Sự bùng phát của dịch Covid -19 cùng với những hệ luỵ của nó đối với nền kinh tế đã đặt ra câu hỏi liên quan đến việc miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế, đặc biệt là vi phạm nghĩa vụ giao hàng trong trường hợp bất khả kháng liên quan đến sự bùng phát dịch Covid-19. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích vấn đề bất khả kháng để miễn trách nhiệm theo quy định của Công ước Viên của Liên Hợp quốc về Hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế năm 1980 (CISG) và pháp luật Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
1. Khái quát quy định của CISG về miễn trách nhiệm
1.1. Cơ sở pháp lý về miễn trách nhiệm theo CISG và pháp luật Việt Nam
Thực hiện nghiêm chỉnh hợp đồng là nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng và cũng là một nguyên tắc luật định. Tuy nhiên, không phải lúc nào hợp đồng cũng được thực hiện một cách suôn sẻ, thuận lợi. Vẫn có những biến cố xảy ra làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện hợp đồng của các bên. Trong đó có những sự cố nằm ngoài khả năng dự đoán và kiểm soát của các bên và xảy ra không phải do lỗi của các bên. Pháp luật Việt Nam cũng như CISG đều có những quy định cho phép bên vi phạm nghĩa vụ được miễn trách nhiệm trong một số trường hợp nhất định, trong đó có miễn trách nhiệm do sự kiện bất khả kháng.
“Sự kiện bất khả kháng” (force majeure) là một thuật ngữ có nguồn gốc tiếng Pháp, có nghĩa là sức mạnh tối cao hoặc sức người không thể kháng cự nổi. CISG không sử dụng thuật ngữ “bất khả kháng” mà chỉ sử dụng thuật ngữ “trở ngại” (impediment) để chỉ trường hợp bên vi phạm được miễn trừ trách nhiệm. Cụ thể, khoản 1 Điều 79 CISG quy định: Một bên không chịu trách nhiệm về việc không thực hiện bất kỳ một nghĩa vụ nào đó của họ nếu chứng minh được rằng việc không thực hiện ấy là do một trở ngại nằm ngoài sự kiểm soát của họ và người ta không thể chờ đợi một cách hợp lý rằng họ phải tính tới trở ngại đó vào lúc ký kết hợp đồng hoặc là tránh được hay khắc phục các hậu qủa của nó.
Theo đó, CISG sử dụng cụm từ “trở ngại khách quan” (impediment) để được miễn trách nhiệm. “Trở ngại” được giải thích ngắn gọn là một sự ngăn trở việc thực hiện hợp đồng (barrier to performanc). “Trở ngại” có thể là các sự kiện khách quan làm một bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng như các sự kiện tự nhiên, chính trị, xã hội… Tuy nhiên, việc một sự kiện xảy ra có được xem là trở ngại theo cách hiểu của Điều 79 CISG hay không còn tuỳ thuộc vào các điều kiện cụ thể kèm theo. Ví dụ, cơn bão xảy ra trên biển làm ảnh hưởng tới hàng hoá trên tàu, sự kiện khách quan là cơn bão xảy ra nhưng có là trở ngại được miễn trách hay không thì cần xem xét toàn diện bối cảnh về mối tương quan giữa sự kiện xảy ra và khả năng dự đoán trước hay phòng tránh của bên vi phạm. Từ đó đặt ra yêu cầu phải xem xét toàn diện những điều kiện để được miễn trách nhiệm theo CISG.
Theo pháp luật Việt Nam, khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép; khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại năm 2005 quy định, bên vi phạm hợp đồng thương mại được miễn trách nhiệm khi xảy ra sự kiện bất khả kháng.
1.2. Điều kiện miễn trách nhiệm do trở ngại khách quan theo CISG
Theo quy định tại khoản 1 Điều 79 CISG có thể thấy rằng, bên vi phạm nghĩa vụ muốn miễn trách nhiệm phải chứng minh được: (i) Việc không thực hiện được là do trở ngại khách quan; (ii) Trở ngại đó phải nằm ngoài sự kiểm soát của bên vi phạm hợp đồng; (iii) Những trở ngại này bên vi phạm đã không thể lường trước được trong lúc ký kết hợp đồng hoặc trở ngại này là không thể tránh được và không thể khắc phục hậu quả của nó.
