Abstract: In order to comply with Vietnam’s Constitution of 2013, the Civil Procedure Code of 2015 was amended for better respect and protection of human rights. One of the most important amended regulations is the procedure of appeal and protest according to the civil procedures. This article focuses on analyzing new amendments of the Civil Procedure Code of 2015 and proposing completion of legal regulations on appeal, protest according to civil procedures.
Khoản 6 Điều 103 Hiến pháp năm 2013 và Điều 17 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định rõ một trong những nhiệm vụ quan trọng của Tòa án là phải bảo đảm thực hiện chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm. Theo đó, trong hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung và pháp luật tố tụng dân sự nói riêng, phúc thẩm là cấp xét xử thứ hai và cũng là cấp xét xử cuối cùng. Việc xây dựng chế định phúc thẩm dân sự hướng tới hai mục đích lớn: (i) Nhằm tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tố tụng dân sự; (ii) Nhằm khắc phục những sai lầm trong hoạt động xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm. Để đạt được mục đích trên đòi hỏi Tòa án cấp phúc thẩm phải xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và xét xử lại vụ án đã được Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết. Do đó, Điều 270 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 kế thừa quy định của Điều 242 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011), tiếp tục khẳng định tính chất của xét xử phúc thẩm là việc “xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị”.
So với Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi năm 2011, Điều 270 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có sửa đổi quy định về chủ thể có thẩm quyền “xét xử lại vụ án” là “Tòa án cấp phúc thẩm trực tiếp”(Điều 242 Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi năm 2011 có quy định là “Tòa án cấp trên trực tiếp”). Lý do của sự thay đổi trên là nhằm đảm bảo tính tương thích với các quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014. Sự thay đổi về cơ cấu, tổ chức Tòa án bắt buộc luật tố tụng dân sự phải thay đổi quy định về thẩm quyền xét xử phúc thẩm. Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định cơ cấu, tổ chức của Tòa án được thành lập theo thẩm quyền xét xử chứ không theo đơn vị hành chính lãnh thổ như trước đây[1]. Theo đó, Tòa án có thẩm quyền xét xử phúc thẩm phải là Tòa án được thành lập và được trao thẩm quyền xét xử phúc thẩm theo khu vực (Tòa án cấp phúc thẩm trực tiếp) chứ không phải là Tòa án cấp trên trực tiếp như quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011).
2. Về quy định thời hạn kháng cáo
Thời hạn kháng cáo trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có một số điểm mới sau đây:
Một là, do thời hạn kháng cáo có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền kháng cáo của các đương sự nên Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã bổ sung một số quy định mới về thời hạn kháng cáo so với Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi năm 2011.
Theo quy định của Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm được giữ nguyên là 15 ngày. Tuy nhiên, thời điểm để tính thời hạn 15 ngày đối với các trường hợp khác nhau được xác định khác nhau. Trường hợp thứ nhất, nếu các đương sự có mặt tại phiên tòa khi tòa tuyên án thì thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Trường hợp thứ hai, nếu các đương sự không có mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo bản án sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết. Trường hợp thứ ba, nếu các đương sự, người đại diện của đương sự có mặt tại phiên tòa nhưng không có mặt khi Tòa án tuyên án thì khi tính thời hạn kháng cáo phải xét đến lý do vắng mặt của họ; nếu họ vắng mặt có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án, quyết định hoặc bản án được niêm yết; nếu họ vắng mặt không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án (đây là một hậu quả pháp lý bất lợi được áp dụng khi những chủ thể này đã cố ý vắng mặt khi tòa tuyên án mà không có lý do).
Tác giả cho rằng, quy định về cách tính thời hạn kháng cáo theo Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là chưa bảo đảm tính bình đẳng trong tố tụng dân sự. Ở đây có hai trường hợp được coi là đương sự vắng mặt tại phiên tòa: Thứ nhất là trường hợp đương sự không tham gia phiên tòa ngay từ khi bắt đầu; thứ hai là trường hợp đương sự có tham dự phiên tòa nhưng vắng mặt khi tòa tuyên án. Tuy nhiên, Điều 273 chỉ đặt ra vấn đề xem xét lý do vắng mặt với trường hợp đương sự có mặt tại phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa tuyên án, còn đối với trường hợp đương sự vắng mặt tại phiên tòa ngay từ đầu thì Tòa án không cần xét đến lý do vắng mặt. Như vậy, nếu theo quy định của Điều 273 thì người không có mặt tại phiên tòa không có lý do chính đáng sẽ được áp dụng quy chế pháp lý có lợi giống với người không có mặt tại phiên tòa có lý do chính đáng - thời điểm tính thời hạn kháng cáo đối với họ đều được xác định từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Thiết nghĩ, nhằm bảo đảm quyền công bằng của các đương sự, khi xác định thời hạn kháng cáo, nhà làm luật nên quy định: “Đối với trường hợp đương sự, người đại diện của đương sự có mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án; trường hợp đương sự vắng mặt tại phiên tòa có lý do chính đáng hoặc có mặt tại phiên tòa nhưng không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết. Đối với trường hợp đương sự vắng mặt tại phiên tòa không có lý do chính đáng hoặc có mặt tại phiên tòa nhưng vắng mặt khi tuyên án thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án”.
Hai là, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có quy định hoàn toàn mới về xác định ngày kháng cáo trong trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giam.
Đây là một quy định nhằm bảo đảm quyền kháng cáo của các chủ thể có tính chất đặc thù, hướng tới sự tôn trọng và bảo vệ quyền con người, đề cao vị trí của quyền con người trong tố tụng dân sự. Xét về lý thuyết của pháp luật tố tụng hình sự, việc xây dựng các quy định về tạm giam áp dụng cho các chủ thể được suy đoán là có khả năng hoặc đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhằm bảo đảm cho mọi công dân được sống trong xã hội mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ được bảo vệ, tránh được sự tấn công, xâm hại từ những chủ thể nhất định. Đồng thời, đây là một biện pháp hữu hiệu bảo đảm cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đạt hiệu quả cao[2]. Khi bị áp dụng biện pháp tạm giam, các chủ thể có thể bị hạn chế một số quyền con người, quyền công dân, đơn cử như quyền tự do đi lại… Tuy nhiên, trong pháp luật tố tụng dân sự, quyền kháng cáo của người bị áp dụng biện pháp tạm giam không bị hạn chế. Vì trong thời hạn bị tạm giam, người bị tạm giam không thể gửi đơn kháng cáo cho Tòa án nên họ có thể không thực hiện được quyền kháng cáo. Do đó, nhằm bảo đảm quyền kháng cáo của người bị tạm giam Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày đơn kháng cáo được giám thị trại giam xác nhận”.
Tác giả cho rằng, bên cạnh quy định về xác định ngày kháng cáo trong trường hợp người kháng cáo bị tạm giam, pháp luật cần bổ sung quy định xác định ngày kháng cáo đối với các chủ thể bị tạm giữ. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, bên cạnh biện pháp tạm giam thì tạm giữ cũng là một biện pháp ngăn chặn; tuy nhiên, điều kiện và thời hạn áp dụng của hai biện pháp này là khác nhau. Về thời hạn tạm giữ, khoản 1 Điều 118 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày kể từ khi cơ quan điều tra nhận người bị giữ...”. Theo quy định này, trong thời hạn bị tạm giữ, quyền kháng cáo của người bị tạm giữ có thể bị ảnh hưởng nên pháp luật cần có quy định về việc xác định ngày kháng cáo trong trường hợp người kháng cáo bị tạm giữ.
Pháp luật cần bổ sung quy định: “Trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giữ thì ngày kháng cáo là ngày đơn kháng được người đứng đầu cơ quan điều tra có thẩm quyền tạm giữ xác nhận” để quyền kháng cáo của người bị tạm giữ được bảo đảm. Thiết nghĩ, nhà làm luật cần có hướng dẫn bổ sung đối với trường hợp này. Tuy nhiên, trong trường hợp các chủ thể có thẩm quyền tạm giam, tạm giữ cố ý hoặc vì những nguyên nhân khác mà không xác nhận vào đơn kháng cáo cho người bị tạm giam, tạm giữ làm xâm phạm đến quyền kháng cáo của họ sẽ phải chịu chế tài như thế nào thì hiện nay Luật Thi hành tạm giam, tạm giữ năm 2015 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 lại chưa có quy định. Theo tác giả, để bảo đảm quyền kháng cáo của người bị tạm giam, tạm giữ, trong thời gian tới pháp luật cần có hướng dẫn về vấn đề này.
3. Về quy định trả lại đơn kháng cáo
Đơn kháng cáo là hình thức các đương sự thể hiện ý chí của mình về việc thực hiện quyền kháng cáo. Nếu như trước đây, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) chỉ có quy định về việc trả lại đơn khởi kiện, chưa có quy định về việc trả lại đơn kháng cáo thì hiện nay khoản 4 Điều 247 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định rõ những trường hợp đơn kháng cáo của các đương sự không được Tòa án chấp nhận, đó là ba trường hợp Tòa án trả lại đơn kháng cáo: (i) Trường hợp người kháng cáo không có quyền kháng cáo (người kháng cáo không có quyền kháng cáo được hiểu là trường hợp người kháng cáo không thuộc những chủ thể được quy định tại Điều 271 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015); (ii) Trường hợp người kháng cáo không làm lại đơn kháng cáo hoặc không sửa đổi, bổ sung đơn kháng cáo theo yêu cầu của Tòa án; (iii) Trường hợp người kháng cáo không nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo quy định tại khoản 2 Điều 276 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Tác giả cho rằng, quy định rõ về các trường hợp trả lại đơn kháng cáo là một quy định tiến bộ, hướng tới bảo đảm quyền kháng cáo của các đương sự, tuy nhiên, khoản 4 Điều 274 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 chưa quy định đầy đủ các trường hợp Tòa án trả lại đơn kháng cáo. Theo tác giả, nhà làm luật cần bổ sung thêm trường hợp nội dung đơn kháng cáo vượt quá giới hạn của bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên là căn cứ để trả lại đơn kháng cáo. Câu hỏi được đặt ra là: Trường hợp nội dung đơn kháng cáo vượt quá giới hạn của bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm thuộc trường hợp người kháng cáo không có quyền kháng cáo hay đây là một căn cứ độc lập có thể quy định thành một trường hợp riêng để Tòa án dùng làm cơ sở để trả lại đơn kháng cáo? Để trả lời câu hỏi này cần dựa vào kiến thức lý luận về kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm dân sự.
Giáo trình của Đại học Luật Hà nội có đưa ra khái niệm: “Kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm là hoạt động tố tụng của đương sự và các chủ thể khác theo quy định của pháp luật trong việc chống lại bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật yêu cầu Tòa án cấp trên xét xử lại vụ án dân sự”[3]. Theo khái niệm này, quyền kháng cáo là quyền của các chủ thể trong tố tụng dân sự trong việc chống lại bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Thuật ngữ “kháng cáo” phải được hiểu là các chủ thể có quyền chống lại những nội dung trong bản án, quyết định mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên chưa có hiệu lực pháp luật; ngược lại, với những nội dung mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không tuyên thì đương sự không có quyền kháng cáo. Như vậy, theo quan điểm của tác giả, khi xây dựng các văn bản hướng dẫn áp dụng Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đối với quy định người kháng cáo không có quyền kháng cáo nhà làm luật cần có hướng dẫn cụ thể: “Người kháng cáo không có quyền kháng cáo, là trường hợp người kháng cáo không thuộc những chủ thể được quy định tại Điều 271 hoặc trường hợp người kháng cáo đã kháng cáo vượt quá giới hạn của bản án, quyết định của Tòa án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật”.
Ngoài ra, việc trả lại đơn kháng cáo có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 chưa có quy định về việc đương sự được quyền khiếu nại đối với hành vi trả lại đơn kháng cáo của Tòa án. Thiết nghĩ, để bảo đảm quyền kháng cáo của các đương sự, khi xây dựng văn bản hướng dẫn áp dụng Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nhà làm luật cần bổ sung quy định cho đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự có quyền khiếu nại hành vi trả lại đơn kháng cáo của Tòa án. Mặt khác, để đảm bảo sự minh bạch trong hoạt động tố tụng và tạo điều kiện thuận lợi cho đương sự trong hoạt động khiếu nại việc trả lại đơn kháng cáo của Tòa án, pháp luật cần quy định: “Khi trả lại đơn kháng cáo, Tòa án phải gửi cho đương sự văn bản nêu rõ lý do về việc không chấp nhận đơn kháng cáo”. Văn bản này sẽ là căn cứ để đương sự có thể sử dụng khi thực hiện quyền khiếu nại về việc trả lại đơn kháng cáo.
4. Về xem xét kháng cáo quá hạn
Về nguyên tắc, kháng cáo của đương sự chỉ được chấp nhận khi còn thời hạn kháng cáo, hết thời hạn kháng cáo, các chủ thể không có quyền kháng cáo. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 275 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án có thể chấp nhận kháng cáo quá hạn nếu có lý do chính đáng. Quy định này là hợp lý bởi lẽ, kháng cáo là quyền tự định đoạt của đương sự nhưng do trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng mà đương sự không thể thực hiện được quyền kháng cáo trong thời hạn pháp luật quy định. Khi đương sự có đầy đủ chứng cứ để chứng minh việc kháng cáo quá hạn là có lý do chính đáng thì phải được Tòa án chấp nhận.
Nhằm tôn trọng, đề cao quyền con người trong tố tụng dân sự và bảo đảm quyền kháng cáo của các đương sự, khoản 2 Điều 275 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định phiên họp xem xét kháng cáo quá hạn phải có sự tham gia của người kháng cáo quá hạn là hợp lý vì việc chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo quá hạn có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người kháng cáo quá hạn. Nếu trong trường hợp Tòa án đã thông báo cho người kháng cáo quá hạn, Viện kiểm sát cùng cấp tham gia phiên họp xem xét kháng cáo mà những chủ thể này vắng mặt tại phiên họp thì coi như họ từ bỏ quyền tham gia phiên họp, khi đó, dựa trên chứng cứ mà người kháng cáo quá hạn đã cung cấp để chứng minh cho việc kháng cáo quá hạn của mình, Tòa án vẫn tiến hành phiên họp. Đồng thời, khoản 3 Điều 275 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định rõ nguyên tắc xét lý do kháng cáo của Hội đồng xét kháng cáo, cụ thể: “Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc kháng cáo quá hạn, ý kiến của người kháng cáo quá hạn, đại diện Viện kiểm sát tại phiên họp, Hội đồng xét kháng cáo quá hạn quyết định theo đa số”.
5. Về thời hạn kháng nghị
Khoản 3 Điều 280 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có quy định hoàn toàn mới về việc Viện kiểm sát phải giải thích với Tòa án khi kháng nghị quá hạn: “Khi Tòa án nhận được quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát mà quyết định kháng nghị đó đã quá thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu Viện kiểm sát giải thích bằng văn bản và nêu rõ lý do”. Vì hiện nay, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 chưa có văn bản hướng dẫn nên quy định tại khoản 3 Điều 280 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 còn gây ra nhiều cách hiểu khác nhau. Câu hỏi được đặt ra là quy định Viện kiểm sát phải giải thích bằng văn bản và nêu rõ lý do khi kháng nghị quá hạn có được hiểu là Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cho phép Viện kiểm sát có quyền kháng nghị quá hạn hay không? Với mỗi góc độ tiếp cận khác nhau thì khoản 3 Điều 280 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đều thể hiện sự bất hợp lý.
Nếu tinh thần của Điều 280 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cho phép Viện kiểm sát có quyền kháng nghị quá hạn thì quy định này là trái với lý luận của tố tụng dân sự. Có hai lý do để khẳng định Viện kiểm sát không thể có quyền kháng nghị quá hạn đó là: (i) Xuất phát từ chức năng của Viện kiểm sát là kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự nên Viện kiểm sát không thể viện dẫn nguyên tắc khách quan hay chủ quan để kháng nghị quá hạn được; hơn nữa Viện trưởng Viện kiểm sát là người có thẩm quyền, chuyên môn, kiến thức pháp lý cao nên họ phải biết và có đủ điều kiện để thực hiện việc kháng nghị theo đúng thời hạn pháp luật quy định[4]; (ii) Nếu cho Viện kiểm sát kháng nghị quá hạn sẽ làm cho bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật trở thành chưa có hiệu lực. Bởi lẽ, khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị nếu không có chủ thể nào kháng cáo, kháng nghị thì bản án sẽ có hiệu lực pháp luật và được thi hành, nếu để Viện kiểm sát được kháng nghị quá hạn thì bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật lại trở thành không có hiệu lực pháp luật, đây là quy định rất bất hợp lí trong các thủ tục tố tụng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền lợi ích hợp pháp của các đương sự.
Ngược lại, nếu tinh thần của Điều 280 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 không cho phép Viện kiểm sát có quyền kháng nghị quá hạn thì dựa vào đâu pháp luật lại quy định khi kháng nghị quá hạn, Viện kiểm sát phải giải thích bằng văn bản và nêu lõ lý do cho Tòa án? Thiết nghĩ, Nghị quyết hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 phải có quy định cụ thể về trường hợp này để tạo nên tính thống nhất giữa khi áp dụng pháp luật.
Đại học Luật Hà Nội
[1]. Xem Điều 5 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.
[2]. Bài viết: “Khái niệm, ý nghĩa của tạm giam” đăng tải trên trang web luathinhsu.vn.
[3]. Trường Đại học Luật Hà Nội (2012), Giáo trình Luật Tố tụng dân sự Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, trang 305.
[4]. Nguyễn Thị Thu Hà, “Phúc thẩm trong tố tụng dân sự”, Luận án Tiến sĩ luật học, Đại học Luật Hà Nội, năm 2011, tr. 98.