Abstract: Industrial Revolution 4.0 with the integrated application of groundbreaking achievements in the three pillars that are digital technology, biotechnology and physical technology will have a strong and comprehensive impact on the operation of the economy as well as people's political, cultural and social life. This article will analyze the nature of Industry 4.0 and its impact on the legal fields in Vietnam.
1. Bản chất của Cách mạng công nghiệp 4.0
Khái niệm “Công nghiệp 4.0” lần đầu tiên được đưa ra ở Cộng hòa Liên bang Đức năm 2011 tại Hội chợ Công nghệ Hannover với thuật ngữ tiếng Đức là “Industrie 4.0” nhằm giới thiệu các dự kiến của chương trình công nghiệp 4.0 của nước Đức, để nâng cao nền công nghiệp cơ khí truyền thống của Đức[2].
Theo các chuyên gia, nhà khoa học, thế giới đã trải qua 03 cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN). CMCN 1.0 gắn với quá trình cơ giới hóa sản xuất mechanization (diễn ra trong khoảng từ năm 1760 đến năm 1840 với sự khởi đầu bằng việc phát minh ra máy hơi nước). CMCN 2.0 gắn liền với quá trình điện khí hóa và áp dụng dây chuyền sản xuất (diễn ra từ cuối thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20). CMCN 3.0 gắn liền với việc điện tử hóa, số hóa quá trình sản xuất và phát minh ra internet (diễn ra từ khoảng những năm 1960 đến thập niên đầu tiên của thế kỷ 21). Hiện nay, thế giới đang ở chặng đường đầu tiên bước vào cuộc CMCN 4.0.
CMCN 4.0 được định nghĩa là “một cụm thuật ngữ cho các công nghệ và khái niệm của tổ chức trong chuỗi giá trị” đi cùng với các hệ thống vật lý trong không gian ảo, internet kết nối vạn vật (IoT) và internet của các dịch vụ (IoS)[3]. CMCN 4.0 với đặc trưng của nó là tích hợp toàn bộ những thành tựu của 03 cuộc cách mạng công nghiệp trước đây và được nâng lên một bước phát triển mới về chất, gắn liền với ba trụ cột chính gồm công nghệ kỹ thuật số như chuỗi khối (blockchain), trí thông minh nhân tạo (artificial intelligence-AI), internet vạn vật kết nối (internet of things-IoT), xử lý dữ liệu lớn (big data); công nghệ sinh học (sắp xếp gene, sinh học tổng hợp, biên tập sinh học...) và công nghệ vật lý (vật liệu, nano, năng lượng, in 3D, người máy...).
Bản chất của CMCN 4.0 là việc ứng dụng ngày càng phổ biến hơn những công nghệ mới, trong đó, công nghệ kỹ thuật số là công nghệ nền tảng, là ngôn ngữ giao tiếp, làm cho vạn vật đều có “linh hồn”, có thể học được, dạy được, tương tác được với nhau rất thông minh, dẫn đến các thay đổi trong các mô hình tổ chức, quản trị và mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Nói cách khác, trong cuộc cách mạng này, ranh giới giữa con người và máy móc đang dần xóa mờ, cho phép con người tiếp cận gần hơn tới những nơi, những điều mà con người luôn mơ ước đạt tới, nâng cao đáng kể hiệu quả sản xuất và tạo ra những sản phẩm riêng biệt. CMCN 4.0 với ứng dụng tích hợp các thành tựu mang tính đột phá trong ba trụ cột chính nêu trên sẽ tác động mạnh mẽ, toàn diện tới phương thức sản xuất, các giao dịch về dân sự, kinh doanh, thương mại, sự vận hành nền kinh tế cũng như đời sống chính trị, văn hóa, xã hội của con người. Đứng trước vận hội này, câu hỏi đặt ra là CMCN 4.0 tác động như thế nào đến các lĩnh vực pháp luật ở nước ta?
2. Tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến các lĩnh vực pháp luật ở Việt Nam
Ở nước ta, hiện có hơn 68 triệu người sử dụng internet cùng trên 145 triệu thuê bao thiết bị di động[4], các mô hình kinh tế chia sẻ và thương mại điện tử đang bước vào giai đoạn phát triển bùng nổ. Vì thế, CMCN 4.0 về nhiều mặt không còn xa lạ với Việt Nam mà đang tác động trực diện tới sinh hoạt thường nhật của người dân. Sự ứng dụng rộng rãi những thành tựu từ cuộc CMCN 4.0, nhất là sự gia tăng của nền kinh tế số, kinh tế sáng tạo, kinh tế chia sẻ, sự thông minh hóa quá trình sản xuất, phân phối, tiêu dùng sản phẩm, thông minh hóa quá trình quản trị xã hội, hình thành các mối quan hệ xã hội mới, những tương tác mới giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với người lao động và người tiêu dùng, giữa người dân và chính quyền đang thách thức những quan điểm pháp lý truyền thống, đòi hỏi hệ thống pháp luật cần phải có những điều chỉnh tương ứng.
Tác động rõ rệt nhất của CMCN 4.0 là sự xuất hiện của người máy có trí tuệ nhân tạo với những tính năng có thể thay thế con người, điều này đã thách thức quan niệm truyền thống về loại chủ thể cơ bản và phổ biến của các quan hệ pháp luật là cá nhân (con người tự nhiên) cũng như các quy tắc về trách nhiệm pháp lý của các chủ thể có liên quan, các quy tắc điều chỉnh quan hệ lao động và việc giải quyết vấn đề an sinh xã hội. Việc ứng dụng blockchain trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng với sự lưu hành của các loại tiền ảo (bitcoin, litecoin…) thách thức quan niệm truyền thống về việc chỉ có các quốc gia có chủ quyền mới được phát hành tiền tệ. Sự hình thành của các nền kinh tế chia sẻ (Uber, Grab, AirBnB…) thách thức quan niệm về kinh doanh vận tải, kinh doanh dịch vụ lưu trú, về cách thức áp dụng pháp luật cạnh tranh... Thêm vào đó, chưa bao giờ vấn đề tội phạm công nghệ cao và việc bảo vệ bí mật đời tư, bảo vệ dữ liệu cá nhân, duy trì an ninh mạng lại trở nên cấp thiết như hiện nay. Hệ thống pháp luật hiện hành của các quốc gia đều đã bộc lộ những bất cập nhất định khi xử lý những vấn đề này.
Đảm bảo sự thích ứng của pháp luật với những thay đổi từ quá trình tác động của cuộc CMCN 4.0 đang là yêu cầu cấp thiết mà Nhà nước cần phải thực hiện để bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân, quyền của các chủ thể kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế và đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ an ninh và chủ quyền quốc gia. Theo nghiên cứu bước đầu, CMCN 4.0 tác động trực tiếp tới các lĩnh vực pháp luật quan trọng sau đây:
Một là, tác động tới pháp luật dân sự
Về nguyên tắc, các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự chỉ bao gồm hai loại là cá nhân và pháp nhân. Sự xuất hiện của người máy có trí tuệ nhân tạo với những tính năng có thể thay thế con người, thậm chí, còn tối ưu hơn như khả năng tính toán, phân tích, ghi nhớ, cùng sức lao động bền bỉ, năng suất cao (đã có quốc gia công nhận quốc tịch cho người máy có trí tuệ nhân tạo như Ả-rập Xê-út tuyên bố cấp quốc tịch cho robot Sofia[5]) đã tác động tới nhiều lĩnh vực pháp luật mà trước hết là pháp luật dân sự cần phải nhận diện và xác định lại cơ cấu chủ thể tham gia vào các quan hệ pháp luật nói chung và quan hệ pháp luật dân sự nói riêng, nhất là đặt trong bối cảnh những người máy có trí tuệ nhân tạo như robot Sofia xuất hiện ngày càng nhiều trong tương lai.
Hai là, tác động tới pháp luật về hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
CMCN 4.0 với việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ kỹ thuật số trong hoạt động kinh tế đem lại những lợi ích to lớn cho toàn xã hội, trong đó có các giao dịch về dân sự, kinh doanh, thương mại, dẫn tới sự ra đời của thương mại điện tử. Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia. Với mức tăng trưởng cao và liên tục từ năm 2015 trở lại đây, quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2020 có thể tới 13 tỷ USD[6]. Trước sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới, người tiêu dùng ở Việt Nam có xu hướng ít ra ngoài để mua sắm hơn. Các giao dịch thương mại điện tử mà điển hình là mua sắm online đã trở thành giải pháp tối ưu giúp đáp ứng nhu cầu hằng ngày mà vẫn đảm bảo an toàn trong mùa dịch. Thời điểm này, có sàn thương mại điện tử ở Việt Nam phải xử lý từ 4.000 - 5.000 đơn hàng phát sinh mỗi phút[7]. Thực tế các giao dịch thương mại điện tử được thực hiện trên môi trường internet, nội dung giao dịch được số hóa đã đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi pháp luật về hợp đồng phải giải quyết như vấn đề giao kết hợp đồng, địa điểm giao kết hợp đồng, thẩm quyền tài phán liên quan tới giao kết hợp đồng. Pháp luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cũng cần được điều chỉnh lại để xử lý những trường hợp quy trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người máy gây ra trong quá trình vận hành (sẽ do người sở hữu người máy chịu hay người thiết kế ra phần mềm điều khiển hoạt động của người máy phải chịu).
Ba là, tác động tới pháp luật về sở hữu trí tuệ
CMCN 4.0 được xem là cơ hội vàng để các nước đang phát triển tận dụng thành tựu khoa học công nghệ phục vụ phát triển đất nước, nhưng cũng đặt ra những vấn đề thách thức về bảo hộ tài sản trí tuệ. Bởi thiết bị IoT của các nhà sản xuất khác nhau buộc phải có khả năng tương thích với nhau, mà mỗi hệ thống IoT, dù nhỏ cũng có thể phải tích hợp hàng nghìn sáng chế. Điều này dẫn tới việc rất nhiều bằng sáng chế bị chồng chéo nhau. Hiện nay, cơ quan sáng chế châu Âu thống kê mỗi năm nhận hơn 5.000 đơn sáng chế liên quan đến IoT và số đơn tăng 54% chỉ trong 03 năm[8]. Điều này khẳng định, các đơn sáng chế thuộc các lĩnh vực công nghệ thông minh sẽ gia tăng nhanh chóng cùng với sự ra đời của các vật liệu mới và các sáng chế được tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo. Sự phát triển này cũng đặt ra thách thức không nhỏ trong việc bảo hộ các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ như việc xác định quyền tác giả đối với tác phẩm do robot sáng tạo ra, vấn đề bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho các sản phẩm in bằng công nghệ 3D. Điều này đỏi hỏi pháp luật về sở hữu trí tuệ cần phải hoàn thiện để giải quyết các đối tượng mới phát sinh và tăng cường hợp tác quốc tế.
Bốn là, tác động tới pháp luật lao động và pháp luật an sinh xã hội
Khi ứng dụng rộng rãi những thành tựu của CMCN 4.0 với những người máy có trí tuệ nhân tạo có thể làm thay con người, thì thị trường lao động thế giới và ngay cả ở Việt Nam có nguy cơ bị ảnh hưởng. Những công việc lao động giản đơn, lao động trình độ thấp có thể bị người máy thay thế. Những công việc lao động phức tạp, lao động trình độ cao cũng có thể phải nhường người máy làm thay một phần. Như vậy, trong một thị trường việc làm vốn đã cạnh tranh gay gắt giữa người với người, bây giờ người ta còn phải cạnh tranh thêm với cả robot[9]. Điều này đòi hỏi pháp luật lao động và pháp luật về an sinh xã hội phải giải quyết một loạt các vấn đề như: Việc ứng dụng người máy thay cho nhân viên đang làm việc có được xem là căn cứ hợp lý để chấm dứt hợp đồng lao động với người làm công bị thay thế không? Lượng công nhân lao động bị thất nghiệp được giải quyết như thế nào? Khi người máy trở thành công nhân thì người sử dụng lao động ký hợp đồng với ai? Quyền lợi và nghĩa vụ đối với người máy có đặt ra không?
