Việc ban hành Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 cùng nền tảng văn hóa sở hữu trí tuệ được nuôi dưỡng, hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam được kỳ vọng sẽ có những bước tiến vượt bậc, tạo động lực thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và phổ biến sản phẩm sáng tạo, qua đó làm giàu tài sản trí tuệ - một nguồn tài nguyên tạo nên nội lực quốc gia, phục vụ trực tiếp cho phát triển bền vững.
1. Tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ - Sự cần thiết và một số vấn đề cần lưu ý
Trong bối cảnh khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng phổ biến và phức tạp, việc nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trở nên quan trọng. Để hệ thống sở hữu trí tuệ vận hành hiệu quả, ngoài việc thiết lập cơ chế chính sách đầy đủ để bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, không thể thiếu được sự tham gia tích cực và đúng hướng của các chủ thể trong hệ thống. Cũng như các lĩnh vực khác, để các chủ thể hiểu và áp dụng đúng các chuẩn mực về sở hữu trí tuệ, cần tạo ra sự nhận thức một cách đầy đủ và đúng đắn về sở hữu trí tuệ, vì sở hữu trí tuệ tác động tới tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và tác động tới hầu hết các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Theo đó, một trong những biện pháp hữu hiệu là hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong từng cá nhân, doanh nghiệp để nâng cao ý thức về việc tự bảo vệ tài sản trí tuệ của mình và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác.
Từ năm 2019, khi Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 đề ra một trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng là “hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội”, thì cụm từ ‘‘văn hóa sở hữu trí tuệ” đã bắt đầu xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các mạng xã hội phủ sóng toàn cầu xâm nhập sâu rộng vào thị trường Việt Nam và đi kèm với đó là vấn đề tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ - khi càng nhiều doanh nghiệp đa quốc gia hiện diện tại Việt Nam, thì yêu cầu về ý thức xã hội, cách thức hành xử liên quan đến các vấn đề sở hữu trí tuệ dần trở lên cấp thiết.
Trên thực tế, hiện nay chưa có khái niệm chính thống về văn hóa sở hữu trí tuệ, nhưng dựa trên khái niệm về văn hóa và khái niệm về sở hữu trí tuệ, có thể nhận định, văn hóa sở hữu trí tuệ là tổng hòa các hiện tượng tinh thần có được từ các hoạt động của con người trong các vấn đề có liên quan đến sở hữu trí tuệ. Văn hóa sở hữu trí tuệ chủ yếu là đề cập đến nhận thức, thái độ, lòng tin, giá trị quan của con người đối với các vấn đề sở hữu trí tuệ và cách thức hành vi xử thế liên quan đến các vấn đề sở hữu trí tuệ. Có thể hiểu, văn hóa sở hữu trí tuệ là văn hóa của con người biết tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác. Văn hóa sở hữu trí tuệ có thể được sử dụng như một công cụ mạnh mẽ để giải quyết nhiều vấn đề trong xã hội. Hệ thống sở hữu trí tuệ chỉ vận hành hiệu quả khi cả xã hội có ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Việc nhận thức đúng đắn về vai trò này của sở hữu trí tuệ chính là bước đi đầu tiên vững chắc trên con đường sáng tạo làm thay đổi thế giới[1].
