Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (Luật năm 2012), Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn (Nghị định số 111/2013/NĐ-CP) và Nghị định số 56/2016/NĐ-CP ngày 29/6/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP (Nghị định số 56/2016/NĐ-CP) được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Công an và các địa phương đẩy mạnh việc triển khai đồng bộ các giải pháp, bước đầu thu được một số kết quả quan trọng trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn (GDTXPTT) trên phạm vi cả nước. Sau 08 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai áp dụng biện pháp xử lý hành chính GDTXPTT theo quy định của các văn bản nói trên đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là các quy định về thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính GDTXPTT.
Do vậy, ngày 13/11/2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật năm 2020), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022, trong đó đã sửa đổi rất nhiều nội dung quan trọng về xử lý vi phạm hành chính nói chung và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính GDTXPTT nói riêng. Bên cạnh đó, ngày 24/12/2021, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 120/2021/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn (Nghị định số 120/2021/NĐ-CP) thay thế Nghị định số 111/2013/NĐ-CP và Nghị định số 56/2016/NĐ-CP.
Về cơ bản, 03 thủ tục trong áp dụng biện pháp GDTXPTT vẫn được Nghị định số 120/2021/NĐ-CP kế thừa từ Nghị định số 111/2013/NĐ-CP và Nghị định số 56/2016/NĐ-CP, cụ thể là: (i) Thủ tục đề nghị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp; (ii) Thủ tục lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp; (iii) Thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp. Tuy nhiên, từng bước trong các thủ tục nêu trên đều có những điểm sửa đổi, bổ sung theo hướng rút ngắn các mốc thời gian và tách bạch rõ ràng hơn các bước trong thủ tục áp dụng biện pháp.
1. Thủ tục đề nghị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn
Thứ nhất, về thẩm quyền đề nghị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp GDTXPTT: Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định số 120/2021/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp GDTXPTT do Trưởng Công an cấp xã tự lập hoặc trên cơ sở đề nghị của: (i) Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã; (ii) Người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở; (iii) Đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người vi phạm đang làm việc hoặc học tập; (iv) Đại diện đơn vị dân cư ở cơ sở gồm: Tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, ấp, bản, buôn, làng, phum, sóc và các đơn vị tương đương.
Thứ hai, về thủ tục đề nghị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp GDTXPTT: Đề nghị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp GDTXPTT phải được người có thẩm quyền đề nghị lập thành văn bản và gửi đến Trưởng Công an cấp xã. Trong thời hạn tối đa 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Trưởng Công an cấp xã có trách nhiệm kiểm tra các thông tin về hành vi vi phạm và nhân thân người vi phạm để xem xét có đủ điều kiện lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp hay không. Tùy từng trường hợp cụ thể, Trưởng Công an cấp xã xử lý như sau:
- Trưởng Công an cấp xã không chấp nhận đề nghị lập hồ sơ nếu văn bản đề nghị không đúng đối tượng theo quy định hoặc sự việc đang trong quá trình hòa giải hoặc đã hòa giải thành theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở. Trường hợp không chấp nhận đề nghị lập hồ sơ, thì Trưởng Công an cấp xã có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến người đề nghị ngay sau khi hết thời hạn kiểm tra các thông tin về hành vi vi phạm và nhân thân người vi phạm.
- Trường hợp chấp nhận đề nghị lập hồ sơ, Trưởng Công an cấp xã tiến hành các bước lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp GDTXPTT và thông báo bằng văn bản cho người đề nghị về việc chấp nhận lập hồ sơ đề nghị.
- Trường hợp người vi phạm là người chưa thành niên, nếu xét thấy đủ điều kiện áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình, thì Trưởng Công an cấp xã lập hồ sơ đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình.
So với quy định tại Nghị định số 111/2013/NĐ-CP và Nghị định số 56/2016/NĐ-CP, Nghị định số 120/2021/NĐ-CP quy định cụ thể hơn trách nhiệm của Trưởng Công an cấp xã là phải thông báo bằng văn bản đến người đề nghị ngay sau khi hết thời hạn kiểm tra các thông tin về hành vi vi phạm và nhân thân người vi phạm trong trường hợp không chấp nhận đề nghị lập hồ sơ.
2. Thủ tục lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn
Thứ nhất, về thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp GDTXPTT: Theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 120/2021/NĐ-CP, những người có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp GDTXPTT gồm: Trưởng Công an cấp xã nơi đối tượng vi phạm cư trú; Trưởng Công an cấp xã nơi đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc cơ quan Công an cấp huyện hoặc Công an cấp tỉnh đang thụ lý vụ việc.
Thứ hai, về thủ tục đề nghị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp GDTXPTT: Thủ tục này gồm 03 bước:
(i) Bước 1: Thu thập thông tin, tài liệu để lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện GDTXPTT.
Do Luật năm 2020 đã bỏ đối tượng là người nghiện ma túy mà thay vào đó là người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy đến lần thứ ba là một trong những đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp GDTXPTT, đồng thời, để có sự kết nối với Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, Nghị định số 120/2021/NĐ-CP đã bỏ quy định thu thập tài liệu về xác định tình trạng nghiện, mà thay vào đó là bổ sung một quy định riêng về việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể và xác định tình trạng nghiện theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đối với đối tượng là người sử dụng trái phép chất ma túy hoặc đối tượng đang trong thời gian chấp hành biện pháp GDTXPTT có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy[1].
Quy định về việc thu tập thông tin, tài liệu để lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp GDTXPTT cũng đã được sửa đổi để bảo đảm tính thống nhất, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành, cụ thể:
- Sửa đổi, bổ sung quy định về xác định tuổi của đối tượng bị áp dụng biện pháp GDTXPTT theo hướng áp dụng các quy định của pháp luật về hộ tịch nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật (Điều 16 Nghị định số 120/2021/NĐ-CP).
- Thời hạn xác minh nơi cư trú cũng được rút ngắn, từ 07 - 10 ngày làm việc trước đây[2] xuống còn 03 ngày làm việc (khoản 1 Điều 17 Nghị định số 120/2021/NĐ-CP).
Bên cạnh đó, Nghị định số 120/2021/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung quy định về việc xác định thế nào là “có nơi cư trú ổn định” và “không có nơi cư trú ổn định” theo hướng cụ thể, rõ ràng hơn, dễ áp dụng trong thực tiễn, nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Nghị định số 111/2013/NĐ-CP và Nghị định số 56/2016/NĐ-CP, bảo đảm thống nhất với quy định của Nghị định số 105/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy; đồng thời, phù hợp với quy định của Luật Cư trú năm 2020 (Điều 17 Nghị định số 120/2021/NĐ-CP).
- Bổ sung “kết quả xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể hoặc kết quả xác định tình trạng nghiện đối với trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 5 của Nghị định này” là một trong những tài liệu phải có trong hồ sơ đề nghị áp dụng.
(ii) Bước 2: Gửi hồ sơ đề nghị và thông báo về việc lập hồ sơ đề nghị.
Đây là bước có những sửa đổi cơ bản so với trước đây. Nếu như trước đây, việc gửi hồ sơ đề nghị cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và thông báo về việc lập hồ sơ đề nghị cho người bị đề nghị áp dụng biện pháp hoặc cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên được người có thẩm quyền lập hồ sơ thực hiện đồng thời[3], thì hiện nay, các khoản 1 và 4 Điều 21 Nghị định số 120/2021/NĐ-CP lại quy định việc thông báo cho đối tượng bị đề nghị áp dụng biện pháp trước khi gửi hồ sơ đến người có thẩm quyền áp dụng biện pháp. Cụ thể, sau khi hoàn thành việc lập hồ sơ, người có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp GDTXPTT phải thông báo ngay bằng văn bản về việc lập hồ sơ cho người bị đề nghị áp dụng biện pháp hoặc cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên. Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn đọc, ghi chép các nội dung cần thiết, người có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp GDTXPTT gửi hồ sơ đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
Những sửa đổi này nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị, vì hiện nay, người có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp GDTXPTT (theo khoản 1 Điều 21 Nghị định số 120/2021/NĐ-CP).
