Tóm tắt: Bài viết bàn về một số nguyên nhân hạn chế trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và giải pháp tăng cường cơ hội tiếp cận pháp luật theo chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ đang dự kiến triển khai trong giai đoạn tới.
Abstract: The article discusses some of the reasons for the limitation in legal dissemination and education and solutions to increase opportunities to access the law according to the guidelines and policies of the Party and the Government that are expected to be implemented in the coming period.
1. Dẫn đề
Chính sách phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân được Đảng và Nhà nước ta đặt thành trọng tâm phát triển xã hội qua các thời kỳ cách mạng. Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của công dân và doanh nghiệp. Phát triển dịch vụ pháp lý. Phát triển các thiết chế giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án. Đẩy mạnh công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”[1]. Điểm mới chính sách về phổ biến, giáo dục pháp luật được nêu trong Nghị quyết này chính là “tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của công dân và doanh nghiệp”.
Để cụ thể hóa chính sách này, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp xây dựng Đề án tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân[2] với mục tiêu hướng đến các giải pháp tạo điều kiện cho người dân nâng cao năng lực chủ động tiếp cận pháp luật, sử dụng hiệu quả các công cụ hỗ trợ, để cùng với các giải pháp hiện hành về phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức và khả năng áp dụng pháp luật vào thực tế cuộc sống.
Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng kết quả phổ biến, giáo dục pháp luật và mục tiêu đề ra trong lĩnh vực này, bài viết tập trung vào một số nguyên nhân khách quan của những hạn chế, tồn tại và đề xuất một số giải pháp tăng cường cơ hội tiếp cận pháp luật - cơ sở nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân, doanh nghiệp.
2. Nguyên nhân khách quan của những hạn chế, tồn tại chưa thể khắc phục trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những lĩnh vực công tác được Nhà nước xác định là trách nhiệm chính trị đối với người dân và xã hội, do đó, từ khi giành được độc lập cho đến ngày nay, Nhà nước đã quan tâm bố trí một nguồn nhân lực, vật lực lớn cho mặt công tác này. Thể chế của Đảng và Nhà nước ta về phổ biến, giáo dục pháp luật đã cơ bản được hoàn thiện. Kết quả của hoạt động này chính là nhận thức pháp luật của người dân đã được nâng lên, thể hiện ở sự ổn định và phát triển liên tục của nền kinh tế - xã hội đất nước. “Người dân ngày càng quan tâm đến quyền tiếp cận thông tin trong các lĩnh vực của đời sống, nhất là các lĩnh vực pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân, đồng thời tích cực chủ động nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật để thực hiện, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình”[3].
Tuy nhiên, vẫn còn có những hạn chế, tồn tại chưa thể khắc phục trong công tác này là: Chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đồng đều, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới; hình thức, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật được đổi mới ở một số cơ quan, địa phương nhưng chưa thường xuyên, rộng khắp, chưa tạo sự chuyển biến tích cực, rõ rệt[4]… Người dân không thể nhận thức đầy đủ các quy định pháp luật[5].
Có thể thấy, những yếu tố khách quan sau đây đã và đang đặt ra cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần có những đổi mới hơn nữa, đó là:
Thứ nhất, hệ thống pháp luật Việt Nam đã không ngừng được xây dựng và hoàn thiện. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khiếm khuyết của hệ thống pháp luật, như tính thiếu đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu ổn định[6]. Hệ thống pháp luật được đánh giá là phức tạp, nhiều quy định còn mang tính khái quát khó áp dụng trong thực tiễn… Những nguyên nhân này dẫn đến thực trạng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật khó thông tin chính xác, đầy đủ các nội dung cần áp dụng pháp luật trong nhiều quan hệ pháp luật.