Thực tế cho thấy, để hình thành và phát triển văn hóa sở hữu trí tuệ tại Việt Nam cần lưu ý một số vấn đề như: (i) Xác định rõ mối quan hệ giữa sở hữu trí tuệ và văn hóa sở hữu trí tuệ. Nếu coi sở hữu trí tuệ là một loại sự vật, hiện tượng, thì văn hóa sở hữu trí tuệ là môi trường bên ngoài tác động tới sự phát triển của sự vật, hiện tượng đó, tức là mối quan hệ giữa sở hữu trí tuệ với văn hóa sở hữu trí tuệ là mối quan hệ giữa hiện tượng cụ thể với môi trường bên ngoài của nó; (ii) Văn hóa sở hữu trí tuệ cần có một môi trường tốt để phát triển. Văn hóa sở hữu trí tuệ một mặt là môi trường bên ngoài của sở hữu trí tuệ, một mặt lại nằm trong sự bao trùm của văn hóa nói chung (ví dụ như văn hóa xã hội). Vì vậy, văn hóa sở hữu trí tuệ tốt không chỉ được quyết định bởi bản thân hệ thống sở hữu trí tuệ mà còn bởi môi trường văn hóa của tất cả các lĩnh vực xã hội nói chung; (iii) Xây dựng văn hóa sở hữu trí tuệ cần trải qua một tiến trình lâu dài. Điều này được quyết định bởi đặc tính tập quán của văn hóa, sự hình thành một nền văn hóa không thể một sớm một chiều là có. Vì vậy, không thể hy vọng trong một thời gian ngắn dựa vào các mệnh lệnh hành chính, biện pháp cưỡng chế, chủ nghĩa hình thức… mà có thể tạo dựng thành công một nền văn hóa sở hữu trí tuệ[2].
2. Hoạt động xây dựng văn hóa sở hữu trí tuệ ở Việt Nam thời gian qua
Những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã xác định chủ trương sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ làm đòn bẩy thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế xã hội. Có thể nói rằng, chúng ta đã nhận thức đúng đắn ngay từ cấp trung ương và chủ trương này trở thành “kim chỉ nam” lan tỏa đến các cấp, các ngành[3].
Cùng với sự lớn mạnh của hệ thống sở hữu trí tuệ, hoạt động tuyên truyền về sở hữu trí tuệ cũng ngày một đa dạng về nội dung, phong phú và hiện đại về hình thức, gia tăng số lượng và chất lượng hoạt động tuyên truyền. Hoạt động tuyên truyền về sở hữu trí tuệ có nhiều điểm sáng, với cách thức tuyên truyền phù hợp với các nhóm đối tượng tiếp nhận thông tin, phù hợp với nhu cầu và đòi hỏi của hệ thống sở hữu trí tuệ.
Nhận thức của thế hệ trẻ về sở hữu trí tuệ sẽ là nền tảng ảnh hưởng tới hoạt động sở hữu trí tuệ trong cộng đồng trong tương lai. Vì vậy, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến nhóm này, với các buổi nói chuyện chuyên đề, các sân chơi hữu ích thông qua cuộc thi sáng tạo, các hoạt động sinh viên với sở hữu trí tuệ, các cuộc triển lãm các sản phẩm sáng tạo, được tổ chức định kỳ và thường xuyên tại các trường đại học trên khắp đất nước. Dần dần, nhiều sinh viên đã có thói quen quan tâm và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong công tác học tập, nghiên cứu; có hiểu biết từ cơ bản đến chuyên sâu về sở hữu trí tuệ, từ đó định hướng cho thế hệ trẻ phát triển, khai thác các sản phẩm sáng tạo đem lại giá trị kinh tế cho bản thân và xã hội. Thông qua các hoạt động tuyên truyền về sở hữu trí tuệ, các trường đại học đã trở thành “cái nôi” nuôi dưỡng văn hóa sở hữu trí tuệ. Ví dụ như, Trường Đại học Y tế Công cộng đã tổ chức buổi tập huấn cho cán bộ, giảng viên nhà trường với sự giảng dạy của chuyên gia đến từ Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm mục tiêu trang bị các khái niệm cơ bản về sở hữu trí tuệ, đặc biệt là bản quyền sở hữu trí tuệ liên quan trực tiếp đến các sản phẩm đào tạo, nghiên cứu khoa học trong trường đại học. Tại buổi tập huấn, cán bộ, giảng viên nhà trường đã được chuyên gia giới thiệu nhiều nội dung thiết thực, có tính ứng dụng cao như: Quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, một số nội dung về bảo hộ quyền tác giả và các quyền liên quan trong trường đại học, đăng ký bảo hộ quyền tác giả… Cũng trong buổi tập huấn này, chuyên gia và cán bộ, giảng viên trường đã cùng thảo luận và đề xuất một số giải pháp tăng cường thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ trong trường đại học như tăng cường tuyên truyền về sở hữu trí tuệ, xây dựng các chương trình đào tạo và sử dụng các công cụ phát hiện vi phạm bản quyền, quản lý hoạt động mạng máy tính nội bộ của trường, thành lập bộ phận chuyên trách và quy chế về sở hữu trí tuệ trong trường[4].
