Abstract: This paper analyses market share in the concerned market according to Vietnamese Competition Law of 2014 from the aspect of comparison with competition law of Republic of France.
Về cơ bản, Luật Cạnh tranh năm 2004 đề cập tới bốn khái niệm quan trọng trong hệ thống các quy phạm pháp luật về cạnh tranh gồm: (i) Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; (ii) Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường; (iii) Lạm dụng vị trí độc quyền; (iv) Tập trung kinh tế. Trong đó, căn cứ phân định một hành vi có phải là hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không ngoài yếu tố nội dung còn phụ thuộc vào tiêu chí định lượng, cụ thể là điều kiện của chủ thể dựa trên thị phần trong thị trường liên quan. Một hành vi chỉ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh khi hành vi đó vi phạm các điều cấm trong pháp luật cạnh tranh và chủ thể thực hiện hành vi phải thỏa mãn yếu tố điều kiện chủ thể đối với từng hành vi vi phạm trong luật.
Theo nguyên tắc “chỉ được phép làm những điều mà pháp luật không cấm”, một hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh khi hành vi đó thuộc một trong các hành vi bị cấm được quy định trong Luật Cạnh tranh. Các hành vi này được liệt kê tại Điều 9 đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; Điều 13 với lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường; Điều 14 đối với lạm dụng vị trí độc quyền; Điều 18 đối với tập trung kinh tế trong Luật Cạnh tranh năm 2004. Ngoài ra, Nghị định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21/07/2014 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh cũng làm rõ hơn các hành vi bị xử phạt hành chính do vi phạm pháp luật cạnh tranh.
Tuy nhiên, không phải bất cứ chủ thể nào khi thực hiện các hành vi kể trên đều bị coi là vi phạm pháp luật cạnh tranh. Các hành vi bị cấm trong Luật Cạnh tranh năm 2004 được gắn liền với các điều kiện đặc thù về chủ thể thực hiện hành vi đó. Chỉ khi chủ thể nào đáp ứng các điều kiện này mà thực hiện hành vi vi phạm mới bị ghi nhận là một hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh.
Yếu tố thị phần trong thị trường liên quan gồm có hai thành tố quan trọng cần lưu ý là tỷ lệ thị phần và thị trường liên quan.
1. Thị trường liên quan
Khoản 1 Điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2004 ghi nhận thị trường bao gồm thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan. Trong đó, thị trường sản phẩm liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả. Thị trường địa lý liên quan là một khu vực địa lý cụ thể trong đó có những hàng hoá, dịch vụ có thể thay thế cho nhau với các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực lân cận.
Phân loại hai loại thị trường sản phẩm và thị trường địa lý là dựa trên sự phân loại dựa vào đặc tính của sản phẩm hàng hóa (yếu tố vật chất) và đặc điểm về không gian tiêu thụ sản phẩm hàng hóa đó. Nghị định số 116/2005/NĐ-CP 15/09/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh dành 05 điều (từ Điều 4 đến Điều 8) để làm rõ hai thành tố này. Cụ thể, thị trường sản phẩm liên quan được ghi nhận dựa vào đặc tính hàng hóa (tính chất vật lý, hóa học, tính năng kỹ thuật…), mục đích sử dụng, giá cả của các sản phẩm có khả năng thay thế được cho nhau. Thị trường địa lý liên quan lại dựa trên khả năng thay thế được cho nhau của các sản phẩm có điều kiện cạnh tranh tương tự và khác biệt đáng kể với các khu vực lân cận (tiêu chí chi phí vận chuyển; rào cản thị trường).
Nhìn chung, cách xác định thị trường liên quan này là đúng nhưng chưa đủ nếu so sánh với các quốc gia châu Âu, trong đó có Cộng hòa Pháp. Thị trường liên quan còn được gọi là thị trường quy chiếu (theo luật Anh - Mỹ gọi là relevant market) là thị trường mà ở đó hoạt động cạnh tranh bị cản trở, hạn chế hoặc bị làm sai lệch theo quy định tại Điều L.420-1 Bộ luật Thương mại Cộng hòa Pháp hoặc thị trường mà ở đó cần phải xác định xem có tồn tại vị trí thống lĩnh theo Điều L.420-2 hay không. Ở các quốc gia này, việc xem xét sản phẩm trong thị trường liên quan không chỉ dựa trên sự xem xét từ phía Nhà nước, mà dựa trên sự phán đoán và quyết định theo quan điểm của người tiêu dùng thụ hưởng hàng hóa. Phương pháp này được gọi là phương pháp thử SSNIP - Test (Small but Significant Non-transitory Increase in Price)[1]. Theo đó, quan điểm của người thụ hưởng sản phẩm về khả năng thay thế của sản phẩm này bằng một sản phẩm khác sẽ là căn cứ quyết định về phạm vi của thị trường liên quan của sản phẩm, thay vì các tiêu chí định tính, định lượng được cung cấp bởi nhà sản xuất hoặc được quyết định bởi Nhà nước[2].
Đây cũng là một vấn đề mà các nhà lập pháp Việt Nam cần xem xét, bởi lẽ thị trường được quyết định bởi người tiêu dùng, không phải bởi nhà sản xuất hay Nhà nước. Do vậy, định danh thị trường của một sản phẩm nên chăng phải do chính năng lực tiêu thụ sản phẩm quyết định tới phạm vi thay vì máy móc dựa vào tiêu chí định tính và định lượng.
2. Thị phần
Khái niệm thị phần trong Luật Cạnh tranh năm 2004 gắn liền với khái niệm thị trường liên quan. Nếu như thị trường liên quan là một khoảng không gian tiêu thụ sản phẩm tương tự, thì thị phần sẽ quyết định vai trò và vị trí của doanh nghiệp trong hoạt động cung ứng hàng hóa và quyết định các điều kiện giá cả, phương thức thanh toán, nguồn cung… trên thị trường. Khoản 5 Điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2004 định nghĩa: “Thị phần của doanh nghiệp đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định là tỷ lệ phần trăm giữa doanh thu bán ra của doanh nghiệp này với tổng doanh thu của tất cả các doanh nghiệp kinh doanh loại hàng hoá, dịch vụ đó trên thị trường liên quan hoặc tỷ lệ phần trăm giữa doanh số mua vào của doanh nghiệp này với tổng doanh số mua vào của tất cả các doanh nghiệp kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó trên thị trường liên quan theo tháng, quý, năm”. Theo đó, khái niệm thị phần được ghi nhận bởi tỷ lệ phần trăm doanh thu bán ra/doanh số mua vào của doanh nghiệp kinh doanh trên tổng doanh thu bán ra/doanh số mua vào trên thị trường liên quan. Như vậy, thị phần được quyết định bởi hai chiều là đơn vị cung ứng sản phẩm ra thị trường hoặc đơn vị tiêu thụ sản phẩm.
Pháp luật của Liên minh Châu Âu nói chung và Cộng hòa Pháp nói riêng rất chú trọng tới các ngưỡng định lượng về thị phần để xác định hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và lạm dụng vị thế độc quyền. Tuy nhiên, việc xác định thị phần chỉ là một trong nhiều tiêu chí đánh giá của Hội đồng Cạnh tranh. Một trong các tiêu chí này được ghi nhận trong pháp luật của Liên minh châu Âu cũng như thực tiễn xét xử các vụ việc cạnh tranh đó là tiêu chí sự mất cân đối giữa các lực lượng trên thị trường[3]. Sự mất cân đối này được phản ánh thông qua quy mô các doanh nghiệp; khả năng tài chính; sự yếu kém tương đối của các đối thủ cạnh tranh… Ví dụ, một doanh nghiệp có thị phần lớn nhưng đang bị giảm thị phần, không còn giữ được thị trường tiêu thụ nữa thì cũng không bị coi là lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường hay lạm dụng vị thế độc quyền.
