Toàn cảnh cuộc họp
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, đại diện Tòa án nhân dân tối cao cho biết, ngày 19/6/2014, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Phá sản năm 2014, có hiệu lực từ ngày 01/01/2015, thay thế cho Luật Phá sản năm 2004. Luật Phá sản năm 2014 đã khắc phục một số bất cập, hạn chế của Luật Phá sản năm 2004, tiếp tục góp phần lành mạnh hóa nền kinh tế; thúc đẩy sự lưu thông vốn trong nền kinh tế thị trường, thu hút đầu tư; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và các chủ nợ cũng như lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp, hợp tác xã mắc nợ, từ đó, cải thiện chỉ số môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bên cạnh những mặt tích cực, qua kết quả tổng kết thực tiễn thi hành Luật Phá sản năm 2014 cho thấy, Luật này đã bộc lộ một số vướng mắc, cụ thể: quy định về tạm ứng chi phí phá sản, miễn tạm ứng chi phí phá sản, thủ tục xử lý tài sản bảo đảm, thủ tục thi hành quyết định tuyên bố phá sản, giải quyết vụ việc phá sản có yếu tố nước ngoài còn chưa cụ thể; quy định về quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, thủ tục họp hội nghị chủ nợ chưa đầy đủ; việc giải quyết tranh chấp trong thủ tục phá sản phức tạp dẫn tới thời gian giải quyết kéo dài; thẩm quyền của Tòa án đối với các vụ việc phá sản còn phân tán trong khi vụ việc phá sản chủ yếu phát sinh ở một số tỉnh, thành phố lớn, dẫn tới thiếu tính chuyên môn hóa và phân tán nguồn lực... Từ đó cho thấy, việc xây dựng và ban hành Luật Phá sản (sửa đổi) là khách quan và cần thiết.
Đại diện Tòa án nhân dân tối cao trình bày tóm tắt nội dung Tờ trình
Theo đó, cơ quan chủ trì soạn thảo đã xây dựng Dự án Luật Phá sản (sửa đổi) với phạm vi điều chỉnh bao gồm: trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã; trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản; thi hành quyết định phục hồi; thi hành quyết định tuyên bố phá sản; nhiệm vụ, quyền hạn của người tiến hành thủ tục phá sản; quyền, nghĩa vụ của người tham gia thủ tục phá sản. Dự án Luật được xây dựng trên cơ sở 05 nhóm chính sách lớn, gồm: (i) xây dựng, hoàn thiện thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã; (ii) xây dựng thủ tục phục hồi giản lược, thủ tục phá sản giản lược đối với doanh nghiệp, hợp tác xã; (iii) xây dựng thủ tục tố tụng điện tử giải quyết vụ việc phá sản; (iv) hoàn thiện quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Quản tài viên, người tiến hành thủ tục phá sản, người tham gia thủ tục phá sản ; (v) hoàn thiện trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc phá sản.
Trao đổi tại cuộc họp, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, Báo cáo đánh giá tác động tại Hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật Phá sản (sửa đổi) chưa đánh giá cụ thể được nguồn lực tài chính để bảo đảm việc tổ chức triển khai chính sách khi Dự thảo Luật được thông qua. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các nội dung về nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp vào Báo cáo đánh giá tác động theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, liên quan đến nội dung Chính sách 1 về xây dựng, hoàn thiện thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã tại Báo cáo đánh giá tác động, đại biểu cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo sử dụng cụm từ “có nguy cơ mất khả năng thanh toán” trong việc áp dụng thủ tục phục hồi là chưa hợp lý, bởi, đây là thủ tục được tiến hành trong thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã “đã mất” khả năng thanh toán. Theo đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu lại nội dung này.
Đại diện Bộ Tài chính phát biểu tại cuộc họp
Quan tâm đến nội dung phá sản có yếu tố nước ngoài, đại diện Bộ Ngoại giao đánh giá cao những nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc tham khảo, học hỏi các luật mẫu trên thế giới cũng như kinh nghiệm quốc tế liên quan để xây dựng các quy định về phá sản có yếu tố nước ngoài, đưa quản tài viên ra nước ngoài, tiến hành mở các thủ tục liên quan đến phá sản có yếu tố nước ngoài... Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, nội dung quy định tại Điều 118 Luật Phá sản hiện hành về “việc công nhận và cho thi hành quyết định giải quyết phá sản của Tòa án nước ngoài được thực hiện theo quy định của hiệp định tương trợ tư pháp mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và quy định khác của pháp luật về tương trợ tư pháp” trên thực tế là khó khả thi, bởi, một số hiệp định tương trợ tư pháp của Việt Nam với các nước trên thế giới chưa có quy định liên quan đến công nhận và cho thi hành bản án phá sản mà chỉ có các thủ tục liên quan đến chuyển giao giấy tờ và tống đạt giấy tờ. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể trong Dự thảo Luật.
Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan chủ trì soạn thảo cần bổ sung 01 chủ thể là cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với một số doanh nghiệp có vốn của Nhà nước vào quy định về người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tại Điều 5 Luật Phá sản hiện hành; đề nghị thể chế hóa nội dung Điều 109 Luật Phá sản hiện hành quy định về gửi và thông báo quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản vào Dự thảo Luật theo hướng quy định việc “đăng tải quyết định tuyên bố phá sản trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đăng ký doanh nghiệp” thay vì “xóa tên doanh nghiệp, hợp tác xã trong sổ đăng ký kinh doanh”.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu kết luận nội dung cuộc họp
Phát biểu kết luận nội dung cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đánh giá cao tinh thần làm việc, các ý kiến góp ý thẳng thắn, sâu sắc, trách nhiệm của các đại biểu. Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, đồng thời rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật Phá sản (sửa đổi) trên cơ sở Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 của Quốc hội về Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV và Nghị quyết số 755/NQ-UBTVQH15 ngày 27/3/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, cần tập hợp, sắp xếp các quy định, nguồn pháp luật hiện hành và đặc biệt là kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới về pháp luật phá sản để từ đó tham khảo, học hỏi xây dựng Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) bảo đảm kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia thủ tục phá sản, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, đồng thời giải quyết hiệu quả vụ việc phá sản, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia./.
Thùy Dung