Ở các địa phương, hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ được thực hiện ngày càng thường xuyên, đa dạng, phong phú về hình thức và nội dung. Ví dụ như: Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực đưa sở hữu trí tuệ đến gần hơn với thế hệ trẻ thông qua các cuộc thi, hoạt động chào mừng Ngày Đổi mới sáng tạo thế giới (21/4), Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) và Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5). Sở cũng sẽ đưa sở hữu trí tuệ vào khối tiểu học - phổ thông nhằm nâng cao nhận thức sở hữu trí tuệ trong cộng đồng, xây dựng văn hóa ứng xử tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ ở thế hệ trẻ, xây dựng ý thức và trách nhiệm tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, từng bước hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong cộng đồng, dùng sở hữu trí tuệ làm công cụ hữu hiệu để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội[5]. Tại Thành phố Cần Thơ, nhằm nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ trên địa bàn thành phố, giúp các tổ chức, cá nhân có ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với một số cơ quan như Cục Sở hữu trí tuệ, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ đã tổ chức hội thảo và tập huấn về những vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ; thường xuyên tuyên truyền hoạt động sở hữu trí tuệ trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời, phổ biến các nội dung hỗ trợ đăng ký bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ thông qua việc phát hành văn bản và gửi 1.000 tờ gấp gửi đến các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp; đăng thông báo 08 kỳ trên báo giấy và điện tử Báo Cần Thơ, phát thanh và phát sóng 05 kỳ trên Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố Cần Thơ để tuyên truyền, phổ biến các nội dung hỗ trợ của Chương trình phát triển tài sản trí tuệ. Học phần pháp luật về sở hữu trí tuệ tiếp tục được triển khai ở Trường Đại học Cần Thơ để đào tạo cử nhân luật; đẩy mạnh công tác hướng dẫn, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, kết quả là số lượng đơn và văn bằng sở hữu công nghiệp năm 2022 của thành phố tăng khoảng 27% so với năm 2021[6].
Một nhóm đối tượng đặc thù rất quan trọng của hoạt động tuyên truyền về sở hữu trí tuệ là những người dân ở các địa phương có sản phẩm đặc sản. Sở hữu trí tuệ là một công cụ hữu hiệu nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của các tỉnh, các sản phẩm thủ công cũng như các tri thức truyền thống. Nhờ được trang bị kiến thức về sở hữu trí tuệ, người dân ở nhiều địa phương đã biết cách gia tăng giá trị cho sản phẩm của mình nhờ vào bảo hộ chỉ dẫn địa lý, bảo hộ nhãn hiệu, ứng dụng những sáng chế vào quy trình sản xuất - kinh doanh. Để thực hiện nhiệm vụ, các cán bộ của Cục Sở hữu trí tuệ đã đi tới những vùng sâu, vùng xa, tiếp xúc với đồng bào dân tộc thiểu số, để tuyên truyền về sở hữu trí tuệ cho đông đảo người dân hiểu được vai trò và cách thức khai thác, quản lý tài sản trí tuệ trong chính các sản vật địa phương, các đặc thù canh tác, nuôi trồng hàng ngày.
Ngoài ra, một trong những điểm nhấn trong công tác truyền thông về sở hữu trí tuệ trong gần mười năm trở lại đây là các sự kiện cộng đồng, lan tỏa thông điệp tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo, vì một tương lai tươi sáng cho mỗi cá nhân và đất nước. Các sự kiện “Đi bộ bằng đầu”, hình tượng IPman, IPlady, IPleader, hưởng ứng các thông điệp hàng năm của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4), với sự tham gia của hàng nghìn người, đã thu hút được sự chú ý của đông đảo các cấp lãnh đạo, của doanh nghiệp, giới trẻ và toàn xã hội. Hình ảnh các điệu nhảy flashmob, hình tượng quả địa cầu với vô vàn các bàn tay, thể hiện cho sự chung tay xây đắp một nền văn hóa sở hữu trí tuệ đã xuất hiện rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, in sâu vào tâm trí của nhiều tầng lớp, các thành phần xã hội tham gia vào các sự kiện này[7].
Bên cạnh những hình thức tuyên truyền trong cộng đồng, góp phần xây dựng văn hóa sở hữu trí tuệ trong đông đảo thành phần của xã hội, các bài viết chuyên sâu về các vấn đề mới về sở hữu trí tuệ vẫn song song đồng hành, phục vụ những tổ chức, cá nhân muốn nâng cao hiểu biết về sở hữu trí tuệ. Có thể nói, những nhóm bài viết theo chủ đề, được công bố và cho đăng đều đặn trên website đã và đang nhận được sự mong đợi của đông đảo những người quan tâm tới sở hữu trí tuệ.
Đại dịch Covid-19 đã tạo ra những thách thức không nhỏ cho công tác tuyên truyền về sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, các hình thức tuyên truyền trực tuyến, hội nghị, hội thảo trên nền tảng trực tuyến vẫn được tổ chức thường xuyên, những vấn đề đặt ra của hệ thống sở hữu trí tuệ tiếp tục được thảo luận, thậm chí giờ đây còn bao phủ rộng hơn nhờ sự hỗ trợ của công nghệ. Bên cạnh đó, loạt bài viết, phóng sự truyền thông trực tuyến, những hình thức tuyên truyền ngày càng được tăng cường. Có thể nói, các hoạt động truyền thông về sở hữu trí tuệ mặc dù bị ảnh hưởng, nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu của xã hội, góp phần không nhỏ hình thành nên văn hóa sở hữu trí tuệ trong cộng đồng.
3. Tích cực lan tỏa văn hóa sở hữu trí tuệ trong tình hình mới
Trong thời gian tới, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần tích cực hơn nữa trong việc tạo dựng và lan tỏa văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội thông qua những hoạt động như:
Một là, tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và xây dựng ý thức, trách nhiệm tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ.
Trong bối cảnh nền kinh tế tri thức, sự cạnh tranh mạnh mẽ của các doanh nghiệp nước ngoài, hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng đòi hỏi công chúng cần được trang bị kiến thức về sở hữu trí tuệ tốt hơn. Theo đó, các hoạt động truyền thông về sở hữu trí tuệ cần phải ngày càng đa dạng hơn và nội dung phong phú, thiết thực hơn. Trong thời gian tới, các hoạt động tuyên truyền cần tận dụng các phương tiện công nghệ mới, song hành với các hoạt động tuyên truyền trực tiếp, các hoạt động trực tuyến cần tiếp tục được triển khai rộng khắp, nhằm tối ưu hóa điểm mạnh của mỗi hình thức. Có thể trông đợi những hoạt động tuyên truyền về sở hữu trí tuệ đổi mới về nội dung, hấp dẫn về hình thức được thực hiện trong thời gian tới, góp phần giúp sở hữu trí tuệ trở thành một lĩnh vực thú vị, với nhiều tình huống, câu chuyện sinh động từ thực tiễn chứ không khô khan như suy nghĩ của nhiều người bao lâu nay.
Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ về thành công. Người trẻ không chỉ thụ hưởng thành quả trí tuệ từ thế hệ trước, mà còn trực tiếp tham gia, thiết lập quá trình phát triển của xã hội. Ước mơ của tuổi trẻ về khoa học, công nghệ và nghệ thuật, cũng như nỗ lực của họ để biến những ước mơ đó thành hiện thực, là khởi nguồn để tạo ra những đổi mới. Do đó, việc phổ biến, giáo dục và nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cần được thực hiện theo hướng khuyến khích tạo ra tài sản trí tuệ mới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ.