(iii) Bước 3: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp GDTXPTT để xem xét, ra quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp này.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp GDTXPTT bao gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đối tượng cư trú; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cơ sở bảo trợ xã hội đóng trụ sở đối với đối tượng không có nơi cư trú ổn định và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phát hiện đối tượng là người từ đủ 18 tuổi trở lên có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy lần cuối đối với đối tượng không có nơi cư trú ổn định. Như vậy, so với Nghị định số 111/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 56/2016/NĐ-CP), Nghị định số 120/2021/NĐ-CP bổ sung quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phát hiện đối tượng là người từ đủ 18 tuổi trở lên có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy lần cuối đối với đối tượng không có nơi cư trú ổn định là chủ thể có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp GDTXPTT. Điều này xuất phát từ việc Luật năm 2020 bổ sung người sử dụng trái phép chất ma túy là đối tượng bị áp dụng biện pháp GDTXPTT: Người từ đủ 14 tuổi trở lên đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
3. Thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn
Thứ nhất, về thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp GDTXPTT: Nghị định số 120/2021/NĐ-CP bổ sung quy định về người được giao quyền đứng đầu hoặc phụ trách Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định tại Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ có thẩm quyền áp dụng biện pháp GDTXPTT và biện pháp quản lý tại gia đình như Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã (khoản 3 Điều 7) để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong những trường hợp xã, phường, thị trấn chưa kịp bổ sung chức danh Chủ tịch Ủy ban nhân dân với các lý do như: Nghỉ hưu, thôi việc, được điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức hoặc tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật; chết; bị Tòa tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích; bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử[4]…
Thứ hai, về thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp GDTXPTT: Nhằm đơn giản hóa thủ tục, bảo đảm sự phù hợp với quy định của Luật năm 2020, Nghị định số 120/2021/NĐ-CP đã sửa đổi các quy định liên quan đến thủ tục kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính GDTXPTT theo hướng: (i) Không quy định việc kiểm tra tính pháp lý thành một thủ tục riêng biệt, độc lập; (ii) Không quy định thẩm quyền kiểm tra tính pháp lý của công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã đối với hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính GDTXPTT[5]. Thay vào đó, Nghị định này quy định rõ, cơ quan nào lập hồ sơ đề nghị thì phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ (khoản 1 Điều 21). Sau khi đã bỏ bước kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị, theo quy định tại Nghị định số 120/2021/NĐ-CP, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp GDTXPTT chỉ còn 03 bước với những sửa đổi, bổ sung cụ thể như sau:
(i) Bước 1: Tổ chức cuộc họp tư vấn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp GDTXPTT. Nhằm rút ngắn tối đa các mốc thời gian thực hiện các công việc, khoản 1 Điều 22 Nghị định số 120/2021/NĐ-CP quy định thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp GDTXPTT, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức và chủ trì cuộc họp tư vấn để xem xét, quyết định áp dụng biện pháp (trước đây, khoản 1 Điều 18 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP quy định thời hạn 15 ngày)[6]. Bên cạnh đó, số ngày hoãn của mỗi lần hoãn tổ chức cuộc họp tư vấn cũng được rút ngắn, từ 03 ngày làm việc xuống còn 02 ngày làm việc (khoản 6 Điều 22 Nghị định số 120/2021/NĐ-CP).
Ngoài ra, vì Luật năm 2020 đã bỏ đối tượng bị áp dụng biện pháp GDTXPTT là người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định nên Nghị định số 120/2021/NĐ-CP cũng không còn nội dung trao đổi về vấn đề hình thức cai nghiện đối với người nghiện ma túy trong trường hợp họ không tự nguyện lựa chọn hình thức cai nghiện tự nguyện tại gia đình hoặc cộng đồng hoặc tham gia chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế theo quy định của pháp luật và cam kết về việc tự nguyện cai nghiện, điều trị nghiện[7].
(ii) Bước 2: Hoàn thiện hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Căn cứ vào biên bản cuộc họp tư vấn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp GDTXPTT, Trưởng Công an cấp xã có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ để trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp ngay sau khi kết thúc cuộc họp tư vấn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp GDTXPTT.
(iii) Bước 3: Ra quyết định áp dụng biện pháp GDTXPTT. Theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định số 120/2021/NĐ-CP, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc cuộc họp tư vấn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp GDTXPTT, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét ra một trong các quyết định: Quyết định áp dụng biện pháp GDTXPTT; quyết định không áp dụng biện pháp GDTXPTT; quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình đối với người chưa thành niên. So với quy định tại Nghị định số 111/2013/NĐ-CP, thời hạn để Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, ra quyết định hay không áp dụng biện pháp GDTXPTT đã được rút ngắn, từ 03 ngày làm việc xuống còn 02 ngày làm việc[8].
Biện pháp xử lý hành chính nói chung và GDTXPTT nói riêng là biện pháp có tác động, ảnh hưởng lớn đến quyền con người, quyền công dân, góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa vi phạm hành chính, tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội. Do vậy, việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục áp dụng biện pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về vấn đề này theo hướng cụ thể, rõ ràng, minh bạch, thống nhất, đồng bộ là hết sức cần thiết, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn khách quan, tạo điều kiện cho lực lượng thực thi công vụ được dễ dàng, thuận lợi, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong thời gian tới.
Cục Quản lý XLVPHC và TDTHPL, Bộ Tư pháp
[1]. Tờ trình số 49b/TTr-BTP ngày 15/10/2021 của Bộ Tư pháp về Dự thảo Nghị định quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
[2]. Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 56/2016/NĐ-CP) quy định: “Trong thời hạn tối đa là 07 ngày làm việc, kể từ khi thụ lý hồ sơ, người có thẩm quyền lập hồ sơ quy định tại Điều 10 của Nghị định này có trách nhiệm xác minh nơi cư trú ổn định của đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Đối với các địa bàn là vùng miền núi, hải đảo, vùng xa xôi, hẻo lánh mà việc đi lại gặp khó khăn thì thời hạn xác minh nơi cư trú có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 10 ngày làm việc, kể từ khi thụ lý hồ sơ”.
[3]. Khoản 1 Điều 16 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 56/2016/NĐ-CP) quy định: “Sau khi hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị hoặc sau khi kiểm tra, bổ sung hồ sơ quy định tại Điều 15 của Nghị định này, trong thời hạn 01 ngày làm việc, Trưởng Công an cấp xã phải gửi hồ sơ đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp, đồng thời, thông báo bằng văn bản về việc lập hồ sơ cho người bị đề nghị áp dụng biện pháp hoặc cha mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên”.
[4]. Gỡ “rào cản” ảnh hưởng đến hiệu quả của biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, Báo điện tử Pháp luật Việt Nam, nguồn: https://baophapluat.vn/go-rao-can-anh-huong-den-hieu-qua-cua-bien-phap-giao-duc-tai-xa-phuong-thi-tran-post392223.html, truy cập ngày 17/4/2022.
[5]. Tờ trình số 129/TTr-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
[6]. Khoản 1 Điều 18 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP quy định: “Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn quy định tại khoản 1 Điều 16 của Nghị định này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức và chủ trì cuộc họp tư vấn để xem xét quyết định áp dụng biện pháp”.
[7]. Xem các điểm e và g khoản 5 Điều 18 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP.
[8]. Xem khoản 2 Điều 21 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP.