1. Chính sách, quy định mới giúp doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững
Từ đầu năm 2022, với chủ trương sống an toàn với dịch bệnh, tập trung phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội, ngày 11/01/2022 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết số 43/2022/QH15), trong đó có các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp như chính sách miễn, giảm thuế; chính sách đầu tư phát triển; chính sách tiền tệ… Đây là chương trình phục hồi kinh tế toàn diện và quy mô gần như lớn nhất trong lịch sử được thông qua, việc tổ chức thực hiện các giải pháp đồng bộ tại Nghị quyết này sẽ tạo thêm nhiều động lực và “sức bật” cho nền kinh tế.
Tiếp theo đó, để triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15, ngày 30/01/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, theo đó, để hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí tiếp tục được áp dụng. Trọng tâm giải pháp mà Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đưa ra có 05 lĩnh vực chính: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, trong đó triển khai miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, doanh nghiệp có thể được: (i) Hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 02 năm 2022 - 2023 đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm và được Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân trong giai đoạn 2022 - 2023. Tổng nguồn vốn hỗ trợ lãi suất tối đa 3.000 tỷ đồng. (ii) Hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trong các ngành, lĩnh vực: Hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; công nghiệp chế biến, chế tạo (đã bao gồm máy móc, trang thiết bị, thuốc, hoá dược, dược liệu); xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua. Điều kiện hỗ trợ là thuộc đối tượng thụ hưởng, đã được vay vốn hoặc đáp ứng các điều kiện vay vốn, được ngân hàng thương mại chấp thuận.
Toàn bộ Chương trình thực hiện trong 02 năm (2022 - 2023). Chương trình đòi hỏi rất lớn cả về quy mô và thời gian thực hiện.
Để Chương trình sớm đi vào cuộc sống, ngày 12/2/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 126/CĐ-TTg gửi các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công...
Theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, quá trình thực thi các giải pháp hỗ trợ đã được thực hiện trên thực tế còn gặp phải hạn chế, bất cập. Việc tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ chưa được lan tỏa, khiến nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo kết quả khảo sát trên 483 doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành khác nhau, có 58,38% doanh nghiệp tiếp cận được các hỗ trợ tài khóa (282 doanh nghiệp đã tiếp cận). Trong đó, ngành nông - lâm - ngư nghiệp có tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận với gói hỗ trợ tài khóa cao nhất và các ngành có tỷ lệ tiếp cận thấp là ngành xây dựng, thương mại và bán lẻ. Trong các chính sách hỗ trợ, chính sách được các doanh nghiệp tiếp cận nhiều nhất là (i) Giảm và hoãn thuế thu nhập doanh nghiệp (35,8%); (ii) Giảm và hoãn tiền thuê đất (24,6%); (iii) Giảm và hoãn các loại thuế phí khác (22,77%); (iv) Giảm và hoãn như thuế GTGT (18,4%), ưu đãi thuế đối với hàng hóa nhập khẩu là chính sách hỗ trợ được tiếp cận ít nhất (12,21%)[1].
2. Một số giải pháp tăng cường hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp
Để các chính sách hỗ trợ của nhà nước nhanh chóng được triển khai, phát huy hiệu quả trên thực tiễn, thì công tác hỗ trợ thông tin giúp doanh nghiệp tiếp cận với chính sách, quy định mới giữ vai trò quan trọng, là khâu đầu tiên của quá trình đưa các chính sách hỗ trợ vào cuộc sống. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác này cũng cần được đổi mới để đạt được những hiệu quả tốt hơn trên thực tiễn, cụ thể:
Một là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thông tin, tuyên truyền.
Hiện nay, cuộc cách mạng khoa học 4.0 không còn xa lạ với người dân, nó được nhắc tới thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều hội thảo, diễn đàn được tổ chức để bàn luận, trao đổi, nghiên cứu về tác động của cuộc cách mạng khoa học này tới đời sống xã hội. Cách mạng khoa học 4.0 được hiểu là một cuộc đại cách mạng về khoa học và công nghệ mà ở đó các hệ thống thông minh chiếm vai trò chủ đạo, các hệ thống này có thể gồm: Hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), hệ thống nhúng (embedded system), hay các hệ thống tự động hóa, các hệ thống mạng cảm ứng (sensor networks), các hệ thống thời gian thực và các công nghệ in 3 chiều hay 4 chiều... mà trung tâm của cuộc cách mạng này là giao tiếp giữa các nền tảng thông minh như các hệ thống thông minh di động, các hệ thống nhà máy thông minh hay các hệ thống tòa nhà dân dụng thông minh.
Bên cạnh đó, người ta còn hướng tới các nền tảng còn chưa trở nên thông dụng và chưa thành sản phẩm thương mại, ví dụ như các thiết bị đeo trên người (wearables) như vòng đeo tay hoặc kính. Mức độ “đa nền tảng” cũng ngày càng trở nên cao cấp hơn chứ không chỉ đơn giản là việc sử dụng cùng một mật khẩu để truy cập. Độc giả xem báo in có thể dùng điện thoại di động “đánh dấu” một bài viết và xem lại trên thiết bị điện tử khi có thời gian, hoặc truy cập mã QR để theo dõi các sản phẩm đa phương tiện như đồ họa hoặc video. Hoặc một độc giả đang theo dõi một bài viết trên máy tính, khi rời bàn làm việc để di chuyển thì có thể truy cập thẳng vào bài viết đó trên máy tính bảng hoặc điện thoại di động. Nhờ tính năng cá nhân hóa và địa phương hóa, hệ thống có thể “hiểu” nhu cầu người dùng để giới thiệu loại nội dung phù hợp trên mọi nền tảng. Các thiết bị đeo trên người được cho là nền tảng tương lai mang lại hiệu quả to lớn cho nhiều mặt của cuộc sống. Vì vậy, để tuyên truyền hiệu quả các chính sách mới về việc hỗ trợ cho doanh nghiệp, bên cạnh việc thực hiện có hiệu quả các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật truyền thống cần phải đổi mới nhất định, cần áp dụng mạnh mẽ, hiệu quả các thành tựu của công nghệ trong công tác này.
Phương thức tuyên truyền hiện nay vẫn nặng tuyên truyền một chiều, việc trao đổi chưa được thường xuyên, liên tục. Trong điều kiện hiện nay, công nghệ thông tin và internet phát triển mạnh mẽ, người dân “chuộng” mạng xã hội, vì tính tiện lợi, truy cập nhanh, dễ dàng phản biện, trao đổi… Do đó, bên cạnh các phương thức tuyên truyền truyền thống, để phát huy hiệu quả việc tuyên truyền các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, các cơ quan chức năng nên tận dụng, phát huy hiệu quả của mạng xã hội, tiến hành công tác tuyên truyền thông qua mạng internet một cách trực diện, liên tục, xây dựng những kênh thông tin trên môi trường mạng vừa tin cậy, vừa thân thiện để thực hành công tác thông tin, tuyên truyền một cách nhanh nhạy, hiệu quả, thuận tiện, kịp thời và ít tốn kém.
Hai là, thay đổi tư duy, nội dung tuyên truyền.
Có thể thấy việc tuyên truyền trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay chủ yếu là thông tin một chiều từ phía các các quan nhà nước, các cấp có thẩm quyền, tuyên truyền theo kế hoạch đề ra mà gần như ít có sự tương tác với doanh nghiệp, chưa thực sự nghiên cứu nhu cầu của từng đối tượng doanh nghiệp, chưa có các chuyên mục tư vấn pháp luật doanh nghiệp trên báo chí, hay trả lời, giải đáp thư bạn đọc. Có nhiều trường hợp, sau khi đọc, xem các bài viết có nội dung tuyên truyền pháp luật, doanh nghiệp không hiểu được cặn kẽ.
Doanh nghiệp gặp khó khăn do hậu Covid-19, phần lớn là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, không có bộ phận pháp chế hay có điều kiện thuê công ty luật tư vấn. Cần tuyên truyền đến từng loại đối tượng doanh nghiệp những vấn đề mà họ cần, thực hiện tuyên truyền cần có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, chung chung. Để làm được điều này hiệu quả, cần lọc đối tượng tuyên tuyền với mục đích tuyên truyền đúng nội dung cho từng loại đối tượng. Ví dụ: Nhóm doanh nghiệp chuyển số, bên cạnh những quy định chung hỗ trợ về thuế, về vốn… cần được tuyên truyền về các quy định nhằm hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp thông qua tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp theo Quyết định số 12/QĐ-BKHĐT ngày 07/01/2021 của Bộ Kế hoạch và đầu tư về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025.
Ba là, nâng cao vai trò cơ quan quản lý nhà nước trong công tác hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp.
Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là một nhiệm vụ quan trọng của các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên trên thực tế, nhân lực thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của bộ, ngành và địa phương còn kiêm nhiệm thực hiện, không bố trí nhân sự cụ thể, xác định nhiệm vụ rõ ràng; cơ sở vật chất và phương tiện thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý liên ngành còn hạn chế và chưa đáp ứng được nhu cầu; chế độ thù lao cho các cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý vẫn chưa đủ để mang tính khuyến khích cũng như tạo điều kiện cho nhân sự thực hiện công tác này[2]. Vì vậy, cần kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự thực hiện quản lý nhà nước và thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, quan tâm đến việc sắp xếp, bố trí nhân sự chuyên trách trong công tác quản lý nhà nước về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sáng tạo hình, hình thành bộ phận chuyên trách thực hiện quản lý nhà nước về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để có vị trí, chức năng rõ ràng, độc lập trong việc thực hiện quản lý nhà nước, trên cơ sở đó, nhiệm vụ hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp sẽ được thực hiện bài bản, thường xuyên và hiệu quả hơn.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và tổng kết công tác hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp.
Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và tổng kết công tác hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp, trên cơ sở đó, phát huy những phương thức đạt hiệu quả cao, đồng thời, phát hiện các vướng mắc, khó khăn, kịp thời điều chỉnh các nội dung, hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.