1. Về Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc
1.1. Vấn đề thúc đẩy và bảo đảm quyền con người được xác định là một trong ba trụ cột chính của Liên hợp quốc, cùng với các vấn đề an ninh, hòa bình và phát triển. Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc trực thuộc Đại hội đồng Liên hợp quốc được thành lập năm 2006 (theo Nghị quyết 60/251 của Đại hội đồng Liên hợp quốc) là cơ chế quan trọng nhất về quyền con người trong hệ thống Liên hợp quốc, có chương trình nghị sự trải rộng trên 10 đề mục, một mặt bám sát các quan tâm chung của cộng đồng quốc tế về quyền con người, mặt khác cũng phản ánh rõ nét những ưu tiên, chiến lược lớn của các nước và các nhóm nước trong lĩnh vực này và có một hệ thống các cơ quan, cơ chế trực thuộc đặc biệt, được quan tâm và tham gia rộng rãi, đầy đủ nhất là Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR).
Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc là diễn đàn đối thoại, hợp tác và thúc đẩy cân bằng tất cả các quyền con người, kể cả quyền phát triển; hoạt động trên cơ sở khách quan, hợp tác và đối thoại, trên tinh thần xây dựng, không thiên vị, chọn lọc, chính trị hóa và tiêu chuẩn kép. Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc có các nhiệm vụ sau:
- Thảo luận tình hình, đề cập các vi phạm quyền con người và đưa ra các nghị quyết, khuyến nghị về các vấn đề quyền con người, hàng năm có báo cáo trình Đại hội đồng Liên hợp quốc;
- Ngăn chặn các vi phạm quyền con người thông qua hợp tác và đối thoại; hợp tác chặt chẽ với các Chính phủ, tổ chức khu vực, cơ quan nhân quyền quốc gia, các tổ chức phi chính phủ...
- Thúc đẩy giáo dục, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực cho các nước; thúc đẩy các nước thực hiện nghĩa vụ và cam kết về quyền con người;
- Kiểm định định kỳ việc thực hiện các nghĩa vụ, cam kết của tất cả các nước về quyền con người dựa trên các thông tin khách quan, tin cậy, thông qua một cơ chế kiểm điểm định kỳ 4 - 5 năm một lần, trên cơ sở hợp tác và đối thoại.
Nhìn chung, nội dung hoạt động của Hội đồng Nhân quyền ngày càng gắn trực tiếp hơn với các trọng tâm của Liên hợp quốc và quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, như phát triển bền vững (thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững), ứng phó với biến đổi khí hậu, di cư, bảo vệ và thúc đẩy quyền của các nhóm dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, các nhóm thiểu số, người di cư...). Đồng thời, Hội đồng Nhân quyền xem xét, thảo luận về tình hình tại hầu hết các điểm nóng, các cuộc khủng hoảng nhân đạo hoặc xung đột vũ trang có nguy cơ xảy ra vi phạm quyền con người trên phạm vi toàn thế giới.
1.2. Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc có 47 thành viên, phân bổ cân bằng theo khu vực địa lý. Cụ thể là: Nhóm châu Á được 13 ghế, nhóm châu Phi 13 ghế, nhóm Đông Âu 6 ghế, nhóm Mỹ La tinh và Caribe 8 ghế, nhóm Tây Bắc Âu và các nước khác (phương Tây) 7 ghế. Các thành viên có nhiệm kỳ 3 năm, không được tái cử nếu đã qua hai nhiệm kỳ liên tục. Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc bầu Chủ tịch và 4 Phó Chủ tịch nhiệm kỳ một năm dựa trên đề cử của 5 nhóm khu vực và theo nguyên tắc luân phiên giữa các nhóm khu vực.
Tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc đều có quyền ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ bầu các thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc bằng bỏ phiếu kín với đa số thường. Khi bỏ phiếu tại Đại hội đồng để bầu thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, các nước thành viên Liên hợp quốc thường xem xét những đóng góp của từng ứng cử viên trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người cũng như những cam kết tự nguyện của họ trong lĩnh vực này.
Với vị trí và tầm quan trọng của mình, kể từ khi thành lập, Hội đồng Nhân quyền luôn được các nước quan tâm tham gia, cùng với Hội đồng Bảo an trở thành những cơ quan trong hệ thống Liên hợp quốc được các nước quan tâm ứng cử nhiều nhất. Trong đó nhiều nước liên tiếp ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền (Nga, Trung Quốc, Cuba, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Mỹ,...), về cơ bản, khi tham gia Hội đồng Nhân quyền, mục đích chính của các nước là để đề cao đường lối, chính sách, thành tựu về quyền con người, thúc đẩy các ưu tiên, sáng kiến phù hợp với lợi ích của mình; đồng thời tranh thủ thông tin, giải thích, vận động, đấu tranh, phản bác các quan điểm chỉ trích của các cơ chế nhân quyền Liên hợp quốc hoặc của các nước khác về tình hình nhân quyền ở nước mình.
1.3. Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tiến hành ba khóa họp thường kỳ trong một năm vào các tháng 3, 6 và 9, với tổng thời lượng không ít hơn 10 tuần, trong đó ít nhất có một phiên thảo luận cấp cao (thường được lồng ghép vào khóa họp tháng 3).
Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc có thể tiến hành các khóa họp đặc biệt nếu thấy cần thiết, trên cơ sở đề nghị của một nước thành viên và được ít nhất 1/3 các nước thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (16/47) ủng hộ. Tính từ khi thành lập đến nay (6/2022), Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã tiến hành 34 khóa họp đặc biệt. Ngoài ra, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc còn tiến hành ba khóa họp kiểm điểm theo UPR (dưới hình thức Nhóm làm việc) do Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc chủ trì vào các tháng 2, 5, 10 hàng năm, mỗi khóa kéo dài hai tuần để tiến hành kiểm điểm lần lượt đối với tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc.
Tất cả các khóa họp thường kỳ, phiên họp đặc biệt và khóa họp của Nhóm làm việc về cơ chế kiểm điểm định kỳ đều được tiến hành công khai với sự tham dự của tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc (không chỉ thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc), các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ có quy chế tư vấn tại Hội đồng Kinh tế - Xã hội.
1.4. Chương trình nghị sự của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại mỗi Khóa họp chính thức gồm 10 đề mục, bao gồm: (i) Các vấn đề thủ tục; (ii) Báo cáo thường niên và cập nhật của Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc; (iii) Các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quyền phát triển; (iv) Tình hình nhân quyền cần có sự quan tâm của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc; (v) Các cơ quan và cơ chế nhân quyền; (vi) Kiểm điểm UPR; (vii) Tình hình nhân quyền tại Palestine và các vùng lãnh thổ A-rập bị chiếm đóng; (viii) Theo dõi và thực hiện Tuyên bố và Chương trình hành động Viên về quyền con người; (ix) Chống phân biệt chủng tộc, bài ngoại và theo dõi thực hiện Tuyên bố và Chương trình hành động Durban; (x) Hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực về quyền con người.
2. Những đóng góp của Việt Nam
2.1. Việt Nam luôn tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc từ khi cơ quan này được thành lập. Trong đó, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước. Việt Nam tham gia tích cực các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền, thúc đẩy các sáng kiến thể hiện dấu ấn, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao như tham gia Nhóm Nòng cốt tại Hội đồng Nhân quyền về “Biến đổi khí hậu và quyền con người”, trực tiếp là tác giả một số nghị quyết được Hội đồng Nhân quyền thông qua bằng đồng thuận về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các nhóm dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em…). Việt Nam cũng tham gia đồng tác giả, đồng bảo trợ hàng chục nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền trong giai đoạn này, tập trung vào các lĩnh vực quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử, xóa bỏ các biện pháp cấm vận đơn phương ảnh hưởng đến thụ hưởng quyền con người, quyền của nông dân, vấn đề dân chủ hóa đời sống quốc tế và tăng cường đoàn kết quốc tế.
