năm 2020 tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc công dân thực hiện quyền cư trú (tạm trú) và cơ quan nhà nước thực hiện chức năng quản lý cư trú, quản lý công dân. Tuy nhiên, từ thực tiễn thi hành Luật Cư trú năm 2020 đã phát sinh vướng mắc liên quan đến cách hiểu và áp dụng quy định của luật liên quan đến quyền tự do cư trú (tạm trú) của công dân trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính tạm trú dẫn đến những bức xúc trong nhân dân. Vấn đề này cần sớm được hướng dẫn để có cách hiểu thống nhất, đúng bản chất quy định trong Luật Cư trú năm 2020 về nội dung thực hiện quyền, nghĩa vụ đăng ký tạm trú và trách nhiệm, quyền hạn trong đăng ký tạm trú của cơ quan có thẩm quyền. Giải quyết vấn đề này góp phần vào hiệu quả hoạt động thi hành pháp luật./.
Thiều Hữu Minh
Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai
[1] Điều 23 Hiến pháp năm 2013.
[2] Khoản 2, 3 Điều 4 Luật Cư trú năm 2020.
[3] TS. Đinh Trung Tụng (Chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015 (Quyển 1), Nxb. Tư pháp, Hà Nội - 2021, tr. 117.
[4] TS. Đinh Trung Tụng (chủ biên), tlđd, tr. 117.
[5] Điều 1 về phạm vi điều chỉnh của Luật cư trú năm 2020.
[6] Xem: Điều 40 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[7] Xem: Khoản 2, 8, 9, 10 Điều 2 của Luật Cư trú năm 2020.
[8] Xem: Điều 27, Điều 28 Luật Cư trú năm 2020
[9] Vụ việc xảy thực tế xảy ra, tên các cơ quan và địa danh đã được mã hóa viết tắt.