1. Quy định pháp luật tố tụng dân sự về thời điểm đương sự cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ
Điều 330 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015[1] quy định về bổ sung, xác minh tài liệu, chứng cứ trong giai đoạn giám đốc thẩm, theo đó, thời điểm giao nộp chứng cứ, cũng như việc chấp nhận sử dụng và đánh giá chứng cứ ở thủ tục giám đốc thẩm được xác định như sau:
1.1. Cung cấp tài liệu, chứng cứ của đương sự ở thủ tục giám đốc thẩm
Việc cung cấp tài liệu, chứng cứ của đương sự ở thủ tục giám đốc thẩm xảy ra trong 02 trường hợp sau[2]:
(i) Đối với các tài liệu, chứng cứ mà trước đó chưa được Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm yêu cầu đương sự giao nộp hoặc các tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết thì đương sự có quyền cung cấp trong các giai đoạn tố tụng tiếp theo (bao gồm cả ở thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm và cả giám đốc thẩm).
(ii) Đối với các tài liệu, chứng cứ mà trước đó đã được Tòa án yêu cầu đương sự giao nộp, đương sự có quyền cung cấp nếu chứng minh họ có lý do chính đáng của việc trước đó không thể giao nộp được cho Tòa án.
Qua quy định pháp luật hiện hành cho thấy, các tài liệu, chứng cứ tại điểm (ii) chỉ được phép giao nộp chậm khi có lý do chính đáng, trong khi đối với các tài liệu, chứng cứ tại điểm (i) thì được phép giao nộp chậm trong bất kỳ trường hợp nào. Điều này là chưa hợp lý và không khả thi, chưa phù hợp với xu hướng quốc tế và nguyên tắc tranh tụng tương tự trong tố tụng dân sự, vì đã đẩy việc xác định chứng cứ, cung cấp và giao nộp chứng cứ là sự chủ động, là trách nhiệm của Tòa án mà không phải là của đương sự. Vì vậy, tác giả đề xuất cần hướng dẫn cách hiểu thống nhất như sau:
Thứ nhất, đối với các chứng cứ mà Tòa án chưa yêu cầu giao nộp thì đương sự có thể giao nộp và trình bày tại phiên tòa sơ thẩm, nhưng không cho phép giao nộp ở các giai đoạn tố tụng tiếp theo (phúc thẩm, giám đốc thẩm).
Thứ hai, đối với các chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong giai đoạn tố tụng sơ thẩm thì cho phép giao nộp tại bất kỳ giai đoạn tố tụng tiếp theo nào.
Cách hiểu này là phù hợp với ý chí của nhà lập pháp khi đưa chế định về thời hạn giao nộp chứng cứ nhằm quy trách nhiệm cho các đương sự trong việc phải giao nộp các chứng cứ mà mình biết hoặc buộc phải biết trong một thời hạn nhất định để giải quyết vụ án công khai, minh bạch, đúng đắn và hiệu quả, tránh tình trạng đương sự “ém” chứng cứ và chỉ “tung” ra tại giai đoạn tố tụng mà thấy có lợi cho họ[3].
Ngoài ra, qua tìm hiểu thực tiễn xét xử cho thấy, hiếm có trường hợp nào Tòa án ban hành văn bản ghi rõ (liệt kê) từng loại chứng cứ cụ thể mà đương sự cần phải cung cấp cho Tòa án để làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án. Không thể có một “mẫu số chung” cho yêu cầu Tòa án cần phải nêu đích danh và cụ thể chứng cứ mà đương sự phải giao nộp cho Tòa án để phục vụ việc giải quyết vụ án. Như vậy, Tòa án chỉ có thể yêu cầu chung (nếu có) về việc cung cấp chứng cứ phục vụ cho việc giải quyết vụ án và ấn định việc đương sự phải cung cấp, giao nộp chứng cứ đúng thời gian theo quy định pháp luật. Trong những trường hợp cụ thể xác định được thì Tòa án có thể yêu cầu đương sự phải cung cấp, giao nộp cụ thể một/một số chứng cứ quan trọng và cần thiết, vì đó là những chứng cứ, tài liệu để Tòa án xem xét chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu của đương sự hoặc phản đối yêu cầu của đương sự khác.