Năm là, tác động tới pháp luật ngân hàng, tài chính, tiền tệ
Trong CMCN 4.0, blockchain là một công nghệ cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn dựa vào hệ thống mã hóa vô cùng phức tạp, tương tự cuốn sổ cái kế toán của một công ty, nơi mà tiền mặt được giám sát chặt chẽ. Trong trường hợp này, blockchain là một cuốn sổ cái kế toán hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật số. Blockchain sở hữu tính năng đặc biệt đó là việc truyền tải dữ liệu không đòi hỏi một trung gian để xác nhận thông tin[10]. Với những ưu thế về tính minh bạch, loại bỏ đơn vị trung gian, phi tập trung, niềm tin, chế độ bảo mật, khả năng ứng dụng rộng lớn, tiết kiệm chi phí và tăng tốc độ giao dịch[11], blockchain là một trong những xu hướng công nghệ đột phá, có khả năng ứng dụng rộng rãi ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau mà trước hết là trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, tiền tệ. Chẳng hạn, ứng dụng blockchain đã mang lại những công nghệ mới trong lĩnh vực tài chính ngân hàng (fintech) có thể giúp các ngân hàng thay thế các hệ thống chuyển khoản hiện tại, mang đến hệ thống nhận diện khách hàng dựa trên sổ cái phân tán. Hay một ứng dụng hữu ích khác được biết đến rộng rãi từ công nghệ blockchain là tiền kỹ thuật số (digital currency), tiền mã hóa (cryptocurrency) hay còn gọi tiền ảo (virtual currency) như bitcoin. Đồng tiền mã hóa này sử dụng giao thức ngang hàng (peer-to-peer) trên nền tảng công nghệ blockchain cho tất cả các giao dịch, tức là nó loại bỏ hoàn toàn bên thứ ba trung gian, tiền sẽ được gửi trực tiếp từ người này sang người kia, nên phí giao dịch gần như bằng 0, không có bất cứ quốc gia, tổ chức nào kiểm soát các giao dịch này[12]. Từ khi ra đời đến nay, tính pháp lý bitcoin vẫn luôn là một chủ đề gây tranh cãi lớn. Bởi lẽ, bitcoin không có ngân hàng trung ương của quốc gia nào phát hành. Nó là sản phẩm kỹ thuật số, được tạo thông qua một quy trình do máy tính tạo ra được gọi là khai thác, được lưu trữ trên máy tính và lưu hành, trao đổi thông qua mạng internet. Hiện nay, nhiều quốc gia thừa nhận tính hợp pháp của bitcoin khi cho phép các tổ chức, cá nhân sử dụng nó làm phương tiện thanh toán, tuy nhiên, cũng có quốc gia vẫn thận trọng, chưa cho phép lưu thông loại đồng tiền kỹ thuật số này. Tuy nhiên, việc ứng dụng blockchain cũng đặt ra nhiều vấn đề rủi ro như thiếu sự riêng tư, nguy cơ tính bảo mật bị xâm hại, không có quyền quản lý tập trung và còn thiếu tính pháp lý về bitcoin. Điều này đòi hỏi lĩnh vực pháp luật về ngân hàng, tài chính, tiền tệ cần phải rà soát, hoàn thiện để kịp thời điều chỉnh được những quan hệ xã hội mới phát sinh do việc ứng dụng công nghệ blockchain nhằm bảo đảm chính sách tiền tệ và đảm bảo an ninh tiền tệ.
Sáu là, tác động tới pháp luật về bảo hộ dữ liệu cá nhân
Nhờ thành tựu của CMCN 4.0, thế giới đang là thế giới phẳng[13], mỗi ngày có hàng tỷ giao dịch của cá nhân, tổ chức diễn ra trên môi trường mạng internet. Khi tham gia các giao dịch điện tử, cá nhân, tổ chức phải cung cấp, chia sẻ các thông tin của cá nhân, tổ chức mình theo yêu cầu của bên cung cấp dịch vụ. Nếu các thông tin này không được mã hóa, lưu trữ vào các sở dữ liệu có tính bảo mật cao thì rất dễ bị hacker khai thác lỗ hổng bảo mật trong hệ thống hoặc bị tấn công lừa đảo (phishing) dẫn tới mất cơ sở dữ liệu hay nói cách là bị đánh cắp, bị rò rỉ dữ liệu của cá nhân, tổ chức ra bên ngoài. Điều này sẽ gây ra những thiệt hại không nhỏ về uy tín, tài chính cho họ. Vì thế, pháp luật về bảo hộ dữ liệu cá nhân cần phải được hoàn thiện để bảo đảm quyền riêng tư của mỗi cá nhân, tổ chức trên môi trường số/môi trường internet cũng như trong đời thực.
Bảy là, tác động tới pháp luật hình sự và tố tụng hình sự
Hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến hết sức phức tạp và ngày càng tinh vi với thủ đoạn liên tục thay đổi. Nổi lên là tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các hình thức như: Lừa đảo qua facebook, tội phạm đánh bạc bằng các hình thức lô đề, cá độ bóng đá qua mạng internet... Thủ đoạn hoạt động phạm tội của các đối tượng hết sức tinh vi, lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, hạ tầng mạng internet, lợi dụng những sơ hở, bất cập trong công tác quản lý nhà nước để thực hiện hành vi phạm tội[14]. Nguyên nhân gia tăng tội phạm sử dụng công nghệ cao một phần do công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực này còn nhiều sơ hở, chưa theo kịp với diễn biến của tình hình, mặt khác hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao mà trước hết là pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự tuy đã được quan tâm xây dựng, bổ sung, sửa đổi nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Điều này đặt ra rất nhiều thách thức cần phải hoàn thiện đối với pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự trong thời gian tới.
Tám là, tác động tới pháp luật về giải quyết tranh chấp
Nhờ thành tựu của CMCN 4.0, các giao dịch thương mại điện tử ngày phát triển rất nhanh và vì thế các tranh chấp phát sinh trong môi trường mạng internet cũng ngày càng gia tăng, nhu cầu giải quyết các tranh chấp này trong môi trường trực tuyến sẽ phát sinh và mô hình giải quyết tranh chấp trực tuyến ra đời (Online Dispute Resolution - ODR). ODR là các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án (Alternative Dispute Resolution - ADR) được sử dụng trong môi trường trực tuyến (online) như thương lượng, hòa giải, trọng tài. Ngày nay, ODR không chỉ là việc sử dụng ADR trong môi trường trực tuyến mà còn mở rộng sang cả phương thức giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Việc Trung Quốc thiết lập 03 Tòa án internet trong thời gian vừa rồi là ví dụ cụ thể[15]. Tại Hoa Kỳ, nơi ODR phát triển mạnh mẽ và được ứng dụng rộng rãi, Liên đoàn Luật sư Hoa Kỳ khẳng định rằng, ODR dùng các quy trình giải quyết tranh chấp thay thế để giải quyết các khiếu nại tranh chấp phát sinh từ các giao dịch trực tuyến giao dịch thương mại điện tử và cả các tranh chấp phát sinh từ các sự kiện không liên quan đến internet - còn gọi là những tranh chấp “ngoại tuyến” (offline dispute)[16]. Tại Việt Nam, để phòng, chống dịch COVID-19, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cũng yêu cầu các Tòa án tăng cường xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc bằng phương thức trực tuyến khi có đủ điều kiện[17]. Như vậy, việc giải quyết ODR là xu thế khách quan, việc giải quyết hiệu quả theo phương thức giải quyết ODR sẽ rất có lợi cho việc kích thích sự tăng trưởng của thương mại điện tử nói riêng và sự phát triển của kinh tế và cho xã hội nói chung. Điều này đặt ra cho hệ thống pháp luật cần phải hoàn thiện cho đồng bộ, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế về thương mại điện tử và ODR.
Trong bối cảnh như trên, Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm những cách thức ứng xử phù hợp về mặt pháp luật để giải quyết các vấn đề đã và sẽ phát sinh, nhằm tận dụng các cơ hội to lớn mà cuộc cách mạng này mang lại và hạn chế những tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội. Ngày 04/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc “tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN lần thứ 4”. Các giải pháp, nhiệm vụ được chú trọng nêu ra là: Xây dựng Chính phủ điện tử; đơn giản hóa và hiện đại hóa thủ tục hành chính; chuyển đổi số hướng tới nền quản trị thông minh; phát triển nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh; thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ…
Việc thực hiện những mục tiêu nêu trên đòi hỏi hệ thống pháp luật phải được hoàn thiện phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển và ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0, từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ quyền con người, tăng cường hiệu quả của Nhà nước pháp quyền. Việt Nam đang ở thời điểm chín muồi để có những phản ứng chính sách phù hợp với tác động của cuộc CMCN 4.0, tuy nhiên, đây là những bài toán khó, đòi hỏi trí tuệ, tâm huyết và sự chung tay của các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, người dân và các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn để đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0, đáp ứng yêu cầu phát triển của người dân, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Học viện Tư pháp, Bộ Tư pháp
TS. Chu Thị Hoa
Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp
[1]. Bài viết này được thực hiện trong khuôn khổ Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ “Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của Ngành Tư pháp đáp ứng yêu cầu đặt ra từ cuộc CMCN 4.0”.
[2]. Khánh Nguyễn, Nước Đức đi tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, https://vtv.vn/cong-nghe/nuoc-duc-di-tien-phong-trong-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-4-20170503153013407.htm, truy cập ngày 18/4/2020.
[3]. Cục Thông tin và Khoa học Quốc gia, Cách mạng Công nghiệp 4.0 - Cơ hội và Thách thức, http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/cach-mang-cong-nghiep-40-co-hoi-va-thach-thuc-126470.html, truy cập ngày 20/4/2020.
[4]. Trang Nguyen, Tổng quan tình hình Digital tại thị trường Việt Nam năm 2020, https://marketingai.admicro.vn/digital-tai-viet-nam-nam-2020/, truy cập ngày 15/4/2020.
[5]. Ánh Dương, Robot đầu tiên trên thế giới có quốc tịch và hộ chiếu, https://www.doisongphapluat.com/tin-the-gioi/robot-dau-tien-tren-the-gioi-co-quoc-tich-va-ho-chieu-a206935.html, truy cập ngày 15/4/2020.
[6]. Nguyễn Hiến, Báo cáo Digital Marketing Việt Nam năm 2020: Quy mô thị trường có thể lên đến 13 tỷ USD, https://andrews.edu.vn/bao-cao-chi-so-thuong-mai-dien-tu-viet-nam-2020/, truy cập ngày 15/4/2020.
[7]. Trọng Đạt, Thương mại điện tử được mùa, đạt ngưỡng 5.000 đơn hàng/phút, https://vietnamnet.vn/vn/cong-nghe/tin-cong-nghe/thuong-mai-dien-tu-duoc-mua-dat-nguong-5-000-don-hang-phut-624982.html, truy cập 14/4/2020.
[8]. Mai Hà, Sở hữu trí tuệ trong CMCN 4.0: Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Khoa-hoc/948484/so-huu-tri-tue-trong-cach-mang-cong-nghiep-40-dap-ung-yeu-cau-hoi-nhap-quoc-te, truy cập ngày 18/4/2020.
[9]. Chung Thị Vân Anh, CMCN 4.0 với giáo dục đại học nói chung và Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng, https://bvu.edu.vn/bvu/-/asset_publisher/1SS24BzdXWeD/content/cach-mang-cong-nghiep-4-0-voi-giao-duc-ai-hoc-noi-chung-va-ai-hoc-ba-ria-vung-tau-noi-rieng, ngày truy cập 16/4/2020.
[10]. Nguyễn Ngọc Chánh, Ứng dụng blockchain trong ngân hàng, http://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/ung-dung-blockchain-trong-ngan-hang-305154.html, truy cập ngày 16/4/2020.
[11]. Mark Gates, “Blockchain - Bản chất của Blockchain, bitcoin, tiền điện tử, hợp đồng thông minh và tương lai của tiền tệ”, Nxb. Lao Động, Hà Nội, 2017, tr. 79 - 94.
[12]. Tôi yêu bitcoin, Bitcoin (BTC) là gì? Có lừa đảo không và có nên đầu tư vào Bitcoin năm 2020 nữa hay không?, https://toiyeubitcoin.com/bitcoin-la-gi/, truy cập ngày 16/4/2020.
[13]. Thomas L. Friedman, Thế giới phẳng, Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2017, tr. 26.
[14]. Quang Hưng, Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm sử dụng công nghệ cao, https://www.phutho.gov.vn/Pages/TinTuc/211635/Tang-cuong-phong-ngua—dau-tranh-ngan-chan-toi-pham-su-dung-cong-nghe-cao.html.
[15]. Nguyễn Văn Cương, CMCN 4.0 và những vấn đề đặt ra cho khoa học pháp lý Việt Nam hiện nay, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2457, truy cấp ngày 19/4/2020.
[16]. Phạm Thị Thanh Thủy, Giải quyết tranh chấp thương mại trực tuyến: Những vấn đề pháp lý đặt ra cho Việt Nam, https://www.researchgate.net/publication/329000071_Giai_quyet_tranh_chap_thuong_mai_truc_tuyen_ Nhung_van_de_phap_ly_dat_ra_cho_Viet_Nam, truy cập ngày 20/4/2020.
[17]. Diệp Thanh - Tâm lụa, Xử án “online” để phòng, chống dịch COVID-19, https://tuoitre.vn/xu-an-online-de-phong-chong-dich-covid-19-20200311173716871.htm, truy cập ngày 20/4/2020.