- Trở ngại nằm ngoài tầm kiểm soát của bên vi phạm: Trước tiên, bên vi phạm phải chứng minh trở ngại “nằm ngoài tầm kiểm soát” của mình. Theo quy định của CISG, trở ngại phải là một sự kiện xảy ra khách quan dưới góc nhìn của bên vi phạm hợp đồng. Một số trường hợp phổ biến nhất của trở ngại như các sự kiện thiên nhiên lũ lụt, động đất, sóng thần… Ngược lại, có những trở ngại không được coi là khách quan và không thể là căn cứ viện dẫn miễn trách nhiệm. Theo các nhà soạn thảo CISG, người có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng luôn được xem là “có khả năng kiểm soát” quá trình điều hành, sản xuất, lưu thông hàng hoá trong nội bộ doanh nghiệp. Song song đó, thương nhân cũng phải luôn kiểm soát được tình hình tài chính, nguồn hàng và phải luôn kiểm tra, theo dõi chính sách thương mại của các quốc gia. Vì vậy, các vấn đề xảy ra nội bộ của bên có nghĩa vụ hợp đồng thường không được xem là trở ngại theo Điều 79 CISG [1]. Các trở ngại xảy ra không nằm trong phạm vi nội bộ doanh nghiệp như đã nêu sẽ được coi là trở ngại nằm ngoài sự kiểm soát của bên có nghĩa vụ.
- Trở ngại không thể dự đoán được một cách hợp lý khi giao kết hợp đồng: Điều kiện tiếp theo cần chứng minh là trở ngại “không thể dự đoán được” vào thời điểm giao kết hợp đồng. Đánh giá trở ngại có nằm trong dự đoán của bên vi phạm hay không cần thực hiện nguyên tắc hợp lý. Bên vi phạm được xem “một cách hợp lý không thể dự đoán được trở ngại” nếu một người hợp lý (reasonable person) trong hoàn cảnh tương tự với bên vi phạm, cũng không thể dự đoán được trở ngại đối với hợp đồng. Ngược lại, nếu trở ngại này có thể dự đoán được bởi một người hợp lý thông thường thì bên vi phạm phải xem trở ngại đó như những rủi ro của hợp đồng mua bán mà họ đã ký kết.
- Bên vi phạm không thể tránh hoặc khắc phục được hệ quả của trở ngại khách quan: Việc không thể thực hiện được trở ngại phải có nguyên nhân từ một trở ngại mà một bên không thể lường trước và phòng tránh được một cách hợp lý. Đối với tiêu chí “tránh” (phòng tránh) có thể hiểu là bên viện dẫn trở ngại cần có phương án phòng tránh sự xuất hiện tiềm tàng của trở ngại. Hay nói cách khác, bên bị ảnh hưởng bởi sự kiện miễn trách phải thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự xuất hiện của trở ngại. Tiêu chí “khắc phục” được hiểu là nếu một sự kiện đã tồn tại trên thực tế rồi thì bên vi phạm hợp đồng phải tìm mọi cách có thể để có thể khắc phục hệ quả do tác động của sự kiện trước khi yêu cầu miễn trừ trách nhiệm. Điều này đồng nghĩa với việc bên vi phạm phải thực hiện tất cả các biện pháp khả thi để thực hiện hợp đồng[2].
- Mối quan hệ nhân quả giữa vi phạm và trở ngại và nghĩa vụ thông báo của bên vi phạm
+ Về mối quan hệ nhân quả giữa vi phạm và trở ngại, thì trở ngại phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc không hoàn thành được nghĩa vụ hợp đồng. Nếu việc không hoàn thành được nghĩa vụ là do các nguyên nhân khác ngoài sự kiện bất khả kháng thì bên vi phạm không được miễn trách trên cơ sở của trở ngại khách quan.
+ Về nghĩa vụ thông báo, bên vi phạm hợp đồng chỉ được xem xét miễn trừ trách nhiệm nếu họ hoàn thành nghĩa vụ thông báo cho bên còn lại của hợp đồng về sự tồn tại của trở ngại. Theo khoản 4 Điều 79 CISG, thông báo về sự kiện bất khả kháng có hiệu lực khi bên còn lại nhận được thông báo. Nghĩa vụ thông báo thể hiện sự thiện chí trong hợp đồng để các bên được biết và cùng chủ động cho các kế hoạch kinh doanh của mình khi có sự kiện miễn trách nhiệm xảy ra.
2. Tác động của Covid-19 đến vấn đề miễn trách nhiệm trong hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế
2.1. Tính chất của sự kiện dịch bệnh Covid-19
Như đã phân tích, để được viễn dẫn Điều 79 CISG, thì sự kiện dịch bệnh Covid-19 phải thoã mãn đầy đủ các yếu tố là trở ngại khách quan nằm ngoài khả năng dự đoán và kiểm soát của bên vi phạm, bên vi phạm không thể tránh được hoặc không thể khắc phục dược mặc dù đã thực hiện mọi biện pháp cần thiết và vấn đề thực hiện nghĩa vụ thông báo cho bên còn lại của hợp đồng.
Về tính chất của dịch bệnh, đại dịch Covid-19 là một đại dịch bệnh truyền nhiễm với tác nhân là virus SARS-CoV-2, đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu[3]. Dịch bệnh này là một trở ngại khách quan nằm ngoài ý muốn chủ quan của con người. Tuy đó không phải là một hiện tượng thiên nhiên, nhưng là một dịch bệnh lạ chưa từng xuất hiện trong lịch sử cũng như khả năng hiện tại của y học thế giới chưa thể ngay lập tức kiểm soát dịch bệnh này. Nên có thể thấy, dịch bệnh Covid-19 thoã mãn yếu tố là một trở ngại khách quan.
Về khả năng dự đoán và kiểm soát của bên vi phạm, ở cấp độ toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu và gọi dịch Covid-19 là đại dịch[4] vì mức độ lây lan nhanh chóng của dịch bệnh. Tại Việt Nam, ngày 29/01/2020, Bộ Y tế đã ký quyết định bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A. Theo đó, các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 gồm những bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Theo tình hình hiện nay, dịch bệnh Covid-19 có mức độ lây lan nhanh, thuộc trường hợp khẩn cấp toàn cầu. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra tại Quyết định số 173/QĐ-TTg ngày 01/02/2020 và hiện chưa có thông báo hết dịch. Hiện nay, ngay cả Chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới cũng gặp khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh. Do đó, việc các thương nhân thông thường có thể dự đoán hay kiểm soát bệnh dịch này là khó khả thi.
Về yếu tố “bên vi phạm không thể tránh được hoặc không thể khắc phục dược mặc dù đã thực hiện mọi biện pháp cần thiết”. Yếu tố này còn tuỳ thuộc vào việc đại dịch Covid-19 ảnh hưởng như thế nào đến hợp đồng mua bán hàng hoá giữa các bên và tác động ra sao, vào thời điểm nào của hợp đồng. Phải tuỳ từng tranh chấp cụ thể để có thể kết luận bên vi phạm có thể tránh được hay khắc phục được hệ quả của đại dịch Covid-19 với hợp đồng của mình hay không.
Có thể nói, vì tính chất diễn biến nhanh và phức tạp của dịch bệnh, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế có một bên là thương nhân Việt Nam. Để kiềm chế sự lây lan nhanh của bệnh dịch này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các biện pháp như hạn chế đi lại, ban bố tình trạng khẩn cấp, cách lý xã hội, cấm xuất khẩu một số mặt hàng thiết yếu. Trong đó, lệnh cấm xuất khẩu và lệnh hạn chế đi lại, dừng các chuyến bay quốc tế được xem là có tác động trực tiếp đến các hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế của các bên.
2.2. Tác động của lệnh cấm xuất khẩu của Chính phủ đến vấn đề miễn trách nhiệm trong hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế
Do tác động của dịch Covid-19, để đảm bảo an ninh lương thực trong nước, Tổng cục Hải Quan ban hành Công văn hỏa tốc số 03/TCHQ ngày 24/3/2020 gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố về vấn đề xuất khẩu gạo. Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tạm dừng đăng ký, tiếp nhận và thông quan các lô hàng các loại gạo xuất khẩu từ 0 giờ ngày 24/3. Tuy nhiên, các lô hàng gạo xuất khẩu đã đăng ký tờ khai hải quan trước thời điểm trên vẫn được giải quyết theo quy định. Tổng cục Hải quan cũng giao Cục Quản lý rủi ro thiết lập tiêu chí đưa một số mặt hàng gạo các loại thuộc phân nhóm HS: 1006.20, 1006.30 và 1006.40 vào diện cấm xuất khẩu.
Như vậy, theo Công văn này, các hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế có đối tượng mua bán là mặt hàng gạo sẽ không thể xuất khẩu trong giai đoạn này. Do đó, các thương nhân Việt Nam là bên có nghĩa vụ giao hàng sẽ không thực hiện được nghĩa vụ của mình. Vậy vấn đề đặt ra là, trong trường hợp này thương nhân Việt Nam với tư cách là bên bán có thể được miễn trách nhiệm hay không? Để trả lời câu hỏi này chúng ta cần bám sát các yêu cầu về miễn trách của Điều 79 CISG, cũng như xem xét án lệ của CISG về quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về vấn đề này như sau.