1.2. Quyền yêu cầu đương sự bổ sung tài liệu, chứng cứ và việc kiểm tra, xác minh tài liệu, chứng cứ của người có quyền kháng nghị giám đốc thẩm
Như trên đã phân tích, trường hợp này cần được hiểu là người có quyền kháng nghị giám đốc thẩm được quyền yêu cầu đương sự bổ sung chứng cứ để làm sáng tỏ tình tiết, sự kiện, vấn đề pháp lý đã có trước đó trong hồ sơ vụ án mà không thể là chứng cứ mới chưa từng có, chưa từng được xem xét trước đó. Tiếp đến, người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm sẽ chủ động trong việc tiến hành kiểm tra, xác minh tài liệu chứng cứ mà đương sự đã cung cấp hoặc chứng cứ, tài liệu đã có trong hồ sơ vụ án. Quy định này nếu thực hiện triệt để và đầy đủ thì chắc chắn sẽ giúp cho người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm đưa ra căn cứ kháng nghị được chính xác và hợp pháp (Điều 326 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).
Tuy nhiên, thực tế chưa có trường hợp việc kháng nghị của người có quyền kháng nghị giám đốc thẩm dựa trên việc sử dụng một chứng cứ mới được bổ sung chưa từng có trong quá trình giải quyết vụ án trước đó như trong vụ án thực tế dưới đây:
Năm 2015, Công ty B (nguyên đơn) là bên bán đã ký kết với Công ty P (bị đơn) là bên mua trong các hợp đồng mua bán hàng hóa thiết bị, dây chuyền sản xuất gạo cho nhà máy của bị đơn (các hợp đồng mua bán). Các hợp đồng mua bán đều có điều khoản bảo lưu quyền sở hữu. Tuy nhiên, năm 2017, mặc dù, bị đơn chưa thực hiện nghĩa vụ thanh toán hết theo các hợp đồng mua bán nhưng đã đồng thời ký kết hợp đồng thế chấp tài sản (bao gồm trong số tài sản thế chấp còn có tài sản là thiết bị dây chuyền đang được bảo lưu quyền sở hữu của nguyên đơn thông qua các hợp đồng mua bán) với Ngân hàng V (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) nhằm bảo đảm khoản vay của mình (hợp đồng thế chấp). Sự việc thế chấp này chỉ được nguyên đơn phát hiện ra vào năm 2020 và để bảo vệ quyền sở hữu tài sản của mình, ngày 15/5/2020, Công ty B đã khởi kiện Công ty P ra Tòa án nhân dân quận T, thành phố C (Tòa án T) yêu cầu Tòa án tuyên bố vô hiệu một phần hợp đồng thế chấp có liên quan đến tài sản thuộc sở hữu của nguyên đơn. Tòa án nhân dân quận T đã thụ lý vụ án. Trước đó, cũng trong năm 2020, giữa nguyên đơn và bị đơn đã ký một văn bản thỏa thuận chốt công nợ liên quan đến các hợp đồng mua bán giữa hai bên. Theo văn bản thỏa thuận này thì các bên đã đi đến thống nhất ký kết xác nhận Công ty B đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo các hợp đồng và Công ty P đã thanh toán một phần giá trị khoản công nợ theo các hợp đồng mua bán. Số công nợ Công ty P còn nợ theo các hợp đồng mua bán là 55 tỷ đồng (văn bản thỏa thuận).
Trong quá trình Tòa án nhân dân quận T giải quyết vụ án, vì bị đơn tiếp tục vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo văn bản thỏa thuận trên. Do đó, cùng trong vụ án trên, nguyên đơn đã đưa ra yêu cầu khởi kiện bổ sung, đề nghị Tòa án buộc bị đơn thanh toán 55 tỷ đồng là khoản nợ theo văn bản thỏa thuận và thanh toán lãi chậm trả... Tòa án hai cấp sơ thẩm (ngày 05/5/2021) và phúc thẩm (ngày 10/01/2022) đều chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, trong đó đối với yêu cầu khởi kiện bổ sung về đòi nợ và lãi suất. Biết rằng, trong vụ án này, bị đơn đã không kháng cáo bản án sơ thẩm mà người kháng cáo là Ngân hàng V. Nhưng sau đó, Tòa án cấp phúc thẩm vẫn giữ nguyên bản án sơ thẩm, bác kháng cáo của Ngân hàng V.
Trong quá trình thi hành bản án phúc thẩm, ngày 26/6/2023, nguyên đơn đã nhận được Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 146/QĐKNGĐT-VKS-KDTMngày21/6/2023của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao thành phố T (QĐKNGĐT), kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án sơ thẩm số 01/2021/KDTM-ST ngày 05/5/2021 của Tòa án nhân dân quận T và Bản án phúc thẩm số 01/2022/KDTM-PT ngày 10/01/2022 của Tòa án nhân dân thành phố C xét xử vụ tranh chấp nêu trên. QĐKNGĐT đã đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố T hủy cả 02 bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm nói trên và chuyển hồ sơ cho Tòa án nhân dân quận T giải quyết lại theo thủ tục chung. Nội dung và căn cứ đề nghị hủy án của QĐKNGĐT chỉ tập trung đối với yêu cầu khởi kiện bổ sung là đòi nợ của nguyên đơn đối với bị đơn. Do vậy, nội dung phân tích tiếp theo chỉ là luận giải những vấn đề có liên quan đến yêu cầu khởi kiện bổ sung của nguyên đơn đã bị kháng nghị giám đốc thẩm.
Viện kiểm sát nhân dân cấp cao thành phố T trong QĐKNGĐT cho rằng, để giải quyết yêu cầu khởi kiện bổ sung đòi khoản nợ 55 tỷ đồng theo văn bản thỏa thuận được ký bởi ông Huỳnh P - người đại diện theo pháp luật của Công ty P mà không triệu tập Hội đồng quản trị (HĐQT) của Công ty P “là cơ quan quản lý công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty” đã làm cho họ không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền và lợi ích của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật. Từ đó, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao kết luận Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dựa trên Quyết định số 01/QĐ-PH ngày 18/12/2019 của HĐQT của Công ty P (Quyết định số 01/QĐ-PH). Đây là tài liệu, chứng cứ mới được bổ sung mà phía Công ty P đã cung cấp cho Viện kiểm sát nhân dân cấp cao khi thực hiện quyền đề nghị của mình đến người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm (trước đây trong quá trình giải quyết tại Tòa án hai cấp và trong hồ sơ vụ án đều chưa từng xuất hiện chứng cứ, tài liệu này).
Nội dung Quyết định số 01/QĐ-PH ghi nhận ông Huỳnh P là “Giám đốc thuê chỉ được ký chi tiền lương, tiền điện, tiền nước, tiền Internet dưới 10 triệu đồng. Trường hợp điều hành trái quy định này thì phải có Biên bản họp được sự thống nhất 100% của tất cả các thành viên HĐQT trong công ty bằng văn bản, nếu vượt quá số tiền 10.000.000 đồng hoặc thiếu một chữ ký của một thành viên HĐQT đều không có giá trị pháp lý. Trường hợp gây thiệt hại cho công ty thì ông Huỳnh P phải tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật”. Từ đó, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao cho rằng, người đại diện theo pháp luật của Công ty P không có thẩm quyền ký các văn bản, trong đó có văn bản thỏa thuận là cơ sở để nguyên đơn buộc bị đơn thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ 55 tỷ đồng. Đồng thời, việc không đưa HĐQT vào tham gia tố tụng là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty P.
Trước đó, trong quá trình Tòa án các cấp giải quyết, cơ sở để Tòa án hai cấp có thể giải quyết yêu cầu đòi nợ của nguyên đơn chính là văn bản thỏa thuận. Vì vậy, chứng cứ quan trọng đầu tiên phải có chính là văn bản thỏa thuận mà các đương sự đã ký kết. Tiếp đến, muốn kết luận việc bị đơn có phải trả nợ cho nguyên đơn không thì phải chứng minh được văn bản thỏa thuận này là hợp pháp. Đây là vấn đề chính yếu và cốt lõi mà chính các đương sự phải tự mình cung cấp chứng cứ để chứng minh hoặc bác bỏ tính hợp pháp của văn bản này bằng những tài liệu, chứng cứ khác hoặc bằng những lý lẽ, lập luận phản bác tính hợp pháp của văn bản thỏa thuận này (nếu có).
