Cụ thể hóa các quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995, ngày 03/5/1997, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47-CP ngày 03/5/1997 về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra (sau đây viết tắt là Nghị định số 47). Tuy nhiên, vấn đề về thời hiệu yêu cầu bồi thường chưa được quy định tại Nghị định số 47. Phải tới Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17/3/2003 về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra (viết tắt là Nghị quyết số 388) mới quy định cụ thể về thời hiệu yêu cầu bồi thường.
Ngày 20/6/2017, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước số 10/2017/QH14. Luật này có hiệu lực từ ngày 01/7/2018. Theo đó, hiện nay, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 và Nghị quyết số 388 đã hết hiệu lực. Tuy nhiên, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 và Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 đều có quy định về điều khoản chuyển tiếp, vì vậy, còn một số vụ việc thuộc trường hợp được bồi thường theo Nghị quyết số 388 và Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 đã yêu cầu bồi thường nhưng chưa được giải quyết vẫn còn có thể được áp dụng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 để giải quyết. Thời hiệu yêu cầu bồi thường của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự được quy định trong cả ba văn bản quy phạm pháp luật này, cụ thể như sau:
1.1. Quy định về thời hiệu yêu cầu bồi thường trong Nghị quyết số 388
Thời hiệu yêu cầu bồi thường được quy định tại Điều 19 Nghị quyết số 388, trong đó cả hai khoản 1 và 2 đều lấy mốc thời gian liên quan tới ngày có hiệu lực của Nghị quyết, cụ thể:
- Đối với những người thuộc các trường hợp được bồi thường theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 388, trong thời gian từ ngày 01/7/1996 cho đến trước ngày Nghị quyết số 388 có hiệu lực mà có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định bị oan, thì thời hiệu yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại giải quyết việc bồi thường là hai năm, kể từ ngày Nghị quyết số 388 có hiệu lực;
- Đối với những người có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định bị oan từ ngày Nghị quyết số 388 có hiệu lực, thì thời hiệu yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại giải quyết việc bồi thường là hai năm, kể từ ngày bản án, quyết định trên có hiệu lực pháp luật.
Tuy nhiên, thực tiễn triển khai thi hành Nghị quyết số 388, đã gặp phải vướng mắc trong quá trình giải quyết vụ việc do không xác định được cụ thể ngày có hiệu lực của Nghị quyết số 388, dẫn tới tranh cãi về thời hiệu yêu cầu bồi thường. Bởi vì, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 quy định về ngày có hiệu lực của nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội là kể từ ngày Chủ tịch nước ký lệnh công bố, trừ trường hợp văn bản đó quy định ngày có hiệu lực khác. Tuy nhiên, Nghị quyết số 388 không có quy định về ngày có hiệu lực và hiện cũng chưa tìm được văn bản nào xác định ngày Chủ tịch nước ký lệnh công bố Nghị quyết này.
Vì vậy, để thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, ngày 08/5/2006, Tòa án nhân dân tối cao đã có văn bản gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội xin ý kiến về việc xác định rõ thời điểm có hiệu của Nghị quyết số 388[1]. Theo đó, ngày 12/5/2006, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có văn bản gửi Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về việc xác định ngày có hiệu lực của Nghị quyết số 388, cụ thể “trên cơ sở xem xét việc Văn phòng Quốc hội đã có tổ chức họp báo đưa tin về Nghị quyết này sau khi được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua và vận dụng quy định tại Điều 10 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban thường vụ Quốc hội xác định thời điểm có hiệu pháp luật của Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11 của Ủy ban thường vụ Quốc hội là sau 15 ngày, kể từ ngày Nghị quyết được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua”[2]. Trên cơ sở đó, ngày 24/5/2006, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành văn bản xác định Nghị quyết số 388 có hiệu lực kể từ ngày 02/5/2003, đây là mốc thời gian quan trọng để xác định thời hiệu yêu cầu bồi thường của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo Nghị quyết số 388.
Ngoài ra, liên quan tới việc xác định thời hiệu yêu cầu bồi thường đối với các trường hợp bị oan được áp dụng Nghị quyết số 388 để giải quyết bồi thường, tại Điều 19 Nghị quyết số 388 chỉ quy định thời hiệu đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 18, cụ thể là trường hợp mà có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật từ ngày 01/7/1996 của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó bị oan. Còn đối với những trường hợp mà có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật trước ngày 01/7/1996 của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó bị oan mà đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại của người bị oan hoặc thân nhân của người bị oan đã được cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự tiếp nhận trước ngày Nghị quyết số 388 có hiệu lực nhưng chưa giải quyết hoặc đang giải quyết, thì áp dụng Nghị quyết số 388 để giải quyết mà không áp dụng thời hiệu quy định tại Điều 19 Nghị quyết số 388 nữa. Bởi có thể hiểu, người bị oan đó đã có đơn yêu cầu bồi thường tới cơ quan có thẩm quyền nhưng chưa được giải quyết.
1.2. Quy định về thời hiệu yêu cầu bồi thường trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 quy định về thời hiệu yêu cầu bồi thường nhà nước nói chung cho cả ba lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án tại Điều 5, trong đó bao gồm cả hoạt động tố tụng hình sự.
Trên cơ sở phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 quy định về thời hiệu yêu cầu bồi thường đối với người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự, theo đó, đối với trường hợp có văn bản của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường thì thời hiệu yêu cầu bồi thường là 02 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường quy định tại Điều 26 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009. Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 lấy mốc thời gian là ngày có hiệu lực pháp luật của bản án, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng để tính thời hiệu yêu cầu bồi thường.
1.3. Quy định về thời hiệu yêu cầu bồi thường trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017
So với quy định tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 đã sửa đổi một số quy định về thời hiệu yêu cầu bồi thường. Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cũng quy định chung về thời hiệu yêu cầu bồi thường cho các hoạt động mà không có quy định riêng cho lĩnh vực tố tụng hình sự. Trên cơ sở quy định chung này, thì thời hiệu yêu cầu bồi thường đối với người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự được quy định cụ thể như sau:
Thứ nhất, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 quy định tăng thời hiệu yêu cầu bồi thường từ 02 năm lên 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường (người bị thiệt hại; người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại và người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự) nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường cho phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Ngoài ra, so với Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 quy định lấy mốc thời gian để tính thời hiệu yêu cầu bồi thường là ngày người có quyền yêu cầu bồi thường nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường. Đây là một quy định tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người bị thiệt hại, bởi vì nhiều trường hợp trên thực tế, đã có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường nhưng người bị thiệt hại chưa được nhận văn bản này để có cơ sở thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình.
Thứ hai, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 quy định không áp dụng thời hiệu yêu cầu bồi thường đối với trường hợp yêu cầu phục hồi danh dự. Quy định này cũng là phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự về không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản.
Thứ ba, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 bổ sung quy định về thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường và nghĩa vụ chứng minh của người yêu cầu bồi thường đối với khoảng thời gian không tính vào thời hiệu. Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 quy định về các khoảng thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường trên cơ sở luật hóa quy định tại một số thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 nhằm bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại. Đồng thời, quy định này cũng phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự về khoảng thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự.
Thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường được xác định như sau:
- Khoảng thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự làm cho người có quyền yêu cầu bồi thường (bao gồm: Người bị thiệt hại; người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại và người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự) không thể thực hiện được quyền yêu cầu bồi thường;
- Khoảng thời gian mà người bị thiệt hại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi chưa có người đại diện theo quy định của pháp luật hoặc người đại diện đã chết hoặc không thể tiếp tục là người đại diện cho tới khi có người đại diện mới.
2. Một vụ việc điển hình
Ngày 19/10/1981, cơ quan điều tra Công an tỉnh K đã ra quyết định khởi tố vụ án - khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với ông B do bị tình nghi phạm tội giết người. Ngày 25/9/1984, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh K có Quyết định đình chỉ điều tra bị can số 336/KSĐT đối với ông B đồng thời trả tự do cho ông vì không đủ bằng chứng buộc tội. Năm 2000, ông B có đơn khiếu nại yêu cầu bồi thường về vật chất, về danh dự gửi đến Công an tỉnh K. Ngày 14/4/2000, cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh K có Công văn số 09/HC gửi ông B có nội dung không thể tiến hành xem xét các yêu cầu bồi thường thiệt hại của ông do: Sự việc xảy ra tại thời điểm năm 1981 khi đó chưa có Bộ luật Hình sự năm 1985, nên chưa có quy định “truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội”, đồng thời, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với loại tội này đã hết. Ngày 09/11/2009, ông B có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, thì cán bộ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh K trả lời đã hết thời hiệu nên không thực hiện được việc bồi thường thiệt hại. Năm 2016, ông B tiếp tục có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại gửi Viện kiểm sát nhân dân tỉnh K. Ngày 14/6/2016, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh K có công văn trả lời yêu cầu bồi thường của ông B, theo đó, tiếp tục cho rằng vụ việc của ông B đã hết thời hiệu yêu cầu bồi thường. Ông B đã tiến hành khởi kiện yêu cầu bồi thường đối với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh K tại Tòa án nhân dân huyện N. Tuy nhiên, ngày 18/10/2016, Tòa án nhân dân huyện N có Thông báo số 460/TB-TA trả lại đơn khởi kiện của ông do chưa đủ điều kiện khởi kiện theo quy định tại Điều 22 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009. Đến nay, vụ việc của ông B chưa được thụ lý để giải quyết.
