Tóm tắt: Trong bài viết, tác giả bàn luận về các quy định bảo vệ Hiến pháp trong Hiến pháp năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, từ đó đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm tiếp tục thi hành quy định về bảo vệ Hiến pháp.
Abstract: In this paper, the author discusses provisions of Constitution protection in the Constitution of 2013 and existing legal documents, and from that point, assesses the real situation and suggests some solutions for further improvement of the implementing provisions of the Constitution protection.
1. Nội dung bảo vệ Hiến pháp và quy định về bảo vệ Hiến pháp trong Hiến pháp năm 2013
1.1. Nội dung về bảo vệ Hiến pháp
Với vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội của quốc gia, Hiến pháp cần được bảo vệ chống lại mọi hành vi vi phạm. Bảo vệ Hiến pháp chính là bảo vệ chủ quyền của Nhân dân, bảo vệ nền tảng pháp lý của Nhà nước và những giá trị trường tồn, cao quý nhất trong xã hội.
Bảo vệ Hiến pháp là tổng hợp các hoạt động được tiến hành bởi các cơ quan, cá nhân mà Hiến pháp quy định nhiệm vụ, quyền hạn nhằm bảo đảm sự tôn trọng và thi hành Hiến pháp, ngăn ngừa và xử lý mọi hành vi vi phạm Hiến pháp. Nội dung bảo vệ Hiến pháp bao gồm:
Thứ nhất, giám sát tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà quốc gia ký kết hoặc gia nhập
Đây là hoạt động xem xét tính hợp hiến của văn bản quy phạm pháp luật, tính hợp hiến của hành vi không ban hành văn bản theo thẩm quyền. Trên cơ sở đó, cơ quan có thẩm quyền bảo vệ Hiến pháp sẽ loại trừ, vô hiệu hóa văn bản quy phạm pháp luật được ban hành không phù hợp hoặc trái với Hiến pháp hoặc ra quyết định đề nghị cơ quan nhất định phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền mà Hiến pháp đã quy định.
Thứ hai, giám sát việc tuân theo Hiến pháp của các cơ quan, cá nhân được Hiến pháp trao quyền
Các thiết chế bảo vệ Hiến pháp xem xét tính hợp hiến trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, cá nhân được Hiến pháp trao quyền; xử lý tất cả những hành vi vi phạm Hiến pháp một cách nghiêm minh, kịp thời. Thông qua đó đảm bảo các cơ quan, cá nhân được Hiến pháp trao quyền tôn trọng các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực nhà nước theo quy định của Hiến pháp.
Thứ ba, giải thích Hiến pháp
Hiến pháp chứa đựng những nguyên tắc và khung pháp lý rất rộng, trừu tượng, ổn định trong thời gian dài, cần phải được bảo vệ và phát huy thông qua việc giải thích chính thức. GS.TS. Trần Ngọc Đường cho rằng: “Bảo vệ và phát huy các giá trị của Hiến pháp bằng hoạt động giải thích Hiến pháp có ý nghĩa chính trị - pháp lý cực kỳ quan trọng. Trước hết, thông qua giải thích chính thức, nội dung và ý nghĩa của các quy định của Hiến pháp được hiểu một cách thống nhất, phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội cụ thể. Theo đó, Hiến pháp phát huy được vai trò của mình là nhân tố đảm bảo cho sự ổn định và phát triển của một chế độ chính trị - xã hội, là nền tảng pháp lý của một nhà nước dân chủ, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”[1].
1.2. Quy định về bảo vệ Hiến pháp trong Hiến pháp năm 2013
Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, Lời nói đầu của Hiến pháp năm 2013 viết: “Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đây là sự khẳng định rõ ràng rằng: Ở Việt Nam, Nhân dân là chủ thể quyền lực tối cao. Hiến pháp - văn bản chính trị xác định phạm vi quyền lực mà Nhân dân trao cho Nhà nước, đồng thời là đạo luật có hiệu lực pháp lý cao nhất của Nhà nước, do Nhân dân xây dựng nên. Lời nói đầu này cũng thể hiện sự gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động xây dựng với hoạt động thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu tốt đẹp, cao cả mà Nhân dân luôn mong muốn hướng tới, đó là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Cũng là lần đầu tiên, Hiến pháp có điều khoản quy định trực tiếp về bảo vệ Hiến pháp. Khoản 2 Điều 119 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước và toàn thể Nhân dân có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp”. Trên cơ sở điều khoản này, mỗi cơ quan nhà nước trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp. Điều khoản này cũng chính thức quy định trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp của toàn thể Nhân dân đã được nêu trong Lời nói đầu. Đồng thời, quy định “Cơ chế bảo vệ Hiến pháp do luật định” đã tạo căn cứ hiến định cho việc Quốc hội ban hành một đạo luật riêng về bảo vệ Hiến pháp. Đây là tiền đề quan trọng cho việc thiết lập cơ sở pháp lý đầy đủ, rõ ràng về mục đích, nguyên tắc, nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, quy trình, thủ tục... bảo vệ Hiến pháp của các chủ thể.
Hiến pháp năm 2013 quy định về hoạt động bảo vệ Hiến pháp của các chủ thể như sau:
Quốc hội “thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp... của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng bầu cử Quốc gia, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập” (khoản 2 Điều 70); Quốc hội “bãi bỏ văn bản của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp...” (khoản 10 Điều 70).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Giải thích Hiến pháp (khoản 2 Điều 74); “giám sát việc thi hành Hiến pháp... của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập” (khoản 3 Điều 74); “đình chỉ việc thi hành văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp... và trình Quốc hội quyết định việc bãi bỏ văn bản đó tại kỳ họp gần nhất” (khoản 4 Điều 74); “bãi bỏ nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp” (khoản 7 Điều 74).
Thủ tướng Chính phủ: “Đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp...; đình chỉ việc thi hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp..., đồng thời đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bãi bỏ” (khoản 4 Điều 98).
2. Thực trạng thi hành các quy định về bảo vệ Hiến pháp trong Hiến pháp năm 2013
2.1. Kết quả thể chế hóa các quy định về bảo vệ Hiến pháp trong Hiến pháp năm 2013
Thi hành các quy định về bảo vệ Hiến pháp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Quốc hội đã ban hành các văn bản: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2015, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014...
(i) Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có các quy định nhằm bảo vệ Hiến pháp đó là: Quy định việc bảo đảm tính hợp hiến là một trong những nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (khoản 1 Điều 5); quy định chủ thể phải bảo đảm về tính hợp hiến của dự thảo văn bản và nội dung được phân công (điểm c khoản 2 và khoản 4 Điều 54); quy định về chủ thể, nội dung, thời hạn thẩm định tính hợp hiến đối với các loại văn bản quy phạm pháp luật (các khoản 1, 2, 3 Điều 39; điểm b khoản 3 Điều 58; điểm c khoản 3 Điều 88; điểm a khoản 3 Điều 92; điểm c khoản 3 Điều 98); quy định chủ thể, nội dung, thời hạn thẩm tra tính hợp hiến đối với các loại văn bản quy phạm pháp luật (khoản 1 Điều 63, Điều 65, khoản 6 Điều 74, điểm d khoản 3 Điều 124, Điều 136); quy định các trường hợp, nguyên tắc giải thích Hiến pháp, thẩm quyền đề nghị, thủ tục giải thích Hiến pháp (khoản 1 Điều 158, khoản 1 Điều 159); quy định về giám sát tính hợp hiến (khoản 1 Điều 163, các khoản 2, 3 Điều 164); quy định về kiểm tra tính hợp hiến của văn bản quy phạm pháp luật (các khoản 1, 2 Điều 165).
(ii) Luật Giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định về giám sát nhằm bảo vệ Hiến pháp của các chủ thể sau:
- Quốc hội giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp; giám sát tối cao hoạt động của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập;
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thi hành Hiến pháp; giám sát hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;
- Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Hiến pháp; giám sát hoạt động của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập; giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước;
- Hội đồng nhân dân giám sát việc tuân theo Hiến pháp ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp; giám sát hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và Ban của Hội đồng nhân dân cấp mình;
- Thường trực Hội đồng nhân dân giám sát việc tuân theo Hiến pháp ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp; giám sát hoạt động của Ủy ban nhân dân, các cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và Hội đồng nhân dân cấp dưới; giám sát quyết định của Ủy ban nhân dân cùng cấp, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp; giúp Hội đồng nhân dân thực hiện quyền giám sát theo sự phân công của Hội đồng nhân dân.
(iii) Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015
Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 khẳng định và đặt lên hàng đầu nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong tổ chức thi hành Hiến pháp, trước hết là nhiệm vụ, quyền hạn “ban hành kịp thời và đầy đủ các văn bản pháp luật để thi hành Hiến pháp... và để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao”, đồng thời Chính phủ phải “bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và của chính quyền địa phương; kiểm tra việc thi hành các văn bản đó và xử lý các văn bản trái Hiến pháp và pháp luật” (khoản 1 Điều 6). Bên cạnh đó, với tư cách là cơ quan thực hiện quyền hành pháp, Chính phủ có nhiệm vụ, quyền hạn “quyết định các biện pháp để tổ chức thi hành Hiến pháp...” (khoản 2 Điều 6); lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Hiến pháp...; bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực và các nguồn lực khác để thi hành Hiến pháp... Tổng hợp, đánh giá tình hình thi hành Hiến pháp, pháp luật và báo cáo với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước theo quy định của pháp luật.
(iv) Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014
Khoản 7 Điều 2 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định: “Trong quá trình xét xử vụ án, Tòa án phát hiện và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản pháp luật trái với Hiến pháp...”.
2.2. Hạn chế của việc thể thế hóa quy định về bảo vệ Hiến pháp trong Hiến pháp năm 2013
Một số hạn chế có thể kể đến là: Chưa ban hành Luật về cơ chế bảo vệ Hiến pháp; chưa có quy định giám sát tính hợp hiến đối với luật, nghị quyết của Quốc hội; quy định về nội dung bảo vệ Hiến pháp còn hạn hẹp, chưa toàn diện, chủ yếu tập trung vào giám sát tính hợp hiến các văn bản quy phạm pháp luật; quy trình, thủ tục và phương thức giám sát tính hợp hiến của văn bản quy phạm pháp luật và hành vi của cơ quan, cá nhân Hiến pháp trao quyền chưa cụ thể.
3. Giải pháp tiếp tục thi hành quy định về bảo vệ Hiến pháp năm 2013
Để tiếp tục thi hành quy định về bảo vệ Hiến pháp ở nước ta hiện nay cần quán triệt quan điểm về hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được ghi nhận tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII: “...Tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp và pháp luật”[2]. Quá trình này cần được tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình thích hợp, vừa bảo đảm tính liên tục của cơ chế bảo vệ Hiến pháp, vừa tiếp thu kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam. Cụ thể:
Một là, đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội để thực hiện có hiệu quả giám sát việc thi hành Hiến pháp và giám sát tính hợp hiến của văn bản quy phạm pháp luật
(i) Tiếp tục điều chỉnh cơ cấu đại biểu Quốc hội theo hướng tăng đại biểu Quốc hội chuyên trách nhằm chuyên nghiệp hóa hoạt động của Quốc hội. Tăng số lượng thành viên chuyên trách trong Hội đồng, Ủy ban của Quốc hội. Áp dụng quy định về việc thành lập Ủy ban lâm thời, bảo đảm hoạt động của các tiểu ban, các tổ công tác để giúp Quốc hội giám sát thi hành Hiến pháp.
(ii) Xác định trách nhiệm pháp lý đối với những cơ quan, cá nhân không thực hiện đầy đủ, kịp thời nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động thẩm tra của các ủy ban của Quốc hội.
(iii) Bổ sung nhân sự phục vụ cho Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội. Tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin cho hoạt động giúp việc Hội đồng và các ủy ban của Quốc hội.
(iv) Về hình thức xem xét tính hợp hiến của văn bản quy phạm pháp luật: Khi xem xét tính hợp hiến của văn bản, vấn đề mấu chốt là việc so sánh đối chiếu nội dung, hình thức, thẩm quyền ban hành văn bản với các quy định của Hiến pháp, do vậy, cần phải có “chuẩn mực” rõ ràng, đầy đủ cho các chủ thể tiến hành xem xét văn bản so sánh, đối chiếu, phân tích để đưa ra những nhận định và kết luận chính xác, khách quan.
Hai là, triển khai thực hiện thẩm quyền giải thích Hiến pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Việc giải thích Hiến pháp phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây: (i) Đúng với tinh thần, mục đích, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo ban hành Hiến pháp; (ii) Phù hợp với nội dung, ngôn ngữ của Hiến pháp; (iii) Không được sửa đổi, bổ sung hoặc đặt ra quy định mới.
Về trình tự, thủ tục giải thích Hiến pháp: Tùy theo tính chất, nội dung của vấn đề cần được giải thích, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội soạn thảo dự thảo nghị quyết giải thích Hiến pháp; Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội thẩm tra về sự phù hợp của dự thảo đó với tinh thần và nội dung của Hiến pháp; Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết giải thích Hiến pháp.
Ba là, quy định chi tiết và tổ chức thực hiện các quy định về bảo vệ Hiến pháp của Chính phủ
Để Chính phủ thực hiện tốt việc kiểm tra tính hợp hiến của văn bản quy phạm pháp luật, cần quy định rõ thời hạn tự kiểm tra và kiểm tra tính hợp hiến của văn bản theo thẩm quyền. Xác định các hình thức xử lý văn bản trái Hiến pháp cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Theo đó, hình thức đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ nội dung văn bản được áp dụng trong trường hợp nội dung trái Hiến pháp chưa được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ kịp thời và nếu tiếp tục thực hiện thì có thể gây hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Về thời hạn xử lý văn bản trái Hiến pháp, cần quy định cụ thể trong thời hạn tối đa không quá 02 ngày làm việc, kể từ khi xác định rõ ràng văn bản có dấu hiệu trái Hiến pháp phải được đình chỉ thi hành ngay (trừ trường hợp nếu tiếp tục thi hành thì có thể sẽ gây hậu quả nghiêm trọng thì phải thực hiện việc đình chỉ thi hành ngay); trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày bị đình chỉ thi hành, phải xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản trái Hiến pháp đó theo quy định.
Bốn là, triển khai thực hiện quy định về trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân
Cần bổ sung vào khoản 2 Điều 2 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 như sau: “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa…”.
Trong quá trình xét xử vụ án, Tòa án chú trọng việc phát hiện và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản pháp luật trái với Hiến pháp để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Đối với Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, cần bổ sung quy định: “Trong quá trình thực hiện quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát phát hiện và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức”.
Năm là, nghiên cứu xây dựng Luật về bảo vệ Hiến pháp
Khoản 2 Điều 119 Hiến pháp năm 2013 quy định: “…Cơ chế bảo vệ Hiến pháp do luật định”. Thể chế hóa quy định trên, Luật về bảo vệ Hiến pháp quy định tổ chức và hoạt động của cơ quan chuyên trách bảo vệ Hiến pháp là Ủy ban Giám sát Hiến pháp.
Ủy ban Giám sát Hiến pháp là cơ quan có chức năng giám sát việc thi hành Hiến pháp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Hội đồng Bầu cử Quốc gia.
Ủy ban Giám sát Hiến pháp là một ủy ban đặc biệt của Quốc hội. Với chức năng bảo vệ Hiến pháp nên về cơ cấu tổ chức và hoạt động của Ủy ban này cần có những quy định đặc thù so với các cơ quan chuyên môn khác của Quốc hội. Tác giả cho rằng, Ủy ban Giám sát Hiến pháp phải có địa vị pháp lý gần giống như Kiểm toán nhà nước, được bảo đảm độc lập nhất định so với Quốc hội và các cơ quan khác của Quốc hội.
Ủy ban Giám sát Hiến pháp cần được chia ra thành các tiểu ban để chuyên môn hóa và phân công công việc. Các hoạt động kiểm tra, giám sát, xem xét hành vi vi phạm Hiến pháp được thực hiện bởi các tiểu ban chuyên trách. Trên cơ sở báo cáo của các tiểu ban, Ủy ban họp toàn thể để xem xét thảo luận và biểu quyết để đưa ra quyết định cuối cùng. Các báo cáo của Ủy ban được thông qua khi đạt tỷ lệ biểu quyết theo đa số và sau đó được trình Quốc hội. Chủ tịch Ủy ban không tham gia biểu quyết nhưng có tiếng nói quyết định cuối cùng trong trường hợp số phiếu đồng ý và không đồng ý ngang nhau.
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
[1]. Trần Ngọc Đường (2007), Bàn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan bảo vệ hiến pháp, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 107.
[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 175.