Hai là, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần đề xuất Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới hỗ trợ, chia sẻ các mô hình quản trị tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ chế chính sách tăng cường hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là trên môi trường số; đồng thời, cần nhanh chóng biên soạn, phát hành những bộ tài liệu về sở hữu trí tuệ để đưa sở hữu trí tuệ đến với cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ một cách hiệu quả hơn.
Ba là, đẩy nhanh hơn nữa việc xây dựng và vận hành phần mềm, chương trình ứng dụng trên thiết bị điện tử, thiết bị di động để cung cấp thông tin, hỗ trợ, tư vấn về sở hữu trí tuệ.
Bốn là, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ. Bởi lẽ, việc nhận thức đúng đắn về vai trò của sở hữu trí tuệ chính là bước đi đầu tiên vững chắc trên con đường đổi mới sáng tạo. Theo đó, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nên chủ động trang bị kiến thức cơ bản về sở hữu trí tuệ đối với ngành nghề, lĩnh vực của mình để có những hiểu biết đúng đắn, đầy đủ và luôn cập nhật xu thế phát triển thúc đẩy sự thay đổi và tạo ra giá trị tốt đẹp cho xã hội. Ví dụ như: Đối với những người làm trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, phần mềm máy tính... cần quan tâm đến vấn đề quyền tác giả và quyền liên quan; còn doanh nhiệp sản xuất, thì quan tâm đến quyền sở hữu công nghiệp để bảo hộ cho các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, bí mật kinh doanh...
Năm là, thường xuyên, kịp thời vinh danh, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động sở hữu trí tuệ để động viên, khuyến khích họ tiếp tục cống hiến cho hoạt động tạo dựng và lan tỏa văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội .
Hành trình xây dựng văn hóa sở hữu trí tuệ trong cộng đồng, một nhiệm vụ cốt lõi để xây nền tảng cho hệ thống sở hữu trí tuệ, vẫn còn lâu dài và khó khăn. Đóng góp vào hành trình đó, các hoạt động tuyên truyền về sở hữu trí tuệ đã, đang và sẽ là công cụ sắc bén, một hình thức hoạt động không thể thiếu. Văn hóa sở hữu trí tuệ sẽ góp phần xây dựng một xã hội văn minh, hài hòa lợi ích giữa các cá nhân và tổ chức, từ đó giúp tăng thêm sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp, xây dựng một đất nước Việt Nam hiện đại và phát triển./.
Bùi Huyền
Ảnh: internet
[1] https://laodong.vn/cong-nghe/van-hoa-so-huu-tri-tue-se-ngay-cang-lan-toa-1038089.ldo.
[2] https://www.ipvietnam.gov.vn/hoat-ong-shcn-trong-nuoc/-/asset_publisher/7xsjBfqhCDAV/content/van-hoa-so-huu-tri-tue-can-tao-dung-mot-nen-tang-ben-vung-va-toan-dien.
[3] https://baochinhphu.vn/bai-3-so-huu-tri-tue-cong-cu-nang-tam-hoat-dong-doi-moi-sang-tao-102220425134857152.htm.
[5] https://dost.hochiminhcity.gov.vn/hoat-dong-so-khcn/tphcm-hoat-dong-so-huu-tri-tue-huong-den-phu-nu-gioi-tre-doanh-nghiep-nho-va-vu/.
[6] https://thuonghieucongluan.com.vn/can-tho-hinh-thanh-van-hoa-so-huu-tri-tue-trong-xa-hoi-a190748.html.
[7] https://ipvietnam.gov.vn/vi_VN/web/guest/hoat-ong-shcn-trong-nuoc/-/asset_publisher/7xsjBfqhCDAV/content/nang-cao-nhan-thuc-cua-cong-ong-ve-so-huu-tri-tue-gop-phan-xay-dung-van-hoa-so-huu-tri-tue.