Ví dụ, vụ Bulgarian Chamber of Commerce and Industry (Coal case)[5]. Trong tranh chấp này, các bên thoả thuận bên bán sẽ vận chuyển một số lượng than nhất định với giá trị cụ thể và bên mua sẽ thanh toán giá trị hợp đồng theo 05 tín dụng thư được mở bởi bên mua. Do hàng hoá vận chuyển đến không đủ số lượng yêu cầu nên bên mua từ chối thanh toán 10% giá trị hợp đồng còn lại. Bên bán cho rằng mình được miễn trách nhiệm theo Điều 79 CISG, vì thực tế là Chính phủ Ukraine đã ban hành nghị định cấm xuất khẩu than và cuộc biểu tình của công nhân mỏ than tại Ukraine đã khiến nghĩa vụ giao hàng không thể thực hiện được. Vấn đề đặt ra là, bên bán có được miễn trách theo khoản 1 Điều 79 CISG hay không? Phán quyết giải quyết tranh chấp này cho rằng, bên bán không được miễn trách nhiệm theo khoản 1 Điều 79 CISG vì lệnh cấm xuất khẩu than của Chính phủ tuy là sự kiện bất ngờ, khách quan nhưng xảy ra trước thời điểm các bên giao kết hợp đồng và vào thời điểm xảy ra các cuộc biểu tình của công nhân mỏ, bên bán đã có mặt tại đó và biết được điều này. Bên bán cũng không thông báo ngay cho bên mua về việc không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Vì các lý do nêu trên, Toà án phán quyết bên bán không được miễn trách nhiệm.
Từ tranh chấp này, có thể thấy, lệnh cấm của các Chính phủ đều được các cơ quan tài phán cho rằng là trở ngại khách quan nằm ngoài sự kiểm soát của bên vi phạm. Tuy nhiên, lệnh cấm của các Chính phủ không đương nhiên cấu thành một sự kiện miễn trách. Trong các tranh chấp đã nêu, toà án tập trung xem xét liệu bên vi phạm có thể biết trước/lường trước được lệnh cấm này hay không. Nếu tại thời điểm giao kết hợp đồng, bên vi phạm đã biết đến/lường trước được lệnh cấm thì không được xem là thoả mãn điều kiện miễn trách. Tương tự CISG, Luật Thương mại năm 2005 của Việt Nam cũng có quy định cụ thể quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là một trong số căn cứ miễn trách nhiệm.
Từ án lệ đã nêu, trở lại với lệnh cấm xuất khẩu gạo của Chính phủ Việt Nam vào tháng 3/2020, vì những diễn tiến bất ngờ của dịch bệnh mà Chính phủ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Dưới tác động của lệnh cấm này, các thương nhân Việt Nam có thể vi phạm nghĩa vụ giao hàng trong các hợp đồng mua bán hàng hoá có đối tượng mua bán là gạo. Đây là một lệnh cấm có yếu tố đột xuất (bằng công văn hoả tốc và có hiệu lực ngay lập tức) và khó lường trước, do đó, nếu các bên ký hợp đồng vào trước thời điểm này thì gần như không thể biết hoặc dự đoán trước được lệnh cấm sẽ được ban hành. Đồng thời, lệnh cấm này có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam nên bên vi phạm thực sự muốn tìm cách thức khác để giao hàng đúng hạn cũng gần như là bất khả thi. Vì vậy, điều kiện về khả năng khắc phục cũng có thể thấy là không thể thực hiện được.
Vì các yếu tố nêu trên, các thương nhân xuất khẩu gạo sẽ không thể thực hiện được các hợp đồng đã ký với đối tác nước ngoài. Xem xét quy định của Điều 79 CISG và các án lệ của CISG, tác giả cho rằng, sự vi phạm nghĩa vụ giao hàng của thuơng nhân Việt Nam do lệnh cấm xuất khẩu gạo vì Covid-19 có thể được miễn trách nhiệm. Tuy nhiên, các thương nhân cũng cần lưu ý rằng, miễn trách nhiệm chỉ có hiệu lực trong khoảng thời gian xảy ra sự kiện miễn trách nhiệm. Nếu sau đó Chính phủ dỡ bỏ lệnh cấm này, việc thực hiện nghĩa vụ lại phải được khôi phục. Trên thực tế, Thông báo số 172/TB-VPCP ngày 29/4/2020 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về giải pháp điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian tới nêu rõ: Từ ngày 01/5/2020 cho phép hoạt động xuất khẩu gạo trở lại bình thường theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và thực hiện nghiêm việc chỉ xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế có sự kiểm soát chặt chẽ của các lực lượng chức năng.
2.3. Tác động của lệnh tạm dừng các chuyến bay quốc tế do Covid-19 đến vấn đề miễn trách nhiệm trong hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế
Bên cạnh lệnh cấm xuất khẩu của Chính phủ, một sự kiện nữa cũng có khả năng tác động đến khả năng thực hiện hợp đồng là lệnh tạm dừng các chuyến bay quốc tế do ảnh hưởng của Covid-19. Ngày 17/3/2020, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 102/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19. Theo văn bản này, Chính phủ hạn chế các chuyến bay từ vùng dịch đến Việt Nam cũng như các chuyến bay quốc tế ở Việt Nam phải tạm dừng.
Như vậy, đối với các hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế có điều khoản giao hàng bằng đường hàng không lúc này sẽ không thể thực hiện được việc giao hàng do các chuyến bay thương mại bị tạm dừng hai chiều. Lệnh tạm dừng đường bay quốc tế là một quyết định của cơ quan nhà nước, bằng văn bản hoả tốc và có hiệu lực thi hành ngay nên các thuơng nhân Việt Nam không thể dự đoán trước hoặc kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, về yếu tố có khả năng khắc phục được hay không để làm căn cứ miễn trách nhiệm, có thể chia thành hai khả năng như sau: Khả năng thứ nhất, các bên có thể thương lượng với nhau về việc thay đổi điều khoản giao hàng bằng đường hàng không thành giao hàng bằng các phương thức vận tải khác ví dụ giao hàng bằng đường biển. Lúc này, được xem như bên vi phạm có khả năng khắc phục được nên sẽ không coi các lệnh cấm này là căn cứ miễn trách nhiệm. Ngược lại, khả năng thứ hai có thể xảy ra là vì tính chất đặc biệt của các mặt hàng hoặc yêu cầu gấp rút về mặt thời gian giao hàng nên không thể chuyển sang giao hàng bằng các phương tiện vận tải khác mà bắt buộc giao bằng đường hàng không. Lúc này, với lệnh dừng bay tất cả đường bay thương mại quốc tế của Chính phủ, bên vi phạm không thể có biện pháp nào để khắc phục tình hình và không thể giao hàng đúng hạn có thể lấy đó làm căn cứ để được miễn trách nhiệm theo Điều 79 CISG.
Dưới tác động của đại dịch Covid-19, nhiều hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế có một bên là thương nhân Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo đó, các thương nhân Việt Nam nếu không thể hoàn thành nghĩa vụ giao hàng do quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mà cụ thể là lệnh cấm xuất khẩu hàng hoá hoặc lệnh tạm dừng đường bay thương mại quốc tế, có thể căn cứ vào tình hình thực tế của giao dịch để chứng minh mình có thể được miễn trách nhiệm. Muốn chứng minh việc được miễn trách nhiệm trong trường hợp này cần bám sát đầy đủ các yêu cầu của Điều 79 CISG, đặc biệt là yếu tố khả năng dự đoán trước hay khả năng khắc phục được trở ngại. Đồng thời, lưu lý nghĩa vụ thông báo trong thời hạn hợp lý cho bên còn lại của hợp đồng. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp cả trên thế giới và ở Việt Nam, để hạn chế tối đa các tranh chấp phát sinh, các bên có thể quy định chi tiết về trường hợp miễn trách do dịch bệnh vào điều khoản miễn trách nhiệm trong hợp đồng. Các bên nên đưa điều khoản này vào hợp đồng, xác định rõ các yếu tố của sự kiện bất khả kháng theo quy định của pháp luật và có thể thỏa thuận các trường hợp cụ thể được xem là bất khả kháng được miễn trừ trách nhiệm. Chẳng hạn, các bên có thể thỏa thuận trong hợp đồng rằng dịch bệnh là sự kiện được miễn trừ trách nhiệm theo Điều 79 CISG. Có thể thiết lập điều khoản miễn trách nhiệm do Covid-19 như sau: “Các sự kiện liên quan đến Covid-19, bao gồm, nhưng không giới hạn, các biện pháp kiểm dịch, bên thứ ba là nhà cung cấp bị đóng cửa, lệnh ngừng kinh doanh hoặc hạn chế đi lại của chính phủ, lệnh cấm xuất nhập khẩu của Chính phủ làm gián đoạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng và nằm ngoài khả năng dự đoán, kiểm soát và khắc phục của các bên sẽ là căn cứ miễn trách nhiệm”. Ghi nhận cụ thể điều khoản miễn trách nhiệm do Covid-19 vào trong hợp đồng sẽ bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên cũng như hạn chế các tranh chấp phát sinh trong hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế./.
Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh