Thằng út giận má bỏ bữa cơm chiều, nó nằm khoanh tay trên võng đung đưa. Má năn nỉ cỡ nào nó cũng không chịu ăn. Má gắp cặp trứng cá lóc vàng óng vô tô cho nó, rồi lại xách nón với xấp vé số đi bán. Nương bưng tô cơm lại dỗ ngọt mà nó cứ trơ trơ. Nương để mặc cho nó giận đã đời, khi nào đói nó sẽ tự động mò vào bếp kiếm. Hơi sức đâu mà năn nỉ.
Má cưng nó nhất nhà, mười mấy tuổi đầu mà còn nhõng nhẽo, hở một chút là méc má. Nhiều khi Nương giận bụng muốn đánh cho nó một trận mà má cứ biểu “em con còn nhỏ thủng thẳng mà dạy”. Bầy heo con đói bụng kêu eng éc trong chuồng mà thằng út chẳng thèm để ý, nó cứ mặc kệ đám heo cắn phá ầm ỉ. Từ ngày gánh lái heo hạ giá heo hơi làm bà con xóm Rẫy thêm phần điêu đứng, má không có nhiều tiền sắm cho thằng út thêm một bộ đồ mới như má hứa nên nó đâm ra giận dỗi, không thèm ngó ngàng gì đến má. Má cưng nó riết rồi nó hư, cứ đua đòi theo mấy đứa trẻ xóm trên. Tiền bán heo má trả cho ngân hàng còn không đủ nữa, vậy mà nó còn giận má ra mặt.
- Sao không đổ cám cho heo ăn giùm chị đi út - Nương nói trong lúc giũ mấy bộ quần áo phơi lên sào.
- Có phải heo của em đâu mà em nuôi. Má hứa mà má đâu có giữ lời.
Nó biết lý do má không giữ lời hứa của mình mà nó đâu có chịu hiểu. Nương bỏ dở thau đồ, tranh thủ cho đám heo ăn. Nếu là thường ngày, thằng út đã chạy ù ra cho heo ăn đến căng bụng. Năm nào đến gần Tết, má cũng dặn thằng út cho heo ăn đỡ chị hai, heo mau lớn bán có tiền má mua thêm cho bộ đồ Tết. Từ đó thằng út chăm chỉ hẳn lên, lúc rảnh là nó đi hái rau muống bỏ thêm vô chuồng, có bữa đám heo ăn không hết trong máng còn nổi lều phều thức ăn. Vậy mà giờ nhờ nó có một chút nó cũng không thèm đả động tới.
Không biết Tết đến mần chi mà cực thấy mồ. Nương và má đâu có được rảnh tay rảnh chân mà đón Tết như trên truyền hình vẫn hay phát. Tết là khi má nhận thêm vài chục tờ vé số để bán, là đoạn đường đi của má dài thêm với mưa nắng bụi đường, là khi Nương tất bật dọn dẹp nhà cửa mà ngó vào đâu cũng thấy thiếu thốn.
***
Nương ngồi khuấy bột mì tinh làm keo dán mấy tờ báo lên vách nhà đã hoen cũ. Thằng út ngồi cạnh nhìn Nương với khuôn mặt buồn buồn.
- Bộ em hổng thương má hả út? - Nương hỏi với trong lúc đôi tay vẫn không ngừng khuấy bột.
- Sao chị hai nói vậy?
- Vậy chứ em không thấy má cực khổ nuôi chị em mình sao? Heo mất giá, tiền má còn không đủ trả nợ cho người ta. Em thấy má có sắm sửa cho mình được cái gì không? Hôm nay má nhận thêm năm chục tờ vé số nữa đó.
Thằng út ngồi im không nói, nó quay mặt vào vách nhà gỡ mấy tờ giấy cũ mèm. Nó giúp Nương dán lại vách nhà mà mắt thì không ngừng nhìn ra phía trước nhà. Mớ bột mì tinh còn dư lại Nương đổ nước vào khuấy lại, bỏ thêm một chút đường vào rồi cho vào tô bưng ra để hai chị em cùng ăn. Thằng út vừa ăn vừa càm ràm.
- Chị hai bỏ đường ít quá chừng. Lạt nhách hà!
- Ráng ăn đi. Chừa đường chút còn làm mứt với kho thịt nữa.
Hai chị em vừa ăn vừa ngó ra sân chờ má về. Ngoài trời nắng vẫn chang chang, thằng út phải khum tay lại nhìn mỗi khi có dáng ai vừa qua ngõ. Con chó vẫn nằm im bên cạnh cái tủ thờ tránh nắng. Ngày cuối năm mà nắng vẫn cứ gắt, má vẫn thường hay nói, thời tiết giờ không biết đâu mà lần. Mấy cây mai trước nhà chưa kịp tới Tết nữa mà cứ mặc sức nở, gió chướng thì muốn thổi giấc nào thì thổi. Cho nên người dân xóm Rẫy không biết trồng cây gì để vừa ý ông trời. Năm nào được mùa thì thất giá nơi nơi. Năm mất mùa thì Tết về, cả nhà ngồi nhìn nhau thở dài chờ Tết qua lẹ.
Nương bấc chảo lên bếp nhào mớ mứt dừa cho có cái để đãi khách khi ghé thăm nhà. Năm nay nhà có thêm mấy khuôn bánh bông lan, má nói để thằng út qua nhà người ta ăn chực hoài cũng kỳ nên dù có hà tiện cỡ nào má cũng bớt chút tiền ra mua. Mẻ mứt dừa vừa nguội thằng út đã lấy tay bốc lấy bốc để, cái tật ăn vụng nói hoài mà nó không có chịu bỏ.
- Sao chị hai không kêu má mua màu về pha vô nhìn đẹp hơn - Thằng út vừa nhai vừa nói.
- Đẹp chi, rồi nó cũng vô bụng hà. Pha ba cái màu mè đó vô ăn bệnh chết mà còn tốn tiền nữa.
- Nói như chị hai thì mấy người bán màu ế chết luôn rồi. Chị hai y như má.
***
Dì Chín tạt qua nhà cho hai ký thịt heo với mấy trái đu đủ mỏ vịt. Phiên chợ cuối năm tất bật người mua kẻ bán, dì Chín vẫn không quên chừa lại cho má con Nương một chút tấm lòng thơm thảo láng giềng, tối lửa tắt đèn có nhau. Mấy lần làm cỏ, đốt bờ hay đám tiệc gì má con Nương vẫn chạy qua nhà dì Chín làm phụ như người trong nhà. Có gì cũng “hú” nhau nên đâm ra thương nhau lúc nào không hay.
Nương chuẩn bị mâm cơm tất niên chờ má về nhà. Thằng út ngó ra sân nhìn mà tay không ngừng sờ vào bụng. Trời đã tối rồi mà má vẫn chưa về, nén nhang trên bàn thờ ba cũng tàn. Từ ngày ba mất vì bị sập giàn giáo ở công trình, má thành trụ cột duy nhất trong nhà. Người đàn bà có dáng hình nhỏ thó vẫn ngày ngày lặn lội trên con đường quê với sấp vé số trên tay mặc mưa mặc gió. Hôm nào bán hết sớm, má Nương còn vào chợ phụ người ta dọn dẹp, tan buổi chợ má gom mấy rau củ bị dập, đèo đuột đem về nhà, cái nào ăn được thì ăn, cái nào hư nhiều má cho bầy heo trong chuồng.
- Em đói quá thì bới cơm ăn trước đi.
- Thôi, em đợi má về hà.
Thằng út nằm gối đầu trên đùi Nương.
- Chừng nữa lớn mình giàu, mình cất nhà cho má. Mở cái sạp vải cho má ở nhà bán cho đỡ cực hen chị hai.
Nương vuốt tóc nó:
- Ừa, biết nói vậy thì ráng lo mà học. Nhà mình nghèo nên đừng có đua đòi theo mấy đứa khác. Má cực nhiều rồi. Mình ăn ít, mặc ít chút cho má đỡ lo.
