Tóm tắt: Bài viết trình bày khái niệm, nội dung của thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự, làm rõ một số vấn đề còn vướng mắc, bất cập, từ đó, tác giả có một số đề xuất, kiến nghị nâng cao hiệu quả áp dụng thủ tục này trong thực tiễn.
Abstract: The article presents the concept and content of the summary procedure in criminal proceedings, clarifies a number of problems and inadequacies, from which the author has some suggestions and recommendations to improve the efficiency of applying this procedure in practice.
1. Khái niệm, ý nghĩa của thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự
Thủ tục rút gọn (TTRG) trong tố tụng hình sự (TTHS) là một thủ tục đặc biệt, thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về cải cách tư pháp, được thể hiện trong Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 của Bộ chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp trong thời gian tới, cụ thể là: “Nghiên cứu để quy định và thực hiện thủ tục tố tụng rút gọn đối với những vụ án đơn giản, phạm tội quả tang, chứng cứ rõ ràng, hậu quả ít nghiêm trọng”; hay trong Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 như: “Xây dựng cơ chế xét xử theo TTRG đối với những vụ án có đủ một số điều kiện nhất định”. Như vậy, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm, TTRG được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để áp dụng đối với những vụ án khi có đủ các điều kiện nhất định.
Hiện nay, có những quan điểm khác nhau về TTRG trong TTHS. Có quan điểm cho rằng: “TTRG là thủ tục tố tụng được tiến hành trên cơ sở vẫn tuân theo những nguyên tắc cơ bản và các giai đoạn của TTHS nhưng một số thủ tục được giản lược và thời hạn của các giai đoạn tố tụng được rút ngắn để việc điều tra, truy tố, xét xử được nhanh chóng, kịp thời đối với các loại vụ án đơn giản, rõ ràng, bảo đảm cho cuộc đấu tranh chống tội phạm được kịp thời và sắc bén, góp phần bảo đảm các quyền tự do dân chủ của công dân khi tham gia các quan hệ pháp luật tố tụng hình sự[1].” Quan điểm này tuy đưa ra được một số nội hàm của TTRG nhưng thiếu điều kiện, căn cứ áp dụng và cách trình bày khái niệm cũng chưa thực sự cô đọng, súc tích.
Lại có quan điểm cho rằng, “TTRG trong TTHS là thủ tục đặc biệt trong đó thời hạn và các thủ tục tố tụng đã được rút ngắn và giản lược để việc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm được nhanh chóng, kịp thời nhưng vẫn bảo đảm tính chính xác và đúng đắn[2]”. Quan điểm này đã nêu một cách ngắn gọn, súc tích về khái niệm TTRG, thể hiện được nội dung của TTRG đó là sự rút ngắn và giản lược, thể hiện được mục đích, ý nghĩa cũng như nguyên tắc cơ bản của việc áp dụng thủ tục này. Tuy nhiên, chưa thể hiện được yếu tố bắt buộc của thủ tục đó là “tính điều kiện” để thủ tục đó được áp dụng vào việc giải quyết vụ án.
Quan điểm thứ ba cho rằng, “TTRG là một trình tự tố tụng đặc biệt được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 do cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng đối với những vụ án khi có đủ các điều kiện nhất định; là thủ tục tố tụng rút ngắn về thời gian, giản lược về trình tự nhằm giải quyết vụ án hình sự (VAHS) một cách nhanh chóng và có hiệu quả, nhưng vẫn bảo đảm được các nguyên tắc của TTHS và quyền lợi hợp pháp của bị can, bị cáo và người tham gia tố tụng[3]”. Quan điểm này để thể hiện được một cách đầy đủ các nội hàm của TTRG như chủ thể, điều kiện, nội dung, ý nghĩa, nguyên tắc chung của việc áp dụng thủ tục rút gọn. Tác giả đồng tình với quan điểm này.
Như vậy, nhắc đến TTRG cần phải thể hiện được điều kiện, nội dung, ý nghĩa của việc áp dụng. Tuy nhiên, bên cạnh đó cần khẳng định việc áp dụng phải bảo đảm được các nguyên tắc của TTHS và quyền lợi hợp pháp của bị can, bị cáo và người tham gia tố tụng. Đó là kim chỉ nam để việc áp dụng TTRG được đúng đắn, cần thiết, có căn cứ nhưng cũng không thể bị lạm dụng trên thực tế.
