Tóm tắt: Bài viết tập trung phân tích các quy định pháp luật về thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình sử dụng đất, đồng thời, làm rõ những vấn đề còn hạn chế, bất cập trong việc thực hiện thủ tục này trên thực tế, từ đó đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện.
Abstract: The article focuses on analyzing legal provisions on procedures for granting certificates of land use rights, ownership of houses and other land-attached assets to households using land, and at the same time, clarifies that there are still limitations and inadequacies in the implementation of this procedure in practice, thereby making some recommendations for improvement.
1. Quy định pháp luật về thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình sử dụng đất
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (viết tắt là GCN) là chứng thư pháp lý xác lập mối quan hệ hợp pháp giữa Nhà nước và người sử dụng đất, là cơ sở pháp lý để Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sử dụng đất của họ và cũng là cơ sở để người sử dụng đất thực hiện đầy đủ quyền sử dụng đất của mình. Bên cạnh đó, khi phát sinh tranh chấp, GCN đóng vai trò quan trọng, là căn cứ để pháp luật bảo vệ quyền lợi chính đáng của người được cấp GCN.
Cấp GCN là một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước về đất đai, là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua hệ thống các quy phạm pháp luật để xác lập và công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp cho các chủ thể sử dụng đất trong xã hội. Hoạt động cấp GCN là một quá trình bao gồm nhiều công việc như kiểm tra, đo đạc thực địa, thẩm tra, xác minh, đối chiếu hồ sơ xin cấp GCN với hiện trạng thực tế; xem xét, quyết định, phê duyệt cấp GCN và thực hiện cấp GCN cho những trường hợp đủ điều kiện theo luật định. Như vậy, có thể hiểu, việc cấp GCN là quá trình tổ chức triển khai trong thực tế các công việc cụ thể có liên quan tới hoạt động địa chính, kiểm tra hồ sơ, xác minh thực địa và các điều kiện khác liên quan đến tính hợp pháp của tài sản là quyền sử dụng đất và các tài sản liên quan để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp chứng thư pháp lý xác nhận quyền sở hữu và sử dụng hợp pháp đối với quyền sử dụng đất và các tài sản liên quan đó. Với tầm quan trọng của GCN đối với người sử dụng đất, hoạt động cấp GCN không đơn thuần chỉ là hoạt động quản lý, mà còn là hoạt động bảo vệ quyền của người sử dụng đất, bảo vệ một tài sản có giá trị lớn, có thể gắn bó suốt đời với người sử dụng đất, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Do vậy, tại khoản 1 Điều 166 Luật Đất đai năm 2013, Nhà nước đã khẳng định việc được cấp GCN là quyền chung quan trọng đầu tiên của người sử dụng đất và theo đó, việc cấp GCN cho người sử dụng đất là nghĩa vụ mà Nhà nước phải thực hiện.
Hiện nay, pháp luật đất đai chưa đưa ra khái niệm thủ tục cấp GCN. Dựa vào những đặc trưng trong hoạt động cấp GCN, có thể thấy, thủ tục cấp GCN là một dạng thủ tục hành chính. Tuy nhiên, đây không phải là thủ tục hành chính thông thường mà là một dạng thủ tục hành chính đặc biệt, bởi, thủ tục cấp GCN vừa mang những đặc điểm chung của một thủ tục hành chính thông thường, vừa mang những đặc điểm riêng biệt trong lĩnh vực cấp GCN.
So với các chủ thể sử dụng đất khác, thủ tục cấp GCN cho đối tượng là hộ gia đình (HGĐ) sử dụng đất cũng được thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai. Cụ thể, việc cấp GCN cho HGĐ sẽ được thực hiện theo trình tự, thủ tục được quy định tại Điều 70 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (Nghị định số 43/2014/NĐ-CP), gồm các bước sau:
Bước 1: HGĐ sử dụng đất nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường hoặc nộp tại Ủy ban nhân dân cấp xã ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính. Hồ sơ gồm có: (i) Đơn đề nghị cấp GCN (theo mẫu). (ii) Bản sao sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân. Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải có bản sao giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng và đủ điều kiện được sở hữu nhà ở và sử dụng đất ở tại Việt Nam. (iii) Bản sao chứng thực giấy tờ về quyền sử dụng đất (nếu có). (iv) Bản sao chứng thực giấy tờ về tài sản gắn liền với đất theo quy định (nếu có tài sản và có yêu cầu chứng nhận quyền sở hữu). (v) Giấy tờ về quyền sử dụng đất theo Điều 100 Luật Đất đai năm 2013, Điều 18 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP (bản sao chứng thực nếu có). (vi) Sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng (trừ trường hợp trong bản sao chứng thực giấy tờ về tài sản gắn liền với đất đã có sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng). (vii) Văn bản ủy quyền nộp hồ sơ hoặc nhận GCN (nếu có). (viii) Bản sao các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định của pháp luật (nếu có). (xi) Tờ khai nộp lệ phí trước bạ nhà, đất (theo mẫu). (x) Đơn đề nghị được ghi nợ tiền sử dụng đất, ghi nợ lệ phí trước bạ (đối với trường hợp chưa có khả năng tài chính để nộp tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ).
Bước 2: Ủy ban nhân dân xã tiến hành:
- Kiểm tra, đối chiếu hồ sơ quản lý đất đai, quy hoạch để kiểm tra, xác nhận về nguồn gốc sử dụng đất; thời điểm bắt đầu sử dụng đất vào mục đích hiện nay; nguồn gốc tạo lập tài sản; thời điểm hình thành tài sản; tình trạng tranh chấp về đất đai, tài sản gắn liền với đất; sự phù hợp với quy hoạch; sự phù hợp quy định về hành lang bảo vệ an toàn các công trình công cộng; di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng (nếu có).
- Trích lục bản đồ thửa đất (đối với khu vực đã hoàn thành công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính); đối với khu vực chưa hoàn thành công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính hoặc trường hợp chưa có sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng thì trước khi thực hiện, Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo cho Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai và người đề nghị công nhận quyền sử dụng đất thực hiện trích đo địa chính thửa đất, sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng hoặc kiểm tra bản trích đo địa chính thửa đất, sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng do người sử dụng đất nộp (nếu có), thời gian trích đo hoặc kiểm tra bản trích đo không quá 10 ngày làm việc và không tính vào thời gian giải quyết thủ tục công nhận quyền sử dụng đất; đồng thời tiến hành xác nhận và đề nghị được ghi nợ tiền sử dụng đất, ghi nợ lệ phí trước bạ đối với các trường hợp có có đơn đề nghị được ghi nợ.
- Thông báo công khai kết quả kiểm tra tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và tổ dân phố, khu dân cư nơi có thửa đất đối với trường hợp xét thấy đủ điều kiện để trình Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp quyết định công nhận quyền sử dụng đất trong thời gian 15 ngày; lập biên bản kết thúc công khai; sau thời gian thông báo công khai nếu không phát sinh khiếu kiện thì lập tờ trình kèm theo hồ sơ gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện đề nghị công nhận quyền sử dụng đất.
Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện hoặc cần giải trình, bổ sung hồ sơ thì trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp xã ra thông báo bằng văn bản trong đó nêu rõ lý do cho người đề nghị công nhận quyền sử dụng đất biết.
Bước 3: Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện tiến hành tiếp nhận hồ sơ từ Ủy ban nhân dân cấp xã và thực hiện các công việc sau:
- Kiểm tra hồ sơ, xác minh thực địa trong trường hợp cần thiết; xác nhận đủ điều kiện hay không đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp đủ điều kiện công nhận quyền sử dụng đất thì lập tờ trình, dự thảo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện, trình Ủy ban nhân dân cấp huyện ký quyết định công nhận quyền sử dụng đất.
- Trường hợp không đủ điều kiện công nhận quyền sử dụng đất thì làm thông báo gửi Ủy ban nhân dân cấp xã và HGĐ đề nghị công nhận quyền sử dụng đất biết. Trường hợp thuộc diện cho thuê đất hàng năm để sử dụng tạm thời theo hiện trạng thì hướng dẫn HGĐ làm thủ tục thuê đất theo quy định. Thời gian thực hiện các công việc tại Phòng Tài nguyên và Môi trường là không quá 07 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ từ Ủy ban nhân dân cấp xã.
Nếu HGĐ sử dụng đất nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thì trong thời gian 01 ngày, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai có trách nhiệm gửi hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp xã (nơi có đất) để lấy ý kiến xác nhận và công khai kết quả theo quy định.
Bước 4: Phòng Tài nguyên và Môi trường gửi hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, tờ trình của Phòng Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm xem xét, ký quyết định công nhận quyền sử dụng đất. Phòng Tài nguyên và Môi trường sau khi nhận được quyết định của Ủy ban nhân cấp huyện gửi số liệu địa chính sang Chi cục Thuế; Chi cục Thuế có trách nhiệm tính toán các nghĩa vụ tài chính và gửi lại cho bộ phận tiếp nhận hồ sơ để bên tiếp nhận gửi thông báo cho HGĐ sử dụng đất (toàn bộ quá trình này trong thời gian khoảng 07 ngày làm việc).
Bước 5: HGĐ sử dụng đất hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo thông báo được nhận; gửi xác minh đã hoàn thành nghĩa vụ tới bộ phận tiếp nhận Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường để nhận phiếu hẹn trả kết quả.
Bước 6: Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả trao GCN cho người sử dụng theo thời gian ghi trong phiếu hẹn. Nếu HGĐ sử dụng đất nộp hồ sơ tại cơ quan cấp xã thì bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính có trách nhiệm nhận GCN từ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai sau khi đã hoàn thiện thủ tục và gửi cho người nộp hồ sơ.
Theo quy định tại Điều 61 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, tổng thời gian thực hiện cấp GCN lần đầu là trong khoảng 30 ngày. Như vậy, so với các quy định pháp luật đất đai cũ thì thời hạn thực hiện thủ tục cấp GCN được quy định rút ngắn hơn. Đây là một quy định tiến bộ, cần thiết, phù hợp và đáp ứng kịp thời được nhu cầu của HGĐ sử dụng đất nói riêng và người sử dụng đất nói chung bởi việc quy định rút ngắn thời gian cấp GCN sẽ giúp tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí cho người có nhu cầu cấp GCN cũng như các nguồn lực xã hội có liên quan.
2. Thực trạng thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình sử dụng đất
Việc ban hành Nghị định số 43/2014/NĐ-CP đã tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc xác định các thủ tục pháp lý khi tiến hành cấp GCN cho HGĐ sử dụng đất được thực hiện một cách thống nhất tại các địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các thủ tục cấp GCN cho HGĐ sử dụng đất nói riêng và các chủ thể sử dụng đất nói chung vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Tình trạng thực hiện các thủ tục giải quyết hồ sơ cấp GCN chưa đúng hạn vẫn còn nhiều và chưa được giải quyết triệt để. Đáng lưu ý, tại một số địa phương vẫn còn để xảy ra tình trạng quá tải hồ sơ, điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến người dân[1]. Sự bất cập trong thủ tục cấp GCN nêu trên có thể xuất phát từ các lý do sau:
Một là, hệ thống pháp luật đất đai chưa thực sự đồng bộ, nhiều văn bản do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành còn chồng chéo, trùng lặp nhau và thường xuyên bị sửa đổi, bổ sung. Một số văn bản pháp luật chưa điều chỉnh kịp thời các trường hợp sử dụng đất phát sinh trên thực tế nên gây nhiều khó khăn cho cơ quan và cán bộ, công chức quản lý đất đai nói chung và thực hiện thủ tục cấp GCN nói riêng. Một số quy định liên quan đến thủ tục cấp GCN vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, phức tạp, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tiến độ cấp GCN, gây bức xúc cho người dân. Đơn cử như, trong trường hợp quy định về việc phải niêm yết khi cấp GCN đối với những trường hợp sử dụng đất ổn định, có giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 hoặc những trường hợp GCN được cấp không đúng quy định và đã thực hiện việc chuyển quyền, sau đó đương sự hoặc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện nhưng các chủ thể có liên quan không khiếu kiện và thống nhất điều chỉnh lại GCN đã cấp một cách nhanh nhất… Đối với các trường hợp trên, việc quy định phải thực hiện thủ tục niêm yết là chưa thực sự cần thiết, chưa phù hợp với xu thế đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý nhà nước, gây mất nhiều thời gian, làm chậm tiến độ thực hiện hoạt động cấp GCN. Hơn nữa, việc quy định cứng về thời gian niêm yết công khai kết quả kiểm tra hồ sơ, xác nhận hiện trạng, tình trạng tranh chấp, nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và khu dân cư nơi có đất, tài sản gắn liền với đất tại khoản 2 Điều 70 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP với thời gian 15 ngày là quá cứng nhắc, điều này hạn chế sự chủ động của các địa phương trong việc quyết định thời gian niêm yết cho phù hợp với tình hình thực tế, nhất là đối với trường hợp cấp bách.
Hai là, mặc dù đã cố gắng đầu tư, hoàn thiện, tuy nhiên, hiện nay, Văn phòng Đăng ký đất đai và các chi nhánh trực thuộc vẫn còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị. Việc xây dựng, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu địa chính, hệ thống thông tin đất đai thực hiện còn chậm, chưa đồng bộ; công tác cập nhật, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính trên địa bàn tỉnh còn chưa có hướng giải quyết triệt để. Một bộ phận cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về đất đai chưa được đào tạo, tập huấn, cập nhật thường xuyên các quy định pháp luật liên quan về đất đai nên thực hiện các thủ tục cấp GCN còn lúng túng, chậm trễ hoặc thực hiện chưa đúng quy định. Ở cấp xã, một bộ phận cán bộ làm công tác địa chính còn yếu về trình độ, năng lực chuyên môn, thiếu kinh nghiệm và am hiểu về lịch sử, nguồn gốc, quá trình sử dụng đất[2]; một số cán bộ còn có biểu hiện gây khó khăn, sách nhiễu trong quá trình giải quyết các thủ tục cấp GCN. Công tác phối hợp giữa các cấp chính quyền, giữa các cơ quan chuyên môn cùng cấp trong việc thực hiện các thủ tục giải quyết hồ sơ cấp GCN có nơi, có lúc còn chưa thực sự nhuần nhuyễn, nhịp nhàng dẫn đến chậm tiến độ và gây tồn đọng hồ sơ. Đặc biệt, công tác phối hợp giữa Ủy ban nhân dân cấp xã và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai chưa thực sự chặt chẽ, thống nhất được các nội dung về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất trong đơn đề nghị cấp GCN của HGĐ; một số trường hợp hồ sơ trả đi trả lại nhiều lần để điều chỉnh, bổ sung dẫn đến tình trạng các đơn vị phải trao đổi, thống nhất lại nội dung, ảnh hưởng đến thời gian giải quyết hồ sơ.
Ba là, nhiều HGĐ sử dụng đất chưa ý thức được quyền lợi của việc được cấp GCN, còn chậm trễ trong kê khai, đăng ký; nhiều trường hợp còn biểu hiện trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước trong thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan. Một bộ phận hộ dân có trình độ nhận thức chưa cao, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số nên mặc dù chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động nhiều lần nhưng HGĐ sử dụng đất vẫn không tiến hành đăng ký theo quy định. Mặt khác, với tâm lý là đất của cha ông để lại không ai được phép xâm chiếm, sử dụng, cùng với việc ngại tìm hiểu các quy định về thủ tục cấp GCN nên trong quá trình kê khai đăng ký cấp GCN, họ đã có thiếu sót và mắc nhiều lỗi trong việc chuẩn bị hồ sơ và thực hiện các thủ tục cần thiết. Điều này đã gây không ít khó khăn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc triển khai thực hiện các thủ tục đăng ký và cấp GCN.
Bốn là, nhiều trường hợp nguồn gốc sử dụng đất phức tạp, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất qua nhiều lần, nhiều thời kỳ nhưng không xác lập thủ tục kê khai nên quá trình kê khai hồ sơ mất nhiều thời gian. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại các địa phương còn chưa rõ, chưa phù hợp với thực tế nên gây khó khăn trong việc cấp GCN. Ranh giới quy hoạch các trung tâm xã, cụm xã chưa xác định được thực địa nên khi xác định hạn mức đất cho các hộ tại khu vực này còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng diện tích đất chưa được đo đạc, lập bản đồ địa chính là rất lớn, phải đo vẽ bằng phương pháp thủ công nên mất rất nhiều thời gian. Thủ tục cấp GCN còn rườm rà, phức tạp, phải trải qua nhiều khâu trung gian làm giảm hiệu quả, gây tốn kém về thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả của công tác cấp GCN cho HGĐ, làm giảm sút lòng tin của người dân.
3. Một số kiến nghị
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các thủ tục cấp GCN cho HGĐ sử dụng đất, qua đó góp phần thực hiện tốt Chỉ thị số 1474/CT-TTg, ngày 24/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để chấn chỉnh việc cấp giấy chứng nhậ quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, tác giả đề xuất một số nội dung như sau:
Một là, về quy định pháp luật, để thủ tục cấp GCN được diễn ra nhanh chóng, hiệu quả, cần bỏ quy định về niêm yết khi cấp GCN đối với những trường hợp sử dụng đất ổn định, có giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất theo quy định; bỏ thủ tục niêm yết đối với những trường hợp GCN đã cấp không đúng quy định và đã thực hiện việc chuyển quyền nhưng sau đó đương sự hoặc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện nhưng trong trường hợp này, các chủ thể có liên quan không khiếu kiện và thống nhất điều chỉnh lại GCN đã cấp một cách nhanh nhất thì không cần phải niêm yết để rút ngắn thời gian giải quyết, đơn giản bớt thủ tục không cần thiết. Việc tinh gọn thủ tục như đề xuất trên là phù hợp với Điều 26 Luật Đất đai năm 2013 quy định về bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất. Hơn nữa, cần điều chỉnh việc quy định về thời gian niêm yết công khai kết quả kiểm tra hồ sơ, xác nhận hiện trạng, tình trạng tranh chấp, nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và khu dân cư nơi có đất, tài sản gắn liền với đất tại khoản 2 Điều 70 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP theo hướng linh hoạt hơn về thời gian niêm yết. Thay vì quy định là 15 ngày thì nên điều chỉnh thành khoảng thời gian niêm yết linh hoạt hơn là từ 07 - 15 ngày, như vậy sẽ giúp các địa phương chủ động hơn trong việc quyết định thời gian niêm yết cho phù hợp với tình hình thực tế, nhất là đối với trường hợp cấp bách, từ đó, giúp cho quy trình, thủ tục cấp GCN được diễn ra nhanh chóng, hiệu quả, đúng thời hạn theo quy định trên cơ sở rút ngắn được những thủ tục không cần thiết.
Hai là, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong cấp GCN. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan để thực hiện và ban hành các thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp GCN theo hướng đơn giản hóa, tinh gọn. Cắt giảm tối đa việc phải xin ý kiến của các cơ quan có liên quan đối với những trường hợp không thực sự cần thiết. Đơn giản hóa tối đa về hồ sơ thủ tục để xét cấp GCN như chủ sử dụng đất không phải nộp hồ sơ địa chính khi đăng ký cấp GCN mà trách nhiệm cung cấp hồ sơ địa chính này thuộc về Sở Tài nguyên và Môi trường. Khi thẩm định hồ sơ, đối với những nơi đã có bản đồ địa chính, Sở Tài nguyên và Môi trường phải có trách nhiệm trích sao để làm thủ tục cấp GCN. Trường hợp chưa có bản đồ địa chính Sở Tài nguyên và Môi trường phải có trách nhiệm thuê đơn vị có tư cách pháp nhân đo trích lục bản đồ địa chính, lấy xác nhận về ranh giới, vị trí sử dụng đất không tranh chấp khiếu kiện của Ủy ban nhân dân cấp xã. Đồng thời, phối với Ủy ban nhân dân cấp xã cùng thực hiện việc xét duyệt hồ sơ ngay tại địa phương mà không phân đoạn xét duyệt theo từng cấp để đảm bảo việc xét duyệt cấp GCN được thực hiện nhanh gọn.
Ba là, tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về đất đai và các cơ quan chuyên môn có liên quan trên địa bàn tỉnh để phục vụ hiệu quả cho hoạt động thực hiện các thủ tục cấp GCN. Một bộ máy hoạt động chất lượng thì việc thực hiện thủ tục cấp GCN sẽ nhanh và hiệu quả. Để đạt được điều đó thì việc tổ chức, quản lý bộ máy quản lý đất đai cần dựa trên cơ sở yếu tố con người và hệ thống chính sách, tùy theo năng lực của từng người mà phân công nhiệm vụ một cách hợp lý, đúng chuyên môn đối với từng bộ phận của bộ máy quản lý. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường tập trung đào tạo, nâng cao trình độ năng lực và đạo đức của cán bộ, công chức quản lý đất đai, bảo đảm tính ổn định, chuyên nghiệp, đặc biệt là đội ngũ địa chính cấp xã, huyện. Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, giám sát và tổ chức triển khai thực hiện đo đạc, lập bản đồ địa chính, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp GCN, đồng thời thực hiện nghiêm chế độ công vụ của cán bộ, công chức làm công tác quản lý đất đai, nhất là đối với công chức cấp xã, huyện. Đồng thời, tiếp tục thành lập và phát huy vai trò hỗ trợ từ các tổ công tác liên ngành để kịp thời xử lý, tháo gỡ những vướng mắc trong thủ tục cấp GCN cho người dân, bởi thông qua quá trình hoạt động, tiếp cận, giám sát, tổ công tác sẽ có điều kiện tiếp nhận những vấn đề khó khăn trên thực tế trong quá trình thực hiện các thủ tục cấp GCN, từ đó đề xuất cho Ủy ban nhân dân tỉnh và các chủ thể có chức năng kịp thời điều chỉnh, hướng dẫn cách xử lý phù hợp, khả thi và hiệu quả.
Bốn là, bảo đảm cơ sở hạ tầng, thiết bị công nghệ, nguồn lực tài chính để phục vụ đẩy nhanh tiến độ cấp GCN. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực quản lý đất đai nói chung và cấp GCN nói riêng sẽ giúp rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục cấp GCN, tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí, công sức cho các chủ thể có liên quan. Vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý và cấp GCN, tăng cường áp dụng phần mềm một cửa liên thông và theo dõi tiến độ cấp GCN bằng phần mềm điện tử trong công tác cấp GCN. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và các chi nhánh trực thuộc đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống thông tin hiện đại, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào việc kết nối tất cả các khâu công việc của quá trình giải quyết thủ tục cấp GCN như: Tiếp nhận hồ sơ, luân chuyển hồ sơ và giải quyết hồ sơ, tra cứu kết quả giải quyết thủ tục hành chính…
Năm là, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai đến với người dân, đặc biệt là những HGĐ tại các huyện miền núi để người dân có thể nâng cao được ý thức trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về đất đai là điều kiện cần thiết để người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính, cấp GCN đối với thửa đất đang sử dụng, hiểu biết và chấp hành thực hiện pháp luật cũng như giám sát thực hiện pháp luật, từ đó góp phần hạn chế được tình trạng lạm quyền, quan liêu, tạo điều kiện cho việc thực hiện thủ tục cấp GCN diễn ra nhanh chóng, hiệu quả. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần xây dựng, công bố lộ trình, trách nhiệm cụ thể đối với việc thực hiện chậm tiến độ cấp GCN tại các huyện thuộc tỉnh, điều này sẽ giúp tỉnh thực hiện tốt chức năng quản lý đất đai, qua đó sẽ phát huy được hiệu quả và năng suất trong hoạt động cấp GCN.
TS. Lê Minh Thái
Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh
[1]. Viết Hiền, “Đổi mới công tác đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để phục vụ nhân dân tốt hơn”, http://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=5&macmp=5&mabb=119751, truy cập ngày 20/9/2022.
[2]. Thanh Hiền, “Nhiều bất cập trong cấp giấy chứng nhận”, http://dbnd.quangnam.gov.vn/ Default.aspx?tabid=286 &Group=9&NID=3796&nhieu-bat-cap-trong-cap-giay-chung-nhan-quyen-su-dung-dat&dnn_ctr905_Main_ rg_danhsachkhacChangePage=7&dnn_ctr905_Main_rg_danhsachmoiChangePage=7, truy cập ngày 20/9/2022.