Tất nhiên, giết người thì phải lãnh án phạt, nhưng bà mẹ già của nạn nhân lại khóc mếu máo trước tòa để xin tha tội cho bị cáo. Bởi lẽ, phạm nhân lại chính là đứa con mà bà yêu thương nhất…
Án mạng xảy ra như một cơn ác mộng. Người anh trai đã giết chết đứa em ruột của mình trong một phút nóng giận nhất thời, để hậu quả không sao cứu vãn được. Kẻ sát nhân – phải đền tội, đó là quy luật của muôn đời…
Lê Văn T. sinh năm 1959, bị câm điếc bẩm sinh. T. và Lê Minh H. (28 tuổi) là anh em ruột, cùng ngụ tại xã Tân Hiệp, Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh. Khoảng 20 giờ tối một ngày cuối tháng 2, T. đi làm mướn về và sang nhà một người em khác là Lê Bửu L. ngồi chơi. Thấy T. đã uống rượu say nên L. bảo anh về nhà nằm nghỉ. T. nghe lời em đi về nhà, leo lên võng nằm. Tuy say, nằm trên võng, nhưng T. vẫn cứ ú ớ nói chuyện một mình. Lê Minh H. đang nằm trên bộ ván kế bên cạnh nghe T. lảm nhảm hoài không ngủ được, bèn đứng dậy nói với T.: “Thôi im đi cha nội, nín đi cha, chửi hoài vậy…”.
Không nghe được, không hiểu được lời nói của Lê Minh H., T. tưởng H. chửi anh nên đánh H. Mặc dù là em và là một người bình thường, nhưng Lê Minh H. không nhường anh, mà trái lại còn đánh luôn ông anh khuyết tật. Thế là hai anh em đánh nhau… Bà C. – mẹ của T. và H. – nghe tiếng xô xát chạy vội lên can nhưng H. không nghe, cứ lao đến đánh anh mình. T. phản kháng lại bằng cách đánh H. té xuống cửa, sau đó chụp vội con dao cán tầm vông dựng ở vách nhà đâm H. một nhát vào cổ làm H. chết ngay tại chỗ. T. bị bắt giữ ngay sau đó…
Bà Văn Thị C. góa chồng đã lâu. Bà có tất cả 9 người con, đã dựng vợ gả chồng cho 7 người, còn lại 2 anh em T. và H. Dù bị câm điếc nhưng T. lại là lao động chính để nuôi người mẹ già và người em trai lành lặn ăn không ngồi rồi. Giờ thì H. đã chết, T. thì bị bắt giữ và bị truy tố về tội giết người. Bà mẹ già sống trong căn nhà vắng vẻ, bữa rau, bữa cháo, ăn nhờ vào những người con còn lại…
Phiên tòa xét xử bị cáo Lê Văn T. diễn ra vào buổi chiều. Phòng xử chật kín người và có cả những em học sinh câm điếc đến tham dự để rút ra bài học cho chính mình. Song song với ghế phạm nhân là một chiếc bàn “phiên dịch” với 2 người được mời đến từ trường nuôi dạy trẻ khuyết tật. Lê Văn T. xanh xao, gầy gò, ngơ ngác, cố hiểu những điều người ta đang nói với anh. Chiếc micro dành cho phạm nhân trả lời, được chuyển đến cho người phiên dịch vì Lê Văn T. không cần đến nó.
Không như những phiên tòa bình thường khác, phiên tòa xét xử Lê Văn T. diễn biến thật khó khăn cho cả người hỏi, người dịch, người nghe, trả lời, lẫn người dự khán. Suốt hơn 40 năm sống hoàn toàn cách biệt với thế giới âm thanh và không được học hành, Lê Văn T. rất vất vả để nói, nghe và hiểu. Muốn nói mà không nói được, muốn viết nhưng không biết chữ, Lê Văn T. chỉ biết gật và lắc đầu mỗi khi thấy người khác hỏi đến anh nhưng thậm chí cả chuyện gật và lắc đầu của Lê Văn T. cũng không tránh khỏi lầm lẫn!
Khi được mời lên với tư cách là một nhân chứng, người mẹ của cả phạm nhân lẫn nạn nhân đã khóc và nói: “Thằng này (bị cáo) đi mần nuôi tui, thằng kia (nạn nhân) mát mát, tửng tửng, không có đi mần ăn gì hết trọi, tui muốn xin tha nó (bị cáo) về, để nó đi mần nuôi tui. Tui chỉ còn duy nhất một mình nó, ba nó mất mười mấy năm rồi, thằng này nó điếc và câm như vậy nhưng mà nó hiểu, trong tất cả mấy anh em, chỉ có duy nhất mình nó là nuôi tui thôi”.
Nhưng ước muốn của bà C. đã không thành hiện thực... Kết thúc phiên tòa sơ thẩm, Lê Văn T. bị xử 5 năm tù về tội cố ý giết người. “Lời nói” sau cùng của Lê Văn T. là “mong muốn được về nhà để đi làm nuôi mẹ” (theo lời của người phiên dịch). Bà mẹ già đã mất vĩnh viễn một đứa con, lại tiếp tục bị ngăn cách với một đứa con khác. Ở cái tuổi gần đất xa trời của bà C., liệu bà có còn sống đến ngày đứa con tật nguyền được trở về bên bà?
Lê Văn T. đã bị dẫn đi mà vẫn còn cố ngoái lại nhìn mẹ già, và bà C. như còng xuống thêm nữa trước cái nhìn của đứa con bất hạnh. Người em gái của bị cáo lẫn nạn nhân khóc nấc lên, dìu bà mẹ thẫn thờ đi dưới nắng chiều. Có lẽ, giọt nước mắt của người mẹ đang chảy ngược vào trong..., đau đớn và sâu thẳm.
Theo một số giáo viên dạy câm điếc của trường Hy Vọng (Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh), thì đặc điểm tâm lý của người câm, điếc là sự hung hãn ngấm ngầm, bởi vì họ luôn bị ức chế do không được nói và nghe. Họ rất dễ cảm thấy bị xúc phạm, tự ái, không kiềm chế nổi hành vi vì mặc cảm mình là người khuyết tật. Những đứa trẻ câm – điếc được học hành đàng hoàng mà vẫn hạn chế rất nhiều về khả năng sở hữu trí tuệ. Lê Văn T. suốt cả đời không được học hành, lại không vợ, không con, từ đó, có thiếu khả năng nhận thức như một người bình thường là điều tất nhiên. Những người câm điếc rất cần sự thông cảm của đồng loại chứ không phải là sự dè bỉu, khinh khi, đồng thời, đòi hỏi họ có phải có lý trí và hành động giống như một người bình thường là chuyện… không tưởng
The Yume