Tóm tắt: Tranh chấp liên quan đến hợp đồng nhượng quyền thương mại là những tranh chấp phức tạp, phải áp dụng nhiều quy định pháp luật khác nhau để giải quyết. Hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về xác định thẩm quyền của Tòa án trong giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, dẫn đến sự không thống nhất về đường lối xét xử, có thể dẫn đến tranh chấp thẩm quyền hoặc bản án, quyết định bị hủy sửa do xác định sai thẩm quyền thụ lý giải quyết.
Abstract: Disputes related to franchise contracts are complex disputes that must be resolved by many different legal provisions. Currently, there are many different views on determining the jurisdiction of the court to settle disputes in accordance with the civil procedure law, leading to inconsistency in adjudication policy, which may lead to conflicts of jurisdiction or the judgment or decision is annulled, corrected due to misidentification of jurisdiction.
1. Quy định pháp luật về thẩm quyền giải quyết của Tòa án liên quan hợp đồng nhượng quyền thương mại
Trong hoạt động nhượng quyền thương mại (NQTM), đối tượng hợp đồng không chỉ là các tài sản, công việc phải thực hiện (hoạt động tư vấn, đào tạo, hướng dẫn của bên nhượng quyền đối với bên nhận quyền), bản chất hoạt động NQTM là các bên cùng kinh doanh một sản phẩm với phương thức, cách thức giống nhau, sử dụng chung thương hiệu hay đối tượng hợp đồng là các quyền thương mại bao gồm nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo.
1.1. Thẩm quyền theo vụ việc
Các tranh chấp liên quan đến hợp đồng NQTM có đối tượng thực hiện hợp đồng là quyền sở hữu trí tuệ, mà cụ thể là chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp; hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
Căn cứ khoản 2 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận là những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Như vậy, khi giải quyết tranh chấp, Tòa án có thể buộc bên vi phạm phải chấm dứt hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, buộc các bên thực hiện cam kết trong hợp đồng chuyển giao công nghệ, hủy bỏ hợp đồng hoặc chịu các chế tài thương mại khác theo thỏa thuận của các bên và theo quy định của pháp luật.
1.2. Thẩm quyền của Tòa án các cấp
Theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, hệ thống Tòa án được tổ chức theo các đơn vị hành chính lãnh thổ. Trong đó, Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án nhân dân cấp tỉnh là hai cấp Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm đối với các vụ việc dân sự (Điều 37, Điều 44). Việc phân định thẩm quyền giữa các cấp Tòa án phụ thuộc vào tính chất phức tạp của từng loại vụ việc, hệ thống tổ chức Tòa án, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thực tế của đội ngũ cán bộ Tòa án, điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, hiệu quả kinh tế của việc giải quyết vụ việc trên cơ sở bảo đảm thuận lợi cho việc tham gia tố tụng của đương sự, cũng như hiệu quả thực tế của việc bảo vệ quyền lợi của họ.
Tòa án nhân dân cấp tỉnh thường phải giải quyết những vụ việc mà sự vận dụng pháp luật, chính sách có nhiều khó khăn, phức tạp, việc thu thập tài liệu, chứng cứ có nhiều khó khăn hoặc phải giám định kỹ thuật phức tạp… Vì vậy, đối với các tranh chấp liên quan đến NQTM là trường hợp thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo khoản 2 Điều 30 và điểm a khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
1.3. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
Sự phân định thẩm quyền theo lãnh thổ là sự phân định thẩm quyền giải quyết sơ thẩm vụ việc dân sự giữa các Tòa án cùng cấp với nhau. Về nguyên tắc, sự phân định này phải được thực hiện nhằm giải quyết nhanh chóng, đúng đắn, bảo đảm việc bảo vệ lợi ích của Nhà nước; quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; tạo thuận lợi cho các đương sự tham gia tố tụng; tránh chồng chéo trong việc thực hiện thẩm quyền của các Tòa án cùng cấp.
Tranh chấp về NQTM là các tranh chấp không có đối tượng tranh chấp là bất động sản nên Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi bị đơn, người bị yêu cầu là cá nhân cư trú, làm việc hoặc Tòa án nơi bị đơn, người bị yêu cầu có trụ sở nếu họ là cơ quan, tổ chức. Quy định Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nơi cư trú, làm việc, có trụ sở của bị đơn, người bị yêu cầu sẽ tạo điều kiện thuận lợi để bị đơn, người bị yêu cầu, người đại diện hợp pháp của họ tham gia tố tụng.
2. Thực tiễn xác định thẩm quyền của Tòa án liên quan hợp đồng nhượng quyền thương mại
Để xác định chính xác thẩm quyền, Tòa án đang thụ lý, giải quyết phải xác định chính xác quan hệ tranh chấp, đối tượng tranh chấp, thỏa thuận các bên trong giải quyết tranh chấp và địa chỉ của nguyên đơn, bị đơn.
Về quan hệ tranh chấp, do hợp đồng NQTM xác lập nhiều quan hệ dân sự giữa các bên nên hợp đồng NQTM lại dễ bị nhầm lẫn thành các loại hợp đồng khác, dẫn đến việc xác định sai quan hệ tranh chấp. Ví dụ như: Theo Hợp đồng chuyển giao quyền kinh doanh ký kết ngày 01/8/2017 giữa bà Võ Hồng H và ông Nguyễn Thành L, bà H là bên nhượng quyền và ông L là bên nhận quyền kinh doanh. Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định hợp đồng giữa hai bên là hợp đồng nhượng quyền nên xác định tranh chấp là tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền kinh doanh[1]. Tuy nhiên, việc xác định quan hệ tranh chấp để xác định thẩm quyền theo vụ việc như trường hợp trên là không chính xác, vì điều kiện có hiệu lực của hợp đồng NQTM là các bên phải là tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh (khoản 1, khoản 2 Điều 3 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP ngày 31/3/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động NQTM (Nghị định số 35/2006/NĐ-CP) và khoản 1 Điều 6 Luật Thương mại năm 2005) nhưng ông L và bà H không có đăng ký kinh doanh nên phải xác định tranh chấp trên là tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Việc xác định không chính xác quan hệ tranh chấp có thể dẫn đến hậu quả bản án bị hủy. Thực tiễn xét xử cho thấy, cùng một quan hệ tranh chấp về NQTM nhưng giữa các Tòa án cũng có quan điểm khác nhau về xác định thẩm quyền. Theo tác giả, bản chất của quan hệ NQTM là các bên cùng kinh doanh dưới một nhãn hiệu hoặc tên thương mại, hoặc có liên quan đến việc chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh và những yếu tố khác nên phải xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp là tranh chấp kinh doanh, thương mại liên quan quyền sở hữu trí tuệ nên thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh.
Về đối tượng tranh chấp, mặc dù đối tượng thực hiện hợp đồng NQTM chủ yếu liên quan đến sự chuyển giao về quyền sở hữu trí tuệ nhưng không phải mọi trường hợp các bên đều tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ mà có thể tranh chấp liên quan đến những vấn đề khác.
Ví dụ thứ nhất: Công ty H và Công ty A ký kết với nhau Hợp đồng li-xăng và phí bản quyền thương hiệu ngày 01/01/2010. Công ty H đã chuyển giao quyền sử dụng thương hiệu Ana Mandara Resort cho Công ty A. Trong thời gian chuyển giao quyền sử dụng thương hiệu, Công ty H và Công ty A ký kết với nhau nhiều hợp đồng để vận hành Khu nghỉ mát Ana Mandara Resort như: Hợp đồng quản lý, phụ lục hợp đồng quản lý, hợp đồng tư vấn, cùng nhiều văn bản về việc gia hạn hợp đồng quản lý. Công ty A khai thác và đưa vào sử dụng thương hiệu trên, nhưng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho Công ty H. Công ty H đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu hai bên gặp nhau để thống nhất lộ trình thanh toán nợ nhưng Công ty A vẫn không thanh toán cho Công ty H. Do đó, Công ty H đã khởi kiện Công ty A để yêu cầu thanh toán giá trị hợp đồng[2].
Đối với vụ việc trên, đối tượng tranh chấp là tiền hay cụ thể là khoản tiền còn nợ giữa Công ty A và Công ty H mà không phải là tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ. Vậy, quan hệ tranh chấp trên là “tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận” (theo khoản 1 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015) hay là “tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận” (theo khoản 2 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015)? Nếu Tòa án xác định quan hệ tranh chấp theo khoản 1 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp là của Tòa án cấp huyện (theo điểm b khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015); nếu Tòa án xác định quan hệ tranh chấp theo khoản 2 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp là của Tòa án cấp tỉnh (theo điểm a khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).
Ví dụ thứ hai: Ngày 25/6/2010, Công ty N, tiền thân là công ty thành viên của Công ty C và Công ty C ký Hợp đồng số 626/HĐNQ về việc nhượng quyền sử dụng thương hiệu. Theo hợp đồng, Công ty N phải trả Công ty C phí sử dụng thương hiệu là 4.800.000.000 đồng. Công ty N được tạm giữ 10% nên phải thanh toán 4.320.000.000 đồng. Công ty N thanh toán được 1.500.000.000 đồng và còn nợ số tiền là 2.820.000.000 đồng. Sau khi Công ty N được cổ phần hóa, Công ty C là cổ đông của Công ty N, đến năm 2016, thì Công ty C thoái toàn bộ vốn tại Công ty N. Theo các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông Công ty N, tổng số tiền cổ tức Công ty C được hưởng từ năm 2010 đến 2013 là 6.090.000.000 đồng. Công ty N đã chi trả 3.730.000.000 đồng. Công ty C yêu cầu Tòa án buộc Công ty N phải trả cho Công ty C số tiền 4.896.289.000 đồng, trong đó, nợ tiền gốc là 1.500.000.000 đồng, nợ tiền lãi chậm thanh toán tính đến ngày xét xử 10/7/2019 là 3.396.289.000 đồng[3].
Đối tượng tranh chấp trong vụ án trên vừa liên quan đến việc thanh toán tiền nợ giữa hai bên, vừa liên quan đến tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, vừa liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Tương tự như ví dụ thứ nhất, việc xác định quan hệ tranh chấp trong các trường hợp trên sẽ dẫn đến việc xác định chính xác thẩm quyền giải quyết tranh chấp là của Tòa án cấp huyện hay Tòa án cấp tỉnh.
3. Một số đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật về thẩm quyền giải quyết của Tòa án đối với tranh chấp liên quan đến hoạt động nhượng quyền thương mại
Thứ nhất, việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ được hướng dẫn chi tiết trong Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP ngày 03/4/2008 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại Toà án nhân dân (Thông tư liên tịch số 02). Mục I về xác định quan hệ tranh chấp và Mục III về điều kiện khởi kiện vụ án dân sự về quyền sở hữu trí tuệ đã xác định cụ thể những quan hệ tranh chấp có đối tượng tranh chấp chính là quyền sở hữu trí tuệ hoặc tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp; hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thì được xác định là tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận. Áp dụng quy định của Thông tư liên tịch số 02 sẽ giải quyết được việc xác định thẩm quyền giữa Tòa án cấp tỉnh và Tòa án cấp huyện đối với các ví dụ đã nêu ở phần trên. Tuy nhiên, Thông tư liên tịch số 02 lại căn cứ vào Bộ luật Dân sự năm 2005 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) nên theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì Thông tư liên tịch số 02 đã hết hiệu lực pháp luật. Về pháp luật thực định, thẩm phán có thể tham khảo theo tinh thần hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02 để giải quyết vụ án cụ thể nhưng không thể áp dụng trực tiếp những quy định này trong quá trình giải quyết vụ án. Vì vậy, những quy định trong Thông tư liên tịch số 02 cần phải được thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật mới để có thể tiếp tục áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án.
Thứ hai, Luật Thương mại năm 2005 quy định về hoạt động NQTM, tuy nhiên thực tiễn xét xử cho thấy, NQTM thường được hiểu là nhượng quyền thương hiệu. Về bản chất, hoạt động NQTM có phạm vi rộng hơn hoạt động nhượng quyền thương hiệu. Hoạt động NQTM còn được điều chỉnh bởi Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Cạnh tranh, Luật Quảng cáo và nhiều luật chuyên ngành khác. Tuy nhiên, Điều 284 Luật Thương mại năm 2005 quy định: NQTM là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây: Việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền... Như vậy, giữa hoạt động NQTM, hoạt động li-xăng và hoạt động chuyển giao công nghệ thì hoạt động NQTM có đặc điểm khác biệt rõ nhất trong nội hàm khái niệm là “tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định” nhưng như thế nào là cách thức tổ chức kinh doanh thì chưa được Luật Thương mại năm 2005 và Nghị định số 35/2006/NĐ-CP, Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ sửa đổi một số nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương hướng dẫn về hoạt động NQTM quy định chi tiết. Vì vậy, khái niệm “cách thức tổ chức kinh doanh” cần được xác định rõ nội hàm, ngoại diên trong Luật Thương mại năm 2005 hoặc các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời, tranh chấp về hoạt động NQTM cần quy định rõ trong Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 vì hoạt động NQTM phức tạp liên quan đến nhiều ngành luật khác nhau nên Tòa án cấp tỉnh giải quyết thì phù hợp với thực tiễn xét xử hơn.
Thứ ba, hoạt động NQTM chỉ quy định về nhượng quyền kinh doanh liên quan đến “nhãn hiệu hàng hóa” nhưng không quy định về “nhãn hiệu dịch vụ”. Thực tiễn áp dụng pháp luật hiện nay cho thấy, việc nhượng quyền kinh doanh liên quan đến “nhãn hiệu dịch vụ” khá phổ biến. Vì vậy, khi có tranh chấp liên quan đến việc nhượng quyền “nhãn hiệu dịch vụ” mà có đặc điểm là “cách thức tổ chức kinh doanh” do bên nhượng quyền quy định thì mặc dù vẫn có thể xác định đây là tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận và thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh nhưng không thể xác định trường hợp này là “tranh chấp trong hoạt động NQTM”. Vì vậy, cần bổ sung quy định về chuyển nhượng “nhãn hiệu dịch vụ” hoặc sửa đổi khái niệm về quyền thương mại trong pháp luật thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành để tạo ra sự thống nhất với pháp luật sở hữu trí tuệ.
Trong năm 2022, Tòa án các cấp đã thụ lý 444.402 vụ việc; đã giải quyết, xét xử được 386.944 vụ việc; đạt tỷ lệ 87,07%, vượt 2,07% so với chỉ tiêu Tòa án đề ra. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy là 0,61% (do nguyên nhân chủ quan 0,4%); bị sửa là 1,2%[4]. Trong đó, hủy án do xác định sai thẩm quyền giải quyết được xác định là hủy án do nguyên nhân chủ quan của thẩm phán và hội đồng xét xử[5]. Do đó, xác định đúng thẩm quyền giải quyết của Tòa án có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết án, bảo đảm việc giải quyết vụ án nhanh chóng, chính xác và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.
ThS. Nguyễn Đức Vũ
Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
[1]. Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 51/2019/KDTM-ST ngày 07/10/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Q, tỉnh B.
[2]. Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2019/DS-ST ngày 24/9/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh T.
[3]. Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 06/2019/KDTM-ST ngày 10/7/2019 của Tòa án nhân dân Thành phố Đ.
[4]. https://tapchitoaan.vn/nam-2022-so-luong-chat-luong-giai-quyet-xet-xu-cac-loai-vu-viec-dat-va-vuot-cac-chi-tieu-yeu-cau-de-ra7749.html.
[5]. http://vca.edu.vn/portal/page/portal/tandtc/baiviet?p_page_id=1754190&p_cateid=1751909&article_details=1&item_id =1752897.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 382), tháng 6/2023)