1. Khái quát về quyền tự do đi lại và việc hạn chế thực hiện quyền tự do đi lại theo quy định của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và khung pháp luật Việt Nam hiện hành
1.1. Tự do đi lại và hạn chế tự do đi lại theo quy định của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị
Quyền tự do đi lại được quy định tại Điều 12 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (Công ước ICCPR) như sau: “Bất cứ ai cư trú hợp pháp trên lãnh thổ của một quốc gia đều có quyền tự do đi lại và tự do lựa chọn nơi cư trú trong phạm vi lãnh thổ quốc gia đó”. Cũng theo Điều 12 theo Công ước ICCPR, có 04 dạng quyền tự do cụ thể có mối liên kết với nhau, bao gồm: (i) Quyền tự do lựa chọn nơi sinh sống trên lãnh thổ quốc gia; (ii) Quyền tự do đi lại trong phạm vi lãnh thổ quốc gia; (iii) Quyền tự do đi khỏi bất kỳ nước nào, kể cả nước mình; (iv) Quyền tự do trở về nước mình[1]. Có thể thấy, theo Công ước ICCPR, chủ thể của quyền tự do đi lại bao gồm mọi công dân, kể cả người nước ngoài sinh sống hay có mặt hợp pháp ở một quốc gia thì cũng có quyền tự do đi lại trong phạm vi lãnh thổ quốc gia đó mà không bị cản trở.
Dù vậy, cũng theo Công ước ICCPR, quyền tự do đi lại không phải là một quyền tuyệt đối, bởi nó có thể phải chịu những hạn chế nhất định tùy theo pháp luật của quốc gia thành viên và là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe, hoặc đạo đức xã hội, hoặc các quyền tự do của người khác và phải phù hợp với những quyền khác được Công ước ICCPR công nhận[2].
Để xác định những tiêu chuẩn định hướng cho các quốc gia trong việc thiết lập các hạn chế thực hiện quyền con người bao gồm cả quyền tự do đi lại, Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hợp quốc cũng đã thông qua “Nguyên tắc Siracusa về các điều khoản hạn chế và tạm đình chỉ thực hiện quyền trong ICCPR” (năm 1984). Theo Phần I Nguyên tắc này, có thể tóm tắt yêu cầu đối với việc hạn chế thực hiện một số quyền, trong đó có quyền tự do đi lại trong Công ước ICCPR như sau: (i) Bất kỳ biện pháp nào cũng phải dựa trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật và chỉ trong các trường hợp theo quy định của Công ước; (ii) Phải bảo đảm nguyên tắc không phân biệt, đối xử và không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các quyền con người khác; (iii) Các biện pháp nên bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về: Tính hợp pháp (các hạn chế phải phù hợp với luật quốc gia đang có hiệu lực tại thời điểm các hạn chế được áp dụng); tính cần thiết (các biện pháp phải cần thiết cho việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng); tính tương xứng (các biện pháp phải phù hợp và là biện pháp ít hạn chế nhất để đạt được kết quả dự kiến đối với lợi ích đang bị đe dọa).
Điều này tiếp tục được nhấn mạnh trong Bình luận chung số 27 (được thông qua tại phiên họp lần thứ 67, năm 1999) của Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp quốc, theo đó, các quốc gia “có thể đặt ra những giới hạn nhất định với các quyền được bảo vệ theo Điều 12 nhưng không được làm vô hiệu hóa nguyên tắc tự do đi lại, mà phải tuân thủ những điều kiện được quy định trong khoản 3 Điều 12 và phải phù hợp với các quyền khác được Công ước ghi nhận”[3]. Cần lưu ý rằng, bất kỳ biện pháp hạn chế quyền nào đưa ra phải có thời hạn xác định và nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
1.2. Tự do đi lại và hạn chế tự do đi lại theo pháp luật Việt Nam
Dưới góc độ pháp luật quốc gia, Điều 23 Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi nhận: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Bên cạnh đó, Hiến pháp cũng ghi nhận người nước ngoài cư trú ở Việt Nam được bảo hộ quyền, lợi ích chính đáng theo pháp luật Việt Nam, trong đó có quyền tự do đi lại[4].
Các nguyên tắc hiến định này tiếp tục được quy định cụ thể tại một số luật chuyên ngành liên quan, bao gồm: Bộ luật Dân sự năm 2015; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019; Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019); Luật Cư trú năm 2020 và các văn bản pháp luật khác liên quan. Trong bối cảnh dịch bệnh truyền nhiễm, bên cạnh các biện pháp y tế, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 cũng có quy định cho phép Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh áp dụng các biện pháp hành chính để hạn chế sự lây lan của dịch, trong đó có cách ly và kiểm soát y tế đối với việc ra, vào vùng có dịch loại A.
Đối với công dân Việt Nam, việc thực hiện quyền tự do đi lại được quy định rõ trong Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019. Theo Luật này, giấy tờ xuất, nhập cảnh bao gồm hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông và giấy thông hành[5]. Các trường hợp công dân Việt Nam chưa đủ điều kiện xin giấy tờ nhập cảnh được quy định rõ tại Điều 38 của Luật này, Theo đó, một trong những trường hợp tạm hoãn xuất cảnh đối với người Việt Nam là người đang bị dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm và xét thấy cần ngăn chặn ngay, không để dịch bệnh lây lan, truyền nhiễm ra cộng đồng, trừ trường hợp được phía nước ngoài cho phép nhập cảnh[6]. Có thể thấy rằng, quy định này là phù hợp với Điều 12 Công ước ICCPR và khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013[7].
Đối với người nước ngoài, các điều kiện về nhập cảnh, xuất cảnh được quy định trong Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019). Theo đó, người nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam khi: (i) Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và thị thực, trừ trường hợp được miễn thị thực theo quy định của Luật. Người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì hộ chiếu phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 06 tháng; (ii) Không thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định tại Điều 21 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019)[8]. Theo đó, lý do phòng, chống dịch bệnh là một trong những trường hợp chưa cho nhập cảnh[9.] Về việc xuất cảnh, người nước ngoài được xuất cảnh nếu (i) Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; (ii) Chứng nhận tạm trú, thẻ tạm trú hoặc thẻ thường trú còn giá trị; (iii) Không thuộc các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của Điều 28 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019)[10].
Ngoài các quy định nêu trên, Luật Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2007 cũng quy định cụ thể về cách ly y tế, kiểm soát ra vào vùng dịch loại A như sau:
(i) Về cách ly y tế, người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế phải được cách ly[11].
(ii) Về kiểm soát việc ra, vào vùng dịch bệnh loại A, các biện pháp được áp dụng gồm: Hạn chế ra, vào vùng có dịch đối với người và phương tiện, trường hợp cần thiết phải kiểm tra, giám sát và xử lý y tế; cấm đưa ra khỏi vùng có dịch những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch; thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người vào vùng có dịch quy định tại khoản 1 Điều 51 của Luật này và các biện pháp cần thiết khác theo quy định của pháp luật[12].
Trưởng Ban Chỉ đạo chống dịch thành lập các chốt, trạm kiểm dịch tại các đường vào vùng dịch để thực hiện các biện pháp nêu trên.
2. Đánh giá thực tiễn thực hiện quy định về các hạn chế quyền tự do đi lại theo Công ước ICCPR và pháp luật Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19
Có thể khẳng định, các biện pháp được áp dụng đối với việc hạn chế quyền tự do đi lại tại Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vừa qua là hợp lý, bảo đảm tính hợp pháp, cần thiết, tương xứng như đã nêu tại Nguyên tắc Siracusa về các điều khoản hạn chế và tạm đình chỉ thực hiện quyền trong Công ước ICCPR, cụ thể là:
- Về tính hợp pháp: Như đã đề cập ở trên, các văn bản được ban hành cũng như các biện pháp được áp dụng nhằm hạn chế tự do đi lại vì sức khỏe cộng đồng không trái với các quy định của Hiến pháp và các luật liên quan đang có hiệu lực tại thời điểm thi hành. Việc ban hành các văn bản của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền nhằm cụ thể hóa và hướng dẫn thi hành pháp luật trong bối cảnh dịch bệnh truyền nhiễm. Việc áp dụng các biện pháp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có diễn biến phức tạp được thực hiện theo quy định pháp luật.
