Chỉ trong nửa tuần hương sau khi tin lan đi, tất cả mọi người dân trong bản đã lũ lượt kéo nhau đến nhà Ông Vảng và bà Sua (Bố mẹ A Tớ). Tiếng khèn trống, tiếng khóc than nổi lên khắp nơi nghe ai oán. Trong góc nhà, bên chiếc giường con, A Tớ ngồi bất động bên thi thể cô vợ trẻ đã không còn sự sống. Đứa con mới sinh được quấn trong chiếc tã mỏng, đang nằm gọn trong lòng bố. Ngoài nhà, mọi người đang họp nhau lại bàn bạc để làm đám ma cho người xấu số. Bên cạnh, Bà Le (Mẹ Dở) than khóc vật vã, gào tên con:
Bà Le (ôm đầu than khóc): Ối Giàng ơi! ông Giàng ơi! sao Giàng nỡ cướp mất con tôi! Dở ơi! con ơi! đứa con gái tội nghiệp của tôi!
Rồi bà quay sang nhìn bà Sua buông lời trách móc:
Bà Le: Cái Dở chết là tại anh chị? Nó bị chảy nhiều máu, tôi đã bảo là phải đưa nó đi bệnh viện ngay thì không nghe, cứ gọi thầy cúng về bắt con ma rừng, giờ thì nó chết rồi, tất cả là do anh chị, anh chị trả con lại cho tôi. Ôi! con ơi là con ơi!
Bà Sua: Kìa cô Le, sự việc xảy ra tôi cũng đau lòng lắm, ai lại biết thế này, ngày nó sắp đẻ tôi cũng mời thầy cúng về cúng rồi nhưng con ma rừng vẫn bắt được nó đi thì tôi biết phải làm thế nào?
Bà Le: Ma rừng! ma rừng, nó đẻ thì phải đi vào viện chứ, tại chị cứ bắt nó đẻ ở nhà nên nó mới bị chết đấy!. Ôi con ơi! số con khổ quá con ơi!
Bà Sua: Thì tôi có biết xảy ra sự việc này đâu. Trước kia, tôi đẻ mấy đứa cũng toàn tự đẻ ở nhà, Phụ nữ H’Mông ta từ trước đến nay đều thế cả, có ai đi bệnh viện bao giờ đâu.
Bà Le nghe nói, gạt nước mắt, định nói thêm vài câu nhưng ông Vảng đã ngăn lại:
Ông Vảng: Thôi đi! hai người đừng có cãi nhau nữa, giờ con nó chết rồi, cãi nhau thì được ích gì? Cái bụng tôi cũng đau, cũng buồn lắm chứ, giờ bình tĩnh lại mà lo liệu đám tang cho con trước đã, có chuyện gì thì nói sau.
Hai người phụ nữ đành im lặng nhìn nhau, nước mắt vẫn không ngừng tuôn rơi trên những gương mặt khắc khổ, sạm màu nắng gió. Cũng phải thôi, có người làm cha, làm mẹ nào mà không đau xót trước cái chết của đứa con mà mình đã dứt ruột đẻ ra, nhất là khi tuổi đời còn quá trẻ như vậy. Dở còn trẻ lắm, mới 17 tuổi, em còn chưa đến độ tuổi đẹp nhất của đời người con gái, vậy mà...
Ngoài ngõ, bỗng có tiếng người nói xôn xao, là ông Súng (trưởng họ), đi theo ông là mấy người già của dòng họ Tráng. Tất cả mọi người vội dạt ra hai bên, nhường chỗ (ông Súng cùng mấy người già ngồi xuống ghế), ông Vảng liền chạy ra:
Ông Vảng: Dạ! Bác và các cụ vừa tới ạ! Thế việc em nhờ, bên thầy cúng phán thế nào ạ!
Ông Súng, tay vớ lấy ống điếu bên cạnh, châm đóm, rít một hơi rồi từ từ nhả khói. Chừng một lúc sau ông mới chậm rãi nói:
Ông Súng: Tôi và mấy cụ đây vừa sang bên thầy cúng về, thầy nói phải chín giờ thì mới cho nhập quan. Nhà mình mổ thêm một con trâu và ba con lợn đề làm ma cho nó, nếu không nó sẽ trở thành con ma đói, ma khát làm hại dân làng ta.
