Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC; Đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Tư pháp tham dự buổi lễ.
Phát biểu tại Lễ ký, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, những năm qua, công tác của Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục đạt những kết quả tích cực, khởi sắc, tham gia ngày càng sâu rộng vào các sự kiện chính trị - pháp lý, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước và từng địa phương. Có được những kết quả tích cực trên, là nhờ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và sự ủng hộ, phối hợp của các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của TANDTC và TAND các cấp trên nhiều lĩnh vực công tác tư pháp.
công tác của Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục đạt những kết quả tích cực, khởi sắc
Trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý (TGPL), Bộ, ngành Tư pháp ngày càng nhận được quan tâm, phối hợp thực hiện chặt chẽ, đạt những kết quả tích cực, nổi bật như: (i) TAND các cấp đã phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, nhất là trong thực hiện giải thích, thông báo, thông tin về TGPL cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự; số lượng vụ việc TGPL do TAND các cấp chuyển đến TGPL tăng dần qua từng năm. Hầu hết các cơ quan Tòa án đều tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hiện TGPL thực hiện các thủ tục tố tụng như đăng ký bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho người được TGPL, nghiên cứu hồ sơ,…;
Vừa qua, thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15, TANDTC đã phối hợp các Bộ, ngành liên quan ban hành Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn tổ chức thi hành phiên tòa trực tuyến, trong đó quy định điểm cầu thành phần do Trung tâm TGPL nhà nước phối hợp với TAND bố trí, tạo cơ sở pháp lý cho các Trung tâm TGPL kịp thời tham gia các phiên tòa trực tuyến, đáp ứng xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp và phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Bộ trưởng cũng cho hay, trong hoạt động của mình, Tòa án đã tạo điều kiện cho người dân sử dụng các công cụ, dịch vụ pháp lý, trong đó có dịch vụ TGPL để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, làm cho các vụ án được xét xử khách quan, đúng người, đúng tội, bảo đảm công bằng trong tiếp cận pháp luật, tiếp cận công lý, tạo niềm tin của người dân vào công lý.
Nhân dịp này, thay mặt Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ trưởng trân trọng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Chánh án cùng các đồng chí Lãnh đạo TANDTC, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các đơn vị chuyên môn, nhất là vai trò đầu mối trong tham mưu, phối hợp triển khai thực hiện của các đơn vị chuyên môn của TANDTC đối với Bộ, ngành Tư pháp và mong nhận được nhiều sự quan tâm, phối hợp thực chất, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng, việc ký kết Chương trình phối hợp giữa hai cơ quan về người thực hiện TGPL trực tại Tòa án có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ tiếp tục củng cố, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa hai ngành trong thực hiện các nhiệm vụ được giao mà còn có ý nghĩa giúp người dân thêm một kênh tiếp cận sớm với TGPL để hiện thực hóa quyền TGPL của mình đã được pháp luật quy định; góp phần đảm bảo sự bình đẳng trong tiếp cận pháp luật cho người được TGPL.
Để Chương trình phối hợp được triển khai thiết thực, chất lượng và hiệu quả, Bộ trưởng Tư pháp mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của TANDTC trong hướng dẫn, chỉ đạo Tòa án nhân dân các cấp phối hợp với Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mỗi bên.
Về phần mình, ngay sau Lễ ký kết Chương trình, Bộ Tư pháp sẽ chỉ đạo Cục Trợ giúp pháp lý và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với Vụ Pháp chế, các đơn vị có liên quan của TANDTC tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung đã được ký kết.
Đánh giá chương trình phối hợp có ý nghĩa hết sức quan trọng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình hy vọng thông qua chương trình và các hoạt động TGPL, sẽ góp phần nâng cao dân trí về pháp luật cho nhân dân, trong bối cảnh trình độ dân trí về pháp luật còn những hạn chế, thì trợ giúp pháp lý được xem như là chương trình giáo dục pháp luật cho mỗi người dân. Hoạt động TGPL được đảm bảo cũng góp phần nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án. Người dân hiểu biết pháp luật để đưa ra các quyết định đúng đắn hơn; các Thẩm phán thông qua hoạt động TGPL để có cơ hội lắng nghe các ý kiến phản biện của người dân.
(Theo Báo điện tử Pháp luật Việt Nam)