- Về tính cần thiết: Do đặc tính lây lan trong không khí với tốc độ cao của virus SARS-CoV-2, việc hạn chế tự do đi lại là rất quan trọng. Mục tiêu lớn nhất của các biện pháp hạn chế tự do đi lại mà Việt Nam mong muốn đạt được trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 là ngăn chặn tối đa sự lây lan của dịch bệnh ra cộng đồng. Thực tế cho thấy, nhờ áp dụng các biện pháp này một cách đúng đắn, quyết liệt, kịp thời từ khi dịch bệnh mới bùng phát, Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh ở thời điểm hiện tại. Số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu Lowy của Australia đã xếp hạng New Zealand, Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) nằm trong top 3 các nước và vùng lãnh thổ xử lý đại dịch COVID-19 hiệu quả nhất trên thế giới. Điều này đã cho thấy sự cần thiết của các biện pháp hạn chế tự do đi lại mang lại.
- Về tính tương xứng: Việc hạn chế quyền tự do đi lại và lợi ích thu được từ việc hạn chế này trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam đáp ứng được tính cân bằng, cụ thể là giải quyết sự cân bằng giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi của người khác và của cả xã hội. Có thể thấy rằng, một số quốc gia trên thế giới chậm trễ trong việc thực hiện hạn chế quyền tự do đi lại do lựa chọn ưu tiên quyền tự do cá nhân đã dẫn đến những thiệt hại to lớn mà dịch bệnh mang lại. Xét trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và tình hình chính trị, kinh tế, pháp lý, văn hóa như Việt Nam hiện nay thì các biện pháp được áp dụng là hoàn toàn tương xứng. Kết quả thăm dò dư luận do Viện nghiên cứu thị trường Latana thực hiện cho biết, 96% số ý kiến bày tỏ hài lòng với công tác phòng chống đại dịch COVID-19 của Chính phủ - đứng đầu danh sách khảo sát ở 53 quốc gia và khu vực chiếm hơn ¾ dân số thế giới.
3. Ảnh hưởng của các biện pháp hạn chế quyền tự do đi lại tới Việt Nam
Mặc dù vậy, các biện pháp hạn chế quyền tự do đi lại trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay đã làm phát sinh một số vấn đề tiêu cực tới nền kinh tế - xã hội trong nước.
3.1. Về kinh tế
Du lịch là một trong số những ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi tác động của các biện pháp hạn chế quyền tự do đi lại. Việc ban hành các quy định giãn cách xã hội hay hạn chế nhập cảnh đối với người nước ngoài kể từ năm 2020 đã khiến cho lượt khách du lịch sụt giảm đáng kể. Cụ thể, tổng số lượt khách do các cơ sở lưu trú phục vụ chỉ đạt con số 97,3 triệu lượt khách, giảm 44% so với năm trước, trong khi số lượt khách do các công ty lữ hành phục vụ là 3,7 triệu lượt khách, giảm 80,1%. Bên cạnh đó, khách quốc tế đến Việt Nam giảm 78,7% so với năm trước, chỉ đạt 3,8 triệu lượt người. Theo Tổng Cục Thống kê, số lượng khách du lịch nội địa và quốc tế giảm mạnh đã kéo theo doanh thu cho các cơ sở lưu trú và lữ hành cũng sụt giảm nghiêm trọng, ước tính đạt 61,8 nghìn tỷ đồng, giảm 43,2%[13]. Mặc dù các đợt bùng phát dịch trong nước đã được dập tắt, Ngành Du lịch đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp kích cầu du lịch nội địa nhằm bù đắp cho tổn thất mà du lịch quốc tế đem lại trong tình hình đại dịch COVID-19, nhưng đây vẫn chỉ được coi là giải pháp “cầm cự”, “giữ chân” các doanh nghiệp du lịch tại Việt Nam hoạt động. Theo ước tính của Công ty Tư vấn quản lý Toàn Cầu McKinsey & Company, phải đến năm 2024, Ngành Du lịch Việt Nam mới có thể phục hồi nhờ vào du lịch trong nước.