Rồi ông đột ngột dừng lại, mắt nhìn qua một lượt và dừng lại chỗ thằng A Tớ.
Ông Súng: Còn một chuyện này nữa, đây là điều hệ trọng mà thầy cúng nói với tôi, đứa trẻ kia vừa sinh ra đã hại chết mẹ, hơn nữa da nó trắng không giống đứa trẻ bình thường. Thầy nói nó là do con ma rừng hóa thành, nên phải đem nó chôn theo mẹ, không thể để nó sống được.
Nghe đến đây, tất cả mọi người có mặt đều kinh hãi hướng ánh mắt về phía A Tớ và đứa trẻ, không lẽ... không lẽ nào đó là sự thật. A Tớ vẫn ngơ ngác không hiểu chuyện gì đang xảy ra, một lúc sau dường như đã định thần lại và hiểu ra mọi chuyện, nó bật dậy như chiếc lò xo, ôm chặt lấy đứa con vào lòng.
A Tớ: Sao cơ! Bác vừa nói gì vậy, ma rừng sao? Không, nó không phải là ma rừng, nó là con cháu. Ngày trước, cháu đi học, thầy cô giáo nói không có ma rừng nào hết, cháu không tin.
Ông Súng: Cái bụng ta cũng không muốn tin đâu cháu à? nhưng cháu nhìn xem, nó chính là ma rừng rồi, phải chôn nó thôi!
A Tớ (ôm chặt con hơn): Không, cháu không tin, nó là con cháu, không ai được mang nó đi! không ai được chôn nó!
Ông Súng: Cháu tin hay không cũng được, nhưng thầy cúng đã nói nếu để đứa bé này sống, nó sẽ tiếp tục hại nhà ta, hại cả dòng họ và dân bản của ta đấy cháu à.
Bà Le: Thưa bác trưởng họ, cái Dở mất rồi, còn mỗi đứa con này thôi, nó chỉ là một đứa trẻ mới sinh, làm sao hại người được, xin mọi người đừng mang nó đi.
Ông Súng: Nhưng thầy cúng là người của Giàng, cái mắt nó là mắt của giàng, nó mới nhìn thấy con ma rừng chứ, còn chúng ta làm sao nhìn thấy được. Thôi! tôi đã quyết cái bụng rồi, đứa trẻ này không thể sống. A Tớ, mau đưa nó lại đây!.
A Tớ ôm chặt đứa con, mắt nó bỗng long lên:
A Tớ: Không! đây là con tôi, không ai được động vào nó!.
Thấy A Tớ làm căng, nhất quyết không chịu giao đứa bé, lại sắp đến giờ nhập quan, ông Súng nổi cáu quát đám thanh niên gần đó.
Ông Súng: Chúng mày đâu! giữ thằng A Tớ và lôi nó ra ngoài, đưa đứa bé lại đây.
Nghe tiếng ông trưởng họ quát, đám thanh niên không thể không nghe theo, họ sấn lại giữ tay thằng A Tớ, giằng lấy đứa bé, bà Le thấy thế định lao ra giúp con rể nhưng cũng bị kéo lại. Bà gào khóc, dãy dụa bất lực nhìn A Tớ bị kéo đi, còn đứa trẻ thì giao cho trưởng họ.
Mọi người có mặt, ai nấy đều im lặng, không dám ho he một tiếng. Chiếc quan tài được mang đến, thi thể của Dở được đưa vào áo quan, đứa bé cũng sắp sửa phải đi theo mẹ nó. Thương con, thương đứa cháu bé bỏng, bà Le gào khóc khản cả tiếng. Giữa lúc tình hình đang căng thẳng ấy, một bóng người mặc áo trắng lẹ làng rẽ đám đông đi vào, đến bên ông Súng, nhanh tay ôm lấy đứa trẻ. Mọi người định thần nhìn kĩ hóa ra đó là chị Hòa - cán bộ tư pháp xã. Tất cả còn chưa hết kinh ngạc vì hành động của chị thì chị đã lên tiếng:
Chị Hòa: Kính thưa ông Sùng trưởng họ! thưa bà con dân bản! Thành thật xin lỗi vì hành động đường đột vừa rồi của tôi. Hôm nay, tôi đến đây là vì nghe tin em Dở mất, trước hết tôi xin chia buồn cùng gia đình.
Ông Vảng (vội vàng tiến lại bên chị Hòa): Dạ! thì ra là cán bộ Hòa, cảm ơn cán bộ đã đến động viên và chia buồn cùng gia đình chúng tôi.
Chị Hòa: Ban đầu, mục đích của tôi đến đây là để chia buồn cùng gia đình, nhưng không ngờ lại được chứng kiến toàn bộ sự việc xảy ra vừa rồi, cũng may là tôi đến kịp lúc, nếu không một mạng người nữa đã bị tước đi quyền sống rồi.
Ông Sùng: Cán bộ Hòa nói như vậy là sao? cái bụng lão già như tôi chẳng hiểu gì cả?
Chị Hòa: Thưa trưởng họ, thưa tất cả bà con, đứa trẻ này không phải là ma rừng, nó cũng không giết hại ai cả?
Ông Sùng (ngắt lời chị Hòa): Nhưng thầy cúng đã nói nó là con ma rừng, nếu nó không phải con ma rừng thì sao vừa sinh ra đã hại chết mẹ nó. Cán bộ xem, nó cũng không giống đứa trẻ bình thường. Nó đúng là con ma rừng rồi.
Chị Hòa: Ông Sùng ạ! Nó chỉ là một đứa trẻ sơ sinh thôi, nó không có khả năng hại ai cả, kể cả mẹ nó, mẹ nó chết chính là do sự thiếu hiểu biết của những người làm cha, làm mẹ là các ông, các bà đây đấy ạ!
Nghe chị Hòa nói vậy, tất cả mọi người có mặt ở đây đều tỏ ra sửng sốt, đặc biệt là ông Vảng, bà Sua và bà Le.
Bà Sua (lắp bắp): Sao?... Cán bộ nói sao?... là... là chúng tôi hại chết con Dở ư? sao có thể chứ!
Ông Vảng: Hây zà! Cán bộ Hòa này nói lung tung quá! cái Dở là con dâu, cũng là cháu gái tôi, sao chúng tôi có thể hại chết nó được.
Chị Hòa: Thì các bác cứ bình tĩnh nghe tôi giải thích hết đã, đúng là cái chết của em Dở không phải do mọi người trực tiếp gây ra, nhưng mọi người chính là nguyên nhân gián tiếp gây ra điều này đấy ạ!
Ông Vảng: Giàng ơi! sao mà cán bộ càng nói tôi càng không hiểu gì cả, cái đầu tôi loạn lên hết rồi.
Chị Hòa: Như này mọi người ạ! Thứ nhất, theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình do Quốc hội ban hành năm 2014 quy định rõ tại Điều 8: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên mới đủ điều kiện để kết hôn và việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào, không ai được cưỡng ép hoặc cản trở. Ở đây cả A Tớ và em Dở đều chưa đến tuổi kết hôn nhưng đã bị gia đình ta bắt phải nghỉ học để ở nhà cưới vợ, cưới chồng như vậy là vi phạm pháp luật hay còn gọi là tảo hôn đấy ạ!
Bà Le: Nghe cán bộ Hòa nói như vậy thì tôi sáng cái bụng, cái đầu ra rồi. Ngày xưa không được đi học, không biết cái chữ nên có biết gì về luật đâu, cứ nghĩ con gái qua mười hai ông trăng, con trai biết dắt con trâu, cầm cái cày lên nương là lấy được vợ, được chồng rồi.
