Để kịp thời triển khai Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg) thay thế Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, ngày 15/11/2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BTP hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg (Thông tư số 09/2021/TT-BTP) thay thế Thông tư số 07/2017/TT-BTP ngày 28/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về điểm số, hướng dẫn cách tính điểm các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật và một số nội dung về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ, kịp thời cho việc triển khai công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Tại nhiều địa phương, Sở Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP. Tính đến tháng 3/2022, nhiều Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã ban hành kế hoạch riêng (37/63 tỉnh, thành phố) hoặc lồng ghép các nhiệm vụ triển khai thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg trong kế hoạch thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022. Trong điều kiện tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, việc các địa phương quan tâm, triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã cho thấy tầm quan trọng của công tác này trong đời sống xã hội. Nhiều Sở Tư pháp địa phương đã phát huy vai trò, trách nhiệm và chủ động, tích cực tham mưu triển khai thực hiện nhiệm vụ. Trên cơ sở theo dõi công tác, nhóm tác giả liệt kê một số Sở Tư pháp điển hình với những kết quả như sau:
Tỉnh An Giang: Đây là một trong những địa phương đi đầu cả nước về triển khai công tác cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật với nhiều hoạt động nổi bật; năm 2019, năm 2020 có tỷ lệ cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cao là 96%, năm 2021, tỷ lệ cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của An Giang tăng lên 97,4%.
Nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh được ban hành kịp thời. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã có Kế hoạch số 564/KH-UBND ngày 20/9/2021 thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg; Kế hoạch số 106/KH-UBND ngày 28/02/2022 thực hiện quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022. Sở Tư pháp ban hành Kế hoạch số 29/KH-STP ngày 14/02/2022 triển khai tập huấn nghiệp vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022. Thực tế triển khai những năm trước cho thấy, Sở Tư pháp luôn chú trọng định hướng các giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; cử cán bộ xuống xã kiểm tra, rà soát, đánh giá và hỗ trợ thực hiện các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật. Một số Phòng Tư pháp tổ chức hội nghị giao ban hàng quý với đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã để cùng chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Với sự hướng dẫn, chỉ đạo sát sao từ Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp và các ngành chuyên môn, công tác xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn sẽ đạt được hiệu quả cao, tăng số lượng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Thành phố Hà Nội: Là một trong những địa phương có số lượng cấp xã đứng đầu trong cả nước, tỷ lệ cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của Hà Nội luôn ở mức cao; Năm 2019 có 546/584 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt 93,5%); năm 2020 có 558/579 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt 96,37%); năm 2021 có 557/579 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt 96,2%).
Việc triển khai thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg được Sở Tư pháp tham mưu Ủy ban nhân dân từ rất sớm. Ngày 10/9/2021, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 208/KH-UBND thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg. Trong đó, xác định rõ nhiệm vụ, tiến độ thực hiện và phân công trách nhiệm cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các cấp. Đặc biệt chú trọng đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan báo chí của Hà Nội hoặc các hình thức phù hợp khác (chuyên mục, chương trình, phóng sự trên cổng/trang tin điện tử, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền thanh cấp huyện, cấp xã; đăng tải tin, bài trên các báo viết, báo điện tử... của trung ương và Hà Nội). Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân cùng cấp các giải pháp hỗ trợ địa bàn khó khăn, chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với thực hiện nội dung và nhiệm vụ được giao trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương theo thẩm quyền trong tổ chức thực hiện quyết định (nếu có).
Tỉnh Điện Biên: Là tỉnh có điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên việc thực hiện cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại địa phương trong những năm qua cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, với sự quan tâm, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, sự quyết tâm, nghiêm túc thực hiện của chính quyền các cấp, tỷ lệ cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của năm sau luôn cao hơn năm trước. Từ 62/130 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật vào năm 2017 (đạt 47,7%) đến năm 2021 đã tăng gần gấp đôi với 119/129 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt 92,25%).
