1. Quá trình hình thành các quy định pháp luật về quản lý nhà nước đối với công tác bồi thường nhà nước
1.1. Quy định theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009
Để triển khai thi hành các quy định quản lý nhà nước về công tác bồi thường, ngày 03/3/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Nghị định số 16/2010/NĐ-CP). Đồng thời, Bộ Tư pháp đã phối hợp với TANDTC, VKSNDTC, các bộ, ngành xây dựng ban hành các thông tư, thông tư liên tịch hướng dẫn hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường[1].
Trên cơ sở các quy định về quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp đã tích cực, chủ động trong tham mưu, phối hợp với TANDTC, VKSNDTC, các bộ, ngành và các địa phương, hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, tổ chức bộ máy và biên chế làm công tác bồi thường nhà nước tại Bộ Tư pháp, TANDTC, VKSNDTC, các bộ, ngành, địa phương đã được hình thành và bố trí biên chế hợp lý để thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quản lý nhà nước về công tác bồi thường theo quy định của Luật năm 2009 đã bộc lộ một số hạn chế cơ bản như: Công tác bồi thường được giao cho nhiều cơ quan thực hiện, dẫn đến tình trạng công tác quản lý nhà nước về công tác bồi thường không tập trung, dẫn đến công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật không đồng bộ; công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện không thường xuyên, kém hiệu quả, còn tình trạng đùn đẩy giữa các cơ quan trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước[2]. Nguyên nhân của những hạn chế này là do bất cập trong quy định của Luật năm 2009 về quản lý nhà nước về công tác bồi thường; tổ chức bộ máy, biên chế để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường còn gặp khó khăn do chưa bố trí công chức chuyên trách thực hiện công tác bồi thường nhà nước[3].
1.2. Quy định theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017
Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước của Luật năm 2009, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 (Luật năm 2017) đã dành một chương (Chương VIII) quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước, trong đó, sửa đổi toàn diện các quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước, cụ thể:
- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án trên phạm vi cả nước. Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ này; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án tại địa phương.
- Bổ sung một số nhiệm vụ cho cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước (ban hành biểu mẫu, sổ sách về công tác bồi thường nhà nước; kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có nội dung giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật...).
Đồng thời, Luật năm 2017 đã quy định cụ thể trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Tư pháp và của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước[4]. Bên cạnh đó, trách nhiệm của TANDTC, VKSNDTC và của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cũng được Luật quy định cụ thể[5].
2. Kết quả tổ chức thi hành các quy định về quản lý nhà nước đối với công tác bồi thường nhà nước
Để thực hiện hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước, Cục Bồi thường nhà nước đã chủ động, tích cực trong tham mưu cho Lãnh đạo Bộ, phối hợp với các cơ quan liên quan trong và ngoài Bộ để triển khai chức năng, nhiệm vụ được giao. Qua 10 năm thực hiện, hoạt động quản lý nhà nước tại Bộ, Ngành Tư pháp, TANDTC, VKSNDTC, các bộ, ngành và các địa phương đã đạt được những kết quả đáng kể, góp phần triển khai có hiệu quả công tác bồi thường nhà nước trên phạm vi toàn quốc, từng bước đưa Luật đi vào cuộc sống, cụ thể như sau:
2.1. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Trong 10 năm, Cục Bồi thường nhà nước xây dựng và phát hành 18 ấn phẩm[6] với số lượng phát hành 40.477 cuốn để cấp phát cho các đối tượng là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong bộ máy nhà nước, công chức được giao thực hiện công tác bồi thường nhà nước, công tác giải quyết bồi thường nhà nước, các cá nhân, tổ chức để phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; 04 số chuyên sâu về nghiệp vụ quản lý nhà nước và giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước, với gần 10.000 cuốn; in và phát hành 260.462 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; tổ chức 03 tọa đàm pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trên truyền hình. Cục cũng đã xây dựng video tuyên truyền về quyền yêu cầu bồi thường cho đồng bào dân tộc thiểu số với tiêu đề “Làm gì khi bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra”.
Ngoài ra, chuyên trang về bồi thường nhà nước trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp thường xuyên cập nhật các hoạt động, tin bài liên quan đến công tác bồi thường, phục vụ tốt nhất nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu và trao đổi những vấn đề về pháp luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
2.2. Công tác bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ
Từ năm 2011 đến nay, Cục Bồi thường nhà nước đã tổ chức 162 hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn công tác bồi thường nhà nước[7] cho đại diện lãnh đạo và công chức thực hiện công tác bồi thường nhà nước của TANDTC, VKSNDTC, các bộ, ngành, Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Cục Thi hành án dân sự, các sở, ban, ngành chuyên môn khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và công chức thực hiện công tác bồi thường nhà nước tại một số sở, ngành. Ngoài ra, Cục đã phối hợp cử trên 60 lượt báo cáo viên tại hội nghị do các bộ, ngành, địa phương tổ chức.
2.3. Phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước
Trong 10 năm qua, Cục Bồi thường nhà nước đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn trong và ngoài Bộ Tư pháp để tổ chức các hội nghị triển khai công tác phối hợp; hội nghị đánh giá kết quả thực hiện công tác bồi thường nhà nước và giải pháp thực hiện công tác phối hợp; tổ chức các cuộc họp liên ngành thống nhất quan điểm đối với các vụ việc phức tạp và tham gia các cuộc họp chuyên môn liên quan đến công tác bồi thường nhà nước do các bộ, ngành tổ chức[8].
2.4. Thực hiện quản lý chuyên ngành về bồi thường nhà nước
- Công tác hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường, giải đáp vướng mắc pháp luật, cung cấp thông tin hỗ trợ thực hiện quyền yêu cầu bồi thường: Từ năm 2011 đến nay, Cục Bồi thường nhà nước đã ban hành trên 700 văn bản hướng dẫn, giải đáp vướng mắc pháp luật, hỗ trợ thực hiện quyền yêu cầu bồi thường[9].
- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác bồi thường nhà nước: Từ năm 2011 đến nay, Cục đã thực hiện theo dõi hoạt động giải quyết bồi thường, chi trả tiền bồi thường và thực hiện trách nhiệm hoàn trả trên phạm vi cả nước với 65 lượt địa phương. Đồng thời tổ chức 97 Đoàn kiểm tra công tác bồi thường nhà nước tại các bộ, ngành và địa phương[10]. Qua công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, cơ quan quản lý đã nắm bắt được khá toàn diện tình hình yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường tại các địa phương được kiểm tra; làm rõ được thực chất tình hình yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường, phát hiện những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình giải quyết bồi thường làm căn cứ đề xuất biện pháp giải quyết phù hợp, đúng pháp luật, góp phần hạn chế những sai sót trong quá trình giải quyết bồi thường.
2.5. Kết quả giải quyết yêu cầu bồi thường
Từ ngày 01/01/2010 đến ngày 31/12/2020, cả nước đã thụ lý tổng số 478 vụ việc, trong đó, đã giải quyết xong 421 vụ việc, đạt 88%, với tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường được xác định trong các quyết định giải quyết bồi thường, bản án, quyết định của Tòa án giải quyết các vụ án dân sự về bồi thường nhà nước có hiệu lực pháp luật là 225.386.506.000 đồng. Việc xem xét trách nhiệm hoàn trả đã thực hiện đối với 52 vụ việc, với tổng số tiền là 2.071.928.000 đồng, cụ thể:
- Kết quả giải quyết bồi thường nhà nước theo Luật năm 2009: Đã thụ lý tổng số 403 vụ việc, đã giải quyết xong 379 vụ việc, với tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường là 199.131.138.000 đồng. Việc xem xét trách nhiệm hoàn trả đã thực hiện đối với 42 vụ việc, với tổng số tiền là 1.066.560.000 đồng.
- Kết quả giải quyết bồi thường nhà nước theo Luật năm 2017: Đã thụ lý tổng số 75 vụ việc, đã giải quyết xong 42 vụ việc với tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường là 26.255.368.000 đồng, xem xét trách nhiệm hoàn trả đã thực hiện đối với 10 vụ việc, với tổng số tiền là 1.005.368.000 đồng.
Sau 10 năm tổ chức thi hành, kết quả công tác bồi thường nhà nước đã: (i) Tiếp tục khẳng định trách nhiệm của Nhà nước trong bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của xã hội nói chung và của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại nói riêng; (ii) Nâng cao ý thức trách nhiệm công vụ của đội ngũ công chức các cơ quan nhà nước; (iii) Tạo sự chuyển biến đáng kể về nhận thức của các cơ quan nhà nước đối với công tác bồi thường nhà nước, theo đó, thay vì coi công tác bồi thường nhà nước chỉ mang tính sự vụ (thực hiện khi có phát sinh vụ việc) thì nay đã xác định mục tiêu tổ chức thực hiện tốt công tác bồi thường nhà nước để phòng ngừa phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là chính[11].
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước trong thời gian tới
Trên cơ sở những kết quả đạt được trong tổ chức triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nói chung và trong hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước nói riêng, thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước trên phạm vi toàn quốc, với vai trò là cơ quan tham mưu cho Bộ, Ngành Tư pháp, cho Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
Thứ nhất, thường xuyên rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành, nhất là đối với văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để đề xuất, kiến nghị việc xây dựng trình thông qua hoặc ban hành những văn bản quy phạm pháp luật này bảo đảm đồng bộ, thống nhất với nội dung của Luật năm 2017 nhằm nâng cao tính khả thi trong quá trình tổ chức thực hiện.