Sau du lịch, hàng không là ngành phải gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất do các biện pháp hạn chế đi lại mà Việt Nam buộc phải ban hành. Theo Cục Hàng không Việt Nam, lượng khách thông qua các cảng hàng không Việt Nam trong năm 2020 sụt giảm gần 44% so với năm 2019. Cụ thể, sản lượng điều hành bay đạt 340.000 chuyến, giảm hơn 31,9% so với năm 2019. Sản lượng thông qua các cảng hàng không Việt Nam đạt 66 triệu khách, giảm 43,5% so với năm 2019. Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA) nhận định, thị trường Việt Nam đã thiệt hại khoảng 04 tỷ USD tính riêng năm 2020. Ở nửa đầu năm 2021, các hãng hàng không cũng chỉ thực hiện 19.295 chuyến bay, giảm hơn 44% so với cùng kỳ 2020.
3.2. Về xã hội
Ảnh hưởng của các biện pháp hạn chế quyền tự do đi lại tác động tới các ngành dịch vụ như du lịch, hàng không, lưu trú, ăn uống…, đã dẫn tới tình trạng nguồn nhân lực bị mất việc làm trầm trọng. Cụ thể, khi nhu cầu đi lại, du lịch, lưu trú bị hạn chế, các ngành dịch vụ kể trên trở nên dư thừa nhân lực. Không có việc làm, chủ doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lương người lao động hoặc cho thôi việc. Qua khảo sát của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam, tính tới cuối năm 2020, có tới 18% số doanh nghiệp đã phải cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc; 48% doanh nghiệp cho từ 50 - 80% nhân viên nghỉ việc; 75% doanh nghiệp có các hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau đối với lao động bị mất việc làm. Sở Du lịch Hà Nội cũng cho biết, số lao động tạm thời nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động tại các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển chiếm khoảng 50 - 90%[14]. Đối với Ngành Hàng không, chỉ tính riêng tháng 4/2020, lệnh hạn chế bay đã khiến cho Vietnam Airlines có tới 50% nhân viên phải ngừng việc, toàn bộ nhân viên giảm lương. Báo cáo tiền lương năm 2020 cũng cho thấy, lương phi công giảm hơn 50% so với cùng kỳ, kế hoạch tăng lương định kỳ cho phi công cũng phải hủy bỏ. Lương trung bình của tiếp viên, lao động mặt đất của hãng dự kiến giảm lần lượt gần 48% và 44,5%[15].
Ngoài các ngành dịch vụ kể trên, các biện pháp tự do đi lại cũng tác động rất lớn đến Ngành Giáo dục và Đào tạo trong nước. Ở các thời điểm bùng dịch, tất cả các trường học và cơ sở giáo dục công lập, ngoài công lập và tư thục đã phải dừng việc dạy và học trực tiếp. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải sắp xếp lại kế hoạch các kỳ thi và đánh giá chất lượng với mọi cấp học. Bộ đã ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung về khung kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, trong đó bao gồm lùi thời gian kết thúc năm học trước ngày 15/7/2020 và các kỳ thi trung học phổ thông[16]. Mặc dù các chương trình học tập trực tuyến được cho là tối ưu trong bối cảnh đại dịch COVID-19, tuy nhiên trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em khuyết tật lại khó có khả năng tiếp cận các phương pháp học này[17].
3.3. Hộ chiếu miễn dịch - biện pháp khả thi để gỡ bỏ hạn chế tự do đi lại
Từ khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, các chuyên gia đã không ngừng nghiên cứu và đưa ra các giải pháp ứng phó tối ưu trong thời gian sớm nhất. Hiện nay, các loại vắc-xin đang được tiêm chủng diện rộng ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, rất nhiều người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh và được cho là đã có kháng thể chống virus trong cơ thể. Do đó, ngày càng nhiều quốc gia cân nhắc đến việc tháo gỡ dần những biện pháp hạn chế quyền tự do đi lại, cho phép người dân di chuyển trong phạm vi trong và ngoài quốc gia với “hộ chiếu miễn dịch” (immunity passport).