Việt Nam có nhiều đóng góp, làm cầu nối thúc đẩy hợp tác và đối thoại giữa các nước, các nhóm nước nhằm thúc đẩy cách tiếp cận cân bằng, tiến bộ, hướng tới con người của Hội đồng Nhân quyền trên những vấn đề còn khác biệt ví dụ như về quyền sức khoẻ sinh sản, chống bạo hành với phụ nữ, xóa bỏ phân biệt đối xử và bạo lực dựa trên cơ sở bản dạng giới và xu hướng tình dục…
Việt Nam cũng đã thúc đẩy đối thoại trong khuôn khổ Hội đồng Nhân quyền giữa các nước liên quan, các tổ chức khu vực và các cơ chế của Liên hợp quốc về quyền con người nhằm giải quyết những quan tâm cụ thể về các vấn đề liên quan đến nhân quyền, nhân đạo; gắn với việc phối hợp với các nước đang phát triển đấu tranh để bảo đảm Hội đồng Nhân quyền hoạt động đúng nguyên tắc, thủ tục, không chính trị hoá, không can thiệp công việc nội bộ các nước.
2.2. Trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến 2016, Việt Nam cũng được tín nhiệm bầu làm Điều phối viên ASEAN tại Hội đồng Nhân quyền. Đảm nhận vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016 đã góp phần thúc đẩy quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước và nâng cao vị thế quốc tế đất nước; đồng thời nâng cao năng lực cán bộ ngoại giao đa phương, cán bộ công tác trong lĩnh vực bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của ta.
Việt Nam cũng nghiêm túc thực hiện UPR - cơ chế quan trọng nhất của Hội đồng Nhân quyền; triển khai có hiệu quả Kế hoạch tổng thể thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III mà Việt Nam chấp thuận, làm cơ sở để lần đầu tiên Việt Nam xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện để nộp Hội đồng Nhân quyền. Báo cáo này đã được công bố vào Quý 1/2022, cung cấp thông tin toàn diện và phản ánh chân thực những cam kết, nỗ lực của Việt Nam để tiếp tục ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người, nhất là những nhóm dễ bị tổn thương trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đầy khó khăn.
2.3. Không chỉ ở Hội đồng Nhân quyền, mà tại các diễn đàn đa phương khác như Ủy ban các vấn đề nhân đạo, xã hội, văn hóa (Ủy ban 3) của Đại hội đồng Liên hợp quốc, ASEAN, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy hành động và đóng góp nhiều giải pháp, sáng kiến về quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, các vấn đề an ninh phi truyền thống thuộc quan tâm chung, đặc biệt là ứng phó với đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, thể hiện cam kết mạnh mẽ về bảo đảm quyền con người với tư cách là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Trong năm 2020, với 112 nước đồng bảo trợ, Việt Nam đã lần đầu tiên đề xuất và thúc đẩy thông qua bằng đồng thuận nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc lấy ngày 27/12 hàng năm là Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh, đóng góp thiết thực vào nỗ lực chung của thế giới nhằm nâng cao nhận thức về sự cần thiết sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh. Cũng trong năm 2020, với vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, Việt Nam đã đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) với ưu tiên thúc đẩy quyền của nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch. Cùng các nước ASEAN, Việt Nam đã dẫn dắt, triển khai Quỹ ASEAN để ứng phó dịch Covid-19; xây dựng Quy chế hoạt động của Kho dự trữ vật tư y tế khu vực; hình thành Khung chiến lược ASEAN trong tình huống khẩn cấp y tế công cộng... để bảo đảm quyền, sức khỏe cho hơn 650 triệu người dân trong khu vực.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tháng 11/2021, việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chính thức công bố cam kết của Việt Nam đạt mức thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là một bước ngoặt lịch sử trong chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam đưa chúng ta trở thành một trong những nước đi đầu về cam kết cắt giảm phát thải.
Trong nhiệm kỳ ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020 - 2021, Việt Nam luôn thúc đẩy tinh thần nhân văn, nhân ái, hướng tới người dân tăng cường hành động nhân đạo, bảo vệ thường dân trong và hậu xung đột. Các sáng kiến của Việt Nam đều được cộng đồng quốc tế hưởng ứng, đánh giá cao bởi cách tiếp cận vì con người, lấy con người làm trung tâm, hướng tới mục tiêu quan trọng nhất là mang đến hòa bình bền vững, giải quyết và ngăn ngừa xung đột, đem lại cuộc sống an toàn, ổn định cho người dân ở các quốc gia, khu vực chịu ảnh hưởng.