Điện Biên là một trong những địa phương có văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định 25/2021/QĐ-TTg sớm nhất cả nước. Ngày 26/7/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Công văn số 2313/UBND-NC ngày 26/7/2021 để triển khai thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg trên địa bàn. Sở Tư pháp tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 437/KH-UBND ngày 18/02/2022 triển khai thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP. Với sự quan tâm của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở về kinh phí, phương tiện, con người; sự nỗ lực của Ngành Tư pháp, các tổ chức đoàn thể xã hội ở địa phương, trong thời gian tới công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cân pháp luật trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng hiệu quả, thiết thực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Trong 02 năm 2019 và 2020, Bà Rịa - Vũng Tàu có tỷ lệ 100% cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, năm 2021 đạt tỷ lệ 93% cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đây là kết quả rất đáng khích lệ của tỉnh trong thời gian qua.
Phát huy kết quả đạt được, để thực hiện kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP, với sự tham mưu tích cực và chủ động của Sở Tư pháp, ngày 25/02/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 623/QĐ-UBND triển khai thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2022, trong đó xác định rõ nhiệm vụ, tiến độ, sản phẩm, phân công trách nhiệm cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan đơn vị, tổ chức. Các nhiệm vụ trọng tâm gồm tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện; tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, tham mưu công tác đánh giá, công nhận xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; hướng dẫn, đề ra giải pháp thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật theo trách nhiệm, phạm vi quản lý của các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương...
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch; đồng thời căn cứ kết quả thực tế của việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hàng năm, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Tỉnh Gia Lai: Năm 2021, tỷ lệ cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của Gia Lai là 86,8%, cao hơn so với năm 2020 (tỷ lệ 80,5%); năm 2019 tỷ lệ này là 68,18% cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh. Sở Tư pháp ban hành Công văn số 183/STP-PBGDPL ngày 09/02/2022 về việc cung cấp thông tin, số liệu, kết quả đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2021 và triển khai các quy định mới năm 2022. Trong đó, chú trọng truyền thông, phổ biến thông tin các quy định, nội dung triển khai, các mô hình, cách làm mới trên cổng/trang tin điện tử, các trang chính thức trên mạng xã hội (Fanpage trên facebook; zalo..). Đồng thời, yêu cầu xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp cấp xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hoặc việc đánh giá công nhận không đúng quy định pháp luật. Việc thực hiện giải pháp hỗ trợ địa bàn khó khăn chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, thực hiện nội dung tiếp cận pháp luật trong Bộ Tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới các cấp; xây dựng đô thị văn minh cũng được Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo.
Đặc biệt, từ kết quả thực tiễn áp dụng hệ thống thu thập thông tin số liệu của 182 xã trên địa bàn tỉnh phục vụ công tác theo dõi, đánh giá mức độ đạt đối với chỉ tiêu “Xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật” trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, đầu năm 2022, Sở Tư pháp đã phát triển, cập nhật dữ liệu, hoàn thiện và đưa vào hoạt động hệ thống rà soát dữ liệu kết quả thực hiện quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật - tỉnh Gia Lai trên nền tảng Biểu mẫu (Forms) và Trang tính (Sheets) của Google, được tích hợp và vận hành trên Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Gia Lai. Với cách làm này, việc đánh giá, chấm điểm cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh được thực hiện đồng bộ, nhanh chóng, tiết kiệm chi phí, đối chiếu dữ liệu giữa cấp huyện với cấp xã được thuận lợi.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế: Năm 2017, có 111/152 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt tỷ lệ 73%); đến năm 2019 có 135/152 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt tỷ lệ 88,8%), tăng 0,7 % so với năm 2018 (năm 2018 có 124/152 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỷ lệ 81,6%).
Để triển khai các quy định pháp luật mới về công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 286/KH-UBND ngày 17/9/2021 thực hiện quy định đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, trong đó yêu cầu các cấp, các ngành trong tỉnh cần tăng cường công tác truyền thông, thông tin, tuyên truyền về công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật để nâng cao nhận thức của người dân, qua đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân và sự tham gia giám sát của người dân trong thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật; chú trọng hướng dẫn về tài liệu kiểm chứng, hoạt động của Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật, trình tự, thủ tục thực hiện đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin tại các xã, phường, thị trấn; đặc biệt là công tác thông tin, tuyên truyền qua Trang thông tin điện tử của các xã, phường, thị trấn.
Tỉnh Lạng Sơn: Công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của Lạng Sơn đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận, tỷ lệ cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm sau cao hơn năm trước: Năm 2018, có 128/226 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định, đạt tỷ lệ 56,60 %, tăng 26% so với năm 2017; năm 2019, có 196/226 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định, đạt tỷ lệ 86,7 %, tăng 30,1% so với năm 2018; năm 2021, có 195/200 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định, đạt tỷ lệ 97,5%, tăng 0,5% so với năm 2020.
Để thực hiện hiệu quả Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, các cấp, ngành đã tăng cường tuyên truyền về công tác này: Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Công văn số 1064/UBND-THNC ngày 06/8/2021 triển khai thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg; Sở Tư pháp đã ban hành Công văn số 554/STP-PBGDPL ngày 22/02/2022 hướng dẫn thực hiện đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Với vai trò cơ quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trong xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Sở Tư pháp phối hợp tăng cường tuyên truyền về xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đồng thời chú trọng hướng dẫn nghiệp vụ đối với phòng tư pháp các huyện, thành phố và công chức tư pháp hộ tịch cấp xã. Xác định tầm quan trọng của công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, thời gian qua, các cấp chính quyền đã quan tâm triển khai nhiều giải pháp nâng cao số lượng và chất lượng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh: Tăng cường tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức tư pháp cấp xã trên địa bàn tỉnh, chú trọng kiểm tra việc thực hiện xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh… Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể và người dân trong việc phối hợp thực hiện đảm bảo quyền được tiếp cận pháp luật của công dân.
Tỉnh Thanh Hóa: Công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật những năm qua của Thanh Hóa đạt được nhiều kết quả nổi bật: Năm 2019, 77,8% xã, phường, thị trấn của tỉnh Thanh Hóa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; đến năm 2021, tỷ lệ này là 87.9% với 470/535 xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 230/KH-UBND ngày 29/10/2021 triển khai thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg với mong muốn các cấp ủy đảng, người dân nhận thức đầy đủ hơn về mục đích, ý nghĩa và nội dung đánh giá các tiêu chí tiếp cận pháp luật. Để công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được triển khai kịp thời, đồng bộ, hiệu quả, Sở Tư pháp Thanh Hóa đã ban hành Công văn số 72/STP-PBGDPL ngày 17/01/2022 về việc triển khai nhiệm vụ xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Bên cạnh việc ban hành văn bản triển khai, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên từ tỉnh xuống huyện, xã, Sở Tư pháp sẽ thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác này như: Trực tiếp hướng dẫn các địa phương xây dựng các tiêu chí, cách chấm điểm tiêu chí, tham mưu, xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Tăng cường thông tin, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở để nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật để cùng thực hiện và giám sát. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra nghiệp vụ công tác tư pháp gắn với thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các tiêu chí.
Qua theo dõi việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn pháp luật cho thấy, nhiều địa phương còn gặp không ít khó khăn do thiếu kinh phí, sự phối hợp chưa chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cơ quan, đơn vị, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã ở một số địa phương vẫn lúng túng trong việc thu thập, tổng hợp tài liệu kiểm chứng để thiết lập hồ sơ đánh giá… Việc triển khai Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg với những điểm mới về nội dung của các tiêu chí, xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan sẽ góp phần đưa công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đi vào thực chất và hiệu quả.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp