“Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là các thủ tục hành chính liên quan đến tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, sinh hoạt của nhân dân” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong bối cảnh đó, nhằm thực hiện Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn 2030, ngày 08/01/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 19/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến” (Quyết định số 19/QĐ-TTg). Mục tiêu của Đề án thí điểm nhằm xây dựng phương thức mới trong việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cấp phiếu lý lịch tư pháp, qua đó, tạo điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức có thêm lựa chọn khi có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp. Trên cơ sở triển khai thí điểm, có thể nhân rộng tại các địa phương, đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung trình tự, thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp theo hướng đơn giản, thuận tiện hơn cho cá nhân, cơ quan, tổ chức.
ThS. Đỗ Thúy Lan đã có bài viết nghiên cứu, trao đổi về việc: “Thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến” đăng trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật với những nội dung chính sau: (1) Tạo phương thức mới trong việc nhận hồ sơ yêu cầu, trả kết quả cấp phiếu lý lịch tư pháp; (2) Công khai, minh bạch trong thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp; (3) Triển khai thực hiện thí điểm tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và một số Sở Tư pháp.
Để hiểu hơn những nội dung mà tác giả đã đề cập, độc giả có thể tìm đọc trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Số chuyên đề “Lý lịch tư pháp” tháng 8/2015.
Vũ Hải Việt