Tại Hội nghị, TS. Vũ Hoài Nam - Quyền Tổng biên tập Tạp chí đã báo cáo khái quát kết quả công tác năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2022, đồng chí Quyền Tổng biên tập cho biết, trong năm 2021, Tạp chí thực hiện kế hoạch công tác trong điều kiện ảnh hưởng rất lớn của đại dịch Covid-19, các nhiệm vụ đặt ra những yêu cầu mới trong bối cảnh cả nước thực hiện giãn cách xã hội. Thực hiện quy định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Bộ Tư pháp, các cán bộ, viên chức, người lao động của Tạp chí đã chủ động đổi mới toàn diện trong phương thức hoạt động, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là đổi mới cách thức tổ chức nội dung các ấn phẩm, tổ chức xuất bản và phát hành ấn phẩm, công tác cộng tác viên, công tác hỗ trợ và phát triển bạn đọc... để đáp ứng yêu cầu của đa dạng các đối tượng độc giả trong cả nước.
Về công tác xuất bản các ấn phẩm Tạp chí: Tạp chí in tiếp tục duy trì các kết quả đã đạt được, giữ vững uy tín khoa học, đã hoàn thành khối lượng công việc lớn hơn so với những năm trước: Bên cạnh 12 ấn phẩm định kỳ 64 trang, 12 ấn phẩm chuyên đề 32 trang thì ấn phẩm chuyên sâu 200 trang tăng thêm 02 ấn phẩm (11 ấn phẩm). Các ấn phẩm được xuất bản đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, đặc biệt, ấn phẩm “Hoàn thiện khung pháp lý trong phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam” mang tính thời sự, được các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý đánh giá cao. Công tác biên tập, xuất bản các ấn phẩm từng bước được đổi mới ở nhiều khâu. Quy trình xuất bản tiếp tục được hoàn thiện. Trang Thông tin điện tử của Tạp chí tiếp tục đăng tải nhiều bài viết hay, đạt chất lượng nghiên cứu về các lĩnh vực công tác tư pháp và pháp luật, truyền thông về các sự kiện chính trị, pháp lý trọng đại của đất nước và Ngành Tư pháp trong năm 2021. Bên cạnh đó, Đề án xây dựng “Tạp chí Dân chủ và Pháp luật điện tử” đã được Bộ trưởng phê duyệt và đang được Tạp chí phối hợp với Cục Kế hoạch - Tài chính, Cục Công nghệ thông tin chuẩn bị nguồn lực và các điều kiện cần thiết để tổ chức triển khai, thực hiện Đề án, sớm đưa Tạp chí Dân chủ và Pháp luật điện tử đi vào hoạt động.
Về công tác trị sự - phát hành: Các công việc chế bản, in, theo dõi in được thực hiện nhanh chóng, kịp thời và góp phần xuất bản an toàn, đạt kế hoạch đề ra. Công tác phối hợp giữa Tạp chí với các bộ phận, cơ quan, đơn vị liên quan ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Công tác phát hành tiếp tục được thực hiện nhanh chóng, chính xác, từ công việc nộp lưu chiểu, vận chuyển, phát hành, báo cáo, đến thống kê số lượng phát hành hàng tháng/quý.
Về công tác tổ chức cán bộ: Hiện nay, công chức, viên chức của Tạp chí đều được đào tạo bài bản về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhiệm các công việc được giao theo đúng vị trí việc làm. Tuy năm 2021 có những khó khăn về dịch bệnh Covid-19, khối lượng công việc tăng đáng kể so với năm 2020 và thiếu hụt về nhân sự (01 đồng chí chuyển công tác, 01 đồng chí nghỉ chế độ), song đội ngũ cán bộ, viên chức Tạp chí đã duy trì sự ổn định về tư tưởng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng nâng cao, nỗ lực hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đề ra trong năm.
Hội nghị cũng đã được nghe nhiều ý kiến phát biểu tâm huyết, sự động viên, chúc mừng của đại diện các đơn vị thuộc Bộ về những thành quả mà Tạp chí đã đạt được trong năm vừa qua. Các đại biểu đều cho rằng, trong năm 2021, Tạp chí đã có tinh thần đổi mới, vượt qua khó khăn, giữ vững truyền thống và cho ra đời các sản phẩm báo chí có tính khoa học cao, chất lượng bài viết ngày càng nâng lên. Năm 2022, để nâng cao uy tín của Tạp chí, Tạp chí cần có sự đầu tư hơn về chất lượng các bài viết, hình thức của các ấn phẩm, có thêm những chuyên mục gắn với yếu tố dân chủ, tạo ra các diễn đàn trao đổi, phản biện thu hút các nhà khoa học có uy tín để hấp dẫn hơn với bạn đọc; từng bước nâng cấp Tạp chí tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế… Đồng thời, đại diện các đơn vị và cộng tác viên cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục phối hợp nhiều hơn nữa với Tạp chí trong thời gian tới để thực hiện những ấn phẩm có nội dung bám sát với yêu cầu và nhiệm vụ của Bộ, Ngành.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đánh giá cao các kết quả đạt được của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật trên các mặt công tác trong năm 2021. Mặc dù có nhiều thách thức, khó khăn nhưng với sự nỗ lực, cố gắng cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị thuộc Bộ, Tạp chí đã giữ vững tôn chỉ, mục đích, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của Bộ, Ngành, sớm hoàn thành xuất sắc, vượt chỉ tiêu nhiệm vụ công tác năm 2021 với nhiều chuyển biến mang tính đột phá.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó, Thứ trưởng nhấn mạnh, Tạp chí cũng cần nỗ lực hơn trong việc nâng cao chất lượng các bài viết; huy động và mở rộng thêm các kênh phát hành; nghiên cứu mở rộng đối tượng bạn đọc gắn với triển khai có hiệu quả Đề án xây dựng “Tạp chí Dân chủ và Pháp luật điện tử”. Cùng với đó, phải định hướng việc phát triển nội dung, hình thức của Tạp chí, tạo dấu ấn riêng của Tạp chí chuyên ngành hàng đầu trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, cùng Bộ, Ngành thực hiện tốt trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao phó, góp phần khẳng định uy tín và vị thế của Tạp chí đầu ngành về pháp luật và tư pháp.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, TS. Vũ Hoài Nam bày tỏ cảm ơn sâu sắc sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, sự phối kết hợp chặt chẽ của các đơn vị thuộc Bộ, đồng thời khẳng định, trên tinh thần bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, năm 2022, Tạp chí tích cực phát huy thành tích đạt được, tiếp tục đổi mới, phát triển toàn diện các mặt công tác như: Biên tập, phát hành 02 số/tháng các ấn phẩm Tạp chí định kỳ 64 trang, Tạp chí chuyên đề 32 trang và tiếp tục đẩy mạnh việc biên tập, xuất bản các số chuyên đề 200 trang; đăng tin, bài trên Tạp chí điện tử bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng tin, bài đăng trên các ấn phẩm Tạp chí; trước hết là nâng cao chất lượng biên tập; tổ chức thực hiện Đề án Tạp chí Dân chủ và Pháp luật điện tử đã được Lãnh đạo Bộ Tư pháp phê duyệt đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa thông tin nghiên cứu khoa học pháp lý trong giai đoạn tới; tiếp tục mở rộng việc liên kết xuất bản các ấn phẩm tạp chí về tư pháp và pháp luật, đẩy mạnh hoạt động kinh tế báo chí, tạo sự chủ động hơn nữa trong việc tự chủ ngân sách và phát triển vị thế tạp chí trong hệ thống các tạp chí chuyên ngành, đồng thời tăng cường bồi dưỡng về lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao năng lực của cán bộ về mọi mặt, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh mới.
Ảnh: Hải Việt