Phân tích một số vấn đề pháp lý liên quan tới vụ việc:
Ngày 25/9/1984, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh K có quyết định đình chỉ điều tra đối với ông B vì không đủ bằng chứng buộc tội ông về tội giết người. Theo đó, ông B thuộc trường hợp được bồi thường thiệt hại theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 388. Theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị quyết số 388 thì “các trường hợp quy định tại Điều 1 của Nghị quyết này mà có bản án, quyết định có hiệu lực trước ngày 01/7/1996 của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó bị oan mà đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại của người bị oan hoặc thân nhân của người bị oan đã được cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự tiếp nhận trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực nhưng chưa giải quyết hoặc đang giải quyết, thì áp dụng Nghị quyết này để giải quyết”.
Đối với vụ việc của ông B, đã có quyết định đình chỉ điều tra ngày 25/9/1984 xác định ông không thực hiện hành vi phạm tội. Năm 2000, ông đã có đơn khiếu nại yêu cầu bồi thường gửi Công an tỉnh K. Ngày 14/4/2000, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh K đã có Công văn số 09/HC gửi ông B có nội dung không thể tiến hành xem xét các yêu cầu bồi thường thiệt hại của ông. Như vậy, đối chiếu với quy định nêu trên tại Nghị quyết số 388 thì đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại của ông B đã được cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự tiếp nhận trước ngày Nghị quyết số 388 có hiệu lực nhưng chưa được giải quyết. Và theo quy định tại Điều 19 Nghị quyết số 388 không quy định thời hiệu yêu cầu bồi thường đối với trường hợp này. Do đó, không có cơ sở để xác định vụ việc đã hết thời hiệu yêu cầu bồi thường.
3. Một số vấn đề cần lưu ý khi áp dụng pháp luật về thời hiệu yêu cầu bồi thường
3.1. Về phía người bị oan - người bị thiệt hại
- Khi người bị oan nhận được bản án, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền làm căn cứ thực hiện quyền yêu cầu bồi thường và khi có đủ những giấy tờ, tài liệu liên quan tới yêu cầu bồi thường của mình cần sớm thực hiện quyền này để không bị rơi vào trường hợp hết thời hiệu yêu cầu bồi thường.
- Quá trình tố tụng hình sự bao gồm rất nhiều giai đoạn tố tụng với sự tham gia của nhiều cơ quan tố tụng, trong trường hợp chưa xác định được ngay cơ quan giải quyết bồi thường, người yêu cầu bồi thường có thể nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường đến Sở Tư pháp nơi người bị thiệt hại cư trú hoặc có trụ sở, để tránh trường trường hợp do xác định cơ quan giải quyết bồi thường quá lâu dẫn tới hết thời hiệu yêu cầu bồi thường. Theo đó, trong thời hạn 05 ngày làm việc, Sở Tư pháp có trách nhiệm xác định cơ quan giải quyết bồi thường, chuyển hồ sơ đến cơ quan giải quyết bồi thường và thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu bồi thường.
3.2. Về phía cơ quan nhà nước
- Đối với yêu cầu phục hồi danh dự thì Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 không quy định thời hiệu. Vì vậy, trường hợp đã hết thời hiệu yêu cầu bồi thường thiệt hại mà người bị thiệt hại vẫn có yêu cầu phục hồi danh dự thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải tiến hành phục hồi danh dự cho người đó theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
- Đối với những vụ việc người mà yêu cầu bồi thường đã nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường đến Sở Tư pháp trong thời hiệu yêu cầu bồi thường để xác định cơ quan giải quyết bồi thường theo quy định tại khoản 4 Điều 41 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, nhưng tại thời điểm nhận hồ sơ do Sở Tư pháp chuyển đến mà thời hiệu yêu cầu bồi thường đã hết thì vụ việc này vẫn được coi là trong thời thời hiệu yêu cầu bồi thường và cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại phải xem xét thụ lý hồ sơ do Sở Tư pháp chuyển đến.
Cục Bồi thường nhà nước