Chị Hòa: Vâng! đấy là ngày xưa thôi, giờ đã có luật thì mọi người phải sống và làm việc theo pháp luật. Như vậy, ngoài vi phạm tảo hôn ra, gia đình ta còn vi phạm Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình nữa đó là kết hôn cận huyết thống. Trong Luật Hôn nhân và gia đình quy định rõ “cấm kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời”. A Tớ và Dở là anh em con bác con cô, kết hôn như thế là quá gần. Đây cũng chính là nguyên nhân vì sao đứa trẻ này sinh ra lại không giống những đứa trẻ bình thường khác, nó bị bệnh bạch tạng, là bệnh di truyền do kết hôn cận huyết thống đấy ạ, giờ thì mọi người đã hiểu vì sao nó không phải là con ma rừng rồi.
Nghe chị Hòa giải thích xong, mọi người mới ngớ người và dần hiểu ra mọi chuyện. Bà Le choáng váng, người lảo đảo như muốn ngã quỵ. Bà khóc không thành tiếng, thì ra con bà, cháu bà ra nông nỗi này là do sự thiếu hiểu biết của những người làm cha, làm mẹ như bà.
Đợi mọi người bình tĩnh một chút, chị Hòa tiếp tục nói:
Chị Hòa: Tất cả những trường hợp vi phạm của gia đình ta, xã đã biết, đợi sau khi lo tang sự cho e Dở xong xuôi sẽ tiến hành lập biên bản xử phạt.
Bà Sua (hoang mang): Sao? Cán bộ Hòa nói là sẽ bị phạt sao? ôi! Giàng ơi là Giàng ơi!
Chị Hòa: Vâng! sẽ phải xử phạt theo quy định của pháp luật ạ! Ngoài ra, lúc e Dở sinh, đáng lẽ phải đưa em đi viện thì mọi người lại để ở nhà, khiến em bị băng huyết, mất nhiều máu mà chết. Như vậy cũng đã vi phạm vào quyền được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của công dân đấy ạ!
Một lần nữa, bà Le nhìn bà Dua trách móc:
Bà Le: Đấy ! Chị thấy chưa? Cả cán bộ Hòa cũng nói thế, lúc đầu, tôi nói chị có nghe đâu, Dở ơi! con ơi là con ơi!
Bà Sua chỉ biết cúi đầu im lặng. Không ngờ vì sự kém hiểu biết, vì nếp suy nghĩ lạc hậu từ bao đời nay của bà mà đã hại cả một mạng người. Bà tự trách mình nhưng tất cả đã quá muộn. Nhìn đứa bé trên tay, chị Hòa chậm rãi nói:
Chị Hòa: Cũng may vừa rồi tôi đến kịp lúc, nếu không mọi người lại phạm phải thêm một tội lớn nữa!
Ông Sùng: Sao lại là tội lớn? Cán bộ nói như vậy nghĩa là sao? Tôi không hiểu?
Chị Hòa: Tội này chính là tội “giết người” đấy ạ!
Lần này không chỉ ông Sùng, mà tất cả mọi người đều hoang mang và sửng sốt.
Ông Sùng (lắp bắp): Tội... tội giết người ư?
Chị Hòa: Vâng! theo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Điều 19 ghi rõ: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái pháp luật”. Đứa bé này không có tội, không ai được phép hại nó.
Ông Sùng (lúng túng): Nhưng... nhưng tại thầy cúng nói nó là con ma rừng, nên tôi vì lo sợ quá... mới... mới... định đem nó đi chôn.
Chị Hòa: Ông Sùng ạ! trên đời này làm gì có Giàng, cũng làm gì có ma quỷ, tất cả chỉ là trò bịp bợp của mấy tay thầy cúng muốn lừa dối những bà con thiếu hiểu biết như chúng ta thôi. Hiện nay, xã ta đang tích cực bài trừ những hủ tục lạc hậu và mê tín dị đoan nên vừa rồi đã có văn bản triệu tập những người hành nghề thầy bói, thầy cúng lên xã để làm việc và xử phạt theo quy định của pháp luật rồi đấy ạ! Từ giờ chở đi, mọi người đừng tin vào bói toán, cúng bái nữa nhé! có ốm đau, bệnh tật thì phải đưa vào bệnh viện để cứu chữa.
Chị Hòa vừa dứt lời, mọi người đều “à” lên một tiếng và hiểu ra mọi chuyện. Trong đám đông, đâu đó bắt đầu vang lên những tiếng bàn tán: “Đúng rồi, làm gì có giàng, làm gì có ma rừng”; “Thôi! từ nay, chúng ta phải nghe theo lời cán bộ nói, đừng tin vào bói toán nữa”.
Tiến về phía chị Hòa, ông Sùng ngượng ngùng nói:
Ông Sùng: Cảm ơn cán bộ Hòa! Cảm ơn cán bộ đã giúp chúng tôi hiểu ra nhiều điều. Cũng may có cán bộ đến kịp, nếu không đúng là chúng tôi đã gây thêm tội lớn rồi. Thay mặt cho bà con dân bản, thay mặt cho dòng họ Tráng, tôi xin hứa với cán bộ, từ nay sẽ không để xảy ra nạn tảo hôn cũng như kết hôn cận huyết thống nữa. Bà con chúng ta có đồng ý thế không ạ?
“Đồng ý, đồng ý” tiếng mọi người đồng thanh.
Chị Hòa: Sự việc của em Dở ngày hôm nay là bài học quá đắt cho việc thiếu hiểu biết của chúng ta. Vì vậy, tôi cũng hy vọng từ nay về sau, tất cả bà con dân bản sẽ tìm hiểu về luật pháp nhiều hơn nữa, sẽ sống và làm việc theo pháp luật để xã hội ta ngày càng văn minh và tiến bộ.
Ông Sùng: Vâng! chúng tôi nhất định sẽ làm theo lời cán bộ.
Nói rồi ông tiến lại gần chị Hòa, đưa tay đón đứa bé trao lại cho A Tớ:
Ông Sùng: A Tớ à! Bác sai rồi, bác xin lỗi cháu, giờ cháu hãy nuôi dạy đứa bé này thật tốt nhé!
A Tớ mắt ngấn lệ, đưa tay đón lấy đứa con gái bé bỏng. Nó nhìn con rồi nhìn sang phía vợ, tự hứa với lòng mình, sẽ dành tất cả tình yêu thương để nuôi dạy con thật tốt, sẽ không bao giờ để con phải chịu cảnh như mẹ nó ngày hôm nay.
Trước khi ra về, chị Hòa nắm lấy tay A Tớ động viên:
Chị Hòa: Thôi! tôi mong gia đình sẽ sớm vượt qua nỗi đau này và cũng mong sau khi lo xong xuôi mọi chuyện thì gia đình ta cũng sẽ tự giác đến Ủy ban nhân dân xã để làm việc và chấp hành xử phạt theo quy định của pháp luật.
Ông Vảng: Vâng, chúng tôi xin cảm ơn cán bộ rất nhiều! Xin cán bộ cứ yên tâm, nhất định chúng tôi sẽ đến xã và chấp nhận xử phạt.
Chị Hòa đã ra về nhưng mọi người vẫn im lặng rất lâu. Tất cả những gì vừa trải qua giống như một cơn ác mộng, mà nếu không có cơn ác mộng này có lẽ mãi mãi bà con dân bản nơi đây vẫn còn đang đắm chìm trong sự mê muội của những hủ tục lạc hậu đã ăn sâu vào nếp sống, nếp nghĩ từ bao đời nay. Và, sẽ còn có không biết bao nhiêu cô gái, bao nhiêu chàng trai lại trở thành nạn nhân của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giống như Dở, như A Tớ.
Mặt trời đã lên quá con sào, những tia nắng ấm áp xua tan màn mây mù lạnh lẽo. Trên đỉnh núi Lảo Thẩn, một khởi đầu mới, một cuộc sống mới đang bắt đầu.
Trường PTDTBT Dền Thàng, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai
(Tác phẩm đạt giải Ba tại cuộc thi Sáng tác kịch bản tiểu phẩm pháp luật do Bộ Tư pháp tổ chức năm 2018)