1. Những điểm mới về thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012
Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020 có hai sửa đổi quan trọng về thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính:
Thứ nhất, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020 bổ sung thêm chủ thể được quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính. Nếu như Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 chỉ quy định Chính phủ là cơ quan duy nhất có thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính (Điều 4). Ngoài Chính phủ, các cơ quan nhà nước khác không có thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính (như: Ủy ban nhân dân các cấp, Hội đồng nhân dân các cấp, bộ, cơ quan ngang bộ…) thì Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020 đã bổ sung thêm cơ quan Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính. Xuất phát từ thực tế cho thấy, một số lĩnh vực có tính chất đặc thù không thể giao cho Chính phủ quy định do không thuộc phạm vi quản lý của Chính phủ nên cần phải giao cho cơ quan nhà nước khác quy định. Cụ thể như, hoạt động kiểm toán nhà nước không phải là lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Chính phủ nên việc căn cứ vào quy định tại Điều 4 để giao Chính phủ quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán nhà nước là không phù hợp. Đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, mặc dù Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 đều quy định hành vi cản trở hoạt động tố tụng bị xử phạt theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012[1] nhưng đến nay, văn bản quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi này vẫn chưa được ban hành.
Bên cạnh Chính phủ, cơ quan phù hợp nhất được quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính đó chính là Ủy ban Thường vụ Quốc hội vì cơ quan này được xác định là cơ quan lập pháp ủy quyền của Quốc hội, được Quốc hội ủy quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định các vấn đề mà Quốc hội xét thấy chưa cần ban hành luật/bộ luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội, các thành viên trong cơ quan này cũng đồng thời là Đại biểu Quốc hội. Chính vì vậy, khi Quốc hội chưa thể tự mình quy định về xử phạt vi phạm hành chính (bằng việc ban hành Bộ luật xử lý vi phạm hành chính) thì nên chuyển giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội là hoàn toàn phù hợp vì cũng phản ánh được tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân (dù chỉ trong phạm vi hẹp về số lượng thành viên). Ở góc độ thực tế, trước khi Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định thẩm quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì cơ quan này cũng đã phát sinh nhu cầu cần ban hành pháp lệnh để điều chỉnh hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án[2] nhưng vì nhiều nguyên nhân mà dự thảo pháp lệnh này cho đến nay vẫn chưa được thông qua. Với việc bổ sung thêm thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong thời gian tới, cơ quan này sẽ có đủ cơ sở pháp lý để thông qua bản dự thảo của mình.
Thứ hai, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020 có sự sửa đổi phạm vi thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính của các chủ thể:
- Về phạm vi thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính của Chính phủ, nếu Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định Chính phủ được quyền quy định các vấn đề về xử phạt vi phạm hành chính như: Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh và thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước, quy định mẫu biên bản, mẫu quyết định sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính[3] thì Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020 sửa đổi theo hướng mở rộng hơn phạm vi thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính của Chính phủ như hành vi vi phạm hành chính; hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; đối tượng bị xử phạt; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh và thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành chính; việc thi hành các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, các biện pháp khắc phục hậu quả trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước và biểu mẫu sử dụng trong xử lý vi phạm hành chính. Như vậy, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020 đã bổ sung thêm nội dung về hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện, đối tượng bị xử phạt, việc thi hành các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước cho Chính phủ. Sự bổ sung này có tác dụng giải thích rõ hơn, đầy đủ hơn những vấn đề mà Chính phủ được quyền quy định về xủ phạt vi phạm hành chính, góp phần hoàn thiện quy định pháp luật về thẩm quyền quy định xử phạt vi phạm hành chính.
- Về phạm vi thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngoài việc bổ sung thêm thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020 còn quy định giới hạn phạm vi thẩm quyền của cơ quan này theo hướng giới hạn phạm vi thẩm quyền về lĩnh vực và hành vi được quy định xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ được quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán nhà nước và đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng vì hai lĩnh vực này Chính phủ không quy định do không thuộc thẩm quyền quản lý của Chính phủ. Mặc dù điều luật không quy định rõ nội dung phạm vi thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước là quy định về vấn đề gì. Tuy nhiên, có thể hiểu rằng, phạm vi nội dung được quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tương tự như Chính phủ, tức là được quy định về tất cả nội dung của xử phạt vi phạm hành chính như hành vi vi phạm, thẩm quyền xử phạt, đối tượng bị xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả...
- Về phạm vi thẩm quyền của Hội đồng nhân dân các thành phố trực thuộc Trung ương, mặc dù thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính của Hội đồng nhân dân các thành phố trực thuộc trung ương không được nhắc đến trong Điều 4 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020 nhưng xét nội dung quy định tại Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì đó cũng chính là nội dung thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính. Tại khoản 3 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: “Căn cứ vào hành vi, khung tiền phạt hoặc mức tiền phạt được quy định tại nghị định của Chính phủ và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội đặc thù của từng địa phương, Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương quyết định khung tiền phạt hoặc mức tiền phạt cụ thể đối với hành vi vi phạm trong các lĩnh vực quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều này”. Đoạn 2 khoản 1 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: “Đối với khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương thì mức phạt tiền có thể cao hơn, nhưng tối đa không quá 02 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong các lĩnh vực giao thông đường bộ; bảo vệ môi trường; an ninh trật tự, an toàn xã hội”.
