Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996, sau đó được thay thế bởi Luật Tố tụng hành chính năm 2010, nay là Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án (Nghị định số 71/2016/NĐ-CP) đã có những quy định về thẩm quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính (THAHC) và trách nhiệm đôn đốc, theo dõi việc THAHC của các cơ quan thi hành án dân sự (THADS). Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về THAHC, Bộ Tư pháp có nhiệm vụ giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác THAHC trên phạm vi cả nước. Tổng cục THADS và các cơ quan THADS địa phương là cơ quan giúp Bộ Tư pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về THAHC và có trách nhiệm theo dõi THAHC. Công tác theo dõi THAHC là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là một “kênh” để Bộ Tư pháp, Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về THAHC và không tách rời với quá trình tổ chức thi hành một bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính. Những năm qua, về cơ bản, công tác theo dõi THAHC của các cơ quan THADS từng bước đi vào nền nếp, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về THAHC. Bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, mà một trong những nguyên nhân là do công tác theo dõi THAHC là công việc khó, phức tạp, có tính chất nhạy cảm nên kỹ năng, nghiệp vụ theo dõi THAHC của một bộ phận Chấp hành viên cũng như lãnh đạo cơ quan THADS chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Theo dõi THAHC được hiểu là việc cơ quan THADS chủ động nắm thông tin và cập nhật về tình hình thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, trên cơ sở đó, đề nghị người phải thi hành án chấp hành nghiêm bản án, quyết định đã có hiệu lực thi hành, đồng thời, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có giải pháp bảo đảm thực thi bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính trên thực tế. Quy định của pháp luật về theo dõi thi hành án hành chính; một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác này và một số lưu ý về nhiệm vụ, giải pháp và yêu cầu đặt ra đối với Hệ thống Thi hành án dân sự trong công tác theo dõi thi hành án hành chính trong thời gian tới là những nội dung chính mà tác giả Nguyễn Thị Kim Quy đề cập tới trong bài viết “Theo dõi thi hành án hành chính và yêu cầu đặt ra đối với hệ thống thi hành án dân sự”.
Bài viết này được đăng tải trên ấn phẩm 200 trang “Công tác thi hành án hành chính” của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật năm 2021.