Do đó, nếu có/hoặc biết có tài liệu này thì bị đơn không thể không cung cấp cho Tòa án nhằm phản đối yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Ngoài ra, trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án hai cấp, chính bị đơn cũng chưa từng thể hiện ý kiến phản đối nào về tính hợp pháp của văn bản thỏa thuận (thể hiện trong hồ sơ vụ án) và cũng không hợp lý để lý giải cho việc bị đơn đã không nộp tài liệu này dù biết có sự hiện diện, vì nó đã tồn tại từ năm 2019 mà trước đó, lần lượt các thành viên HĐQT đều đã biết và không phản đối với việc ký kết này.
1.3. Người có quyền kháng nghị giám đốc thẩm chưa thực hiện hiệu quả việc kiểm tra, xác minh tài liệu, chứng cứ do bị đơn cung cấp
Thứ nhất, nếu Viện kiểm sát nhân dân cấp cao kiểm tra, xác minh tài liệu Quyết định số 01/QĐ-PH chưa bao giờ được Công ty P xuất trình hay đề cập trong suốt quá trình giải quyết vụ án. Công ty P cũng chưa bao giờ nêu vấn đề về việc ông Huỳnh P không có thẩm quyền ký văn bản thỏa thuận giải quyết công nợ cho đến khi Công ty P muốn tìm cách xem xét lại bản án đã có hiệu lực của Tòa án thông qua thủ tục giám đốc thẩm, dù trước đó bị đơn đã không phản đối đối với bản án sơ thẩm và đã không có kháng cáo. Quyết định số 01/QĐ-PH không có trong hồ sơ vụ án qua cả hai cấp xét xử của Tòa án và cũng không có thông tin kiểm chứng là có thật.
Thứ hai, nếu kiểm tra, xác minh trong hồ sơ vụ án, người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm hoàn toàn có thể biết thành viên của HĐQT đều đã biết về văn bản thỏa thuận nhưng chưa có bất kỳ cá nhân có thẩm quyền đại diện của Công ty P cung cấp Quyết định số 01/QĐ-PH hay có lập luận trước Tòa án các cấp rằng, ông Huỳnh P không có thẩm quyền đại diện cho bị đơn ký kết văn bản thỏa thuận với nguyên đơn.
Kể cả trong trường hợp nếu Quyết định số 01/QĐ-PH là có thật thì Công ty P đã có lỗi dẫn đến việc nguyên đơn không thể biết được ông Huỳnh P không có thẩm quyền đại diện Công ty P ký kết văn bản thỏa thuận khi hai người quản lý cao nhất của Công ty P là bà Bích T - cổ đông chiếm 80% vốn kiêm Chủ tịch HĐQT và ông Huỳnh P - Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật (với tư cách cổ đông chiếm 1% ) đều đã biết nhưng không thông báo cho nguyên đơn vào thời điểm ký kết văn bản thỏa thuận.
Do đó, khi đọc hồ sơ vụ án để kiểm tra, xác minh và quyết định việc có sử dụng Quyết định số 01/QĐ-PH làm căn cứ để kháng nghị hay không, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao hoàn toàn có thể biết với 2/3 cổ đông nắm giữ đến 81% cổ phần như bà Bích T và ông Huỳnh P đã biết và chấp nhận văn bản thỏa thuận thì ngay cả trường hợp không có sự đồng ý hoặc chấp nhận của các thành viên còn lại của HĐQT thì văn bản thỏa thuận nêu trên vẫn có giá trị pháp lý ràng buộc khi được người đại diện ở cấp cao nhất là Đại hội đồng cổ đông của Công ty P đã biết và đồng ý với nội dung của thỏa thuận đó. Văn bản thỏa thuận do ông Huỳnh P ký nếu không có thẩm quyền đại diện thì vẫn có giá trị ràng buộc đối với Công ty P theo Điều 142 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Thứ ba, nếu đã qua kiểm tra, xác minh trong hồ sơ vụ án cũng như căn cứ quy định pháp luật[4], người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm hoàn toàn có cơ sở để bác đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm của bị đơn, bởi lẽ: (i) HĐQT đã biết về văn bản thỏa thuận hoặc (ii) HĐQT biết được việc ông Huỳnh P là đại diện theo pháp luật cho Công ty P ký kết văn bản thỏa thuận mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý thì giao dịch này có hiệu lực pháp luật và/hoặc (iii) HĐQT có lỗi dẫn đến việc nguyên đơn không thể biết được ông Huỳnh P không có quyền đại diện Công ty P để ký kết văn bản thỏa thuận với nguyên đơn, khi đó, thỏa thuận này vẫn có giá trị pháp lý và làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với Công ty P, văn bản thỏa thuận vẫn có giá trị pháp lý và làm phát sinh quyền, nghĩa vụ với Công ty P.
