Tóm tắt: Bài viết trao đổi về hoạt động của Công an tỉnh Lào Cai trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật do người dưới 18 tuổi thực hiện.
Abstract: The article discusses the activities of the Lao Cai Provincial Police in legal propaganda, dissemination and education to improve the effectiveness of crime prevention and law violations committed by people under the age of 18.
1. Dẫn nhập
Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới, nằm ở phía Bắc của Việt Nam, cách Hà Nội khoảng 300 km. Tỉnh Lào Cai được tái lập tháng 10/1991 trên cơ sở tách ra từ tỉnh Hoàng Liên Sơn. Từ ngày 01/01/2004 (sau khi tách huyện Than Uyên sang tỉnh Lai Châu) diện tích tự nhiên của tỉnh Lào Cai là 6.364,25 km2 (chiếm 1,92% diện tích cả nước, là tỉnh có diện tích lớn thứ 19/63 tỉnh, thành phố cả nước); phía Đông giáp tỉnh Hà Giang, phía Nam giáp tỉnh Yên Bái, phía Tây giáp tỉnh Lai Châu, phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với 182,086 km đường biên giới. Dân số trung bình năm 2021 của cả tỉnh là 761,89 nghìn người, tăng 15,54 nghìn người, tương đương tăng 2,08% so với năm 2020. Số người trong độ tuổi lao động từ 15 tuổi trở lên là 382.890 người, chiếm khoảng 50,2%; mật độ dân số bình quân 120 người/km2. Có 25 nhóm ngành dân tộc cùng chung sống hòa thuận, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 64,09% dân số toàn tỉnh. Dân tộc Kinh chiếm 35,9%, dân tộc H’Mông chiếm 22,21%, tiếp đến là dân tộc Tày 15,84%, Dao 14,05%, Giáy 4,7%, Nùng 4,4%, còn lại là các dân tộc đặc biệt ít người Phù Lá, Sán Chay, Hà Nhì, La Chí[1]… Tuy nhiên, phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có trình độ dân trí thấp, đời sống vật chất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, dân cư sinh sống rải rác, phân bố không đồng đều; phong tục tập quán còn nhiều hủ tục, lạc hậu, ít được tiếp xúc với khoa học kỹ thuật hoặc nền giáo dục hiện đại... Đây là những điều kiện để các thế lực thù địch, phản động, các đối tượng chống đối, các phần tử xấu lợi dụng để tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng, bôi nhọ uy tín cán bộ, từ đó gây mâu thuẫn, chia rẽ nội bộ, chia cắt mối quan hệ giữa chính quyền với người dân; lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động, dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc những người nhẹ dạ, cả tin, nhất là tầng lớp thanh, thiếu niên có nhận thức pháp luật chưa đầy đủ và quan điểm, lập trường chưa vững vàng tham gia vào các hoạt động xâm phạm an ninh, trật tự.
2. Tình hình tội phạm do người dưới 18 tuổi thực hiện trên địa bàn tỉnh Lào Cao thời gian qua
Những năm gần đây, với sự phát triển của cơ sở hạ tầng, tình hình kinh tế - xã hội đã có những bước phát triển đáng kể, đời sống nhân dân dần được nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh những thay đổi tích cực cũng còn tồn tại những bất cập trong việc thực thi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước gây bức xúc trong dư luận nhân dân, nhất là việc tranh chấp đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, an sinh xã hội, thiếu việc làm... Một số kiến nghị, đề xuất, tố cáo của người dân chưa được xác minh kịp thời, hồi đáp chính xác gây mất lòng tin, tạo dư luận xấu trong quần chúng nhân dân dẫn đến một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên thiếu sự giáo dục kịp thời, phai mờ lý tưởng, dễ bị kích động, chi phối bởi các yếu tố tiêu cực trong xã hội đã dẫn đến những hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật khác. Bên cạnh đó, do đặc thù thành phố trung tâm của tỉnh lại là thành phố biên giới, tiếp giáp với huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) có cửa khẩu quốc tế với hạ tầng giao thông thuận tiện, là cầu nối trong hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam), là cửa ngõ thương mại giữa các nước Đông Nam Á, Việt Nam với vùng Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc, nên những năm vừa qua, tình hình giao thương kinh tế, qua lại làm ăn giữa hai bên biên giới có sự phát triển đáng kể, song điều đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc hình thành các băng, ổ, nhóm tội phạm, tội phạm có tổ chức hoạt động bảo kê, tranh giành địa bàn làm ăn, thường xuyên lôi kéo, mua chuộc những thanh, thiếu niên bỏ học, chơi bời, không có việc làm để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, làm hình thành các khu vực phức tạp, điểm nóng về an ninh, trật tự[2].
Trong giai đoạn từ năm 2017 đến tháng 6/2022, trên địa bàn tỉnh Lào Cai xảy ra 2.447 vụ vi phạm pháp luật hình sự với tổng số 3.851 bị can, trong đó, tội phạm do người 18 tuổi thực hiện đã xảy ra 181 vụ với 224 bị can, chủ yếu là các hành vi trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, gây rối trật tự công cộng, buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy, mua bán người..., phần lớn đối tượng thực hiện hành vi phạm tội là nam giới trong độ tuổi từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội lần đầu. Ngoài ra, nhiều thanh, thiếu niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các hoạt động sinh hoạt đạo trái phép, các hoạt động lợi dụng dân chủ, nhân quyền, các vấn đề về dân tộc, tôn giáo để chống đối chính quyền, xâm phạm an ninh quốc gia. Thậm chí, có trường hợp tổ chức cho xuất cảnh trái phép sang nước thứ ba để đào tạo, sau đó đưa trở lại trong nước để hoạt động chống phá, gây mất tình hình an ninh, trật tự.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm, đặc biệt là tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật do người dưới 18 tuổi thực hiện, Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các lực lượng chức năng, nhất là Công an cấp huyện, cấp xã chủ động tham mưu, phối hợp và trực tiếp thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để nắm, phân tích, dự báo tác động đến an ninh, trật tự và đề ra những biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hiệu quả với các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật, như xác định các khu vực, địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự; đặc điểm tội phạm học của các đối tượng phạm tội hoặc có nguy cơ phạm tội để đề ra biện pháp phòng ngừa, đấu tranh phù hợp; thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ để lập danh sách các đối tượng cần quản lý, ngăn chặn, trong đó đặc biệt chú ý đến các đối tượng là người dưới 18 tuổi. Với chủ thể cần tập trung phòng ngừa, ngăn chặn là người dưới 18 tuổi, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai đã xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, là biện pháp phòng ngừa xã hội chủ yếu kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ khác để đạt được hiệu quả cao nhất. Đồng thời, Công an tỉnh đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành nhiều chương trình, kế hoạch liên quan đến công tác phòng ngừa tội phạm do người dưới 18 tuổi thực hiện như Kế hoạch số 312/KH-UBND ngày 28/7/2021 về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi, đã xác định một trong những mục tiêu, yêu cầu trọng tâm, đó là “lấy công tác phòng ngừa là căn bản để kiềm chế, giảm bền vững, giảm sâu các vụ việc xâm hại trẻ em, tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi”.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được lực lượng Công an các cấp trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, mang tính thời sự. Đối với mỗi khu vực, địa điểm, đối tượng khác nhau thì hình thức và nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là khác nhau. Nếu trong khu vực thành thị, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được tổ chức dưới các hình thức như tổ chức hội thi, sân khấu hóa, phát tờ rơi, tờ gấp, treo panô, áp phích; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các phần mềm, ứng dụng trên điện thoại thông minh như Zalo, Facebook, Twitter... hoặc phối hợp với các trường học tổ chức các hoạt động tuyên truyền thiết thực như tuyên truyền trực tiếp vào buổi sinh hoạt toàn trường cuối tuần, các buổi nói chuyện vào thứ hai đầu tuần, tổ chức cho học sinh tham quan khu vực trại tạm giam kết hợp giáo dục ý thức chấp hành pháp luật... thì đối với khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được gắn với xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, triển khai dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng như tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại nhà văn hóa thôn, tuyên truyền lồng ghép tại các hội nghị, ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, các buổi sinh hoạt dân cư; tổ chức các hình thức tuyên truyền dưới dạng sân khấu hóa; hội diễn, hội thi tại các lễ hội truyền thống nhằm thu hút sự chú ý của đồng bào dân tộc; phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương tổ chức tuyên truyền lưu động theo chủ đề. Công an tỉnh cũng đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ xây dựng các tiểu phẩm phát thanh tuyên truyền về các quy định của pháp luật, các phương thức, thủ đoạn phạm tội, gửi cho Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và lực lượng Công an xã để phối hợp phát thanh trên các đài phát thanh ở cơ sở; in tờ rơi pháp luật được bằng hai thứ tiếng (tiếng Việt và tiếng H’Mông) cấp phát cho các thôn, bản, trường học ở vùng dân tộc.
Nội dung tuyên truyền được chuẩn bị, xây dựng có trọng tâm, trọng điểm, xác định rõ các vấn đề được thanh, thiếu niên quan tâm hoặc các vấn đề nổi lên tại khu vực để tập trung tuyên truyền như pháp luật về cư trú, về xuất cảnh, nhập cảnh, mua bán người; các hành vi trái phép và chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy cũng như các thủ đoạn đưa ma túy vào học đường của các đối tượng; buôn lậu, an toàn giao thông, bạo lực gia đình; hậu quả của các tệ nạn xã hội; thủ đoạn thông thường của các đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia...; tuyên truyền các chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển thanh, thiếu niên, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường vận động người dân thực hiện tốt các quy định về quản lý, bảo vệ biên giới, nâng cao nhận thức về công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; kêu gọi người dân không tin, không nghe, không làm theo các luận điệu tuyên truyền “Nhà nước Mông”, không di cư tự do, không theo đạo trái pháp luật; tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội; chỉ đạo lực lượng Công an xã chính quy sát dân, gần dân, chủ động nắm tình hình, xây dựng các hòm thư tố giác tội phạm và bảo vệ bí mật thông tin người tố giác.
Từ năm 2015 đến tháng 6/2022, lực lượng Công an toàn tỉnh đã tổ chức 3.540 buổi tuyên truyền pháp luật cho trên 270.000 lượt người dưới 18 tuổi. Công an tỉnh đã biên soạn và phát hành 1.000 cuốn tài liệu hỏi đáp về vai trò, nhiệm vụ của thanh, thiếu niên trong việc giữ gìn an ninh trật tự; biên soạn, phát hành 35.000 tờ rơi, tờ gấp, tờ dán song ngữ tiếng phổ thông và tiếng H’Mông tuyên truyền về các hành vi bạo lực gia đình, mua bán người, tệ nạn ma túy, cờ bạc...; xây dựng hơn 1.000 lượt phóng sự, chuyên mục, tin bài phản ánh về hoạt động đấu tranh, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, về gương “người tốt, việc tốt” đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng của trung ương, địa phương. Công an tỉnh cũng đã xây dựng 30 tiểu phẩm phát thanh gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã, Công an cấp xã để phát trên Đài Phát thanh của xã; phối hợp với các lực lượng chức năng như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Bộ đội Biên phòng tổ chức 120 buổi tuyên truyền pháp luật theo chủ đề cho tầng lớp thanh, thiếu niên; tổ chức các mô hình kết nghĩa giữa lực lượng Công an cấp huyện, cấp xã với các đoàn thể, trường học, cơ quan, đơn vị trong khu dân cư để tổ chức các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao kết hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân trong khu dân cư. Qua các hoạt động nêu trên, nhận thức pháp luật của tầng lớp thanh, thiếu niên được nâng lên, tình hình an ninh trật tự, vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến đáng kể.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dưới 18 tuổi của lực lượng Công an toàn tỉnh cũng còn gặp không ít khó khăn và hạn chế như:
- Do địa hình hiểm trở, chia cắt, đường giao thông đi lại khó khăn, có nhiều thôn, bản nằm xa trung tâm nên việc di chuyển, tổ chức các hoạt động tuyên truyền của các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đôi khi còn ngắt quãng, chưa được thường xuyên, liên tục.
- Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đúng vị trí, ý nghĩa phòng ngừa tội phạm của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhất là đối với người dưới 18 tuổi dẫn đến chưa chú trọng quan tâm thực hiện; chưa nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong công tác tuyên truyền pháp luật, dẫn đến việc đùn đẩy trách nhiệm, coi đó là nhiệm vụ của Ngành Tư pháp, Ngành Công an và Ngành Giáo dục.
- Đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền còn thiếu, chủ yếu kiêm nhiệm, nhất là cán bộ tuyên truyền biết tiếng dân tộc, am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào còn rất hạn chế. Kinh phí dành cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trang thiết bị phục vụ công tác còn nhiều thiếu thốn.
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật do người dưới 18 tuổi thực hiện trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Thực tế cho thấy, địa bàn nào mà cấp ủy, chính quyền quan tâm, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân, nhất là người dưới 18 tuổi thì địa bàn đó ít xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật, tình hình an ninh, trật tự được bảo đảm.
Hai là, thường xuyên kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp, chú trọng quan tâm bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền pháp luật. Lựa chọn cán bộ làm công tác tuyên truyền, dân vận có kinh nghiệm, tâm huyết với thế hệ trẻ. Cùng với đó là phải lựa chọn nội dung tuyên truyền phù hợp với nhận thức, thu hút được sự quan tâm, lắng nghe của thế hệ thanh, thiếu niên và cụ thể hóa quy định của pháp luật thành những điều dễ hiểu, ngắn gọn.
Ba là, tăng cường quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, lực lượng như giữa lực lượng Công an và chính quyền các cấp, các tổ dân phố, thôn, bản; giữa Công an và Bộ đội Biên phòng, các đoàn thể địa phương và đặc biệt là quan hệ giữa Công an cơ sở và các trường học trên địa bàn. Tỉnh Lào Cai hiện có hệ thống 188 trường trung học cơ sở, 36 trường trung học phổ thông và 10 trung tâm giáo dục thường xuyên. Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm do người dưới 18 tuổi thực hiện, Công an tỉnh Lào Cai cần phối hợp chặt chẽ với hệ thống 234 đơn vị, trường học nói trên để xây dựng được nội dung, chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật cho sát với từng nhóm đối tượng và phù hợp với điều kiện từng vùng, từng dân tộc nhằm phát huy hiệu quả tốt nhất; xây dựng, triển khai kế hoạch truyền thông thay đổi hành vi tại học đường.
Bốn là, thay đổi hình thức tuyên truyền pháp luật truyền thống, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật như qua tin nhắn điện thoại, ứng dụng Zalo, các mạng xã hội và các phần mềm thông báo... vì trên thực tế, hầu hết các đối tượng vi phạm pháp luật hoặc có ý thức pháp luật kém thường không chủ động tham gia các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Do đó, để tập trung các đối tượng này tuyên truyền, phổ biến pháp luật sẽ không hiệu quả. Đời sống xã hội được nâng lên, sự phát triển bùng nổ của công nghệ, mức độ phổ cập điện thoại thông minh ngày càng cao nên việc thay đổi hình thức tuyên truyền pháp luật là đòi hỏi tất yếu.
Năm là, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có hình thức biểu dương, khen thưởng phù hợp, kịp thời đối với những thanh, thiếu niên chủ động báo tin, tố giác, tích cực tham gia phối hợp với lực lượng chức năng xử lý, giải quyết các vụ việc vi phạm pháp luật. Tích cực tuyên truyền gương người tốt - việc tốt, thông qua đó, tác động đến những người dân khác trong khu vực, tạo ra phong trào thi đua sâu rộng.
Công an tỉnh Lào Cai
[1]. https://cucthongke.laocai.gov.vn/nien-giam-thong-ke/nien-giam-thong-ke-tinh-lao-cai-nam-2021-753495.
[2]. Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 30 xã, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự trên tổng số 152 xã, phường, thị trấn (Theo Quyết định số 1579/QĐ-BCA (V08) ngày 11/5/2011 của Bộ Công an về việc công nhận xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự thuộc tỉnh Lào Cai và các quyết định đưa ra khỏi danh sách xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự từ năm 2011 đến nay).