Như vậy, nếu chỉ căn cứ vào yếu tố thị phần của một doanh nghiệp trong thị trường liên quan để làm căn cứ xác định hoạt động cung ứng sản phẩm của doanh nghiệp ra thị trường có là một hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh theo Luật Cạnh tranh hiện nay hay không có phần thiếu thuyết phục và cần nghiên cứu sửa đổi trong thời gian tới. Khi thị trường hàng hóa phát triển, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp được biểu hiện dưới nhiều sắc thái và mang những bản chất khác nhau. Bởi vậy, việc đưa ra các tiêu chí “cứng” trong việc định danh hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ góp phần tạo những kẽ hở dễ bị lợi dụng, gây phương hại tới thị trường cũng như quyền và lợi ích chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp.
3. Kết luận
Trong các quy định của pháp luật cạnh tranh Việt Nam, yếu tố thị phần trong thị trường liên quan có vai trò quyết định tới tính chất của một hành vi kinh tế khi xem xét tính chất vi phạm các quy định pháp luật cạnh tranh, gây tổn hại tới thị trường và các doanh nghiệp cạnh tranh trực tiếp với chủ thể.
Luật Cạnh tranh năm 2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Cạnh tranh được xây dựng theo hướng định lượng cụ thể nhất về khái niệm thị phần trong thị trường liên quan nhằm xác định đúng và đủ các hành vi cạnh tranh không lành mạnh; lạm dụng vị thế để phá vỡ quan hệ thị trường. Tuy nhiên, nếu so sánh với các quy định về xác định yếu tố thị phần tối thiểu trong thị trường liên quan của Cộng hòa Pháp và suy rộng ra là pháp luật cộng đồng châu Âu, thì có thể thấy, khái niệm quan trọng này vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức khi xây dựng pháp luật cạnh tranh ở Việt Nam. Mặc dù là cơ sở pháp lý để quyết định điều kiện đối với chủ thể, nhưng khái niệm này trong Luật Cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn hiện nay còn khá sơ sài và phiến diện. Các yếu tố định lượng không đầy đủ khiến cho việc định danh hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh dễ dẫn tới không chuẩn xác, doanh nghiệp và các chủ thể kinh doanh khác không có cơ sở để nhận biết, phán quyết giải quyết các vụ việc cạnh tranh dễ dẫn tới sai lầm, gây thiệt hại cho các chủ thể kinh doanh… Ngoài ra, đó còn là những kẽ hở dễ bị lợi dụng để trục lợi trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Bởi vậy, việc nghiên cứu, xem xét sửa đổi các quy định liên quan tới khái niệm thị phần trong thị trường liên quan là một yêu cầu cấp thiết để tạo cơ sở pháp lý nhằm phát huy hiệu quả của pháp luật trong thực tiễn.
Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
[1]. Điều 81, 82 Hiệp định thành lập Cộng đồng chung Châu Âu về nguyên tắc cạnh tranh.
[2]. Xem thêm: ThS Nguyễn Lan Anh, Xác định thị trường liên quan và vấn đề nhận dạng vị trí thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp theo pháp luật cạnh tranh ở Việt Nam, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 7/2009.
[3]. Xem thêm: Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, Chính sách và thực tiễn pháp luật cạnh tranh của Cộng hòa Pháp, Tập 2: Các quy tắc cạnh tranh điều chỉnh hành vi nhằm đảm bảo cạnh tranh thực sự trên thị trường, Nxb. Chính trị Quốc gia, Chương 2, tr. 236.
Các tin khác
Nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành án dân sự và xác minh điều kiện thi hành án của thừa phát lại Vướng mắc trong thụ lý yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật và thụ lý ly hôn Biện pháp bảo đảm thi hành án và thực tiễn áp dụng Tạm dừng việc cưỡng chế thi hành án dân sự được áp dụng trong trường hợp nào? Mối quan hệ giữa Toà án và Viện kiểm sát trong tố tụng hình sự Bồi thường thiệt hại trong các vụ án hình sự liên quan đến giao dịch dân sự vô hiệu Hủy giấy chứng nhận kết hôn có coi là hủy hôn nhân trái pháp luật không? Xác định mục đích của nhà ở theo Luật Nhà ở năm 2005