Một trong những mục tiêu (đặc điểm) mà hệ thống pháp luật hướng đến là công khai, minh bạch. Trong đó, công khai được hiểu là “không giấu giếm, bí mật mà cho mọi người cùng biết”[7] và minh bạch là “sáng rõ, rành mạch”[8]. Những đặc điểm này cũng là một trong những mục tiêu của phổ biến, giáo dục pháp luật cần hướng đến. Tuy nhiên, sự phức tạp của hệ thống pháp luật dẫn đến nhiều nội dung phổ biến pháp luật trong một lĩnh vực pháp luật được chuẩn bị sẵn hướng đến phổ biến những nội dung cơ bản và chung, khó có thể bám sát các vấn đề phát sinh từ thực tiễn, do đó, không thể giải quyết hết được các nhóm đối tượng được phổ biến. Do đó, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chính là hướng đến sự “công khai”, “minh bạch” bằng khả năng dễ tiếp cận nội dung quy định pháp luật trong thời gian tới.
Thứ hai, khả năng tiếp cận thông tin pháp luật trong các trường hợp thi hành pháp luật cụ thể còn rất khó khăn. Hệ thống pháp luật hiện hành cơ bản đã được thông tin đầy đủ về các quy định pháp luật trong các văn bản pháp luật đã được ban hành (mặc dù một số văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành lâu cũng khó tiếp cận hơn). Tuy nhiên, ngôn ngữ lập pháp thường có tính khái quát, áp dụng chung nên thường khó hiểu đối với những người dân, doanh nghiệp không có kiến thức chuyên ngành về lĩnh vực đó. Đây cũng là một trong những yếu tố làm hạn chế năng lực nhận thức pháp luật của người dân, đặc biệt là trong những hoàn cảnh chủ thể này có nhu cầu nhận thức pháp luật rất cao.
Trong điều kiện giả định là “một số người dân chưa có ý thức chủ động tìm hiểu pháp luật để nâng cao hiểu biết, kiến thức, kỹ năng sử dụng pháp luật nhằm thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của mình, cũng như thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Việc chủ động trang bị kiến thức pháp luật cho mình trước khi tham gia vào các quan hệ xã hội chưa được người dân chú trọng”[9], thì việc thiếu đi những cơ sở hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sẽ tạo nên khoảng trống về nhận thức pháp luật của xã hội. Do đó, để nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân, doanh nghiệp, trước hết, cần nâng cao các cơ hội tiếp cận pháp luật của chính đối tượng này ở những thời điểm nhu cầu pháp luật của họ cao hơn và cấp thiết hơn.
Thứ ba, các dịch vụ phổ biến, giải đáp pháp luật ở nước ta chưa được quan tâm đúng mức, chậm phát triển nên chưa đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật từ phía cơ quan nhà nước thực hiện mới chỉ được quan tâm một chiều - chiều thông tin pháp luật từ phía người tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân; còn thiếu sự đầu tư từ chiều ngược lại - dịch vụ hỗ trợ, giải đáp pháp luật theo yêu cầu của người dân. Dịch vụ này được xác định theo hai khía cạnh:
- Dịch vụ công do cơ quan nhà nước thực hiện. Đây là một trong những trách nhiệm công vụ của cơ quan nhà nước đã được luật định và đã được các cơ quan nhà nước tổ chức thực hiện. Thực tế các câu hỏi của người dân được gửi đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đều được giải đáp với thời gian khá dài hoặc nhiều trường hợp hỏi - đáp trên các Trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước không thấy được hồi âm (trả lời qua địa chỉ email, số điện thoại đăng ký) hoặc không thể theo dõi đã được trả lời trên chính Trang thông tin điện tử đó.
- Dịch vụ bổ trợ tư pháp đã và đang phát triển, cung cấp một công cụ phổ biến, giải đáp pháp luật nhanh, kịp thời, khắc phục rất hiệu quả những hạn chế đã nếu trong dịch vụ công đã nêu ở trên, song không phải chủ thể nào cũng có khả năng tiếp cận, do giới hạn về đối tượng được trợ giúp (theo Luật Trợ giúp pháp lý), giới hạn về phạm vi hoạt động (không thể tiếp cận chủ thể trợ giúp) hoặc yêu cầu trả phí (luật sư, tư vấn pháp luật tư nhân) chưa phải đã phù hợp với ý thức miễn phí pháp luật của người dân và kể cả nhiều doanh nghiệp ở những khu vực chưa phát triển.
Do đó, việc nghiên cứu cải thiện, phát triển những dịch vụ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận pháp luật trong giai đoạn hiện nay cũng là yêu cầu cần thiết của lĩnh vực công tác này.
Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin, các phương tiện kỹ thuật số, thiết bị hiện đại trong các công tác này chưa được đầu tư tương xứng đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.
Thứ tư, ý thức tùy tiện áp dụng pháp luật của một bộ phận công chức, chủ thể quản lý nhà nước vẫn còn diễn ra ở một số nơi, làm ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thượng tôn pháp luật từ phía người dân, doanh nghiệp.
Một số cơ quan, chủ thể có thẩm quyền, có trách nhiệm chưa thực sự quan tâm sát sao và chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc triển khai các nhiệm vụ nhằm bảo đảm cho người dân tiếp cận pháp luật được kịp thời, đầy đủ, chủ động hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận pháp luật để thực hiện quyền, lợi ích; đội ngũ công chức làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn mỏng, một số cán bộ, công chức chưa tích cực phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân[10]… Do đó, trong thời gian tới, việc nâng cao ý thức công vụ cũng là một trong các giải pháp quan trọng góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân và cũng là yêu cầu tăng cường năng lực tự nhận thức pháp luật cho công chức, người dân, doanh nghiệp.
3. Phương hướng tăng cường cơ hội cơ hội tiếp cận pháp luật của người dân, doanh nghiệp
Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ xác định tầm nhìn chuyển đổi toàn diện Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đã xác định “xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng”[11]. Trên cơ sở Quyết định 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại tiêu chí 2 Điều 3 đã xác định 6 về tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật tại cấp xã là:
“a) Chỉ tiêu 1: Công khai các thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ theo đúng quy định pháp luật về tiếp cận thông tin và thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;
b) Chỉ tiêu 2: Cung cấp thông tin theo yêu cầu kịp thời, chính xác, đầy đủ theo đúng quy định pháp luật về tiếp cận thông tin;
c) Chỉ tiêu 3: Ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm theo đúng quy định pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật;
d) Chỉ tiêu 4: Triển khai các hình thức, mô hình thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả tại cơ sở;
đ) Chỉ tiêu 5: Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho tuyên truyền viên pháp luật theo đúng quy định pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật;
e) Chỉ tiêu 6: Bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật theo đúng quy định pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật”.
Với những định hướng của Nhà nước đã nêu ở trên, trong thời gian tới, việc tăng cường cơ hội cơ hội tiếp cận pháp luật của người dân, doanh nghiệp cần hướng đến các giải pháp sau:
Một là, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Các cơ quan nhà nước chú trọng phân bổ nguồn nhân lực, vật lực cho các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trực tuyến 24/7; phối hợp với các nhà cung cấp mạng điện thoại di động, internet và các bên cung cấp dịch vụ kỹ thuật số tốt để phát triển các dịch vụ hỗ trợ, giải đáp, phổ biến, giáo dục pháp luật nhanh và đầy đủ đến người dân.
Thực hiện chuyển đổi số xây dựng cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật gắn với các nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật để đáp ứng yêu cầu của người dân trong điều kiện mới; có các dữ liệu thông tin, xác định rõ trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương trong cập nhật, quản lý công tác tiếp cận pháp luật[12]. Phát triển nền tảng tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, giải đáp pháp luật từ xa[13].
Hai là, nghiên cứu phân định hợp lý nội hàm các nội dung phổ biến, giáo dục, tuyên truyền, giải đáp, trả lời pháp luật… và nghiên cứu từng bước phân công trách nhiệm thực hiện đối với các cơ quan nhà nước đối với các nội dung cụ thể, tránh đồng nhất, giao chung các nội dung trong nội hàm phổ biến, giáo dục pháp luật hiện nay. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đạo đức công vụ trong thực hiện quản lý nhà nước, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật và ý thức tự nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân, doanh nghiệp.
Ba là, nội dung trong các giải pháp nâng cao cơ hội tiếp cận pháp luật của người dân, doanh nghiệp cần đặt trong tương quan hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và thông tin pháp luật hiện nay. Trong đó, tác giả kiến nghị giải pháp trọng tâm cần tập trung giải đáp các tình huống pháp luật thực tiễn. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chính là hướng đến sự “công khai”, “minh bạch” bằng khả năng dễ tiếp cận nội dung quy định pháp luật trong thời gian tới. Tác giả đề xuất cần xây dựng các bộ giải đáp pháp luật của những tình huống thực tế - đó là những tình huống mà người dân, doanh nghiệp gặp phải trong quá trình sinh sống, kinh doanh và có thể giải đáp ngay các thông tin pháp luật gặp phải. Đồng thời, cần chú ý đến các giải pháp hướng đến các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội…
Bốn là, tăng cường trách nhiệm, vai trò của các dịch vụ pháp lý tư nhân, các hiệp hội xã hội với sự phân bổ/hỗ trợ kinh phí từ phía Nhà nước để góp phần đưa pháp luật đến các nhóm đối tượng đặc thù trong xã hội. Chú trọng tổ chức các phiên tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo chuyên đề cho doanh nghiệp, người lao động và xây dựng các đầu mối hỗ trợ pháp luật trực tiếp.
Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội
[1]. Điểm 10 Mục II Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
[2]. Xem thêm: Lê Sơn (2022), Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân, nguồn: https://baochinhphu.vn/tang-cuong-nang-luc-tiep-can-phap-luat-cua-nguoi-dan-102220506181407127.htm, truy cập ngày 10/5/2022.
[3]. Xem thêm: Lê Sơn (2022), Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân, nguồn: https://baochinhphu.vn/tang-cuong-nang-luc-tiep-can-phap-luat-cua-nguoi-dan-102220506181407127.htm, truy cập ngày 10/5/2022.
[4]. Báo cáo số 01/BC-BTP ngày 01/01/2020 của Bộ Tư pháp tổng kết công tác tư pháp năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2020, tr. 19.
[5]. Xem thêm: Lê Sơn (2022), Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân, nguồn: https://baochinhphu.vn/tang-cuong-nang-luc-tiep-can-phap-luat-cua-nguoi-dan-102220506181407127.htm, truy cập ngày 10/5/2022.
[6]. PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ (2020), Hệ thống pháp luật Việt Nam trong tiến trình đổi mới và phát triển đất nước, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 01 (401), tháng 01/2020, nguồn: http://www.lapphap.vn/Pages/TinTuc/210462/He-thong-phap-luat-Viet-Nam-trong-tien-trinh-doi-moi-va-phat-trien-dat-nuoc.html, truy cập ngày 25/4/2022.
[7]. Nguyễn Như Ý (chủ biên), Đại từ điển Tiếng Việt, Nxb. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2007, tr. 346.
[8]. Nguyễn Như Ý (chủ biên), Đại từ điển Tiếng Việt, Nxb. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2007, tr.1037.
[9]. Xem thêm: Lê Sơn (2022), Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân, nguồn: https://baochinhphu.vn/tang-cuong-nang-luc-tiep-can-phap-luat-cua-nguoi-dan-102220506181407127.htm, truy cập ngày 10/5/2022.
[10]. Xem thêm: Lê Sơn (2022), Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân, nguồn: https://baochinhphu.vn/tang-cuong-nang-luc-tiep-can-phap-luat-cua-nguoi-dan-102220506181407127.htm, truy cập ngày 10/5/2022.
[11]. Xem: Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, Giải pháp chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Số chuyên đề Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021, tr.89.
[12]. Xem thêm: Lê Sơn (2022), Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân, nguồn: https://baochinhphu.vn/tang-cuong-nang-luc-tiep-can-phap-luat-cua-nguoi-dan-102220506181407127.htm, truy cập ngày 10/5/2022.
[13]. Xem: Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, Giải pháp chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Số chuyên đề Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021, tr.93.