1. Tình hình thi hành pháp luật về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới
1.1. Những kết quả đạt được
Sau hơn 10 năm Luật Bình đẳng giới được ban hành và triển khai đồng bộ tại các ngành, các cấp đã tạo ra hành lang pháp lý cho công tác này và tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức cũng như trong hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, trong đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân. Kết quả thực thi pháp luật về bình đẳng giới (BĐG) được công nhận qua các đợt sơ kết, tổng kết và qua việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu quốc gia về BĐG trong các lĩnh vực, vị trí và vai trò của phụ nữ trong xã hội được cải thiện và ngày càng nâng cao. Việt Nam được Liên Hợp quốc công nhận là quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua tại khu vực Đông Nam Á. Trong 08 lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội quy định tại Luật Bình đẳng giới đều thể hiện rõ nét những tiến bộ về BĐG. Nam và nữ đã được tạo điều kiện tốt hơn và tiến bộ hơn trong việc thụ hưởng và tiếp cận với các dịch vụ xã hội. Ví dụ điển hình về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, trong 10 năm qua, các quy định của Luật Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị đã được thực hiện khá toàn diện, đảm bảo sự tham gia bình đẳng của nam và nữ trong quản lý nhà nước và tham gia hoạt động xã hội. Về cơ bản, tỷ lệ nữ tham gia Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, cấp ủy và Hội đồng nhân dân các cấp trong 10 năm qua đã có sự tăng lên. Tỷ lệ nữ tham gia Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng có sự tăng lên liên tiếp trong 03 nhiệm kỳ, tỷ lệ nữ Đại biểu Quốc hội đến Khóa XIV tăng 26,72%. Kết quả bầu cử cấp ủy viên cơ sở nhiệm kỳ 2015 - 2020 cho thấy sự thành công trong công tác cán bộ nữ của toàn Đảng ở cấp cơ sở, với 19,07% nữ, tăng so với nhiệm kỳ trước (18,1%) và vượt xa mức yêu cầu của trung ương (15%). Đặc biệt, lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội là nữ và có 03 nữ Ủy viên Bộ Chính trị. Trong lĩnh vực lao động, nhiều địa phương đã triển khai các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nữ dễ dàng tiếp cận thị trường lao động như: Trung tâm dạy nghề mở các lớp đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm; mở sàn giao dịch việc làm hàng tháng, hội chợ việc làm giới thiệu lao động vào làm việc trong các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn và ngoài địa phương; phục hồi làng nghề... Từ năm 2001 đến nay, các vận động viên nữ luôn chiếm 38 - 46% thành phần đoàn thể thao Việt Nam; quan trọng hơn, họ đã giành từ 40% đến 60% số huy chương vàng trong các kỳ SEA Games và ASIAD… Việc thống kê số liệu có tách biệt giới tính đã được quan tâm và dành nguồn lực. Các nghiên cứu, điều tra về BĐG hoặc lồng ghép vấn đề BĐG được thực hiện ngày càng quy mô đã cung cấp bằng chứng thiết thực cho việc ban hành chính sách.
1.2. Một số tồn tại, hạn chế
Một là, việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành trong lĩnh vực bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới chưa kịp thời, đầy đủ
Thực trạng hệ thống quy định pháp luật về BĐG chưa đầy đủ, sẵn sàng cho việc thi hành: (i) Một số quy định trong Luật Bình đẳng giới còn chung chung, khó áp dụng trong thực tiễn, một số quy định còn dẫn chiếu các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật khác; (ii) Một số quy định của Luật Bình đẳng giới vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành như: Quy định tỷ lệ nam, nữ tham gia học tập, đào tạo (điểm a, khoản 5 Điều 14); quy định về các hành vi bị cấm (Điều 10); ngoài các quy định về BĐG trong lĩnh vực khoa học công nghệ quy định tại Luật Bình đẳng giới, không có văn bản nào hướng dẫn chi tiết triển khai quy định này; (iii) Việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bình đẳng giới đã ảnh hưởng tới hiệu lực, hiệu quả thực thi, ví dụ: Gần 03 năm sau khi Luật có hiệu lực, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 39/2015/NĐ-CP ngày 27/4/2015 quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số để hướng dẫn quy định tại khoản 3 Điều 17 về phụ nữ nghèo cư trú tại vùng sâu, vùng xa, là đồng bào dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số được hỗ trợ đến năm 2015...
Hai là, về điều kiện bảo đảm cho công tác thi hành pháp luật về bình đẳng giới
- Đội ngũ cán bộ làm công tác BĐG thiếu tính ổn định, thiếu về số lượng, đa số kiêm nhiệm nên không có thời gian dành cho công tác này, hơn nữa, một bộ phận cán bộ còn hạn chế về kiến thức giới, kỹ năng lồng ghép giới. Thiếu các chuyên gia có kiến thức, kỹ năng lồng ghép giới trong các ngành chuyên môn[1].
- Nguồn kinh phí cho công tác BĐG nhìn chung đã được bố trí nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa có mục riêng chi ngân sách cho hoạt động BĐG, do vậy, ngân sách còn chưa ổn định, chủ yếu là ngân sách cấp qua các chương trình/chương trình mục tiêu.
- Trong một số lĩnh vực, việc thi hành, tuân thủ pháp luật về BĐG của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đòi hỏi phải có các điều kiện về cơ sở vật chất, về nguồn lực tài chính, thay đổi cách thức trong tổ chức hoạt động như vấn đề nhà trẻ cho phụ nữ có con nhỏ làm việc trong các khu công nghiệp, khu vực hút thuốc lá riêng ở nơi công cộng, muốn phòng, chống đuối nước cho trẻ em thì cần có các bể bơi, khu luyện tập, muốn thiết lập các không gian sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em thì cần có các điều kiện vật chất bảo đảm như hệ thống camera giám sát, các tổ nhóm hoạt động để bảo vệ an ninh trật tự…
Việc thiếu các nguồn lực để thực thi triệt để, toàn diện và hiệu quả các chính sách từ cả phía Nhà nước và phía cá nhân, tổ chức đã hạn chế đi việc có thể triển khai hiệu quả các chính sách pháp luật. Điều này còn có nguồn gốc sâu xa từ thực trạng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn của Việt Nam, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa tương xứng được với kiến trúc thượng tầng, đói nghèo vẫn đang tồn tại ở khu vực miền núi, nông thôn, nghèo đa chiều ở cả thành thị như thiếu vui chơi, giải trí, cơ hội học tập, lo toan về đời sống thường nhật đã cản trở quá trình tiếp cận và thực thi pháp luật, chứ không hẳn là vấn đề coi thường pháp luật, “nhờn luật”.
Ba là, về tình hình tuân thủ pháp luật về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới
- Việc thực hiện quy định lồng ghép vấn đề BĐG trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và đánh giá việc lồng ghép vấn đề BĐG trong xây dựng và thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đạt kết quả chưa cao, chưa thực chất.
- Việc thực hiện Luật Bình đẳng giới và các chương trình, kế hoạch vì BĐG của bộ, ngành chưa đồng đều, chưa có những mô hình, cách thức triển khai mang tính đặc thù.
- Công tác thống kê, báo cáo về công tác BĐG còn thiếu kịp thời, độ chính xác chưa cao. Một số chỉ tiêu mang tính định tính, khó thu thập.
- Việc tuân thủ pháp luật về BĐG của cá nhân, tổ chức chưa nghiêm, dẫn đến các vi phạm làm hạn chế, ảnh hưởng đến BĐG như:
Về bạo lực trên cơ sở giới, theo kết quả nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ năm 2010, có tới 58% phụ nữ đã từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực thể chất, tinh thần và tình dục từ người thân tại một số thời điểm trong cuộc sống của họ; 87% đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng; 10% đã bị tấn công tình dục bởi chồng của họ. Tuy nhiên, khoảng 50% nạn nhân chưa từng nói với ai về tình trạng bạo lực mà họ phải chịu đựng và đến 87% nạn nhân bạo lực gia đình chưa tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công.
Dù Việt Nam đã có tiến bộ trong thay đổi quan niệm và thực hành chăm sóc và bảo vệ trẻ em, nhiều hình thức bạo lực đối với trẻ em như bạo lực thân thể, xâm hại tình dục và lạm dụng lao động vẫn phổ biến[2]. Nhiều vụ việc xâm hại trẻ em được dư luận quan tâm vẫn còn tồn đọng kéo dài chưa được điều tra, khởi tố các vụ án, khởi tố bị can, công lý không được thực thi để bảo vệ các nạn nhân. Các hiện tượng vi phạm pháp luật BĐG như hành vi bạo lực của người chồng đối với vợ trong gia đình, không thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em gái theo đúng quy định của pháp luật, thúc ép vợ sinh con trai nối dõi tông đường… có xu hướng được giải quyết từ phương diện tình cảm trong nội bộ gia đình, không có cơ chế để xử phạt theo quy định của pháp luật.
Trong các lĩnh vực khác, bất BĐG, định kiến giới vẫn đang tồn tại, hạn chế việc trao quyền cho phụ nữ[3]. Vị trí, vai trò của phụ nữ trong khoa học công nghệ, văn hóa, thể dục, thể thao còn nhiều hạn chế về số lượng tham gia và các điều kiện để khẳng định vị thế cũng như sự đóng góp. Mức độ lan tỏa hiệu quả, tác động của BĐG chưa đồng đều, rộng khắp. Dù có rất nhiều đóng góp của phụ nữ trong việc tăng cường phát triển nông nghiệp và nông thôn, cải thiện an ninh lương thực và xóa đói nghèo song lại đang chịu rất nhiều thiệt thòi, hiện vẫn ở vị thế thấp và bị hạn chế quyền tự quyết nên có nguy cơ rất cao về bạo lực giới, đói nghèo và những vi phạm quyền con người khác.
1.3. Một số nguyên nhân
Thứ nhất, tư tưởng định kiến giới còn tồn tại khá phổ biến trong nhân dân, kể cả trong một bộ phận cán bộ, công chức. Trong triển khai công tác BĐG, nhiều đơn vị chưa thực sự hiểu rõ yêu cầu của công việc này, do đó, sự phối hợp đôi khi còn lúng túng, chưa hiệu quả, chưa có những hành động cụ thể, quyết liệt để thúc đẩy BĐG trong các hoạt động của cơ quan, đơn vị. Trong chỉ đạo, điều hành, một số địa phương còn chưa thực sự quan tâm đến lĩnh vực công tác này, chưa tạo điều kiện cho hoạt động BĐG và tiến bộ của phụ nữ nên chưa bố trí cán bộ, kinh phí ngang tầm với yêu cầu của công tác này. Ngay cả trong bản thân người phụ nữ thường có tư tưởng an phận, chưa thực sự nỗ lực phấn đấu, tự tin, chưa vượt qua rào cản định kiến giới và các phong tục tập quán như “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, văn hóa hay tín ngưỡng “thờ cúng tổ tiên”, “nối dõi tông đường” thường được coi là “trọng trách” của người đàn ông...
Thứ hai, công tác tổ chức thi hành pháp luật về BĐG chưa thực sự được coi trọng, chưa được nhìn nhận là nhiệm vụ hàng đầu của các cơ quan, tổ chức có liên quan, nhận thức của các cấp, các ngành về tổ chức thi hành pháp luật về BĐG chưa tương xứng với ý nghĩa của công tác này và của hoạt động lập pháp. Thời gian vừa qua, chúng ta đã chú trọng và ưu tiên dành nguồn lực cho việc xây dựng hệ thống pháp luật về BĐG, kiện toàn tổ chức bộ máy và lan tỏa các thông điệp và giá trị của BĐG trên phương diện quy mô và số đối tượng mà chưa thể đồng thời giải quyết tốt được các vấn đề mang tính cốt lõi của thực hành pháp luật tốt như công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện, điều kiện bảo đảm về cán bộ, kinh phí, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, cơ chế phối hợp trong quá trình thực hiện, huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động thi hành pháp luật về giới, đặc biệt là theo dõi thi hành pháp luật về giới chưa phát huy hết được vai trò của lực lượng này.
Thứ ba, việc đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật về BĐG nói chung, hoặc các lĩnh vực cụ thể có liên quan đến giới ở Việt Nam thời gian qua chủ yếu là đánh giá định tính, thiếu đánh giá định lượng. Nguyên nhân là chưa có Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật ở kết quả trung gian (tình hình tuân thủ) và cấp độ mục tiêu cuối cùng (kết quả và tác động tới kinh tế xã hội, bảo đảm bảo vệ quyền con người, quyền công dân). Đồng thời, cũng chưa có các tiêu chí, phương pháp nhận diện, đo lường mức ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội, ý thức tuân thủ pháp luật của các chủ thể lên hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật về BĐG.
2. Một số giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới
Thứ nhất, xây dựng ý thức pháp quyền, nâng cao nhận thức về và bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới
Công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về BĐG của các cấp, các ngành và bản thân người phụ nữ, nam giới là nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay. Tăng cường nhận thức đúng đắn và sự cam kết mạnh mẽ của hệ thống chính trị trong công tác BĐG, việc thay đổi thái độ tích cực và trách nhiệm của cán bộ các cấp, các ngành là yếu tố thúc đẩy sự thành công của công tác BĐG. Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền cho chính bản thân người phụ nữ cần nhận thức rõ về vai trò, vị trí của mình trong đời sống gia đình và ngoài xã hội, từ đó, không ngừng phấn đấu nâng cao giá trị vật chất, tinh thần cho bản thân và sẵn sàng đối mặt với những thử thách do định kiến giới tạo nên. Chú trọng việc nêu gương tốt, điển hình trong thực hiện BĐG thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, đồng thời, tạo dư luận xã hội công khai qua công tác tuyên truyền với những vụ việc vi phạm về BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
Thứ hai, dành sự ưu tiên cho thi hành pháp luật về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới
Trước hết, phải xem tổ chức thi hành pháp luật về BĐG là một yếu tố cấu thành của hệ thống pháp luật về giới, chứ không thuần túy chỉ là một công cụ, giải pháp thực hiện pháp luật. Trước tiên, BĐG phải thực hiện tốt ngay từ khi xây dựng pháp luật thông qua việc nghiêm túc thực hiện lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; phân tích, đánh giá tác động về giới trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo thống nhất với quy trình xây dựng văn bản theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 theo hướng quy định cụ thể, gắn trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc lồng ghép vấn đề giới trong quy trình xây dựng văn bản từ giai đoạn đề xuất chính sách đến giai đoạn soạn thảo. Trong quá trình thi hành pháp luật cần tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới, đặc biệt là các bộ, ngành chức năng có liên quan tới việc thực thi BĐG ở 08 lĩnh vực trọng yếu mà Luật đã quy định; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi Luật trong thực tiễn, đồng thời, nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân; quy định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các mục tiêu về BĐG cũng như có chế tài xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc vi phạm pháp luật về BĐG; phát huy vai trò của nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội trong thi hành và giám sát thi hành pháp luật về BĐG; nâng cao năng lực và tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về BĐG để có thể tư vấn, đánh giá hiệu quả lồng ghép giới vào công tác quản lý nhà nước trên tất cả các mặt, các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc hoàn thiện chính sách, pháp luật cần quan tâm đến việc xây dựng nhiều mô hình thực hành pháp luật tốt cả từ phía cơ quan quản lý nhà nước và phía các đối tượng chịu tác động của văn bản quy phạm pháp luật; đặt ra các thứ tự ưu tiên hành động phù hợp với điều kiện về kinh tế - xã hội, sự phát triển của thế giới và của Việt Nam; quan tâm, ưu tiên nghiên cứu, đề xuất chính sách đối với các vấn đề về giới mới phát sinh hoặc có xu hướng nghiên cứu của thế giới như bảo vệ trẻ em trong thế giới công nghệ số, di dân, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đối với các vấn đề liên quan đến giới...
Thứ ba, tiếp tục xây dựng các công cụ đánh giá tình hình thực hiện pháp luật về bình đẳng giới
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong việc hình thành nguồn dữ liệu về thống kê giới, bộ công cụ thực hiện lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các công cụ đánh giá dựa trên kết quả, góp phần vào việc đánh giá các mục tiêu trung gian (tình hình tuân thủ) và mục tiêu chính sách cuối cùng (kết quả, tác động). Việc đánh giá trên toàn bộ lĩnh vực về BĐG có thể không thực hiện ngay được nhưng cần ưu tiên xây dựng các đánh giá trong lĩnh vực cụ thể, chuyên ngành để khép kín được chu trình đời sống của pháp luật, từ lúc đưa ra chính sách, pháp luật được ban hành, thi hành và tác động đến xã hội so với mục tiêu chính sách ban đầu.
Cục QLXLVPHC và TDTHPL, Bộ Tư pháp
[1]. Hiện nay, gần như chỉ có Ủy ban Về các vấn đề xã hội là đã hình thành được đội ngũ chuyên gia về giới có kinh nghiệm. Bộ Tư pháp với sự hỗ trợ của Dự án Phát triển lập pháp quốc gia (NLD) cũng đã thành lập Nhóm chuyên gia giới (theo Quyết định số 1985/QĐ-BTP ngày 21/9/2016), tuy nhiên, thực tế, ngoài các chuyên gia độc lập là có kinh nghiệm về giới, lồng ghép giới thì các chuyên gia còn lại của Nhóm này cũng mới chỉ dừng lại ở việc tham gia và làm đầu mối tại các bộ, ngành.
[2]. Kỷ luật bạo lực đang diễn ra phổ biến với gần 68,4% trẻ em độ tuổi từ 01 - 14 được báo cáo là đã từng bị cha mẹ hoặc người chăm sóc bạo lực ở nhà. Khoảng 20% trẻ em gái và trẻ em trai 08 tuổi nói rằng các em bị trừng phạt thân thể ở trường. Khoảng 9,6% trẻ em (tương đương 1,7 triệu trẻ) độ tuổi từ 05-17 được coi là lao động trẻ em, trong đó, gần 7,2% có nguy cơ làm việc trong điều kiện lao động có hại. Tỷ lệ trẻ em gái và nữ thanh niên từ 15-19 tuổi đã kết hôn tăng từ 5,4% vào năm 2006 lên khoảng 11% vào năm 2014. Trong giai đoạn 2011 - 2015, 5.300 vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, chủ yếu là với trẻ em gái đã được báo cáo.
[3]. Điều tra mức sống hộ gia đình năm 2008, chỉ có 10,9% giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, 18,2% giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở nông thôn và 29,8% giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở đô thị là ghi tên cả vợ và chồng - ảnh hưởng đến bình đẳng giới về kinh tế. Theo khảo sát, năm 2015, thời gian phụ nữ dành cho công việc trên thị trường là 19,7 giờ và công việc chăm sóc không được trả lương và công việc gia đình của phụ nữ là 38,7 giờ và đối với nam giới là 25,1 giờ và 26,2 giờ. Mặt khác, công việc chăm sóc không lương và công việc nhà chiếm 61% thời gian làm việc, trong đó, phụ nữ thực hiện 60% (theo Đo lường công việc của phụ nữ Việt Nam, Counting Women’s Work Coutry Report No.3). Phụ nữ sử dụng 125 phút, cao hơn nam giới cho công việc chăm sóc không lương (Nghiên cứu công việc chăm sóc không lương để ngôi nhà trở thành tổ ấm, Action Aid 2017). Tình trạng phụ nữ kết hôn với người nước ngoài tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro vì những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ... Nhiều phụ nữ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết khi kết hôn và sinh sống tại nước ngoài, dẫn đến nảy sinh nhiều hệ lụy xã hội khi các chị em và con quay trở về Việt Nam sinh sống mà không còn quốc tịch hoặc không có đầy đủ các giấy tờ nhân thân hợp lệ theo quy định của pháp luật hoặc bị bạo hành, xâm hại, trở thành đối tượng của nạn buôn bán người, thậm chí phải bỏ mạng nơi đất khách bởi chính người chồng ngoại quốc hành hung, giết hại.