Thứ hai, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật đến các đối tượng cá nhân, tổ chức nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức pháp luật của các đối tượng này về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, đặc biệt là đội ngũ công chức, thực hiện các biện pháp phòng ngừa sai phạm trong thi hành công vụ.
Thứ ba, triển khai đồng bộ, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước đáp ứng yêu cầu thống nhất quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước, trong đó tập trung tăng cường công tác theo dõi, nắm bắt, dự báo tình hình công tác bồi thường nhà nước nói chung và tình hình yêu cầu bồi thường, giải quyết bồi thường nói riêng. Chú trọng thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường, kiểm tra, kiểm tra liên ngành đối với một số bộ, ngành, địa phương có phát sinh nhiều vụ việc yêu cầu bồi thường và có vụ việc phức tạp, kéo dài, bảo đảm việc yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường được thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
Thứ tư, tăng cường phối hợp với TANDTC, VKSNDTC, các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước, trong đó chú trọng phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan giải quyết bồi thường trong cả ba lĩnh vực thực hiện nghiêm các quy định của Luật trong hoạt động giải quyết bồi thường; tập trung chỉ đạo giải quyết các vụ việc tồn đọng, kéo dài đã thụ lý theo quy định của Luật năm 2009, giải quyết kịp thời các vụ việc thụ lý theo quy định của Luật năm 2017; phối hợp với TANDTC xây dựng văn bản hướng dẫn giải quyết bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại Tòa án.
Thứ năm, với mục tiêu tiếp tục hoàn thiện một bước các giải pháp trong tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước, Cục Bồi thường nhà nước tham mưu cho Bộ Tư pháp phối hợp với TANDTC, VKSNDTC, các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện sơ kết 03 năm thi hành Luật năm 2017 để đánh giá đúng thực chất hoạt động triển khai thi hành, phát hiện những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện để có giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức thi hành, chất lượng đội ngũ công chức tham mưu công tác bồi thường nhà nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Thứ sáu, tiếp tục phát huy vai trò quản lý chuyên ngành của Cục Bồi thường nhà nước và các Sở Tư pháp. Cục cần chủ động hướng về cơ sở để triển khai các hoạt động nghiệp vụ quản lý về bồi thường nhà nước tại các địa phương, cùng với địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và từng bước đưa công tác này đi vào nền nếp. Các Sở Tư pháp cũng cần chủ động phát hiện các khó khăn, vướng mắc; đề xuất, kiến nghị các giải pháp thực hiện và phối hợp với Cục thực hiện các nhiệm vụ quản lý bồi thường nhà nước để đáp ứng yêu cầu triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong phạm vi địa phương cũng như trên toàn quốc.
Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước
[1]. Thông tư liên tịch số 22/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT ngày 21/11/2014 giữa Bộ trưởng Bộ Tư pháp với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng; Thông tư số 03/2013/TT-BTP ngày 31/01/2013 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính; Thông tư số 13/2015/TT-BTP ngày 29/9/2015 của Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2013/TT-BTP ngày 31/01/2013 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính...
[2]. Báo cáo số 181/BC-BTP ngày 15/7/2016 của Bộ Tư pháp tổng kết 06 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009.
[3]. Đến thời điểm năm 2016, đội ngũ công chức đảm nhiệm công tác bồi thường có 808 công chức kiêm nhiệm trên tổng số 846 công chức được giao làm công tác bồi thường nhà nước, chỉ có 38 công chức chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này, trong đó bao gồm 27 công chức, viên chức thuộc Cục Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp.
[4]. Điều 73 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017.
[5]. Điều 74, Điều 75 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017.
[6]. Sách chỉ dẫn áp dụng pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Sổ tay nghiệp vụ giải quyết bồi thường; Cẩm nang hướng dẫn nghiệp vụ quản lý nhà nước; Bộ tình huống giải quyết bồi thường…
[7]. Gồm 64 hội nghị, hội thảo triển khai Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; 21 tọa đàm giải đáp vướng mắc pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, đánh giá hiệu quả thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; 77 hội nghị tập huấn bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước theo quy định của Luật năm 2009 và Luật năm 2017.
[8]. Đã tổ chức 54 hội nghị triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, tọa đàm đánh giá công tác bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án.
[9]. Trong đó: 251 văn bản hướng dẫn cơ quan, tổ chức có yêu cầu hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường; 133 văn bản hướng dẫn cơ quan, tổ chức có yêu cầu hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường; 317 văn bản hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường.
[10]. Gồm 23 đoàn kiểm tra liên ngành; 60 đoàn kiểm tra định kỳ và 14 đoàn kiểm tra đột xuất công tác bồi thường nhà nước.
[11]. Báo cáo số 26/BC-BTP ngày 08/02/2021 của Bộ Tư pháp về công tác bồi thường nhà nước năm 2020.