Thằng út lấy tay dụi mắt. Nó nằm im không nói. Phía nhà hàng xóm bắt đầu mở mấy bài nhạc xuân nghe đến xốn xang. Nhìn nhà nhà sum họp, Nương thèm cảm giác được ngồi bên mâm cơm chiều tất niên có ba má. Có những tiếng cười rộn rã, có ba để nhắc thằng út bỏ cái tật háu ăn, có ba để ba biết con gái thích ăn cái gì để mà gắp. Những ký ức cũ vẫn cứ theo mãi trong Nương, giá mà giờ này có ba thì hay biết mấy. Không biết giờ này ở trên trời, ba có nhìn thấy chị em Nương không. Ngày nào chị em Nương cũng ngước mặt lên nhìn trời, má nói ba ở trên trời vẫn nhìn xuống. Thằng út thiếp đi lúc nào không hay. Nương nhìn nó ngủ ngon lành trên đùi mình đến độ tê cả chân mà Nương không dám nhút nhích sợ làm nó thức giấc.
Con chó chạy tung tăng, quẫy đuôi khi nghe tiếng bước chân má về nhà. Nương lật đật ngồi dậy làm thằng út tỉnh giấc, nó lấy tay dụi vào mắt nhìn về hướng của má.
- Sao hôm nay má về trễ vậy má? - Giọng thằng út còn ngái ngủ.
- Má bán hết còn sớm quá nên ghé vô tiệm quần áo phụ người ta bán tiếp, rồi ở lại dọn dẹp giúp chủ tiệm. Người ta thương nên cho chị em con mỗi đứa một bộ đồ nè. Đâu mặc thử má coi.
Thằng út hí hửng lục tung cái bọc má mang về. Mắt Nương nằng nặng nước, lúc má giũ bộ đồ ướm lên người thằng út. Nhìn những giọt mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt của má, Nương thấy xót quá chừng. Nương hâm lại đồ ăn rồi dọn lên bàn.
- Sao mấy đứa không ăn cơm trước đi, đợi má làm chi. Đói rồi sao?
- Có má, con mới ăn được - Thằng út nũng nịu.
Mâm cơm chiều tất niên thành mâm cơm đón giao thừa. Thằng út gắp thịt vô chén cho má, má ăn nhiều nghen má. Má nhìn nó cười hiền, con cũng ăn đi cho mau lớn để đỡ đần chị hai nghen.
- Nó không phá con là con mang ơn nó nhiều rồi, khỏi trông mong gì nó giúp con đâu.
Thằng út thè lưỡi về phía Nương ra chiều đắc ý. Má thắp nhang trên bàn thờ tổ tiên, trong khi chị em Nương còn lăng xăng với mớ chén đũa sau nhà. Thời khắc giao thừa vừa điểm, ba mái đầu ngồi lặng lẽ cùng nhau trong căn nhà xập xệ. Thằng út bóp vai cho má, trong khi Nương ngồi vá lại chiếc dép sứt quai của má. Tiếng gà gáy như đánh thức mọi vật từ trong bóng đêm. Ngày mai sẽ là một cuộc hành trình với những khởi đầu mới mẻ. Bình minh sẽ lại về với xóm Rầy, nắng xuân ấm áp rồi sẽ về sưởi ấm những mảnh đời lẻ loi.
- Ngày mai má nghỉ đi bán một ngày nghen má...
Ý kiến bạn đọc (0)
Các tin khác
Quyết liệt áp dụng hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 129/CĐ-TTg ngày 09/12/2024 về tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, nâng cao hiệu quả công tác thu thuế đối với thương mại điện tử.
Quy định cụ thể, phù hợp ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh tránh tác động tiêu cực cho người dân, doanh nghiệp
Đây là một nội dung mới, nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp trong Luật số 56/2024/QH15 vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và dự thảo Nghị định quy định về ngưỡng áp dụng tạm hoãn xuất cảnh.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo - động lực vươn mình cho các doanh nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên mới
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ, xu thế chung của...
Xuất khẩu trực tuyến - “sân chơi mới” dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam
Chia sẻ tại Hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới Amazon 2024 diễn ra ngày...
Bỏ hạn mức đầu tư tối thiểu đối với các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư
Đây là quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, quy định này nhằm tạo điều kiện để các cơ quan chủ động, linh hoạt khi áp dụng phương thức đối tác công tư trong từng dự án cụ thể.