Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới” và “nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”. Nguyên tắc này của Hiến pháp là định hướng xuyên suốt hệ thống pháp luật Việt Nam, được cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp luật, đặc biệt là những văn bản liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân như Bộ luật Lao động, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự…
Trong bài viết này, tác giả bàn về vấn đề bảo đảm quyền của phụ nữ, trẻ em gái trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và vấn đề bảo đảm quyền của phụ nữ và trẻ em gái trong pháp luật hình sự ở Việt Nam hiện nay.
1. Bảo đảm quyền của phụ nữ và trẻ em gái trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Để bảo đảm và tăng cường quyền của phụ nữ và trẻ em gái thì trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật cần đặc biệt chú trọng tới vấn đề bình đẳng giới (BĐG), quyền của phụ nữ và trẻ em gái. Chính vì thế, Luật Bình đẳng giới đã xác định lồng ghép vấn đề BĐG trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là một trong những biện pháp bảo đảm BĐG (Điều 21).
Đồng thời, một trong những yêu cầu bắt buộc trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật mà Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã quy định rất rõ rằng, ngay từ khi thẩm định đề nghị xây dựng những dự án luật, pháp lệnh do Chính phủ trình, thì trước khi trình Chính phủ, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan thẩm định đề nghị xây dựng dự án luật, pháp lệnh đó, trong đó có nội dung thẩm định việc lồng ghép vấn đề BĐG trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nếu chính sách liên quan đến vấn đề BĐG (Điều 39). Khi một dự án luật, pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết được xây dựng thì trong hồ sơ dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ cho ý kiến hay trình Ủy ban của Quốc hội thẩm tra bắt buộc phải có báo cáo về lồng ghép vấn đề BĐG trong dự án, dự thảo, nếu trong dự án, dự thảo có quy định liên quan đến vấn đề BĐG và một trong những nội dung thẩm định, thẩm tra của cơ quan có thẩm quyền đó là vấn đề lồng ghép vấn đề BĐG trong dự thảo văn bản, nếu trong dự thảo văn bản có quy định liên quan đến vấn đề BĐG (các điều 58, 59, 64, 65). Bên cạnh đó, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 cũng quy định rõ, những dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết do các cơ quan khác của Quốc hội chủ trì thẩm tra nhưng Ủy ban Về các vấn đề xã hội vẫn có trách nhiệm thẩm tra để bảo đảm việc lồng ghép vấn đề BĐG khi dự án, dự thảo đó có quy định liên quan đến vấn đề BĐG (Điều 69).
Luật Bình đẳng giới đã xác định mục tiêu BĐG, đó là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới BĐG thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội (Điều 4). Các nguyên tắc về BĐG cũng được khẳng định tại Điều 6 Luật Bình đẳng giới, trong đó cần kể tới nguyên tắc nam, nữ bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, không bị phân biệt đối xử về giới; nguyên tắc chính sách bảo vệ và hỗ trợ người mẹ không bị coi là phân biệt đối xử về giới hay nguyên tắc bảo đảm lồng ghép vấn đề về BĐG trong xây dựng và thực thi pháp luật. Đồng thời, Luật Bình đẳng giới đã có những quy định cụ thể về vấn đề BĐG trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, những biện pháp bảo đảm BĐG cũng như trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân trong việc thực hiện và bảo đảm BĐG.
Ngoài Luật Bình đẳng giới - được xem là một luật chuyên ngành về vấn đề BĐG thì một số đạo luật quan trọng như Bộ luật Lao động năm 2012; Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; Bộ luật Dân sự năm 2015; Bộ luật Hình sự năm 2015; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015… đều có những quy định nhằm bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái. Đặc biệt, để bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái trong hệ thống tư pháp hình sự, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung để quy định cụ thể, rõ ràng, minh bạch hơn vấn đề quyền của phụ nữ và trẻ em gái khi họ là nạn nhân của tội phạm hoặc là người phạm tội.
2. Bảo đảm quyền của phụ nữ và trẻ em gái trong pháp luật hình sự
2.1. Các quy định tại phần chung của Bộ luật Hình sự năm 2015
Thứ nhất, về nguyên tắc xử lý hình sự
Theo quy định tại Điều 3 Bộ luật Hình sự năm 2015 về các nguyên tắc xử lý hình sự đối với người thực hiện hành vi phạm tội thì một trong những nguyên tắc này đã thể hiện sâu sắc tinh thần của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến vấn đề BĐG, đó là: “Mọi cá nhân phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội”.
Thứ hai, liên quan đến quy định về che giấu tội phạm
Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định bất cứ người nào che giấu tội phạm đều phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm. Tuy nhiên, Điều 18 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã sửa quy định này theo hướng khẳng định rõ người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 (các tội đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác, tội phạm về ma túy, tội phạm về chức vụ và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng cụ thể khác). Như vậy, quy định này đã giới hạn trong phạm vi hẹp những tội mà ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội sẽ không bị xử lý hình sự nếu che giấu tội phạm (Điều 18).
Đối với quy định không tố giác tội phạm, Bộ luật Hình sự năm 2015 tiếp tục duy trì quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 khi loại trừ trách nhiệm hình sự đối với ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội nếu những người này không tố giác tội phạm, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389.
Thứ ba, các quy định về hệ thống hình phạt
Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có những quy định mới về hệ thống hình phạt nhằm đảm bảo tốt hơn quyền của phụ nữ và trẻ em gái, đó là:
- Đối với hình phạt cải tạo không giam giữ (Điều 36), Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định trường hợp người bị kết án phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt thì sẽ phải thực hiện một số công việc nhất định phục vụ cộng đồng (thay vì khấu trừ 5% đến 20% thu nhập). Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 06 tháng tuổi, người chưa thành niên, người già yếu, người khuyết tật nặng.
- Về hình phạt tử hình (Điều 40), Bộ luật Hình sự năm 2015 tiếp tục kế thừa quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 về việc không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên khi phạm tội; không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Trong các trường hợp này, hình phạt tử hình chuyển thành hình phạt tù chung thân.
Thứ tư, về các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự
Bộ luật Hình sự năm 2015 có những quy định nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích của phụ nữ với vai trò là người mẹ, cụ thể:
- Với các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, Điều 51 quy định “người phạm tội là phụ nữ có thai” là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, bởi lẽ, trong thời gian có thai, tâm sinh lý của người phụ nữ có những thay đổi nhất định, dễ có khả năng dẫn tới không kiểm soát được hành vi trong những thời điểm nhất định.
- Với các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, Điều 52 quy định trường hợp phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, đối với phụ nữ có thai hoặc xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội là những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.
Thứ năm, về giảm mức hình phạt đã tuyên
Theo quy định tại Điều 63 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì đối với người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc người bị kết án tử hình nhưng không phải thi hành án và được chuyển thành tù chung thân thuộc trường hợp quy định tại điểm b và c khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015, thì việc xét giảm được quy định chặt chẽ hơn với thời hạn thực tế phải chấp hành hình phạt dài hơn so với những trường hợp được giảm án khác, đó là lần đầu xét giảm chỉ khi người đó đã chấp hành hình phạt được 25 năm và dù được giảm nhiều lần thì thời hạn thực tế mà họ phải chấp hành hình phạt tại cơ sở giam giữ là 30 năm. Tuy nhiên, để bảo vệ phụ nữ và trẻ em, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định điều kiện dễ dàng hơn khi xét giảm đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi bị kết án tử hình nhưng không thi hành tử hình và chuyển án tử hình thành tù chung thân. Theo đó, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi nếu trước đó bị kết án tử hình nhưng không thi hành án tử hình và chuyển thành tù chung thân sẽ được xét giảm án lần đầu khi họ đã chấp hành án được 12 năm đối với trường hợp bị kết án về một tội hoặc 15 năm đối với trường hợp bị kết án về nhiều tội; trường hợp được giảm án nhiều lần thì bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 20 năm nếu họ bị kết án về một tội và là 25 năm nếu họ bị kết án về nhiều tội.
Thứ sáu, về chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện
Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung thêm chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện, theo đó, người đang chấp hành hình phạt tù tại cơ sở giam giữ có thể xem xét để tha tù khi họ có đủ các điều kiện luật định và trong thời gian thử thách, người đó phải thực hiện một số nghĩa vụ nhất định. Theo quy định tại Điều 66 thì một trong những điều kiện để xem xét tha tù trước thời hạn có điều kiện cho người bị kết án đó là “đã chấp hành ít nhất 1/2 mức thời hạn tù đối với hình phạt tù có thời hạn và 15 năm đối với tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn”. Tuy nhiên, đối với phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì điều kiện về thời gian đã chấp hành hình phạt tù được giảm nhẹ hơn rất nhiều so với các đối tượng khác. Theo đó, đối với phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì thời gian đã chấp hành hình phạt để tha tù trước thời hạn đối với họ chỉ là 1/3 mức hình phạt tù có thời hạn (đối tượng khác là 1/2 mức hình phạt tù có thời hạn) hoặc 12 năm đối với tù chung thân đã giảm xuống tù có thời hạn (đối tượng khác là 15 năm đối với tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn).
Thứ bảy, về hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù
Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi nếu chưa chấp hành hình phạt tù sẽ được hoãn chấp hành hình phạt tù đến khi con đủ 36 tháng tuổi (Điều 67). Trường hợp phụ nữ đang chấp hành hình phạt tù mà có thai hoặc phải nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù (Điều 68).
2.2. Các quy định tại phần các tội phạm cụ thể của Bộ luật Hình sự năm 2015
2.2.1. Đối với phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của tội phạm
Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định một số tội phạm có liên quan đến việc bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái, cụ thể:
(i) Đối với nhóm các tội xâm hại tình dục:
Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định một số tội danh cụ thể, bao gồm tội hiếp dâm (Điều 141), tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142), tội cưỡng dâm (Điều 143), tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144), tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145). Để bảo đảm bao quát hết các hình thức xâm hại tình dục đang xảy ra trong thực tiễn, phản ánh đúng bản chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã mở rộng phạm vi xử lý hình sự đối với người thực hiện hành vi xâm hại tình dục. Theo đó, việc xử lý hình sự đối với người phạm tội không chỉ khi người đó thực hiện hành vi “giao cấu” với người bị hại như quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 mà cả khi người đó thực hiện “hành vi quan hệ tình dục khác”. Quy định này sẽ bao quát được các hình thức giao cấu khác nhau, cũng như mở rộng hơn đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trên thực tế, theo đó, đối tượng thực hiện hành vi xâm hại tình dục không chỉ là nam hoặc nữ mà còn bao gồm cả những người đồng tính, người chuyển đổi giới tính hoặc người chưa xác định giới tính và hành vi xâm hại tình dục không chỉ dừng lại ở việc “giao cấu” theo cách hiểu truyền thống mà bao gồm cả những hình thức quan hệ tình dục khác như sử dụng dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác[1].
Cùng với các tội xâm hại tình dục nêu trên, Bộ luật Hình sự năm 2015 tiếp tục quy định tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146) và bổ sung thêm một tội danh mới liên quan đến việc xâm hại tình dục trẻ em, đó là tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147). Mặc dù Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, tuy nhiên, qua thực tiễn đấu tranh với loại tội phạm này thì việc quy định tội dâm ô với trẻ em chưa bao quát hết các hành vi xâm hại tình dục trẻ em xảy ra trên thực tiễn trong thời gian qua. Theo quy định của pháp luật thì dâm ô được coi là hành vi đụng chạm vào những bộ phận nhạy cảm của trẻ em hoặc buộc trẻ em đụng chạm vào những bộ phận nhạy cảm của người phạm tội[2]. Tuy nhiên, trong thực tiễn thì nhiều trường hợp, người phạm tội ép buộc trẻ em phải biểu diễn các hành vi khiêu dâm, đóng phim khiêu dâm hoặc buộc trẻ em phải xem những hình ảnh khiêu dâm... Đây đều là những hành vi nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của trẻ em. Do vậy, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung thêm Điều 147 quy định về tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm.
(ii) Đối với nhóm tội phạm về mua bán người:
Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định 02 tội danh liên quan đến mua bán người, đó là tội mua bán người (Điều 119) và tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (Điều 120). Tuy nhiên, qua nghiên cứu chuẩn mực quốc tế về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em thì có thể nhận thấy, pháp luật Việt Nam vẫn còn khoảng cách so với yêu cầu của các chuẩn mực quốc tế và điều này đã dẫn đến một số bất cập, hạn chế trong việc xử lý người phạm tội. Do vậy, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã sửa đổi tội danh về mua bán người (Điều 150) và tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151) theo hướng mô tả cụ thể hành vi buôn bán người, theo đó, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bất cứ thủ đoạn nào khác để thực hiện một hoặc nhiều hành vi hành vi trong quy trình buôn bán người, gồm từ tuyển mộ, vận chuyển đến chuyển giao, chứa chấp, nhận người. Quy định này cho phép trừng trị sớm người phạm tội, ngay từ giai đoạn tìm kiếm, tuyển mộ người đến vận chuyển, chứa chấp nhằm chuyển giao người với mục đích lấy tiền, tài sản hoặc mục đích bóc lột khác mà không cần chờ đến khi có hành vi chuyển giao, tiếp nhận người xảy ra mới xử lý được.
(iii) Liên quan đến các tội phạm về mại dâm:
Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng tiếp tục quy định 03 tội danh liên quan đến vấn đề này, đó là tội chứa mại dâm (Điều 327), tội môi giới mại dâm (Điều 328) và tội mua dâm người dưới 18 tuổi (Điều 329) với việc quy định cụ thể các hậu quả mà nạn nhân phải gánh chịu làm tình tiết định khung tăng nặng, như “gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân”; “gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân” với tỷ lệ tổn thương cụ thể.
(iv) Đối với nhóm tội xâm phạm chế độ hôn nhân gia đình:
Bộ luật Hình sự năm 2015 tiếp tục kế thừa quy định về một số tội danh của Bộ luật Hình sự năm 1999 nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em gái, đó là tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ (Điều 181), tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng (Điều 182), tội tổ chức tảo hôn (Điều 183), tội loạn luân (Điều 184), tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình (Điều 185). Tuy nhiên, để bảo vệ hơn nữa các quyền và lợi ích của người phụ nữ trước một số hành vi vi phạm mới xuất hiện trong thời gian gần đây, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung thêm một số hành vi phạm tội cũng như một số tội danh mới, đó là hành vi cưỡng ép ly hôn hoặc cản trở ly hôn tự nguyện (Điều 181), hành vi đăng ký con nuôi, nhận cha, mẹ, con trái pháp luật (Điều 336), tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại (Điều 187).
(v) Để đảm bảo các quyền và lợi ích của phụ nữ, như quyền bảo đảm về sức khỏe, Bộ luật Hình sự năm 2015 vẫn tiếp tục duy trì tội tội phá thai trái phép tại Điều 316.
2.2.2. Đối với phụ nữ là người phạm tội
Với đặc trưng riêng về giới tính người phụ nữ, đó là chức năng làm mẹ, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã tính đến những đặc thù này khi xây dựng các quy định nhằm bảo vệ và hỗ trợ người mẹ, một trong những chính sách cơ bản nhằm bảo đảm quyền của phụ nữ. Với quan điểm cho rằng, đây là trường hợp đặc biệt, do người mẹ sau thời gian mang nặng đẻ đau thường xảy ra bất ổn về tâm sinh lý trong thời gian này và khi gặp hoàn cảnh khách quan đặc biệt (con bị tật nguyền, bị bệnh hiểm nghèo…) hoặc do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu (trọng nam khinh nữ, gia đình chồng hắt hủi, ghẻ lạnh do đẻ con gái…) họ mới giết hoặc vứt bỏ con mình nên họ cũng rất đáng thương. Theo đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 kế thừa quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 khi quy định tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ (Điều 124) là một trường hợp giảm nhẹ đặc biệt trách nhiệm hình sự về hành vi giết người trong trường hợp người bị đó do bị ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc do hoàn cảnh khách quan mà giết con mới đẻ trong 07 ngày tuổi.
Tuy nhiên, nếu Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định cùng một chính sách xử lý đối với người mẹ giết con mới đẻ và người mẹ vứt bỏ con mới đẻ là phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm, mặc dù hai hành vi này có tính chất, mức độ nguy hiểm là khác nhau, thì Bộ luật Hình sự năm 2015 đã phân hóa trách nhiệm hình sự cụ thể đối với người mẹ thực hiện hành vi giết con mới đẻ và hành vi vứt bỏ con mới đẻ. Theo đó, nếu giết con mới đẻ thì sẽ bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, trường hợp vứt bỏ con mình mới đẻ dẫn tới hậu quả đứa trẻ đó chết thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Đây có thể xem là trường hợp giảm nhẹ đặc biệt trách nhiệm hình sự về hành vi giết người, bởi nếu so sánh hành vi phạm tội này của người mẹ với một người khác thực hiện hành vi phạm tội này, thậm chí là người bố của đứa trẻ thì chính sách hình sự được áp dụng là nghiêm khắc hơn rất nhiều. Cụ thể, nếu do tư tưởng lạc hậu hoặc do hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà người bố thực hiện hành vi giết con mới đẻ ra trong 07 ngày tuổi thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là “giết người dưới 16 tuổi” và khung hình phạt được xem xét áp dụng là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình.
2.2.3. Xâm hại phụ nữ, trẻ em là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội
Quán triệt tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về đảm bảo quyền BĐG, bảo vệ các quyền và lợi ích của nhóm người yếu thế trong xã hội, bao gồm phụ nữ và trẻ em gái, Bộ luật Hình sự năm 2015 tiếp tục kế thừa một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 khi quy định hành vi: (i) Xâm hại phụ nữ mà biết là đang có thai; (ii) Đối với người dưới 16 tuổi; (iii) Làm cho nạn nhân có thai là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự ở một số tội phạm cụ thể, bao gồm: Tội giết người (khoản 1 Điều 123); tội cố ý gây thương thích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác (các khoản 1, 2 và 3 Điều 134); tội hành hạ người khác (khoản 2 Điều 140); các tội hiếp dâm/hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm/cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (khoản 2 Điều 141, khoản 2 Điều 142, khoản 2 Điều 143, khoản 2 Điều 144, khoản 2 Điều 145); các tội bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật (khoản 2 Điều 157); các tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy, tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy (khoản 2 các điều 255, 256, 257, 258); tội bắt cóc con tin (khoản 2 Điều 301); các tội dùng nhục hình và tội bức cung (khoản 2 Điều 373, Điều 374).
Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp
[1]. Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTPTANDTC ngày 01/10/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.
[2]. Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTPTANDTC ngày 01/10/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.