Abstract: The article analyzes, assesses the real situation of Vietnamese current legal provisions on using commercial indications causing confusion aimed at unfair competition, from that point, makes some recommendations for law completion.
1. Nhận diện hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn
Chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn là chỉ dẫn thương mại có chứa các dấu hiệu (yếu tố cấu thành, cách trình bày, cách kết hợp giữa các yếu tố, màu sắc, ấn tượng tổng quan đối với người tiêu dùng) trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với chỉ dẫn thương mại tương ứng của chủ sở hữu hợp pháp có quyền yêu cầu xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Việc sử dụng chỉ dẫn nêu trên là nhằm mục đích gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ, xuất xứ địa lý, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hóa, dịch vụ, hoặc về điều kiện cung cấp hàng hóa, dịch vụ... Theo khoản 3 Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, thì hành vi sử dụng chỉ dẫn gây nhầm lẫn có thể chia thành 2 nhóm:
Thứ nhất, hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ
Hành vi này làm cho người tiêu dùng tưởng rằng hàng hóa, dịch vụ của người có hành vi gây nhầm lẫn cùng do doanh nghiệp đối thủ cạnh tranh sản xuất, cung cấp; hoặc hai loại hàng hóa, dịch vụ có chỉ dẫn thương mại giống nhau hoặc tương tự nhau là do các chủ sở hữu có mối liên hệ, quan hệ hợp tác nhất định. Hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn, thông thường, đối tượng mà chủ thể vi phạm tác động tới là việc sử dụng tên thương mại, biểu tượng kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh... Tuy nhiên, để tạo ra sự nhầm lẫn và gây hậu quả nhất định bởi sự nhầm lẫn cho khách hàng, tên thương mại trong trường hợp này cần mang tính độc đáo nhất định. Trái lại, không bị coi là hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn nhằm cạnh tranh không lành mạnh (CTKLM) nếu tên thương mại là thông dụng và phổ biến.
Thứ hai, hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hóa, dịch vụ, về điều kiện cung cấp hàng hóa, dịch vụ
Hành vi này khiến cho người tiêu dùng nhầm lẫn hàng hóa, dịch vụ này với hàng hóa, dịch vụ khác về tính năng, số lượng, chủng loại, chất lượng; về điều kiện cung cấp, điều kiện hậu mãi... hoặc về cách thức, quy trình sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ... Hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn nhằm CTKLM chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (SHCN), thể hiện ở việc doanh nghiệp vi phạm bắt chước các dấu hiệu phân biệt của sản phẩm của đối thủ cạnh tranh như: Nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hàng hóa, khẩu hiệu kinh doanh, kiểu dáng bao bì hàng hóa, làm cho khách hàng vì bị nhầm lẫn mà mua sản phẩm, dịch vụ của đối thủ cạnh tranh. Do đó, nhóm hành vi này thường được điều chỉnh bởi pháp luật sở hữu trí tuệ (SHTT).
2. Nhận diện hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn nhằm cạnh tranh không lành mạnh
Luật Cạnh tranh năm 2004 và Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đều có quy định điều chỉnh hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn nhằm cạnh tranh không lành mạnh. Cụ thể:
2.1. Các dấu hiệu của hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn
b. Đối tượng của hành vi
Đối tượng của hành vi sử dụng là các chỉ dẫn thương mại. Điều 40 Luật Cạnh tranh năm 2004 có liệt kê một số đối tượng mà hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn xâm phạm đến như: Tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lý. Khoản 2 Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 cũng xác định: “Chỉ dẫn thương mại là các dấu hiệu, thông tin nhằm hướng dẫn thương mại hàng hoá, dịch vụ”. Chỉ dẫn thương mại cũng có các dấu hiệu như: Khả năng phân biệt (chức năng chỉ dẫn) cho phép người tiêu dùng trung bình có thể phân biệt được hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp này với hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp khác hoặc phân biệt doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác; khả năng nhìn thấy được, đó có thể là yếu tố màu sắc, cách trình bày, cách kết hợp các yếu tố; khả năng dùng được trong thương mại (có thể sản xuất hàng loạt)… Chỉ dẫn thương mại phải là đối tượng đã được đăng ký bảo hộ; đối với việc xác định hành vi CTKLM liên quan đến các chỉ dẫn thương mại, các chỉ dẫn thương mại không nhất thiết phải được đăng ký bảo hộ nhưng điều kiện tiên quyết phải chứng minh được việc đã đưa vào sử dụng trong hoạt động thương mại, tạo dựng được uy tín nhất định trên thị trường và được người tiêu dùng biết đến rộng rãi[2]. Việc xác định dấu hiệu này có thể căn cứ vào thời gian xuất hiện trên thị trường; phạm vi truyền thông, quảng bá đến người tiêu dùng; mức độ nhận biết, tín nhiệm của người tiêu dùng đối với hàng hóa, dịch vụ, thị phần của hàng hóa, dịch vụ trên thị trường...
