Trường Đại học Vinh là một trong 17 trường đại học trọng điểm quốc gia của Việt Nam, một trung tâm nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ lớn của khu vực Bắc miền Trung và cả nước, được đặt trụ sở chính tại số 182 đường Lê Duẩn, Thành phố Vinh, Nghệ An. Sinh viên Trường Đại học Vinh rất đa dạng ở nhiều ngành học: Luật học, kinh tế, ngoại ngữ, nông lâm ngư nghiệp, giáo dục…
Mong muốn tìm kiếm việc làm thêm của sinh viên Đại học Vinh xuất phát từ nhiều yếu tố, có người muốn tìm công việc để có thêm thu nhập, có người muốn tìm việc làm thêm để có thêm trải nghiệm. Xuất phát từ những mong muốn, nguyện vọng khác nhau đó, mà thái độ của sinh viên, hay nói cách khác, mong chờ của sinh viên đối với công việc hay đối với chủ lao động cũng khác nhau. Nếu đặt lợi ích, thu nhập lên hàng đầu thì sinh viên thường quan tâm đến công việc, cần mẫn, chăm chút công việc, sợ mất công việc. Còn nếu làm để trải nghiệm, tích luỹ kinh nghiệm, kiến thức, họ làm tận tâm hơn, không còn nỗi sợ mất công việc, mất thu nhập. Tuy nhiên, khảo sát sinh viên tại Trường Đại học Vinh đa số làm việc để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống hàng ngày. Cũng không phủ nhận việc làm thêm để trải nghiệm, tích luỹ kiến thức sống, kiến thức thực tế nhưng đó không phải là yếu tố cốt yếu. Chính vì sự phụ thuộc quá nhiều vào thành quả lao động, vào số tiền lương ít ỏi mà sinh viên kiếm được, nên đa phần sinh viên đều lo lắng bị mất việc, tình nguyện để chủ sử dụng lao động lợi dụng sức lực, thời gian, mà quyền lợi lại không đảm bảo như quy định của pháp luật.
Pháp luật một số nước trên thế giới cũng như pháp luật Việt Nam đều có những chế định riêng để bảo vệ quyền lợi của những người lao động yếu thế: Ở Hoa Kỳ có Trung tâm dịch vụ việc làm với mục tiêu là liên lạc nhanh chóng giữa người cần tìm việc với những chủ doanh nghiệp và tổ chức cần nhân công; trong Luật Xúc tiến việc làm của Trung Quốc có các đại lý dịch vụ việc làm với đặc trưng là không được tham gia bất kỳ hoạt động nào mang tính chất thương mại mà chưa nhận được sự đóng góp và trợ giúp tài chính khi các cơ sở này hoạt động có uy tín (Điều 34, 35, 36 và Điều 42); Ở Nhật Bản áp dụng chính sách giảm giờ làm… Pháp luật Việt Nam cũng có những quy định đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Điểm a khoản 1 Điều 5 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định người lao động có quyền: “Làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử”.
Ở nước ta, việc bảo vệ quyền lợi người lao động luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Tại khoản 3 Điều 90 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: “Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau”. Để bảo vệ quyền lợi của người lao động khi không được trả lương đúng thời hạn, pháp luật lao động có quy định: “Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương” (Điều 96 Bộ luật Lao động năm 2012)… Ngoài ra, các quy định về bảo vệ quyền nhân thân của người lao động; bảo vệ quyền được nghỉ ngơi của người lao động; bảo vệ quyền tự do liên kết của người lao động; đảm bảo an toàn lao động về vệ sinh lao động, các biện pháp hỗ trợ và giải quyết việc làm cho người lao động như quỹ quốc gia về việc làm, tổ chức dịch vụ việc làm, chương trình việc làm…
Mặc dù các quy định pháp luật chỉ rõ phải đảm bảo quyền lợi cho những người lao động nhưng thực tế rất ít hay thậm chí hầu như không có sinh viên nào đi làm lại được đảm bảo quyền lợi về lương, về chế độ, về bảo hiểm xã hội… Môi trường làm thêm thường phức tạp dễ bị cám dỗ hoặc bị quấy rối. Do các bạn sinh viên kinh nghiệm sống cũng như kinh nghiệm làm việc còn ít, hơn nữa tâm lý, lập trường không vững vàng nên dễ bị lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Công việc làm thêm của sinh viên thường xuyên phải tăng ca (đặc biệt các dịp lễ, tết). Theo Luật Lao động, những ngành nghề như: Pha chế mực viết; làm việc thường xuyên trong hầm, kho lạnh; sản xuất keo gắn các sản phẩm PVC, vận hành máy xẻ ống nhựa PVC, vận hành máy trộn xay, nghiền, ép nhựa PVC, PE; vận hành máy dệt lưới, sản xuất phân NPK; sang chai, đóng gói lẻ thuốc bảo vệ thực vật, vận chuyển bốc vác thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất nệm mút; đúc nhôm, cán nhôm nóng; bốc xếp thủ công ở các bến cảng... là công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải giảm giờ làm việc từ 1-2 giờ/ngày. Tuy nhiên hiện tại nhiều doanh nghiệp không giảm giờ làm việc cho lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Điều này ảnh hưởng đến sức khoẻ, học tập, thi cử của các bạn sinh viên làm các công việc này.
Tranh chấp với người sử dụng lao động về tiền lương và thời gian làm việc cũng là vấn đề thường xuyên xảy ra. Với thủ đoạn ngày càng tinh vi, hiện nay nhiều đơn vị tuyển dụng lao động sẵn sàng cho tạm ứng trước một phần tiền lương, đưa ảnh chụp một vài nhân viên đi làm ở những nơi tiện nghi để làm minh chứng. Những kẻ lừa đảo đã tạo được một phản ứng dây chuyền, đưa hàng chục lao động là sinh viên nhẹ dạ cả tin, gia đình có hoàn cảnh khó khăn bỏ học đi làm việc. Từ đó tiến hành bóc lột sức lao động của các bạn. Hiện nay, nhiều bạn trẻ phải làm việc từ 12-14 giờ/ngày, thậm chí 16 giờ/ngày trong điều kiện lao động khắc nghiệt. Đã có nhiều bạn bị vắt kiệt sức lao động, bị hành hạ phải bỏ trốn hoặc được người dân phát hiện báo cơ quan chức năng. Gần như 70% lao động là sinh viên không được ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội. Đa số đều làm việc trong môi trường độc hại, vất vả với mức lương rất thấp (dao động từ 1,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng).
Mức lương không đảm bảo, không ổn định; quản lí khắt khe... đó chính là những lí do khiến nhiều bạn sinh viên ban đầu hào hứng tham gia làm thêm, sau một thời gian tự cảm thấy chán nản công việc của mình, muốn xin nghỉ. Nhưng muốn nghỉ chẳng dễ, nhiều người sử dụng lao động tìm cách "quỵt" luôn tiền lương để nhân viên không dám bỏ ngang.
Mặc dù, trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, nếu không gồng mình, thì nhiều cơ sở chẳng thể tồn tại. Thế nhưng, điều đó không đồng nghĩa với việc họ được quyền sử dụng phương pháp siết chặt cuộc sống của người làm công. Càng siết thì càng tạo cho người lao động cảm giác đi làm chỉ để ăn lương khiến cho lòng nhiệt thành của họ cũng giảm, chẳng thể làm tốt được. Đó là chưa nói đến khi môi trường và điều kiện làm việc quá tồi tệ, thì dù là người có khả năng, họ cũng chẳng muốn phí sức hay ở lại. Đi làm thêm, nhiều sinh viên gặp cảnh dở khóc dở cười khi vướng phải những người sử dụng lao động tai quái, đề ra đủ mọi tiêu chí, mức phạt khắt khe. Thực tế, họ đang vi phạm pháp luật nhưng các bạn lại không biết để bảo vệ quyền lợi của mình. Dẫu biết rằng đi làm thêm, người lao động cần tôn trọng quy định của người sử dụng lao động đề ra và hết lòng vì công việc, thế nhưng đã bao giờ chúng ta đặt ra câu hỏi, liệu chuyện trừ lương “vô tội vạ”, hở một chút là trừ lương từ phía chủ người sử dụng lao động là đúng hay sai?