Như vậy, theo quy định tại Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì Hội đồng nhân dân cũng có thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính nhưng không bao gồm Hội đồng nhân dân ở tất cả các đơn vị hành chính lãnh thổ mà chỉ thuộc về Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương. Phạm vi thẩm quyền của cơ quan này cũng bị thu hẹp hơn rất nhiều so với Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính nhưng chỉ ở phạm vi quy định về khung tiền phạt hoặc mức tiền phạt tối đa không quá 02 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong các lĩnh vực như giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, an toàn xã hội và cũng chỉ được quy định mức tăng này ở phạm vi khu vực nội thành. Hội đồng nhân dân các thành phố trực thuộc trung ương không có quyền quy định về những nội dung khác về xử phạt vi phạm hành chính như hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thủ tục xử phạt… Với cách quy định ở đoạn 2 khoản 1 và khoản 3 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có thể hiểu là: Khung tiền phạt hoặc mức tiền phạt mà Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương được quy định tối đa không quá 02 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm và có thể vượt quá mức tối đa quy định ở Điều 24. Ví dụ: Hành vi “không thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu từ trạm thu phí cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định” do tổ chức quản lý, vận hành trạm thu phí đường bộ thực hiện có mức phạt từ 50 triệu đến 70 triệu đồng[4] thì Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương có thể nâng mức phạt này lên gấp đôi, tức là từ 100 triệu đến 140 triệu đồng[5] - vượt quá mức tối đa của lĩnh vực được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Vì vậy, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020 đã sửa đổi khoản 3 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 theo hướng thu hẹp lại phạm vi thẩm quyền quy định về khung tiền phạt hoặc mức tiền phạt của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương. Cụ thể, tại khoản 9 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định: “Căn cứ vào hành vi, khung tiền phạt hoặc mức tiền phạt được quy định tại nghị định của Chính phủ và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội đặc thù của địa phương, Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương có quyền quyết định khung tiền phạt hoặc mức tiền phạt cụ thể đối với hành vi vi phạm trong các lĩnh vực quy định tại khoản 1 Điều này nhưng không vượt quá mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này”. Như vậy, dù Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương được quyền quy định về khung tiền phạt hoặc mức tiền phạt tăng gấp đôi nhưng không được vượt quá mức tiền phạt đối đa của lĩnh vực tương ứng ở Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Ví dụ: Hành vi “điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10km/h đến 20km/h” của người điều khiển xe máy có mức phạt tiền từ 600.000 đồng đến 01 triệu đồng[6] thì Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương có thể nâng mức phạt này lên gấp đôi, tức là từ 1.2 triệu đồng đến 02 triệu đồng. Tuy nhiên, đối với hành vi “không thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu từ trạm thu phí cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định” do tổ chức quản lý, vận hành trạm thu phí đường bộ thực hiện có mức phạt từ 50 triệu đến 70 triệu đồng[7] thì Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương chỉ có thể nâng mức phạt này lên tối đa 80 triệu đồng mà không thể nâng gấp đôi (do mức tối đa của lĩnh vực giao thông đường bộ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 chỉ đến mức 80 triệu đồng áp dụng đối với tổ chức). Việc giới hạn thẩm quyền quy định về tăng mức phạt của hành vi vi phạm hành chính cho phù hợp với mức tối đa do luật định là cần thiết nhằm tránh sự lạm quyền của địa phương hoặc thiếu công bằng trong việc đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm trong từng lĩnh vực cụ thể.
2. Một số hạn chế trong quy định của pháp luật về thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và kiến nghị
Mặc dù, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020 có quan tâm về vấn đề thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính bằng việc sửa đổi, bổ sung nội dung quy định này. Tuy nhiên, nội dung được sửa đổi vẫn thể hiện một số bất cập cơ bản như sau:
Một là, thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính còn thiếu và còn tản mạn. Dựa trên nội dung được sửa đổi của Điều 4 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính chỉ bao gồm Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, rà soát quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020 cho thấy, Luật vẫn quy định thêm cho Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính (mặc dù với phạm vi hẹp). Vậy nên, để tránh tình trạng tản mạn, thẩm quyền của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương nên được quy định tập trung ở Điều 4 của Luật. Ngoài Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương thì Quốc hội cũng có thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính. Thẩm quyền của Quốc hội là thẩm quyền đương nhiên. Về bản chất, nghĩa vụ của các chủ thể phải do Quốc hội quy định trong Luật bao gồm cả hoạt động xử phạt vi phạm hành chính. Quốc hội có thể ban hành luật hoặc bộ luật về xử phạt vi phạm hành chính để quy định tất cả các vấn đề liên quan như: Hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, thẩm quyền xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thủ tục xử phạt… mà không cần giao cho Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, trong điều kiện Quốc hội chưa tự mình ban hành luật/bộ luật để quy định tập trung về xử phạt vi phạm hành chính nên Quốc hội mới giao quyền này cho các cơ quan nhà nước khác (Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương). Việc giao quyền này không làm mất đi quyền vốn có của Quốc hội. Qua rà soát hệ thông văn bản quy phạm pháp luật cho thấy, Quốc hội vẫn thực hiện thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính ở một số văn bản như: Luật Quản lý thuế, Luật Cạnh tranh, Luật Kiểm toán nhà nước. Vì vậy, có thể khẳng định rằng, có 04 chủ thể có thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính là: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương. Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020 nên quy định bổ sung đầy đủ, tập trung các chủ thể có thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính vào Điều 4 của Luật nhằm tăng sự rõ ràng, rành mạch và logic của điều luật.
Hai là, phạm vi thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính của một vài chủ thể còn chưa rõ ràng, dễ gây nhầm lẫn. Điển hình như, việc quy định Chính phủ có quyền quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, đối tượng xử phạt dễ bị hiểu nhầm là Chính phủ có quyền quy định thêm những chủ thể có thẩm quyền xử phạt khác ngoài Luật, quy định thêm hình thức xử phạt mới không có trong luật, quy định thêm đối tượng xử phạt mới ngoài phạm vi của Luật. Cần phải hiểu rằng, các vấn đề về thẩm quyền xử phạt, hình thức xử phạt, đối tượng xử phạt đã được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và nội dung các điều này không quy định cho Chính phủ được quyền quy định thêm. Như vậy, Chính phủ chỉ được lựa chọn thẩm quyền xử phạt phù hợp với thẩm quyền quản lý của các chủ thể trong từng lĩnh vực quản lý và phải thuộc danh mục các chủ thể có thẩm quyền xử phạt đã được liệt kê trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Tương tự như vậy, vấn đề hình thức xử phạt - Chính phủ chỉ được lựa chọn một trong các hình thức xử phạt liệt kê ở Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cho từng hành vi vi phạm hành chính cụ thể, đối tượng bị xử phạt cũng phải phù hợp với Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Đối với các nội dung khác như: Hành vi vi phạm hành chính, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, việc thi hành các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả trong từng lĩnh vực quản lý thì Chính phủ được quyền quy định mới, quy định thêm ngoài Luật vì những vấn đề này, Luật chưa quy định hoặc quy định chưa đầy đủ, chưa cụ thể. Do đó, để chủ thể áp dụng pháp luật hiểu đúng, thực hiện đúng nội dung thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính nhà làm luật cần tách bạch những nội dung được quyền quy định ngoài phạm vi của Luật và những nội dung phải quy định phù hợp với Luật của các chủ thể có thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính.
Ba là, một số nội dung trong thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính được sửa đổi, bổ sung là không cần thiết. Cụ thể, thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính của Chính phủ được bổ sung thêm nội dung: Hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện. Mặc dù với hàm ý nhằm làm rõ nội dung được quyền quy định về “hành vi vi phạm hành chính” của Chính phủ, tuy nhiên, tác giả cho rằng, việc quy định thêm này không thực sự cần thiết vì “hành vi vi phạm hành chính” cũng đã bao hàm cả “hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc” và “hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện”. Vậy nên, việc quy định bổ sung này không những không làm rõ mà còn gây khó hiểu, phức tạp thêm thuật ngữ “hành vi vi phạm hành chính”. Thiết nghĩ, nên để nguyên cụm từ “hành vi vi phạm hành chính” như trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 là đủ mà không cần bổ sung thêm “hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc” và “hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện”.
Bốn là, việc liệt kê phạm vi thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính của các chủ thể còn chưa đầy đủ. Mặc dù, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định mở rộng thêm phạm vi thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính của Chính phủ nhưng vẫn chưa thực sự đầy đủ. Một số thẩm quyền khác của Chính phủ vẫn chưa được liệt kê ở Điều 4, ví dụ như: Thẩm quyền quy định về tình tiết giảm nhẹ. Đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, điều luật chỉ quy định thẩm quyền của cơ quan này được quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán nhà nước và đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng mà không quy định rõ phạm vi thẩm quyền được quy định về những vấn đề gì. Khi điều luật quy định theo hướng liệt kê phạm vi thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính thì phải quy định cụ thể cho từng chủ thể (các cơ quan nhà nước) mới phù hợp logic. Vì vậy, theo tác giả, điều luật nên được cấu trúc lại theo hướng quy định từng chủ thể có thẩm quyền và phạm vi được quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính của chủ thể cho khoa học, dễ theo dõi và dễ áp dụng.
Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thu-tuc-To-tung/Phap-lenh-xu-ly-cac-hanh-vi-can-tro-hoat-dong-to-tung-cua-Toa-an-414015.aspx.