Tóm tắt: Bài viết này tập trung làm rõ thực trạng giám sát của Quốc hội trong quản lý tài sản công tại các cơ quan nhà nước ở trung ương, xác định những vấn đề đặt ra và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện đáp ứng yêu cầu mới hiện nay.
Abstract: This article focuses on clarifying the status of the National Assembly's supervision in public asset management at central state agencies, identifying the problems posed and proposing some complete solutions to meet the new requirements at present.
1. Khái quát về giám sát của Quốc hội trong quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan nhà nước ở trung ương
Tài sản công (TSC) là nguồn lực quan trọng, có phạm vi rộng, chiếm giữ tỷ trọng lớn trong tổng tài sản của mỗi quốc gia; đây là nguồn lực nội sinh, tài chính để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của mỗi quốc gia. Nhà nước là chủ sở hữu (hoặc đại diện chủ sở hữu) và thống nhất quản lý đối với TSC.
Ở Việt Nam, TSC là đất đai, tài nguyên thiên nhiên và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý[1]. Trong đó, TSC tại cơ quan nhà nước ở trung ương đóng vai trò là cơ sở vật chất không thể thiếu để phục vụ hoạt động quản lý nhà nước.
Quốc hội Việt Nam với vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bên cạnh chức năng lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước còn thực hiện quyền giám sát tối cao nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lãng phí. Hoạt động giám sát của Quốc hội đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công nói chung và quản lý, sử dụng TSC tại các cơ quan nhà nước ở trung ương nói riêng được thực hiện thông qua hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, của Đoàn Đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.
Trong những năm qua, Quốc hội đã tăng cường thực hiện một số hoạt động giám sát liên quan đến việc thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng TSC. Hoạt động giám sát của Quốc hội đã góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương đối với việc tuân thủ các nguyên tắc quản lý, sử dụng TSC. Từ hoạt động giám sát đã có những đánh giá sâu sắc tình hình thực hiện chính sách, pháp luật, đặc biệt đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đề ra những biện pháp hữu hiệu để khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng TSC trong các cơ quan nhà nước ở trung ương.
2. Thực trạng hoạt động giám sát của Quốc hội trong quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan nhà nước ở trung ương
Trong các nhiệm kỳ gần đây, Quốc hội có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, trong đó có một số hoạt động giám sát liên quan đến việc thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng TSC trong các cơ quan nhà nước ở trung ương. Ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”. Thực tiễn giám sát cho thấy những kết quả đạt được cũng như một số hạn chế, bất cập trong công tác quản lý TSC tại các cơ quan nhà nước ở trung ương. Cụ thể là:
2.1. Những kết quả đạt được
Một là, các bộ, cơ quan trung ương đã ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSC chuyên dùng cho các cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý, giúp hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSC đồng bộ gắn với quy định về trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ tiêu chuẩn, định mức trong toàn bộ quá trình quản lý TSC đã tạo cơ sở cho việc quản lý TSC của cơ quan nhà nước ở trung ương công khai, minh bạch…
Hai là, đẩy mạnh hoạt động giám sát trong quản lý và sử dụng TSC đã tạo ra cơ chế phân công, phân cấp quản lý, sử dụng TSC phù hợp trình độ phát triển kinh tế - xã hội, tính chất quản lý, sử dụng TSC, năng lực và yêu cầu quản lý của các cấp, các ngành, đơn vị. Trên cơ sở đó, các bộ, cơ quan trung ương đã thực hiện phân cấp thẩm quyền quyết định cụ thể trong đầu tư, mua sắm, sử dụng, khai thác, xử lý TSC của cơ quan nhà nước ở trung ương; đáp ứng chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước của Chính phủ.
Ba là, công tác quản lý, sử dụng TSC trong các cơ quan nhà nước ở trung ương từ khi có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 đã được các bộ, ngành, cơ quan trung ương quan tâm triển khai thực hiện; nhận thức và thực tiễn thực hiện có những chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng TSC. Nhờ đó, từ năm 2018 đến nay, các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng TSC đã giảm rõ rệt.
