Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Anh Đức, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật cho biết, bảo đảm gắn kết xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật là một trong những nội dung được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã xác định, “đổi mới cơ chế thi hành pháp luật, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả”. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ cũng nêu rõ: “Công tác xây dựng pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp; tăng cường gắn kết việc xây dựng pháp luật với hiệu quả thi hành pháp luật”. Vì vậy, Hội thảo được tổ chức với mục tiêu trao đổi, thảo luận nhằm sửa đổi, bổ sung một số nội dung của dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) để thể hiện rõ việc gắn kết giữa xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật. Theo Vụ trưởng, Hội thảo cần tập trung trao đổi, thảo luận đối với 02 nội dung như sau: (i) đánh giá và đề xuất giải pháp để bảo đảm gắn kết giữa xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, trong đó tập trung đề xuất những giải pháp cụ thể hóa các quy định về nội dung trong dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); (ii) kiến nghị, đề xuất sửa đổi cụ thể các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm
Chất lượng của các quy định pháp luật là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định đến hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Quá trình hiện thực hóa các quy định của pháp luật vào cuộc sống cho thấy, pháp luật trên một số lĩnh vực còn thiếu tính ổn định, tính dự báo chưa cao; chưa kịp thời điều chỉnh một số vấn đề mới phát sinh làm ảnh hưởng đến công tác tổ chức thi hành pháp luật; vẫn còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, chưa bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật hoặc quy định không rõ ràng, cụ thể, gây khó khăn cho công tác thi hành pháp luật; vẫn còn tình trạng “nợ” ban hành văn bản quy định chi tiết, không bảo đảm hiệu lực thi hành đồng thời với luật…
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Minh Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật cho rằng, để bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật cần:
Thứ nhất, tổ chức tổng kết, đánh giá một cách sâu sắc, toàn diện thực trạng xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Thứ hai, chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong nhiều bài viết, phát biểu gần đây. Xây dựng và hoàn thiện pháp luật phải bám sát thực tiễn để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp; lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, chủ thể, bảo đảm tính ổn định, tính dự báo cao của hệ thống pháp luật.
Thứ ba, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác rà soát văn bản, khẩn trương, kịp thời xử lý các văn bản quy phạm pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, chưa bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật hoặc quy định không rõ ràng, cụ thể…
Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình, ban hành các văn bản quy định chi tiết, khắc phục tình trạng “nợ” văn bản quy định chi tiết, đồng thời, kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết có hiệu lực thi hành trong thời gian tới bảo đảm chất lượng, có hiệu lực thi hành cùng với hiệu lực của luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện một số quy định về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật trong dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật; khắc phục tình trạng các quy định về theo dõi, tổ chức thi hành pháp luật tản mạn, chưa điều chỉnh được đầy đủ, toàn diện các mặt.
Cần cải tiến quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương bảo đảm tính linh hoạt và phù hợp hơn với thực tiễn
Trao đổi tại Hội thảo, một số đại biểu cho rằng, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2020 đã cụ thể hóa một trong những nguyên tắc của kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật tại Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật là bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật. Vì vậy, cần phải nghiên cứu bổ sung các nguyên tắc còn lại vào dự thảo Luật, cụ thể:
Thứ nhất, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, chặt chẽ, toàn diện của Đảng trong kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.
Thứ hai, chủ động phòng ngừa là chính trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.
Thứ ba, đề cao trách nhiệm và bảo vệ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Trong quá trình nghiên cứu, thể chế hóa những nội dung này, cần lưu ý một số nội dung như cần đặt quy định trong tổng thể hệ thống quy định về chính quyền địa phương, đặc biệt là Luật Tổ chức chính quyền địa phương; cần bao quát toàn bộ hoạt động xây dựng pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân…
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về các quy định của pháp luật trong xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật; mối quan hệ gắn kết giữa xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật; khó khăn, vướng mắc và giải pháp bảo đảm trong việc gắn kết giữa xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật…
Ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo có ý nghĩa quan trọng, góp phần hoàn thiện các quy định của pháp luật, nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành pháp luật; là cơ sở cho cơ quan chủ trì tham khảo, nghiên cứu, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện các quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn./.
Thùy Dung