2. Một số kiến nghị
Qua vụ việc thực tế trên cho thấy, việc vận dụng và chấp nhận cho đương sự cung cấp, giao nộp bất kỳ chứng cứ nào đều có thể được chấp nhận ở các giai đoạn tố tụng, đặc biệt là ở giai đoạn giám đốc thẩm là chưa hợp lý nên cần có quy định chấn chỉnh, hướng dẫn. Người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm cần cẩn trọng thực hiện kiểm tra, xác minh tài liệu, chứng cứ mới cùng với toàn bộ hồ sơ vụ án trước khi có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Vì nếu không chấm dứt bất cập như trong vụ án thực tế minh họa thì điều này ảnh hưởng nghiêm trọng và một lần nữa đã làm “triệt tiêu” mục đích và nội dung của chế định thời hạn giao nộp chứng cứ của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015[5].
Do đó, tác giả kiến nghị, cần sớm ban hành nghị quyết hướng dẫn có liên quan đến thời điểm giao nộp chứng cứ, đặc biệt là việc giao nộp chứng cứ mới ở thủ tục xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật (giám đốc thẩm) vì làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các đương sự khác trong vụ án, trong đó có cả việc đang thi hành bản án có hiệu lực và đúng pháp luật của Tòa án. Quy định hướng dẫn hay sửa đổi, bổ sung mới phải theo hướng giải quyết tận gốc và quán triệt trách nhiệm cung cấp, giao nộp chứng cứ là trách nhiệm của đương sự và thời điểm giao nộp, cung cấp tài liệu, chứng cứ phải được quy định đồng thời và được hỗ trợ bởi quy định pháp luật hoàn thiện về nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự. Tòa án sẽ không tham gia vào quá trình xác định sự thật khách quan mà chỉ giải quyết vấn đề pháp lý dựa trên sự thật khách quan được thể hiện bởi lập luận, chứng cứ của các đương sự trong quá trình thẩm vấn chéo và trong chính phiên họp giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ[6]./.
TS. Đặng Thanh Hoa
Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
[1]. Điều 330 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “1. Đương sự có quyền cung cấp tài liệu, chứng cứ cho người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu tài liệu, chứng cứ đó chưa được Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm yêu cầu đương sự giao nộp hoặc đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không giao nộp được vì có lý do chính đáng hoặc tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án. 2. Trong quá trình giải quyết đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm có quyền yêu cầu người có đơn bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc tự mình kiểm tra, xác minh tài liệu, chứng cứ cần thiết”.
[2]. Xem: Khoản 1 Điều 96 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[3]. Trần Thị Huyền Vân, “Giao nộp tài liệu, chứng cứ và việc hủy án sơ thẩm liên quan đến thu thập chứng cứ”, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 10/2021.
[4]. Xem: Khoản 1 Điều 142 Bộ luật Dân sự năm 2015 về hậu quả của giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện.
[5]. Trần Thị Huyền Vân, tlđd.
[6]. Có thể tham khảo thêm kinh nghiệm của Nhật Bản về nội dung tương tự này. Trong trường hợp các bên có thỏa thuận thời gian giải quyết vụ việc dân sự thì thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc dân sự sẽ ấn định thời hạn cụ thể để giao nộp tài liệu, chứng cứ sau khi lắng nghe ý kiến của các bên đương sự (khoản 2 Điều 156 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015). Ngoài ra, nếu việc giao nộp tài liệu, chứng cứ không được thực hiện sau thời gian ấn định mà không có lý do chính đáng thì Tòa án sẽ bác bỏ tài liệu, chứng cứ đó (Điều 157 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 404), tháng 5/2024)