Điểm b khoản 1 Điều 19 Thông tư số 11/2015/TT- BKHCN ngày 26/6/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ đã liệt kê một số chỉ dẫn thương mại là đối tượng của hành vi sử dụng chỉ dẫn gây nhầm lẫn như: “Nhãn hàng hóa” là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát; “Khẩu hiệu kinh doanh” là một nhóm từ ngữ xuất hiện bên cạnh tên doanh nghiệp hoặc nhãn hiệu sản phẩm của doanh nghiệp nhằm nhấn mạnh mục đích hoặc tiêu chí kinh doanh của doanh nghiệp hoặc đối tượng khách hàng mà sản phẩm hướng tới; “Biểu tượng kinh doanh” là ký hiệu, chữ viết, hình vẽ, hình khối được thiết kế một cách độc đáo và được coi là biểu tượng của doanh nghiệp sử dụng trong hoạt động kinh doanh; “Kiểu dáng bao bì hàng hóa” là thiết kế, trang trí bao bì hàng hóa, gồm hình dạng, đường nét, hình vẽ, chữ, số, màu sắc, cách trình bày, cách phối hợp màu sắc, cách bố trí, kết hợp giữa các yếu tố nói trên tạo nên ấn tượng riêng hay nét đặc trưng của bao bì hàng hóa[3].
Như vậy, nếu so với pháp luật cạnh tranh, pháp luật SHCN quy định rõ ràng và đầy đủ hơn các chỉ dẫn thương mại là đối tượng của hành vi sử dụng chỉ dẫn gây nhầm lẫn. Tuy nhiên, có một đối tượng mà cả pháp luật cạnh tranh và pháp luật SHCN không liệt kê, nhưng thực tế vẫn tồn tại hành vi CTKLM là kiểu dáng công nghiệp. Các chỉ dẫn thương mại này khi bị các doanh nghiệp trên thị trường lợi dụng tạo ra các yếu tố trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn sẽ làm sai lệch nhận thức, dẫn đến lựa chọn không đúng mong muốn của người tiêu dùng.
Theo Điều 124 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, việc sử dụng chỉ dẫn gây nhầm lẫn được hiểu là việc thực hiện một trong các hành vi: (i) Gắn chỉ dẫn gây
Căn cứ Điều 40 Luật Cạnh tranh năm 2004, các hành vi CTKLM liên quan đến sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn gồm hai nhóm:
Thứ nhất, hành vi sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ mang chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn
Biểu hiện cụ thể của hành vi này là việc doanh nghiệp gắn chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn lên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch kinh doanh, phương tiện quảng cáo, thiết kế kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm gây nhầm lẫn... Có một vụ việc thực tế điển hình là năm 2013, Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam khiếu nại đến Thanh tra Bộ Khoa học và Công đến về hành vi sử dụng chỉ dẫn gây nhầm lẫn về kiểu dáng chai dầu gội đầu dược liệu Thái Dương 3 của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương. Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiến hành thanh tra và ra Quyết định số 63/QĐ-XPVPHC ngày 16/9/2013 xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Sao Thái Dương về hành vi sử dụng kiểu dáng chai đựng dầu gội đầu (đặc điểm tạo dáng, cách trình bày, màu sắc...) tương tự với chỉ dẫn thương mại là kiểu dáng chai sản phẩm dầu gội đầu “Sunsilk” của Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam đã sử dụng rộng rãi, ổn định, lâu dài từ năm 2008. Đây là hành vi CTKLM về SHCN quy định tại Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005. Ở vụ việc này, do Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam chưa đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đối với chai đựng dầu gội đầu “Sunsilk” nên không khiếu nại theo hướng hành vi xâm phạm quyền SHCN, mà khiếu nại về hành vi sử dụng chỉ dẫn gây nhầm lẫn nhằm CTKLM. Công ty này đã chứng minh được: (i) Chỉ dẫn thương mại đã được Công ty sử dụng rộng rãi, ổn định và được nhiều người tiêu dùng tại Việt Nam biết đến do có hệ thống đại lý phân phối trên khắp Việt Nam và đã quảng cáo rộng rãi dưới nhiều hình thức khác nhau để giới thiệu sản phẩm tới đông đảo người tiêu dùng tại Việt Nam; (ii) Hành vi sử dụng chỉ dẫn có gây nhầm lẫn do sản phẩm “dầu gội dược liệu Thái Dương 3 là hoàn toàn trùng với kiểu dáng chai đã sử dụng cho sản phẩm dầu gội “Sunsilk” từ năm 2008 đến nay[4]...
Vụ việc xảy ra vào năm 2013, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã căn cứ khoản 8 Điều 14 Nghị định số 97/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về SHCN để xử lý. Tuy nhiên hiện nay, Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ và Điều 14 Nghị định 97/2010/NĐ-CP đã được thay thế bởi Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 có quy định về hành vi CTKLM do sử dụng chỉ dẫn gây nhầm lẫn, nhưng khái niệm chỉ dẫn thương mại không bao gồm kiểu dáng công nghiệp và trong các chỉ dẫn gây nhầm lẫn được liệt kê cũng không có kiểu dáng công nghiệp. Do đó, câu hỏi đặt ra là kiểu dáng công nghiệp được coi là một loại chỉ dẫn thương mại hay là một dạng của kiểu dáng bao bì sản phẩm để có thể áp dụng quy định này? Vụ việc cũng cho thấy, cần thiết phải bổ sung kiểu dáng công nghiệp gây nhầm lẫn vào nhóm các chỉ dẫn thương mại để ngăn chặn nhóm hành vi CTKLM do sử dụng kiểu dáng công nghiệp gây nhầm lẫn xảy ra khá nhiều trong thời gian gần đây.
Biểu hiện cụ thể của hành vi này là việc doanh nghiệp bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán, nhập khẩu hàng hóa có gắn chỉ dẫn thương mại đó. Trên thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp, cửa hàng đại lý bán nước mắm có chỉ dẫn địa lý trên nhãn hàng hóa là “Nước mắm Phú Quốc”, nhưng thực tế không biết nước mắm đó có thực sự được sản xuất tại Phú Quốc hay không?
Những phân tích ở trên cho thấy, đối với việc quy định hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại nhằm CTKLM theo pháp luật Việt Nam còn một số tồn tại như:
- Có nhiều quy định pháp luật nằm rải rác trong các văn bản pháp luật khác nhau cùng điều chỉnh về một loại hành vi CTKLM trong lĩnh vực SHCN. Điều này gây khó khăn trong nhận thức và áp dụng pháp luật.
- Khái niệm hành vi CTKLM được quy định tại khoản 4 Điều 3 và các hành vi cụ thể được liệt kê tại Điều 39 Luật Cạnh tranh. Khoản 10 Điều 39 quy định về các hành vi CTKLM khác, nhưng chưa có một văn bản nào hướng dẫn về vấn đề này. Nếu phát sinh hành vi CTKLM mới không nằm trong số danh sách các hành vi đã được quy định, thì có được căn cứ khoản 10 Điều 39 để áp dụng không? Cơ quan nào có quyền giải thích, áp dụng điều này.
- Theo quy định của khoản 1 Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ, hành vi CTKLM được thực hiện liên quan đến các đối tượng là chỉ dẫn thương mại, nhãn hiệu và tên miền... Bên cạnh đó, điểm b khoản 1 Điều 19 Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN cũng quy định cụ thể về vấn đề này. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là kiểu dáng công nghiệp có được coi là một yếu tố trong chỉ dẫn thương mại và là đối tượng của hành vi CTKLM trong lĩnh vực SHCN không? Trên thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh, kiểu dáng công nghiệp cũng có vai trò hết sức quan trọng đối với mục tiêu xây dựng thương hiệu, thu hút người tiêu dùng. Đã có ý kiến cho rằng, nhãn hiệu thường chỉ là hình thức bên ngoài, có thể gây ấn tượng đầu tiên cho khách hàng tiềm năng, nhưng một kiểu dáng bắt mắt thường nhanh chóng chiếm được sự trung thành với thương hiệu, như là trường hợp sản phẩm Ipad của hãng Apple. Chính vì tầm quan trọng của kiểu dáng công nghiệp trong việc làm tăng giá trị sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp như vậy, nên trên thực tế không ít trường hợp các đối thủ cạnh tranh sao chép, bắt chước kiểu dáng công nghiệp của doanh nghiệp nhằm có được lợi thế cạnh tranh của người tiêu dùng.
Từ những tồn tại ở trên, tác giả đề xuất một số kiến nghị như sau:
- Trao quyền cho cơ quan hướng dẫn thi hành (có thể là Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc Tòa án thông qua các án lệ) xác định các loại hành vi CTKLM mới xuất hiện ngoài các hành vi đã được liệt kê (như hành vi sử dụng chỉ dẫn gây nhầm lẫn là kiểu dáng công nghiệp của hàng hóa).
- Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ có đề cập “kiểu dáng bao bì” là một loại chỉ dẫn thương mại nhưng chưa làm rõ kiểu dáng bao bì có bao gồm kiểu dáng công nghiệp của hàng hóa không. Vì vậy, cần bổ sung kiểu dáng công nghiệp là một trong các yếu tố của “chỉ dẫn thương mại” .
Đại học Thành Tây
[1]. Yves Serra (1993), Le droit francais de la concurrence, Nxb Dalloz.
[2]. Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, Hà Nội, 2006.
[3]. Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN ngày 26/6/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 99/2013/nđ-cp ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, Hà Nội, 2015.
[4]. “Pháp luật chống CTKLM trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp ở Việt Nam - Lý luận và thực tiễn”, Luận văn Thạc sĩ luật học của tác giả Nguyễn Vũ Quỳnh Lâm, Đại học Luật Hà Nội, 2006.