Luật sư trả lời:
Tạp chí Dân chủ và Pháp luật nhận được câu hỏi của quý bạn đọc và đã chuyển đến luật sư nghiên cứu, tư vấn. Trên cơ sở thông tin bạn cung cấp, Luật sư trả lời quý bạn đọc như sau:
Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp không quy định về việc chuyển chi nhánh công ty thành một công ty độc lập mà chỉ quy định trường hợp tách doanh nghiệp ban đầu thành doanh nghiệp mới độc lập cùng loại mà không chấm dứt tồn tại của công ty bị tách. Như vậy, trường hợp muốn đăng ký chi nhánh thành một công ty độc lập thì chi nhánh phải chuyển toàn bộ tài sản, nghĩa vụ tài chính về cho công ty ban đầu. Sau đó, thông qua nghị quyết tách công ty (tách phần tài sản, nghĩa vụ từ chi nhánh chuyển về) để thành lập công ty mới.
Sau đây là một số vấn đề liên quan đến việc thành lập Công ty dịch vụ bảo vệ:
1. Công ty dịch vụ bảo vệ là loại hình kinh doanh có điều kiện căn cứ theo quy định tại Phụ lục IV Luật Đầu tư năm 2020, được bổ sung bởi khoản 5 Điều 3 Luật sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự năm 2022 quy định về danh mục các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện bao gồm 229 ngành, nghề như sau: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Nghi-dinh-96-2016-ND-CP-hoat-dong-kinh-doanh-nganh-nghe-dau-tu-kinh-doanh-dieu-kien-an-ninh-trat-tu-315469.aspx.
2. Điều kiện, trình tự thủ tục thành lâp Công ty dịch vụ bảo vệ: Theo Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, thì điều kiện kinh doanh dịch vụ bảo vệ bao gồm: (i) Đơn vị kinh doanh dịch vụ bảo vệ phải là doanh nghiệp; (ii) Người phải chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ phải là người có bằng cấp ít nhất từ cao đẳng. Bên cạnh đó, người này cũng không phải là người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ đã bị thu hồi Giấy chứng nhận không thời hạn liền kề trong 24 tháng trước đó (trừ quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định này); (iii) Cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ của Việt Nam có thể liên doanh với cơ sở kinh doanh của nước ngoài khi cần đầu tư về máy móc, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho công tác bảo vệ. Hình thức hợp tác kinh doanh là góp vốn mua máy móc, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ.
3. Quy trình thủ tục thành lập công ty bảo vệ
- Giai đoạn 1: Chuẩn bị thông tin và giấy tờ cần thiết
Khi lập công ty bảo vệ, các bạn cần phải chuẩn bị các thông tin cần thiết để tiến hành lập hồ sơ, cụ thể: (i) Các thông tin bao gồm: Loại hình doanh nghiệp, tên công ty, địa chỉ đặt trụ sở chính, ngành nghề kinh doanh, vốn điều lệ công ty và chức danh của người đại diện pháp luật của công ty. Đây là các thông tin chung mà bất cứ doanh nghiệp nào khi thành lập cũng đều phải chuẩn bị. (ii) Ngoài ra cần chuẩn bị giấy tờ sau: Chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc passport của các thành viên góp vốn vào công ty; bản sao bằng cấp cao đẳng, đại học của người quản lý hoặc giám đốc.
- Giai đoạn 2: Soạn thảo và nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp
Hồ sơ đăng ký Công ty dịch vụ bảo vệ gồm: (i) Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh dịch vụ bảo vệ; (ii) Điều lệ Công ty dịch vụ bảo vệ; (iii) Danh sách thành viên nếu mở công ty trách nhiệm hữu hạn 02 thành viên trở lên. Nếu công ty cổ phần phải có danh sách của cổ đông; (iv) Bản sao căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn và hợp lệ của các thành viên tham gia góp vốn.
Nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
- Giai đoạn 3: Làm con dấu pháp nhân
Để làm con dấu pháp nhân thì doanh nghiệp phải thực hiện 02 quy trình là khắc dấu và đăng bố cáo trên Cổng thông tin quốc gia. Thủ tục sử dụng con dấu pháp nhân bao gồm: (i) Bản chụp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; (ii) Thông báo về việc sử dụng mẫu dấu đến sở kế hoạch đầu tư thông qua trang điện tử cổng thông tin quốc gia.
- Giai đoạn 4: Thủ tục sau khi đăng ký công ty
Sau khi nhận được Giấy phép đăng ký kinh doanh thì các doanh nghiệp phải thực hiện các công việc sau: (i) Đăng ký kê khai thuế; (ii) Đăng bố cáo thành lập; (iii) Nộp tờ khai và nộp lệ phí môn bài; (iv) Làm thủ tục sử dụng hóa đơn điện tử.
- Giai đoạn 5: Xin Văn bản nghiệm thu hoặc Biên bản kiểm tra phòng cháy, chữa cháy.
- Giai đoạn 6: Xin giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.
Đây là một loại giấy phép kinh doanh dịch vụ bảo vệ bắt buộc mà khi kinh doanh bảo vệ phải có.
Trên đây là toàn bộ điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập Công ty dịch vụ bảo vệ mà Luật sư tư vấn cho bạn.
Công ty Luật Hưng Nguyên