Trong năm, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, triển khai sâu rộng, thường xuyên công tác theo dõi tình hình THPL đến các cơ quan, đơn vị, địa phương, gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, đặc biệt tập trung vào lĩnh vực, địa bàn có nhiều phản ánh, kiến nghị, còn chồng chéo, bất cập trong quá trình thực hiện THPL. Bên cạnh đó, các sở, ngành và địa phương cũng đã nâng cao vai trò, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về những quy định mới phù hợp với từng đối tượng, góp phần nâng cao sự hiểu biết, giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật của người dân. Thông qua các hình thức như tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề, họp giao ban, phát hành tờ rơi, tờ gấp, phương tiện thông tin đại chúng…, các ngành, đơn vị liên quan đã tổ chức 4.118 hội nghị, cuộc họp cho 330.726 lượt người; tổ chức 51 cuộc thi với 149.719 lượt người; in ấn, phát hành 207.081 tài liệu; thực hiện 8.197 lần phát sóng chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật trên Đài truyền thanh xã và tuyên truyền 8.452 tin, bài trên phương tiện thông tin đại chúng. Sở Tư pháp với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh và các Ban Chỉ đạo các Đề án tổ chức và phối hợp tổ chức 34 hội nghị, lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho trên 4.080 lượt người tham dự, trong đó có đối tượng là doanh nghiệp; cấp phát 3.242 cuốn sách pháp luật; in ấn và phát hành 21.580 cuốn tài liệu (trong đó có 11.100 cuốn Bản tin Tư pháp); thực hiện 10 chuyên mục Pháp luật và Đời sống.
Để tiến hành kiểm tra công tác theo dõi THPL, UBND tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội, đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất kết hợp với kiểm tra công tác THPL về xử lý vi phạm hành chính tại 14 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, ngành Thanh tra đã triển khai thực hiện 265 cuộc thanh tra, trong đó 64 cuộc thanh tra hành chính và 201 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện sai phạm hơn 21.575 triệu đồng, kiến nghị thu hồi và xử phạt vi phạm hành chính trên 8.304 triệu đồng; kiến nghị điều chỉnh, giảm trừ và kiến nghị khác hơn 13.270 triệu đồng; thu hồi trên 5.714 triệu đồng, đạt tỷ lệ 68,8%. Toàn tỉnh cũng đã phát hiện trên 32.000 vụ vi phạm hành chính, đã xử phạt trên 31.000/32.000 đối tượng vi phạm, với tổng số tiền phạt thu được trên 84 tỷ đồng; số tiền phạt thu được từ bán, thanh lý tang vật, phương tiện bị tịch thu gần 09 tỷ đồng.
Mặt khác, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tổ chức tiếp công dân đúng quy định, có hiệu quả; xử lý đơn thư đảm bảo thời gian, đúng thẩm quyền; xem xét, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, chính xác, khách quan, công khai, dân chủ các vụ việc khiếu nại, tố cáo... Ngoài ra, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm được các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quan tâm chỉ đạo, đảm bảo tốt an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, cơ quan công an tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật trên một số lĩnh vực; tiếp nhận, xác minh và giải quyết tin báo tố giác tội phạm; giải quyết khiếu nại, tố cáo; đảm bảo trật tự an toàn giao thông; xử phạt vi phạm hành chính... để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, phát hiện kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Nhằm phát huy những kết quả đạt được, từng bước đưa công tác theo dõi tình hình THPL hoạt động theo hướng chuyên sâu, có trọng tâm, trọng điểm, thời gian tới, toàn tỉnh tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức; hoàn thiện thể chế, pháp luật; bảo đảm các điều kiện thực hiện đầy đủ, thực chất nội dung theo dõi THPL. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật kịp thời, đầy đủ quy định của pháp luật đến người dân trên địa bàn; chú trọng tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình THPL ở cấp tỉnh và huyện. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành và địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác theo dõi THPL đối với lĩnh vực quản lý nhà nước, trong đó tập trung vào lĩnh vực phức tạp, có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và cuộc sống của người dân như an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, an ninh trật tự, đất đai; chủ động tiếp nhận, xử lý thông tin của các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về những vụ việc cụ thể trong quá trình thực hiện pháp luật, để gắn công tác xây dựng pháp luật với kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính và theo dõi THPL, kịp thời tham mưu, đề xuất các chủ trương, chính sách hiệu quả; kiện toàn tổ chức, bộ máy và nâng cao chất lượng, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác theo dõi tình hình THPL; đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Nội dung theo dõi thi hành pháp luật cần tiếp tục được nghiên cứu, rà soát để tránh sự dàn trải, trùng lặp như hiện nay. Bên cạnh đó, các tiêu chí đánh giá cần phải cụ thể, sát với thực tế. Xây dựng mô hình công tác viên trong lĩnh vực theo dõi thi hành pháp luật; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng, kiểm tra và theo dõi thi hành pháp luật; thu hút sự hỗ trợ nguồn lực từ các tổ chức quốc tế; quy định cụ thể, rõ ràng về thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc xử lý kết quả theo dõi thi hành pháp luật.
Sở Tư pháp Quảng Bình
[1]. Điều 3, Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật.