Trên Báo Lao động điện tử có đăng một câu chuyện thực tế[1]: “Chị Liên là một phụ nữ xinh đẹp, học thức. Sau một thời gian tìm hiểu và yêu nhau, chị Liên kết hôn với anh Trung, một người đàn ông thành đạt và có quan hệ rộng. Khi anh chị cưới nhau, nhiều người tấm tắc khen ngợi là cặp đôi trai tài, gái sắc và nghĩ hai người có thể sống hạnh phúc bên nhau trọn đời. Nhưng thực tế, anh chị chỉ chung sống hạnh phúc được mấy năm. Sau khi chị sinh cho anh một cậu con trai, cuộc sống của hai người ngày một xa cách hơn. Anh Trung luôn bận rộn với những chuyến công tác dài ngày, những buổi họp hành và dự tiệc với đối tác triền miên. Chị Liên cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Hầu hết những cuộc gặp mặt với gia đình nội, ngoại, anh Trung đều vắng mặt. Chưa kể đến việc chăm sóc học hành cho con đều một tay chị Liên lo liệu. Trước khi kết hôn, anh Trung có tạo lập được một số tài sản như 3 căn nhà cho thuê, cổ phiếu ở một số công ty, cộng với một khoản tiền khá khá gửi tiết kiệm ở ngân hàng. Chưa tính phần tiền lương, tổng thu nhập mà anh Trung có từ việc cho thuê nhà, tiền lời ngân hàng, tiền chia cổ tức khoảng 220 triệu đồng/tháng. Vốn là người tế nhị, nên chị Liên ít khi đòi hỏi trách nhiệm mà anh Trung phải đóng góp vào gia đình. Hàng tháng, anh Trung đưa cho chị 20 triệu đồng để chị lo chuyện cơm nước, sắm sửa trong gia đình, tiền học của con... Chị cũng không đòi hỏi gì thêm. Khi vợ chồng ngày một xa cách, không còn tình yêu với nhau nữa, chị Liên cũng không muốn níu kéo tình cảm của anh Trung làm gì. Chị chỉ muốn giành được quyền nuôi con mà không cần chồng trợ cấp nuôi con. Tuy nhiên, khi đề cập đến chuyện chia tay nhau, chị mới giật mình nhìn lại. Chị chẳng có gì trong tay ngoài số tiền ít ỏi mà chị dành dụm riêng được trong mấy năm qua...”. Vậy khi ly hôn, chị Liên có được chia tài sản gì không? Để trả lời câu hỏi trên, trước hết cần tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật về vấn đề này.
Thứ nhất, về thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng
Khi chuẩn bị bước vào thời kỳ hôn nhân, pháp luật về hôn nhân và gia đình Việt Nam cho phép hai bên vợ chồng thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng. Nếu hai bên vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận, thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn và có hiệu lực kể từ ngày đăng ký kết hôn[2].
Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản bao gồm: (i) Tài sản giữa vợ và chồng được xác định bao gồm tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng; giữa vợ và chồng không có tài sản riêng của vợ, chồng mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc tài sản chung; giữa vợ và chồng không có tài sản chung, mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có được tài sản đó; hoặc có thể xác định theo thỏa thuận khác của vợ chồng; (ii) Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan, tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình; (iii) Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản; các nội dung khác có liên quan. Khi thực hiện chế độ tài sản theo thỏa thuận mà phát sinh những vấn đề chưa được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng, thì áp dụng quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và quy định tương ứng của chế độ tài sản theo luật định[3]. Vợ chồng có quyền sửa đổi, bổ sung thỏa thuận về chế độ tài sản, nhưng phải đảm bảo việc sửa đổi, bổ sung nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản với hình thức là văn bản có công chứng hoặc chứng thực[4].
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng quy định: “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung”[5].
Đối với tài sản riêng của vợ, chồng được pháp luật thừa nhận là tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014[6].
Vợ hoặc chồng cũng có quyền quyết định nhập tài sản riêng của mình vào khối tài sản chung của vợ, chồng. Việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng. Tài sản được nhập vào tài sản chung mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì thỏa thuận phải bảo đảm hình thức đó. Nghĩa vụ liên quan đến tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung được thực hiện bằng tài sản chung, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác[7].
Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ các trường hợp: (i) Có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; (ii) Nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng; nghĩa vụ bồi thường thiệt hại; nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản; nghĩa vụ trả nợ cho cá nhân, tổ chức; nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước; nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan. Trong trường hợp hai bên vợ chồng không thỏa thuận được với nhau, thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Thỏa thuận về việc chia tài sản chung cũng phải lập thành văn bản và phải được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật[8].
Như vậy, pháp luật cho phép hai bên vợ chồng thỏa thuận về chế độ tài sản, xác lập tài sản chung, tài sản riêng và có thể thỏa thuận phân chia tài sản chung ngay trong thời kỳ hôn nhân.
Thứ hai, việc phân chia tài sản chung của vợ, chồng khi ly hôn
Trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được về chế độ tài sản cũng như việc phân chia tài sản, mà khi ly hôn có yêu cầu Tòa án giải quyết, thì Tòa án phải xem xét, quyết định việc áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định. Tùy từng trường hợp cụ thể, mà Tòa án xử lý như sau[9]:
- Trường hợp không có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng hoặc văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ, thì áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn.
- Trường hợp có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng và văn bản này không bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ, thì áp dụng các nội dung của văn bản thỏa thuận để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn. Đối với những vấn đề không được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng hoặc bị vô hiệu, thì áp dụng các quy định tương ứng trong Luật Hôn nhân và gia đình để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn.
Khi giải quyết ly hôn, nếu có yêu cầu tuyên bố thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu, thì Tòa án xem xét, giải quyết đồng thời với yêu cầu chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn. Thực hiện chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, Tòa án phải xác định vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ về tài sản với người thứ ba hay không để đưa người thứ ba vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ về tài sản với người thứ ba mà họ có yêu cầu giải quyết, thì Tòa án phải giải quyết khi chia tài sản chung của vợ chồng. Trường hợp vợ chồng có nghĩa vụ với người thứ ba mà người thứ ba không yêu cầu giải quyết, thì Tòa án hướng dẫn họ để giải quyết bằng vụ án khác.
Trong trường hợp áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn, thì tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi nhưng cần xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này, đồng thời, cần xem xét các yếu tố sau đây để xác định tỷ lệ tài sản mà vợ chồng được chia:
Một là, “hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng” là tình trạng về năng lực pháp luật, năng lực hành vi, sức khỏe, tài sản, khả năng lao động tạo ra thu nhập sau khi ly hôn của vợ, chồng cũng như của các thành viên khác trong gia đình mà vợ chồng có quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Bên gặp khó khăn hơn sau khi ly hôn được chia phần tài sản nhiều hơn so với bên kia hoặc được ưu tiên nhận loại tài sản để bảo đảm duy trì, ổn định cuộc sống của họ nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế của gia đình và của vợ, chồng.
Hai là, “công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung” là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn.
Ba là, “bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập” là việc chia tài sản chung của vợ chồng phải bảo đảm cho vợ, chồng đang hoạt động nghề nghiệp được tiếp tục hành nghề; cho vợ, chồng đang hoạt động sản xuất, kinh doanh được tiếp tục sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản chênh lệch. Việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và hoạt động nghề nghiệp không được ảnh hưởng đến điều kiện sống tối thiểu của vợ, chồng và con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự. Ví dụ: Vợ chồng có tài sản chung là một chiếc ô tô trị giá 400 triệu đồng mà người chồng đang chạy xe taxi và một cửa hàng tạp hóa trị giá 200 triệu đồng mà người vợ đang kinh doanh. Khi giải quyết ly hôn và chia tài sản chung, Tòa án phải xem xét giao cửa hàng tạp hóa cho người vợ, giao xe ô tô cho người chồng để họ tiếp tục kinh doanh, tạo thu nhập. Người chồng nhận được phần giá trị tài sản lớn hơn phải thanh toán cho người vợ phần giá trị là 100 triệu đồng...
Bốn là, “lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng” là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn. Ví dụ: Trường hợp người chồng có hành vi bạo lực gia đình, không chung thủy hoặc phá tán tài sản thì khi giải quyết ly hôn, Tòa án phải xem xét yếu tố lỗi của người chồng khi chia tài sản chung của vợ chồng để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của vợ và con chưa thành niên.
Theo quy định của pháp luật, giá trị tài sản chung của vợ chồng, tài sản riêng của vợ, chồng được xác định theo giá thị trường tại thời điểm giải quyết sơ thẩm vụ việc. Khi giải quyết chia tài sản khi ly hôn, Tòa án phải xem xét để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Ví dụ: Khi chia nhà ở là tài sản chung và là chỗ ở duy nhất của vợ chồng, trong trường hợp không chia được bằng hiện vật thì Tòa án xem xét và quyết định cho người vợ hoặc chồng trực tiếp nuôi con chưa thành niên, con bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự nhận hiện vật và thanh toán giá trị tương ứng với phần tài sản được chia cho người chồng hoặc vợ nếu người vợ hoặc chồng có yêu cầu[10].
Với những quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình hiện hành được chỉ dẫn và phân tích ở trên, hy vọng rằng, những trường hợp cụ thể như trường hợp của chị Liên, anh Trung sẽ có sự lựa chọn và xử lý sáng suốt để bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của hai bên vợ chồng.
Đại học Lao động - Xã hội, NCS tại Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
[1]. https://laodong.vn/lao-dong-doi-song/nhap-nhang-tai-san-chung-rieng-564465.ldo.
[2]. Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[3]. Điều 48 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[4]. Điều 49 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[5]. Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[6]. Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[7]. Điều 46 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[8]. Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[9]. Theo Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 giữa Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.
[10]. Theo Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 giữa Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.