Trong đầu tư xây dựng và mua sắm, các bộ, ngành, cơ quan trung ương đã chỉ đạo các cơ quan nhà nước trực thuộc thực hiện đầu tư xây dựng và mua sắm tài sản theo tiêu chuẩn, định mức; từng bước triển khai thực hiện mua sắm TSC theo phương thức tập trung. Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu xây dựng, cung cấp hàng hóa, dịch vụ được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Nhiều bộ, cơ quan trung ương đã thực hiện tốt việc rà soát, sắp xếp và bố trí lại hệ thống trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý phù hợp với tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của các địa phương; hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà, đất; khai thác các diện tích dôi dư hoặc chuyển mục đích sử dụng đất để có hiệu quả cao hơn; đồng thời cũng đã thu hồi được một phần nhà, đất dôi dư, chuyển giao cho chính quyền địa phương để xây dựng nhà trẻ, trường học, công viên… phục vụ lợi ích công cộng.
2.2. Một số hạn chế, bất cập
Thứ nhất, hệ thống văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng TSC còn chưa đầy đủ. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, nhưng đến nay chưa có văn bản hướng dẫn, như: (i) Quản lý, sử dụng và khai thác đối với một số loại tài sản kết cấu hạ tầng như: Hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đường sắt…; (ii) Quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng nước sạch mới được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 43/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch…, gây khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện và thất thoát nguồn thu lớn từ quản lý, khai thác sử dụng các tài sản kết cấu hạ tầng quốc gia này[2].
Một số loại TSC tại cơ quan nhà nước ở trung ương có thể khai thác phục vụ cho nhu cầu của cán bộ, công chức, đồng thời, giúp bổ sung nguồn thu cho cơ quan nhà nước mà không làm ảnh hưởng tới việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của cơ quan nhưng còn thiếu quy định điều chỉnh để làm cơ sở tổ chức thực hiện như: Nhà ăn/căn tin, vị trí lắp đặt máy ATM, máy bán hàng tự động, trạm thu phát tín hiệu BTS, đặt tấm pin năng lượng mặt trời, màn hình led phục vụ thông tin tuyên truyền... Vì vậy, các cơ quan nhà nước ở trung ương không có cơ sở để thực hiện.
Thứ hai, cơ chế phân cấp quản lý TSC còn có điểm chưa phù hợp, một số nội dung phải lấy ý kiến thỏa thuận của cơ quan chức năng, dẫn tới thủ tục hành chính phức tạp, kéo dài, chưa bảo đảm nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của bộ, cơ quan trung ương (như quy định phải lấy ý kiến của Bộ Tài chính trước khi phê duyệt thiết kế đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hoặc mua sắm trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước ở trung ương…).
Thứ ba, việc quản lý, sử dụng TSC tuy đã có những chuyển biến theo hướng tích cực, song vẫn còn một số hạn chế, chưa đầy đủ, đồng bộ trong việc ban hành Quy chế quản lý, sử dụng TSC trong các cơ quan nhà nước; việc xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị tài sản của cơ quan… Theo đó, tình trạng vi phạm trong việc quản lý và sử dụng TSC trong các cơ quan nhà nước ở trung ương còn diễn ra như: (i) Việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất của các bộ, ngành còn chậm, chưa hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát; (ii) Việc xử lý, sắp xếp các trụ sở cũ; sắp xếp, xử lý nhà, đất và huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để tạo nguồn vốn đầu tư chưa hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát; (iii) Vẫn còn một số trường hợp chưa bảo đảm thời gian trong xử lý tài sản dự án khi kết thúc; (iv) Vẫn còn tình trạng đầu tư xây dựng trụ sở vượt quá khả năng cân đối nguồn vốn, vượt tiêu chuẩn, định mức theo quy định[3]; (v) Vẫn còn xảy ra hiện tượng mua sắm và sử dụng TSC là phương tiện đi lại, phương tiện, thiết bị làm việc, đầu tư xây dựng, sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp không đúng mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức; hoặc không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu giá khi xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, chậm thanh lý tài sản là phương tiện đi lại, thiết bị làm việc, phương tiện thông tin liên lạc… Theo Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, một số đơn vị được kiểm toán có số xe ô tô vượt định mức, thanh lý xe ô tô chưa đảm bảo điều kiện về thời gian sử dụng được thanh lý theo quy định; sử dụng ô tô vượt tiêu chuẩn, định mức hoặc sử dụng xe ô tô chưa phù hợp quy định; việc sử dụng xe chuyên dùng chưa đúng quy định; chưa hoàn thành việc xử lý, sắp xếp lại xe ô tô theo quy định[4].
Thứ tư, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát của các cơ quan chức năng chưa được thường xuyên, đầy đủ, kịp thời. Mặc dù, thời gian gần đây, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát đối với tài sản công từng bước được chú trọng, nhưng vẫn chưa được quan tâm một cách đúng mức và thường xuyên, liên tục. Việc phát hiện các sai phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công còn hạn chế; một số vi phạm kéo dài dẫn đến việc khắc phục và xử lý các hậu quả rất khó khăn, phức tạp.
Thứ năm, việc đăng nhập, rà soát, chuẩn hóa dữ liệu về tài sản công của cơ quan nhà nước ở trung ương trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSC còn chưa được quan tâm đúng mức.
Những tồn tại, hạn chế trên xuất phát từ nguyên nhân thể chế, chính sách liên quan đến công tác quản lý, sử dụng TSC chưa đồng bộ giữa các luật như: Luật Đất đai năm 2013, Luật Đấu giá năm 2014, Luật Đấu thầu năm 2013… Đồng thời, tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng TSC phụ thuộc nhiều vào quy định và công tác tổ chức thực hiện của nhiều pháp luật có liên quan: Pháp luật về định giá đất (do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì), pháp luật về đấu giá tài sản (do Bộ Tư pháp chủ trì), pháp luật về đấu thầu (do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì)…
Một số cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực sự quan tâm đầy đủ, đúng mức tới công tác quản lý, sử dụng TSC được giao; một số cán bộ được giao làm công tác quản lý TSC chưa được cập nhật kịp thời, đầy đủ các quy định về quản lý, sử dụng TSC.
Chế tài chưa đủ mạnh để xử lý một cách triệt đối với các trường hợp vi phạm trong quản lý, sử dụng TSC. Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), mức xử phạt bằng tiền tối đa đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng TSC còn thấp (tối đa 200 triệu đồng đối với tổ chức và tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm) so với những tác động mà hành vi vi phạm gây ra. Tuy nhiên, việc xử phạt vi phạm hành chính chưa được quan tâm đúng mức. Mặc dù, từ năm 2013, Chính phủ đã ban hành quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng TSC; nhưng qua tổng kết tình hình thực hiện Nghị định số 192/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước, thì đến nay, số vụ việc được phát hiện và xử phạt rất hạn chế trong khi có những sai phạm vẫn diễn ra trong thực tế. Trong 06 tháng đầu năm 2022, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố mới 1.850 vụ án/3.294 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong đó có 144 vụ án/384 bị can về các tội tham nhũng. Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, từ sau Phiên họp 19 của Ban Chỉ đạo đến nay, đã khởi tố mới 07 vụ án/35 bị can, khởi tố thêm 55 bị can trong 10 vụ án; phục hồi điều tra 01 vụ án/07 bị can; kết thúc điều tra 12 vụ án/111 bị can, kết thúc điều tra bổ sung 02 vụ án/23 bị can; truy tố 11 vụ án/112 bị can; xét xử sơ thẩm 13 vụ án/82 bị cáo, xét xử phúc thẩm 06 vụ án/20 bị cáo[5].
Thực tiễn trên đặt ra yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện hơn nữa hoạt động giám sát của Quốc hội trong quản lý và sử dụng TSC tại các cơ quan nhà nước ở trung ương góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
3. Kiến nghị nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội trong quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan nhà nước ở trung ương để phòng ngừa tham nhũng, lãng phí
Tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế đã nêu quan điểm chỉ đạo: Quản lý, khai thác, huy động, phân bổ, sử dụng và phát huy có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế cho phát triển đất nước là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân. Trên cơ sở đó, một trong những giải pháp liên quan đến công tác quản lý, sử dụng TSC được xác định là: Xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, hướng tới xây dựng Bộ luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn. Xây dựng, đưa vào vận hành hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công; mở rộng, nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về TSC.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội trong quản lý TSC tại các cơ quan nhà nước ở trung ương, cần thực hiện các giải pháp sau:
Một là, Quốc hội cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công trong các cơ quan nhà nước ở trung ương.
Tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, trong đó, có một số vấn đề về quản lý, sử dụng TSC tại cơ quan nhà nước trung ương như: Việc khai thác TSC tại cơ quan nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản và chất lượng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của cơ quan; tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSC tại cơ quan nhà nước trung ương để tránh lãng phí tài sản nhưng vẫn phải bảo đảm đầy đủ tài sản để phục vụ cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước hoàn thành nhiệm vụ.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan ở trung ương rà soát văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến lĩnh vực quản lý chuyên ngành về khai thác TSC thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan; trên cơ sở đó, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định việc khai thác TSC thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, cơ quan theo thẩm quyền.
Hai là, tiếp tục đổi mới phương thức quản lý tài sản công trong cơ quan nhà nước ở trung ương theo hướng chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.
- Tiếp tục tăng cường phân cấp công tác quản lý TSC cho cơ quan được giao quản lý, sử dụng TSC từ khâu mua sắm, thuê, khoán kinh phí sử dụng tài sản công, sử dụng, khai thác tài sản đến việc bán, chuyển nhượng, thanh lý tài sản. Thủ trưởng cơ quan chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cơ quan quản lý nhà nước về việc thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.
- Các cơ quan quản lý nhà nước về TSC tập trung vào khâu xây dựng thể chế, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, hướng dẫn, kiểm tra, xử lý vi phạm; chỉ quyết định các vấn đề về TSC có giá trị đặc biệt lớn, có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia.
- Có cơ chế để đánh giá công tác quản lý, sử dụng TSC của các cấp, các ngành, các cơ quan được giao quản lý, sử dụng TSC. Qua đánh giá sẽ tổng hợp được kết quả thực hiện công tác quản lý của cơ quan được đánh giá một cách thường xuyên, từ đó phát hiện những nhân tố tích cực và những vấn đề bất cập nảy sinh để kịp thời điều chỉnh; không để xảy ra tình trạng vi phạm kéo dài mà không bị phát hiện hoặc chấn chỉnh xử lý như thời gian vừa qua.
- Không ngừng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giám sát, quản lý, sử dụng TSC; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng TSC tại các cơ quan nhà nước ở trung ương.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt các pháp luật có liên quan đến tài sản công tại các cơ quan nhà nước ở trung ương.
Hiệu lực, hiệu quả quản lý TSC phụ thuộc rất lớn vào các quy định của pháp luật có liên quan (đất đai, đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, thẩm định giá, quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, tài nguyên...) và việc thực thi các pháp luật đó. Các vụ việc điển hình liên quan đến TSC được phát hiện và xử lý trong thời gian vừa qua (mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội, một số bệnh viện tuyến địa phương...) chủ yếu là vi phạm các quy định của pháp luật có liên quan, đặc biệt là các quy định về đấu thầu, đấu giá, đất đai, chuyển nhượng vốn góp, cổ phần, thẩm định giá... Vì vậy, việc tiếp tục hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt các quy định pháp luật có liên quan sẽ có tác động lớn tới công tác quản lý TSC; đặc biệt là việc xác định giá đất bảo đảm sát với giá thị trường; kiểm soát việc thông đồng, dìm giá trong đấu giá...
Bốn là, kiến nghị đối với các cơ quan có liên quan:
Đối với Quốc hội: Khi xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 cần sửa đổi, bổ sung quy định về phương pháp xác định giá đất để thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất, thực hiện nghĩa tài chính về đất đai; hạn chế tiến tới xóa bỏ việc cho chính đối tượng sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng đất. Tiếp tục tăng cường công tác giám sát việc quản lý, sử dụng TSC; đặc biệt là công tác ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết của các bộ, cơ quan trung ương.
Đối với Chính phủ: Chỉ đạo Bộ Tài chính tổ chức sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết thi hành làm cơ sở để kiến nghị tiếp tục hoàn thiện; chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSC chuyên dùng của các cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý để làm cơ sở thực hiện việc đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý, sử dụng, xử lý; ban hành tiêu chí đánh giá và tổ chức đánh giá công tác quản lý TSC của các cấp, các ngành. Việc đánh giá được thực hiện định kỳ (06 tháng, hàng năm, nhiệm kỳ) và đánh giá theo chuyên đề.
ThS. Phạm Đức Thảo
Cục trưởng Cục Quản trị 1, Văn phòng Quốc hội
Ảnh: internet
[1]. Điều 53 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý ”.
[2]. Xem thêm: Báo cáo số 324/BC-ĐGS ngày 13/9/2022 của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”, tr. 11, Tài liệu cung cấp tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
[3]. Xem thêm: Báo cáo số 324/BC-ĐGS ngày 13/9/2022 của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”, tr. 43, Tài liệu cung cấp tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
[4]. Xem thêm: Báo cáo số 324/BC-ĐGS ngày 13/9/2022 của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”, tr. 45, Tài liệu cung cấp tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
[5]. https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/khoi-to-moi-nhieu-vu-an-bi-can-ve-cac-toi-tham-nhung-587295. html, truy cập ngày 20/10/2022.