Tại tất cả các diễn đàn, Việt Nam luôn chủ trương coi trọng việc đối thoại, hợp tác với các nước, đối tác trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Với cách tiếp cận cân bằng, toàn diện, ủng hộ đối thoại và hợp tác, Việt Nam chú trọng tăng cường thông tin đến cộng đồng quốc tế về những chính sách, nỗ lực và thành tựu trong bảo đảm quyền con người, đồng thời cũng chủ động, linh hoạt tham gia cuộc đấu tranh chung của cộng đồng quốc tế chống xu hướng chính trị hóa, “tiêu chuẩn kép”, can thiệp, thúc đẩy minh bạch tiến tới hiểu biết lẫn nhau, không để khác biệt cản trở hợp tác với các đối tác quan trọng.
3. Việt Nam tiếp tục ứng cử vào Hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2023 - 2025
Việc Việt Nam tiếp tục ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 - 2025 sẽ góp phần:
- Triển khai Chỉ thị số 25/CT-TW ngày 08/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh, nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.
- Khẳng định nỗ lực, cam kết và thành tựu cũng như khả năng đóng góp của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người; chủ động phòng ngừa, phát hiện đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để chống phá ta; đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các nước để tăng cường công tác tuyên truyền về thành tựu, thực tế tình hình bảo đảm quyền con người tại Việt Nam.
- Nâng cao vị thế, hình ảnh một nước Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; góp phần tăng cường quan hệ hợp tác song phương với các nước bạn bè, các nước đối tác, kể cả những nước có quan điểm khác biệt về quyền con người.
- Thúc đẩy các sáng kiến cụ thể, trong đó tiếp tục đẩy mạnh sáng kiến về “Biến đổi khí hậu và quyền con người”; đồng thời thúc đẩy hợp tác, đối thoại trên các vấn đề mà quốc tế quan tâm, phù hợp với lợi ích của ta.
- Tiếp tục nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, hoàn thiện cơ chế phối hợp nâng cao hiệu quả sự tham gia của Việt Nam vào các cơ chế đa phương tạo tiền đề để đưa cán bộ của ta vào làm việc tại các cơ quan của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác.
Trên cơ sở đó, tháng 7/2020, ngay trong thời gian Việt Nam đang đảm nhiệm vai trò ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Thủ tướng Chính phủ đã duyệt chủ trương Việt Nam ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025. Tháng 02/2021, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Phiên họp cấp cao trong khuôn khổ Khóa 46 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông báo chính thức ứng cử của Việt Nam với tư cách là ứng cử viên duy nhất của ASEAN. Tháng 03/2022, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Phiên họp cấp cao trong khuôn khổ Khóa 49 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, đưa ra thông điệp ứng cử và tôn chỉ hành động của Việt Nam là “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền. Cho tất cả mọi người”; đồng thời nhấn mạnh các nội dung, vấn đề Việt Nam ưu tiên thúc đẩy khi trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền.
Có thể nói, việc Việt Nam ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025 là sự tiếp nối của chính sách đối ngoại của Đảng, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, là nỗ lực đóng góp tiếp theo sự thành công của nhiệm kỳ Hội đồng Bảo an 2020 - 2021 vừa qua.
Ý kiến bạn đọc (0)
Các tin khác
Phát huy vai trò của lực lượng Công an nhân dân trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật[1]
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích...
Xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới
Bài viết đề cập đến vấn đề xây dựng và kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp trong sạch, vững mạnh, liêm chính, chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật hiện nay cần quan tâm ở Hậu Giang
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được xem là khâu đầu tiên của quá trình...
Mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân
Luật Đất đai năm 2024 ra đời đã thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương tại các nghị quyết, kết luận của Đảng về quản lý và sử dụng đất. Trong đó có nội dung về nâng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân và phân cấp thẩm quyền quy định cho địa phương.
Nâng cao hiệu quả công tác xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân ở các cơ sở giam giữ
Thi đua chấp hành án phạt tù tại các cơ sở giam giữ là một trong những yêu cầu phạm nhân...