Việc sử dụng hộ chiếu miễn dịch được hiểu là một người sẽ không còn bị hạn chế quyền tự do đi lại nếu họ có đủ giấy tờ hợp pháp chứng minh họ đã miễn dịch với virus SARS-CoV-2 (chẳng hạn như, giấy chứng nhận đã tiêm vắc-xin đủ liều). Khi đó, những người này gần như không có khả năng lây nhiễm cho những người tiếp xúc - tức là họ không còn thuộc đối tượng có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng. Vì vậy, việc hạn chế quyền tự do đi lại của nhóm đối tượng này là không còn cần thiết.
Việc sàng lọc riêng nhóm đối tượng đã miễn dịch với virus SARS-CoV-2 và gỡ bỏ hạn chế quyền tự do đi lại cho họ không chỉ giúp cải thiện tình hình kinh tế - xã hội, ngoại giao của quốc gia vốn đã bị thiệt hại nặng nề do dịch bệnh mà còn góp phần khuyến khích người dân tham gia tiêm vắc-xin ngừa COVID-19.
Tuy được nhiều quốc gia trên thế giới ủng hộ và có định hướng áp dụng trong tương lai gần, hộ chiếu miễn dịch không nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ phía các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)[18]. Có rất nhiều lý do được đưa ra về những bất cập nếu áp dụng hộ chiếu miễn dịch như có khả năng xâm phạm quyền riêng tư, trở thành công cụ của phân biệt đối xử, phân hóa xã hội,…[19].
Như vậy, việc áp dụng phương pháp này cần phải được nghiên cứu kỹ để bảo đảm giảm thiểu tối đa các vấn đề tiêu cực phát sinh, đặc biệt là xâm phạm các quyền con người khác và hình thành sự phân biệt đối xử diện rộng.
Có thể thấy rằng, việc hạn chế quyền tự do đi lại trong bối cảnh đại dịch COVID-19 là một trong những phương pháp hiệu quả nhất hiện nay được đa số các quốc gia trên thế giới áp dụng để đối phó với dịch bệnh này. Mặc dù, đây là một hình thức hạn chế quyền và làm phát sinh một số vấn đề tiêu cực, tuy nhiên những lợi ích mà nó đem lại là không thể phủ nhận. Đồng thời, các quốc gia cũng đang gấp rút nghiên cứu và áp dụng các phương pháp khác nhau để người dân có thể khôi phục hoàn toàn quyền tự do đi lại trong thời gian sớm nhất.
Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp
[1]. Khoản 1, 2, 4 Điều 12 Công ước ICCPR.
[2]. Khoản 3 Điều 12 Công ước ICCPR.
[3]. Đoạn 2 Bình luận chung số 27 của Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp quốc.
[4]. Điều 48 Hiến pháp năm 2013.
[5]. Khoản 1 Điều 6 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019.
[6]. Khoản 8 Điều 36 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019.
[7]. Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự về an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
[8]. Điều 20 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
[9]. Khoản 2 Điều 21 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
[10]. Điều 27 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
[11]. Khoản 1 Điều 49 Luật Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2007.
[12]. Điều 53 Luật Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2007.
[13]. Du lịch Việt Nam 2021: Rất cần quyết tâm và nỗ lực để vượt khó, Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thống kê,
[14]. Kết quả khảo sát thiệt hại dịch bệnh COVID-19 đối với doanh nghiệp du lịch Việt Nam, Cổng thông tin điện tử Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh
[15]. Ngành hàng không cắt giảm mạnh nhân sự để tồn tại, Tạp chí điện tử VnEconomy
[16]. Hàng loạt trường đại học giảm học phí cho sinh viên trong mùa dịch COVID-19, Báo Lao động
[17]. COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến việc thụ hưởng quyền con người ở Việt Nam, Báo Tuổi trẻ
[18]. WHO doesn’t recommend coronavirus passports, because immunity remains questionable
[19]. Ten reasons why immunity passports are a bad idea, Nature, https://www.nature.com/articles/d41586-020-01451-0 (truy cập ngày 14/4/2021).