Từ những thực trạng trên, thiết nghĩ để đảm bảo quyền lợi cho sinh viên khi tham gia thị trường lao động, cần có những giải pháp đồng bộ từ cả mặt chính sách đến thực tiễn: Tạo lập cổng dữ liệu thông tin quản lý những người lao động bán thời gian, quy định chế tài xử lý đối với người sử dụng lao động không trang bị đầy đủ đồ bảo hộ cho người lao động; quy định mức lương tối thiểu cho các công việc bán thời gian.
Hiện nay, sinh viên đại học Vinh đi làm thêm phần lớn mang tính chất tự phát, chưa có sự trợ giúp, quản lý của Nhà trường. Nhà trường chỉ dừng lại ở việc khuyến khích sinh viên tham gia những hoạt động bề nổi như tình nguyện, văn hóa văn nghệ... hay các hoạt động bề sâu như nghiên cứu khoa học chứ chưa khuyến khích hay trợ giúp việc làm thêm. Vì vậy, trong thời gian tới, Nhà trường cần chú trọng vào các giải pháp sau đây:
- Nhà trường liên kết với các tổ chức xã hội thành lập các mô hình trung tâm giới thiệu việc làm, trung tâm tư vấn ngay trong phạm vi trường học. Nhà trường ngoài việc đánh giá năng lực sinh viên qua học tập, nghiên cứu khoa học, hoạt động xã hội cũng nên có quy chế khuyến khích sinh viên đi làm thêm cũng như các công trình, đề án mang tính thực tiễn cao.
- Thành lập Câu lạc bộ hỗ trợ sinh viên trong nghiên cứu, xây dựng đề án kinh doanh, hỗ trợ việc làm, tư vấn và tìm việc làm cho sinh viên. Mời những người có chuyên môn thỉnh giảng cho sinh viên. Đây là việc làm rất thiết thực giúp cho sinh viên được trao đổi kinh nghiệm. Tổ chức ngày hội việc làm cho sinh viên, tổ chức những buổi giao lưu giữa các cựu sinh viên và sinh viên trong trường về kinh nghiệm sống cũng như kinh nghiệm để thành công trong công việc. Đoàn, Hội sinh viên nên tổ chức hội thảo về các chủ đề mang tính thời sự, tổ chức lớp học cho sinh viên về kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng ứng xử và giải quyết vấn đề... Để quản lý sinh viên đi làm thêm, Nhà trường có thể đưa ra một số quy định như: Sinh viên có điểm tổng kết từ 2.5 trở lên được đi làm thêm, quy định số giờ làm thêm tối đa 1 ngày, 1 giờ, 1 học kỳ...
- Tăng cường mối quan hệ giữa sinh viên - khoa - nhà trường - doanh nghiệp thông qua việc Nhà trường kết hợp với các doanh nghiệp trong việc đào tạo, trau dồi kĩ năng cho sinh viên. Doanh nghiệp sẽ cung cấp thông tin về tuyển dụng, ,yêu cầu đối với các ứng viên... Nhà trường cung cấp nhân lực, tạo điều kiện cho sinh viên đi thực tế, thực tập.
Mặc dù Đại học Vinh đã có trung tâm hỗ trợ việc làm cho sinh viên nhưng độ hoạt động vẫn chưa thực sự hiệu quả. Thiết nghĩ, nên có một trang thông tin gần gũi với các bạn sinh viên. Ví dụ như lập fanpage trên Facebook có đội ngũ Admin quản lý tiếp nhận nguyện vọng và thông tin của các bạn sinh viên để liên hệ công việc; cũng như các yêu cầu tuyển dụng công việc part-time của các cơ sở kinh doanh đến được với sinh viên gần hơn, tránh tình trạng lừa đảo. Bằng những giải pháp nêu ở trên, nếu được triển khai thực hiện hiệu quả thì quyền lợi của sinh viên đi làm thêm sẽ được đảm bảo và nâng cao./.
& Nguyễn Thị Thu, K55 B2
Khoa Luật, Đại học Vinh