Theo thống kê của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lào Cai, trong thời gian hơn 05 năm (kể từ ngày Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực thi hành đến nay) trên địa bàn tỉnh Lào Cai, có 53 việc theo dõi thi hành án hành chính, trong đó có 18 việc theo dõi thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, đã thi hành xong 46 việc, đạt tỷ lệ 87%. Toàn tỉnh hiện còn 07 bản án hành chính chưa được thi hành xong mặc dù đã hết thời hạn tự nguyện và trong một số vụ việc cụ thể, Tòa án đã phải ra quyết định buộc thi hành án hành chính. Có thể thấy, công tác chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trên địa bàn tỉnh Lào Cai thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, từng bước đi vào nề nếp. Các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính cơ bản được tự nguyện thi hành… Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác thi hành chính trên địa bàn tỉnh Lào Cai vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định.
Công tác thi hành án hành chính là hoạt động quan trọng của Nhà nước, có vai trò hiện thực hóa các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính nhằm bảo đảm, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, công dân cũng như lợi ích của Nhà nước; góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước và pháp chế xã hội chủ nghĩa. Theo quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án (Nghị định số 71/2016/NĐ-CP), Bộ Tư pháp là cơ quan chịu trách nhiệm tham mưu giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính trong phạm vi cả nước; hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự được giao trách nhiệm theo dõi thi hành án hành chính. Thực tiễn thi hành pháp luật về thi hành án hành chính thời gian qua cho thấy, công tác thi hành án hành chính đã được triển khai, tuy nhiên vẫn còn tình trạng nhiều bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính chưa được thi hành nghiêm túc. Nguyên nhân chính là do tính chất phức tạp của công tác thi hành án hành chính; nhận thức về công tác thi hành án hành chính của các cấp, các ngành còn hạn chế; tại một số địa phương, các cấp chính quyền chưa thực sự quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác này.
1. Thực trạng công tác thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của công tác thi hành án hành chính, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan kịp thời quán triệt triển khai Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP đến toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh; tổ chức thi hành triệt để các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính thuộc trách nhiệm, thẩm quyền; phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong việc theo dõi thi hành án hành chính; giao Cục Thi hành án dân sự chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị tổng hợp tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Tư pháp về công tác thi hành án hành chính theo quy định.
Nhìn chung, công tác chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trên địa bàn tỉnh Lào Cai thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, từng bước đi vào nề nếp. Các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính cơ bản được tự nguyện thi hành. Ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước được nâng lên. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đã nhận thức đúng đắn và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, đặc biệt là trong quá trình giải quyết vụ án hành chính của Tòa án. Việc tham gia quá trình tố tụng, tham gia phiên tòa từ cấp sơ thẩm đến cấp phúc thẩm được các cơ quan, đơn vị có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện coi trọng và chấp hành nghiêm túc trong việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ, tham gia phiên đối thoại, phiên xét xử đảm bảo đúng quy định của pháp luật... Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh Lào Cai vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định như: Vẫn còn tình trạng chưa chấp hành nghiêm túc bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính của một số cơ quan nhà nước là người phải thi hành án; trong một số vụ việc, do cấp trưởng bận giải quyết nhiều công việc quan trọng, cấp thiết nên thường xuyên ủy quyền cho cấp phó của mình tham gia quá trình tố tụng.
Triển khai thực hiện Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lào Cai đã triển khai kịp thời đến các Chi cục Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh về tiếp nhận bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính do Tòa án bàn giao, phân công chấp hành viên thực hiện theo dõi việc thi hành án hành chính. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm ra văn bản thông báo về việc tự nguyện thi hành án gửi người phải thi hành án. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định buộc thi hành án hành chính, chấp hành viên được phân công theo dõi việc thi hành án phải làm việc với người phải thi hành án để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định của Tòa án. Cơ quan thi hành án dân sự đã kịp thời ban hành văn bản kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý đối với người phải thi hành án, chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án; đã đăng tải, chấm dứt đầy đủ và kịp thời việc công khai thông tin về không chấp hành án hành chính trên Trang Thông tin điện tử của Cục Thi hành án dân sự tỉnh, đồng thời đã tích hợp trên Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Thi hành án dân sự đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền theo đúng quy định tại Điều 30 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP và Quy chế công khai thông tin về việc không chấp hành án hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 1246/QĐ-TCTHADS ngày 27/12/2017 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự.
Theo thống kê của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lào Cai, trong thời gian hơn 05 năm (kể từ ngày Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực thi hành đến nay) trên địa bàn tỉnh Lào Cai, có 53 việc theo dõi thi hành án hành chính, trong đó có 18 việc theo dõi thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, đã thi hành xong 46 việc, đạt tỷ lệ 87%. Toàn tỉnh hiện còn 07 bản án hành chính chưa được thi hành xong mặc dù đã hết thời hạn tự nguyện và trong một số vụ việc cụ thể, Tòa án đã phải ra quyết định buộc thi hành án hành chính. Những vụ việc này cũng đã được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo sát sao, tuy nhiên, phần lớn các vụ việc tồn đọng thuộc lĩnh vực đất đai nên trình tự, thủ tục phức tạp cần nhiều thời gian để giải quyết dứt điểm.
Các vụ việc thi hành án hành chính chưa thi hành xong chủ yếu là các bản án, quyết định trong lĩnh vực đất đai; tuyên hủy quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và yêu cầu cơ quan nhà nước phải ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mới với mức bồi thường, hỗ trợ cao hơn cho người có đất bị thu hồi; tuyên bồi thường giá trị quyền sử dụng đất là rất lớn, việc xác định nguồn và cân đối ngân sách nhà nước để chi trả rất khó khăn dẫn đến không ít khiếu nại, bức xúc của người dân liên quan đến việc không chấp hành án của cơ quan có thẩm quyền. Nguyên nhân của việc chưa thi hành xong các vụ việc này là: Người đứng đầu Ủy ban nhân dân có lúc, có nơi chưa thật sự quan tâm, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác thi hành án hành chính; còn có tình trạng một số Ủy ban nhân dân không tự nguyện thi hành án hành chính, trong khi cơ quan thi hành án dân sự đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, đôn đốc và xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án hành chính.
2. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính
Từ thực trạng công tác theo dõi thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh Lào Cai, các ngành, các cấp cần triển khai đồng bộ một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới như sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác thi hành án hành chính; quán triệt, nâng cao nhận thức của các cơ quan hành chính nhà nước trong việc thực hiện Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, trong đó chú trọng nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, cấp trên của người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan thực hiện chức năng quản lý, theo dõi thi hành án hành chính.
Tiếp tục quán triệt Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu Ủy ban nhân dân các cấp.
Song song với việc quán triệt pháp luật về tố tụng hành chính và thi hành án hành chính, công tác hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án hành chính cũng cần được tăng cường cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, kiểm sát, theo dõi thi hành án hành chính và đặc biệt là đội ngũ công chức hành chính được giao nhiệm vụ tham mưu thi hành các bản án hành chính, nhằm nâng cao năng lực, trình độ tham mưu thực hiện công tác thi hành án hành chính trên thực tế.
Hai là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính, tạo sự chuyển biến tích cực và mạnh mẽ về nhận thức của các cơ quan, tổ chức và cá nhân, đặc biệt là các cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước trong việc chỉ đạo và tổ chức thi hành án hành chính.
Ba là, tăng cường và nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án hành chính đến đội ngũ công chức và các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao trách nhiệm và nhận thức về công tác thi hành án hành chính.
Bốn là, thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác thi hành án hành chính nhằm thống nhất việc áp dụng pháp luật về thi hành án hành chính tại các cơ quan thi hành án dân sự địa phương trong cả nước.
Năm là, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động xét xử các vụ án hành chính trong hệ thống Tòa án, bảo đảm vụ án hành chính phải được xem xét khách quan, toàn diện, phù hợp với các tình tiết của vụ việc. Nội dung phán quyết của Tòa án phải rõ ràng, cụ thể nghĩa vụ, công vụ mà cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức phải thực hiện nhằm khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do việc thực hiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật gây ra, khắc phục tình trạng bản án tuyên chung chung, không rõ nhiệm vụ, công vụ phải thực hiện của người phải thi hành án.
Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lào Cai