Tóm tắt: Bài viết này nêu rõ những mặt tích cực của mạng xã hội mang lại, đồng thời chỉ ra những hạn chế, nguyên nhân và đưa ra một số giải pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước về bảo đảm thông tin trên mạng xã hội trong thời gian tới.
Abstract: This article highlights the positive aspects brought by social networks, at the same time points out the limitations, causes and offers some solutions to strengthen the state management of information assurance on social networks in the next time.
1. Tác động của mạng xã hội tới đời sống xã hội ở Việt Nam
Cùng với sự gia tăng của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và phát triển của khoa học công nghệ cũng như cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thế giới đang chứng kiến những thay đổi căn bản trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Với nền tảng internet, cùng với các mạng viễn thông, các hệ thống máy tính, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, con người đã tạo ra không gian mạng - môi trường đặc biệt mà con người có thể thực hiện được các hành vi không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Theo thống kê, số lượng người sử dụng mạng xã hội trên thế giới hiện có tới 3,5 tỷ người (chiếm 46% tổng dân số toàn cầu), một người thường dành trung bình 02 tiếng 16 phút/ngày truy cập vào mạng xã hội, 91% người sử dụng mạng xã hội truy cập bằng điện thoại thông minh, trong đó, Facebook và Youtube là hai nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất tính đến năm 2020[1].
Tại Việt Nam, dân số đạt gần 100 triệu người nhưng số lượng người dùng mạng xã hội năm 2021 lên tới khoảng 73,6 triệu người, khoảng 95% người dùng internet. Một số mạng xã hội được sử dụng phổ biến nhất là Facebook, Youtube, Zalo và Instagram. Theo thống kê, năm 2021, lượng người dùng của Youtube tại Việt Nam lên tới khoảng 66,63 triệu người, dự kiến đạt 75,44 triệu người dùng vào năm 2025[2].
Mạng xã hội là một nền tảng trực tuyến trên môi trường internet, có nhiều dạng thức và tính năng khác nhau, có thể truy cập dễ dàng từ nhiều phương tiện, thiết bị như máy tính bảng, laptop, điện thoại di động… với nội dung phong phú và cách thức sử dụng dễ dàng, mạng xã hội mang lại rất nhiều tiện ích, ý nghĩa thiết thực như củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và điều hành của Chính phủ; góp phần tích cực vào sự phát triển nhận thức, tư duy và kỹ năng sống của con người; đóng góp tích cực vào sự phát triển của văn hóa cộng đồng; thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế trên lĩnh vực văn hóa của Việt Nam… Mạng xã hội cung cấp cho cộng đồng người sử dụng các dịch vụ lưu trữ, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin, tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn, trò chuyện trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh, học tập, nghiên cứu và các hình thức dịch vụ tương tự khác…
Bên cạnh mặt tích cực, mạng xã hội cũng tồn tại không ít những yếu tố tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường xã hội, lợi ích cộng đồng và tình hình an ninh, trật tự:
Một là, mạng xã hội đã và đang trở thành công cụ hàng đầu để các thế lực thù địch lợi dụng tiến hành phá hoại tư tưởng:Các thế lực thù địch, phản động, đối tượng cơ hội chính trị đã sử dụng mạng xã hội vào các hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng của Đảng, tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, lợi dụng chiêu bài phản biện xã hội, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ môi trường… để đăng tải những bài viết có thông tin xấu, độc, tuyên truyền quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước ta; chúng còn triệt để lợi dụng các tính năng của mạng xã hội để kích động, tập hợp lực lượng tổ chức đấu tranh “bất bạo động”, biểu tình nhằm gây sức ép đối với chính quyền, tạo “điểm nóng” để có cớ kêu gọi sự can thiệp từ bên ngoài…
Hai là, mạng xã hội tác động tiêu cực đối với sự phát triển văn hóa: Mạng xã hội phát triển làm gia tăng nguy cơ xói mòn bản sắc văn hóa dân tộc. Khi mạng xã hội phát triển thì dòng chảy của những cuộc “bá quyền”, “xâm lăng” văn hóa trở nên mạnh mẽ hơn về cường độ, mở rộng về quy mô, tác động đến hầu hết các cá nhân, nhất là bộ phận người trẻ. Xuất hiện các trào lưu tuyên truyền, cổ vũ lối sống tự do cá nhân, thực dụng, văn hóa đồi trụy, bạo lực… đi ngược lại truyền thống văn hóa dân tộc. Tình trạng nhiễu loạn thông tin, thật giả lẫn lộn trên mạng xã hội đang ở mức báo động, ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng. Hoạt động tung tin đồn, giật gân câu “like” trên mạng xã hội ngày càng gia tăng, gây hoang mang trong dư luận. Một số vụ việc trên mạng xã hội thu hút số lượng rất lớn người quan tâm, theo dõi, hình thành tâm lý đám đông, áp lực dư luận, có thể tạo ra các giá trị lệch lạc hay khuynh hướng phức tạp trong văn hóa ứng xử.
Ba là, mạng xã hội đang trở thành công cụ, môi trường để tội phạm lợi dụng hoạt động: Với đặc tính ảo, mạng xã hội thường xuyên được các đối tượng phạm tội lợi dụng để hoạt động với các thủ đoạn như tạo tài khoản ảo để kết bạn, làm quen, sau đó lừa đảo chiếm đoạt tiền, tài sản; tiến hành đánh cắp mật khẩu, chiếm giữ quyền kiểm soát tài khoản trái phép để thu thập các thông tin cá nhân, nhất là những thông tin bí mật về tài chính, từ đó tìm cách đánh cắp, trục lợi. Một số đối tượng còn sử dụng mạng xã hội làm công cụ liên lạc trong quá trình mua bán, vận chuyển các loại hàng cấm, ma túy, vũ khí, vật liệu nổ và các hoạt động phạm tội khác.
2. Công tác quản lý nhà nước về bảo đảm thông tin trên mạng xã hội
Trong thời gian vừa qua, các cơ quan nhà nước đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước về bảo đảm thông tin trên mạng xã hội; đấu tranh ngăn chặn thông tin xấu, độc trên mạng xã hội và đã đạt được những kết quả tích cực, cụ thể:
Thứ nhất, tham mưu Quốc hội, Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý cho hoạt động quản lý nhà nước đối với hoạt động trên mạng xã hội, cụ thể: Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2018); Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/72013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP; Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản… Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 09/2014/TT-BTTTT ngày 19/8/2014 quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội; Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT ngày 26/12/2016 quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới (Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT). Bộ Công an đã chủ động nắm tình hình, kịp thời tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội.
Thứ hai, các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình đã tích cực đưa tin, bài, tăng thời lượng phát sóng, mở các chuyên trang, chuyên mục đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch; các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội. Nhiều chương trình truyền hình, báo chí có nội dung sâu sắc, bám sát thực tiễn như: Chương trình “Đối diện” của VTV, “Nhìn thẳng nói đúng” của VOV; “Bình luận - Phê phán” của Báo Nhân dân; chuyên mục “Chống diễn biến hòa bình” của Báo Quân đội nhân dân và Báo Công an nhân dân… đã phản ánh những luận điệu xuyên tạc, lừa bịp của các thế lực thù địch, phản động chống phá Đảng, Nhà nước, dân tộc ta.
Thứ ba, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý những tổ chức, cá nhân có hành vi sai trái, phát tán thông tin giả, nội dung xấu, độc, phát ngôn thiếu chuẩn mực, các đối tượng lợi dụng quyền tự do ngôn luận có những bài viết trên mạng xã hội tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ. Nhiều đối tượng lợi dụng đại dịch Covid-19 đăng tin giả mạo gây hoang mang dư luận; buôn bán thuốc giả chữa Covid-19. Cụ thể, trong thời gian chống dịch Covid-19 đợt 01, các cơ quan chức năng đã xử phạt 21 vụ, với số tiền phạt là 203 triệu đồng; nhắc nhở 26 đối tượng tung tin giả mạo[3]. Trong năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý, ngăn chặn khoảng 2.000 trang web, hình ảnh, bài viết có chứa các thông tin xấu, độc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân, sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục trên mạng xã hội, gây tác động xấu tới dư luận xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Đồng thời, các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông và Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố đã phối hợp xử phạt vi phạm hành chính 210 đối tượng với tổng số tiền 1.862.000.000 đồng, hàng trăm trường hợp vi phạm đăng tin xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam trên mạng xã hội đã bị cảnh cáo, nhắc nhở kịp thời[4].
Thứ tư, công tác kiểm tra, chấn chỉnh các công ty truyền thông hoạt động quảng cáo trên không gian mạng như Facebook, Youtube… được tăng cường. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản yêu cầu các cơ quan báo chí, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo rà soát hoạt động hợp tác với mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới, không để tái diễn tình trạng quảng cáo vi phạm. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước có phương án kiểm soát các giao dịch thanh toán với nước ngoài. Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet (ISP) tăng cường công tác ngăn chặn, xử lý. Mặt khác, trong trường hợp không xác định được nhân thân của tổ chức, cá nhân vi phạm thì Bộ Thông tin và Truyền thông gửi yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như Google, Youtube, Facebook... thực hiện các biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ theo quy định tại Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT.
Những nguyên nhân cơ bản dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật, đăng thông tin xấu, độc trên mạng xã hội thời gian qua là do: (i) Nhận thức của xã hội, đặc biệt là của cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân không đồng đều. Các chế tài ngăn ngừa, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về sử dụng mạng xã hội chưa đủ sức răn đe và thiếu hiệu quả. (ii) Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an ninh mạng chưa hoàn thiện, bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của thực tế. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm về sử dụng mạng xã hội. (iii) Tiềm lực quốc gia về an ninh mạng của Việt Nam còn hạn chế, chưa đủ mạnh; năng lực phòng, chống tội phạm tấn công mạng, thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật trên mạng xã hội chưa thực sự đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. (iv) Lực lượng thực thi pháp luật còn thiếu, sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng hiệu quả chưa cao; còn tình trạng một số mạng xã hội dựa trên nền tảng xuyên biên giới như Facebook chưa thực sự hợp tác chặt chẽ trong ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật, thông tin sai sự thật, kích động bạo lực… khi có yêu cầu của các cơ quan chức năng; (v) Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm có lúc, có nơi còn chưa quyết liệt, thực hiện xử phạt chưa nghiêm…
3. Một số giải pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước về bảo đảm thông tin trên mạng xã hội trong thời gian tới
Phòng, chống hoạt động vi phạm pháp luật nói chung và phòng ngừa tội phạm sử dụng mạng xã hội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và hệ thống chính trị xã hội, trong đó, lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt, cần thực hiện có hiệu quả một số giải pháp sau:
Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý về an ninh mạng đáp ứng yêu cầu phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm về sử dụng mạng xã hội. Cần sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp hoạt động cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng xã hội theo hướng: Bổ sung các quy định cụ thể về hoạt động cung cấp thông tin công cộng xuyên biên giới vào Việt Nam, nguồn chính sách hỗ trợ phát triển mạng xã hội; tăng các mức chế tài xử phạt bảo đảm tính răn đe…
Hai là, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong đối phó với các đối tượng phạm tội trên mạng xã hội; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet nói chung, mạng xã hội nói riêng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức chấp hành các quy định của pháp luật khi cung cấp và sử dụng mạng xã hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân trong việc nâng cao, trau dồi kiến thức về pháp luật và nghiên cứu, kiểm tra kỹ lưỡng trước khi thực hiện các giao dịch về tài chính, đề phòng trước những khoản đầu tư mang lại “lợi nhuận cao”.
Ba là, triển khai thực hiện có hiệu quả Luật An toàn thông tin mạng và Luật An ninh mạng; đẩy mạnh công tác đấu tranh với các đối tượng lợi dụng mạng xã hội xâm phạm an ninh trật tự; phát hiện, tấn công, vô hiệu hóa các trang mạng xã hội có hành vi tuyên truyền, chống phá Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, cần có cơ chế để một số mạng xã hội dựa trên nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Youtube hợp tác chặt chẽ trong ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật, thông tin xấu độc, kích động bạo lực.
Bốn là, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nghiệp vụ trong đấu tranh ngăn chặn hoạt động, hành vi vi phạm pháp luật. Lực lượng chức năng có thẩm quyền cần chủ động nắm tình hình, phát hiện sớm các trang mạng xã hội, diện đối tượng thường xuyên đăng tải, phát tán các thông tin sai sự thật, xuyên tạc; đối tượng thường xuyên truy cập các trang mạng phản động, bình luận nói xấu chế độ, Đảng và Nhà nước…, trên cơ sở đó, có những biện pháp quản lý, phối hợp xử lý nghiêm minh các trang mạng xã hội sai phạm, đối tượng vi phạm nhằm răn đe, không để các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi vi phạm.
Năm là, các bộ, ban, ngành cần có sự phối hợp trong hoạt động quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh mạng. Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương cần phối hợp với lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) phát hiện, xử lý nghiêm những vi phạm về đăng tin xấu, độc, vi phạm pháp luật, đặc biệt là xử lý các đối tượng có hành vi sai phạm, phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội. Xây dựng hệ thống trao đổi thông tin liên ngành, đường dây nóng, lực lượng phản ứng nhanh xử lý thông tin xấu, độc trên mạng xã hội; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành liên quan trong ứng phó. Đối với các vụ việc vi phạm từ sử dụng mạng xã hội gây ra hậu quả nghiêm trọng cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Học viện Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an
[1]. https://blog.growsteak.com/71-thong-ke-du-lieu-xu-huong-ve-social-media-nam-2020.
[2]. https://dichvuseohot.com/thong-ke-nguoi-dung-mang-xa-hoi-tai-viet-nam/.
[3]. https://nhandan.com.vn/dien-dan/tin-gia-va-nguoi-doc-thong-thai-614893/.
[4]. https://mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/152518/Bo-TT-TT-kien-quyet-ngan-chan—xu-ly-cac-thong-tin-xau-doc-tren-mang-xa-hoi.html.