So với trình tự thủ tục TTHS thông thường, được áp dụng để điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự nói chung, TTRG có sự rút ngắn về thời gian điều tra, truy tố, xét xử và giản lược một số trình tự thủ tục nhất định. Do vậy, việc áp dụng TTRG sẽ giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho người tiến hành tố tụng (THTT), giảm thiểu các chi phí tố tụng khác liên quan đến việc giải quyết vụ án hình sự nhưng vẫn bảo đảm không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, bảo đảm việc giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện, đầy đủ; đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
2. Một số vấn đề đặt ra khi áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
Thực tiễn cho thấy, số vụ án được giải quyết theo TTRG gọn hiện nay không nhiều, điều đó khiến cho thủ tục tố tụng rút gọn chưa thực sự phát huy được hiệu quả và các giá trị ưu việt trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Có thể nhận thấy thực trạng đó xuất phát từ những nguyên nhân sau đây:
- Trong các điều kiện áp dụng TTRG theo quy định của pháp luật vẫn còn một số điều kiện mang tính chất định tính khiến các cơ quan THTT có thể đánh giá, nhận định không thống nhất, do đó không áp dụng. Đơn cử như tình tiết “sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng” và “người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng” là những tình tiết mà thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử còn có quan điểm nhận thức, áp dụng khác nhau dẫn đến việc áp dụng cũng khác nhau[4].
- Điều kiện áp dụng TTRG phải bảo đảm đầy đủ 04 yếu tố: Thuộc trường hợp rõ ràng (quả tang hoặc tự thú); tính chất sự việc và chứng cứ (đơn giản, rõ ràng); tính chất tội phạm (tội ít nghiêm trọng), nhân thân người phạm tội (có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng). Mặc dù việc quy định phải có đầy đủ các yếu tố đó là đúng đắn và cần thiết, nhằm tránh nguy cơ lọt người, lọt tội, nhưng trên thực tế, các trường hợp thỏa mãn đầy đủ các điều kiện đó là không nhiều. Một số trường hợp thỏa mãn các điều kiện định lượng, nhưng lại không thỏa mãn các điều kiện định tính. Trong khi đó, nhiều trường hợp thỏa mãn các điều kiện định tính nhưng người phạm tội không phải tự thú mà là đầu thú, hoặc tội phạm đã thực hiện là tội phạm nghiêm trọng, nên cũng không được coi là đủ điều kiện áp dụng TTRG mặc dù trên thực tế quá trình giải quyết vụ án diễn ra khá nhanh chóng.
- Cơ quan THTT, người THTT còn có tâm lý ngại áp dụng TTRG vì thời gian quá ngắn, trong khi áp lực công việc ngày càng nhiều, số lượng án ngày càng tăng nhưng chỉ tiêu biên chế còn hạn hẹp, vì thế việc áp dụng TTRG vô hình trung lại đặt ra áp lực về tiến độ. Đặc biệt, với trường hợp cần trưng cầu giám định, xác minh tiền án tiền sự hoặc vụ án có nhiều bị can, tuy đây không phải những trường hợp phức tạp nhưng cơ quan THTT khó chủ động được do thời gian ngắn. Mặt khác, trong thời hạn giải quyết hạn hẹp đó thì tâm lý lo sợ nguy cơ bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội cũng là không tránh khỏi. Vì vậy, các cơ quan THTT thường lựa chọn giải quyết vụ án theo thủ tục chung mặc dù vụ án có điều kiện để áp dụng TTRG[5].
- Người THTT thường có tâm lý áp dụng TTRG cần phải xuyên suốt trong các giai đoạn tố tụng, bắt đầu từ giai đoạn điều tra. Do đó, trong một vụ án, nếu TTRG không được áp dụng ở giai đoạn tố tụng trước thì trong các giai đoạn tố tụng sau, cơ quan THTT cũng không mạnh dạn áp dụng, mặc dù vụ án có đủ điều kiện áp dụng ngay từ đầu hoặc tuy không đủ nhưng đến giai đoạn tố tụng sau đã đủ[6].
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự
Một là, cần có hướng dẫn thống nhất về điều kiện áp dụng TTRG trong các VAHS. Theo đó, cần hướng dẫn “sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng” được hiểu là các vụ việc phạm tội chỉ gồm hành vi phạm tội đơn lẻ, không có đồng phạm hoặc tuy có đồng phạm nhưng giản đơn, dễ xác định vai trò, mức độ tham gia của từng đối tượng; tội phạm được thực hiện tại một địa điểm; chứng cứ ở thời điểm quyết định áp dụng TTRG là rõ ràng, không có quan điểm, nhận định đánh giá trái chiều giữa các cơ quan THTT; việc thu thập chứng cứ chỉ cần đến các biện pháp đơn giản như yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu, đồ vật; hỏi cung, lấy lời khai… mà không cần phải sử dụng các biện pháp điều tra, xác minh phức tạp, đặc biệt là trưng cầu giám định. Mặt khác, đó cũng là những trường hợp giữa các cơ quan THTT không có quan điểm khác nhau về áp dụng pháp luật.
Hiện nay, để tăng cường hiệu quả áp dụng TTRG trong giải quyết vụ án hình sự, có nhiều ý kiến cho rằng, cần phải mở rộng phạm vi áp dụng thủ tục này trong những vụ án có người phạm tội đầu thú, thay vì chỉ với trường hợp quả tang và tự thú. Tác giả cho rằng, việc quy định TTRG chỉ áp dụng với các trường hợp quả tang và tự thú như hiện nay là có căn cứ và phù hợp, bởi lẽ, mấu chốt quyết định để áp dụng TTRG đó là sự việc rõ ràng, đơn giản, nếu rút ngắn thời gian và thủ tục thì vẫn bảo đảm việc giải quyết vụ án là đúng đắn, chính xác, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng. Tuy nhiên, đối với trường hợp người phạm tội đầu thú, cơ quan THTT vẫn cần áp dụng các biện pháp cần thiết để kiểm tra, xác minh tính đúng đắn, xác thực của sự việc, cần có thời gian đủ để làm sáng tỏ sự thật khách quan, do đó, nếu áp dụng TTRG để giải quyết thì khó có thể tránh được nguy cơ oan sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm tôn chỉ, mục đích của việc áp dụng TTRG.
Hai là, để giảm thiểu các trường hợp phải hủy bỏ quyết định áp dụng TTRG, cần cân nhắc đến yếu tố hợp tác của bị can, bị cáo trong quá trình giải quyết vụ án theo TTRG. Nghiên cứu các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về thủ tục này có thể nhận thấy, chưa có quy định nào thể hiện sự ý chí của bị can, bị cáo khi cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng TTRG. Trong khi đó, các căn cứ để quyết định áp dụng TTRG bị hủy bỏ lại liên quan nhiều đến thái độ, sự hợp tác của người bị buộc tội trong quá trình tố tụng (do liên quan đến các căn cứ để tạm đình chỉ điều tra/vụ án hoặc trả hồ sơ điều tra bổ sung). Quan trọng hơn cả là ý chí đó sẽ góp phần củng cố thêm quyết tâm, tin tưởng của cơ quan THTT khi cân nhắc, lựa chọn việc áp dụng TTRG trước áp lực thời gian quá ngắn. Vì vậy, để hạn chế hoặc loại bỏ những cản trở gây ra từ phía người bị buộc tội, cần ràng buộc họ ngay từ đầu khi xem xét, quyết định áp dụng TTRG. Theo đó, khi vụ án đủ điều kiện áp dụng TTRG, cơ quan THTT cần khuyến khích sự hợp tác đồng thuận của người bị buộc tội nhằm loại trừ những khó khăn, nguy cơ từ phía họ khiến cho vụ án phải tạm đình chỉ điều tra, trả hồ sơ điều tra bổ sung hoặc khiếu nại phức tạp sau này. Việc áp dụng cũng mang lại lợi ích cho người bị buộc tội khi họ được rút ngắn thời gian truy cứu trách nhiệm hình sự, phán quyết về hành vi phạm tội của họ mau chóng được ban hành và thực thi. Mặt khác, người bị buộc tội cũng cần được hưởng chính sách khoan hồng do đã hợp tác với cơ quan THTT. Với cách tiếp cận đó, cần bổ sung vào khoản 5 Điều 457 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định “trường hợp vụ án có đủ điều kiện áp dụng TTRG thì bị can, bị cáo có quyền đề nghị hoặc thể hiện sự đồng ý khi cơ quan THTT áp dụng thủ tục này”, đồng thời, nếu vụ án được áp dụng TTRG thì cần coi đây là một tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây, gọi tắt là Bộ luật Hình sự năm 2015).
Ba là, xây dựng cơ chế để phát huy vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong việc bảo đảm TTRG phải được áp dụng nghiêm chỉnh và thống nhất. Chương XXXI Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về TTRG có đề cập đến vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong việc kiểm sát quyết định áp dụng TTRG của Cơ quan điều tra và Tòa án, tuy nhiên, chưa có điều luật riêng trong chương này quy định quyền yêu cầu/kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân đối với Cơ quan điều tra và Tòa án trong trường hợp vụ án có đủ điều kiện áp dụng TTRG nhưng cơ quan THTT không áp dụng mà chỉ quy định chung trong các điều luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát điều tra hoặc khi kiểm sát xét xử. Tuy nhiên, để tăng cường áp dụng TTRG đối với các vụ án có đủ điều kiện thì Chương XXXI Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cần có quy định riêng về trách nhiệm, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân và cơ chế để trách nhiệm đó phát huy hiệu lực trong thực tiễn. Khi kiểm sát việc khởi tố vụ án cũng như trong suốt quá trình điều tra, Viện kiểm sát nhân dân thường xuyên rà soát để kịp thời xác định vụ án có hay không có điều kiện áp dụng TTRG, trên cơ sở đó nhanh chóng yêu cầu cơ quan điều tra ra quyết định áp dụng, nếu cơ quan điều tra không thực hiện thì Viện kiểm sát nhân dân trực tiếp ra quyết định này. Trong giai đoạn xét xử, Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm kiểm sát việc áp dụng TTRG của Tòa án, nếu thấy có đủ điều kiện mà Tòa án không áp dụng thì Viện kiểm sát nhân dân phải kiến nghị để Tòa án kịp thời ra quyết định áp dụng. Yêu cầu, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân về việc áp dụng TTRG phải được thực hiện nghiêm chỉnh, đầy đủ.
Bốn là, đưa chỉ tiêu giải quyết án hình sự theo TTRG vào hệ thống chỉ tiêu cơ bản để đánh giá, xếp loại thi đua, khen thưởng hoặc khi xem xét bổ nhiệm, bổ nhiệm lại các chức danh tư pháp. Có như vậy mới khuyến khích người THTT mạnh dạn, quyết tâm áp dụng TTRG. Đồng thời, khi quyết định áp dụng TTRG, các cơ quan THTT cũng cần ưu tiên phân công điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán có năng lực, kinh nghiệm để giải quyết. Do thời hạn giải quyết các vụ án này tương đối ngắn nên để phòng ngừa các nguy cơ sai sót, thì việc lựa chọn người THTT có năng lực, kinh nghiệm là một biện pháp hiệu quả, vừa phát huy được tính ưu việt của TTRG, vừa giảm thiểu được nguy cơ, rủi ro do biện pháp đó tạo ra[7].
TS. Bùi Thị Hạnh
Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội
[1]. Nguyễn Văn Hiển (2004) “Thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự Việt Nam, Hà Nội, tr. 65
[2]. Đỗ Thị Phượng (2008) “Một số vấn đề về thủ tục rút gọn trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003”, Kỷ yếu hội thảo “Thủ tục đặc biệt trong tố tụng hình sự”, Khoa Luật hình sự, Trường Đại học Luật Hà Nội.
[3]. Nguyễn Văn Quảng (2011), Luận án Tiến sĩ Luật học, “Hoàn thiện thủ tục rút họn trong Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, tr. 14 - 15.
[4]. Nguyễn Tất Trình, Thủ tục rút gọn - vướng mắc và kiến nghị, https://tapchitoaan.vn/thu-tuc-rut-gon-%E2%80%93-vuong-mac-va-kien-nghi5586.html, truy cập ngày 23/5/2023.
[5]. Nguyễn Duy Soạn, Thực tiễn áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, https://vksndtc.gov.vn/tin-tuc/cong-tac-kiem-sat/thuc-tien-ap-dung-thu-tuc-rut-gon-theo-quy-dinh-cu-d10-t8374.html, truy cập ngày 23/5/2023.
[6]. Nguyễn Tất Trình, Thủ tục rút gọn - vướng mắc và kiến nghị, https://tapchitoaan.vn/thu-tuc-rut-gon-%E2%80%93-vuong-mac-va-kien-nghi5586.html, truy cập ngày 23/5/2023.
[7]. “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự Việt Nam”, Đề tài khoa học cấp trường, Lê Hữu Tín, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, 2020.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 382), tháng 6/2023)