Cuối những năm 80, đầu những năm 90, xét về tuổi đời trong Ngành Tư pháp, tôi đã có thâm niên, nhưng đối với nghề báo thì còn “non” lắm.
Nhớ lại một đôi lần, khi đến cổng thường trực một cơ quan tại Hà Nội để liên hệ làm việc, bảo vệ hỏi: “Anh ở cơ quan nào?
- Tôi là phóng viên của Tạp chí Pháp chế xã hội chủ nghĩa.
- Giấy giới thiệu của anh đâu?
- Tôi có giấy giới thiệu nhưng vì trong thời gian ngắn phải đi đến nhiều cơ quan, nên chưa kịp ghi thêm tên cơ quan này.
- Mời anh về cơ quan xin giấy giới thiệu rồi quay lại nhé”.
Đó là những lần mà do sốt sắng với công việc, tôi muốn đến tận nơi kịp thời, mà thiếu giấy giới thiệu, lại còn thiếu kinh nghiệm nên bị từ chối ngay từ phòng bảo vệ. Khi xin được giấy giới thiệu quay trở lại thì tính thời sự của sự việc mà tôi quan tâm muốn làm sáng tỏ và nhiệt tình ít nhiều bị giảm đi.
Hồi đó, các phóng viên trong Toà soạn chưa được cấp thẻ nhà báo nên cứ mỗi lần đi công tác phải xin giấy giới thiệu của Tổng biên tập. Không chỉ riêng với các nhà báo mà ở các cơ quan khác cũng vậy. Nguyên tắc làm việc là đi đến đâu cũng phải trình giấy giới thiệu. Đó là một văn bản hành chính được sử dụng để giới thiệu nhân viên, cán bộ của mình đi liên hệ làm việc tại một cơ quan, đơn vị, tổ chức khác.
Đối với phóng viên, biên tập viên của một tòa soạn báo thời đó, việc dùng giấy giới thiệu có không ít bất tiện. Phóng viên phải thường xuyên đến các cơ quan, tổ chức khác để tác nghiệp. Nếu cứ mỗi lần như vậy phải sử dụng đến giấy giới thiệu thì hàng tuần, hàng tháng cần phải xin nhiều giấy giới thiệu. Mặt khác, không thể dùng một giấy giới thiệu để đến làm việc ở nhiều cơ quan khác nhau, mà giả sử nếu có thì nơi đến của phóng viên không đủ chỗ để ghi trong giấy giới thiệu.
Để khắc phục sự bất tiện của giấy giới thiệu chỉ có giá trị một lần, chúng tôi đề xuất Tổng biên tập ban hành Giấy xác nhận phóng viên mà chúng tôi gọi vui là “Thẻ phóng viên” tự chế. Đó là một tờ giấy khổ nhỏ có thể bỏ túi mang theo, tự đánh máy nội dung, trang trí hình thức, dán ảnh, ghi rõ họ tên, chức danh có chữ ký của Tổng biên tập và con dấu của Tạp chí. Nó phát huy tác dụng không ngờ, tạo điều kiện cho chúng tôi nhanh chóng đến các nơi lấy thông tin hàng ngày, hàng giờ để kịp thời viết bài, cung cấp các tin tức “nóng hổi” cho bạn đọc. Trên thực tế, mỗi khi tôi xuất trình “Thẻ phóng viên” tự chế đó để tác nghiệp, hầu hết đều được chấp nhận. Cũng có một số cá nhân, tổ chức do nhận thức pháp luật còn hạn chế nên có việc đáng tiếc xảy ra như cản trở hoạt động tác nghiệp của phóng viên và chúng tôi đã đấu tranh với họ để thực hiện quyền của mình.
Xem lại Giấy xác nhận, có thể sẽ còn có ý kiến khác nhau, nhưng không thể phủ nhận những ưu điểm của nó so với một giấy giới thiệu. Giấy chứng nhận phóng viên xác nhận tính xác thực của hoạt động nghiệp vụ báo chí và hơn thế nữa tạo điều kiện tốt hơn để chúng tôi hoàn thành công việc vì nó đã tiết kiệm được nhiều thời gian và những thủ tục không cần thiết. Hơn nữa, khi cầm tấm thẻ, tôi cảm nhận được sự “oai nghiêm” của nghề báo. Cảm giác đó hình như còn mạnh mẽ hơn sau này khi tôi đã chính thức được cấp Thẻ nhà báo.
Kể từ khi Luật Báo chí năm 1989 (sửa đổi, bổ sung năm 1999) được ban hành, đi vào cuộc sống, các quyền và nghĩa vụ của nhà báo được quy định và ngày càng hoàn thiện. Theo quy định của Luật Báo chí năm 2016, nhà báo là người hoạt động báo chí (trong đó có phóng viên, biên tập viên) được cấp Thẻ nhà báo. Nhà báo có quyền hoạt động báo chí trên toàn lãnh thổ Việt Nam, được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình Thẻ nhà báo.
Đến bây giờ, khi ôn lại những kỷ niệm, tôi vinh dự và tự hào vì đã từng đi qua những tháng năm làm báo trong điều kiện còn thiếu thốn tứ bề, nhưng không thiếu hiệu quả và hăng say nghề nghiệp. Kể từ khi có Luật Báo chí, tôi không còn phải sử dụng tấm thẻ tự chế thủ công nữa mà là một Thẻ nhà báo của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) cấp theo quy định của Luật Báo chí Việt Nam qua các thời kỳ với mẫu mã đẹp, chất lượng cao thống nhất trên toàn quốc. Tôi đã 05 lần được cấp Thẻ nhà báo để hoạt động nghiệp vụ cho đến ngày nghỉ hưu.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Mới đó mà đã gần 30 năm, kể từ ngày tôi được cấp “Thẻ phóng viên” tự chế. Đối với Tạp chí là kỷ niệm 45 năm thành lập - một chặng đường lịch sử vinh quang với nhiều thành tích đạt được qua các thế hệ.
Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật