Nậm Pồ là huyện biên giới của tỉnh Điện Biên có 08/15 xã biên giới, với chiều dài đường biên giới quốc gia là 127.483 km. Dân số toàn huyện là 61.054 người, với 08 thành phần dân tộc sinh sống, trong đó, dân tộc Mông chiếm tỷ lệ cao nhất 69,18%; dân tộc Thái chiếm 18,50%; dân tộc Dao chiếm 4,15%; dân tộc Kinh chiếm 3,21%; dân tộc Khơ Mú chiếm 1,58%; dân tộc Hoa chiếm 1,52%; dân tộc Kháng chiếm 0,91%; dân tộc Cống chiếm 0,75% và các dân tộc khác chiếm 0,2%. Huyện có 121 bản và 01 nhóm bản với 11.316 hộ, 59.025 khẩu; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 55,21%; tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 4,395%. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 01 cửa khẩu phụ tại xã Si Pa Phìn, 01 lối mở mốc 49 thuộc xã Nà Bủng và 01 lối mở Nậm Đích thuộc xã Chà Nưa. Là huyện đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, những năm qua, huyện đã từng bước được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các công trình phúc lợi góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của người dân. Huyện có vị trí, chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh, là địa bàn trọng điểm về an ninh, trật tự, có nhiều đường tiểu ngạch qua lại giữa hai biên giới và được xác định là “địa bàn trung chuyển ma túy”. Đặc biệt, trong những năm gần đây, hoạt động của tội phạm ma túy, hủy hoại rừng có chiều hướng gia tăng, nhất là tội phạm ma túy ngày càng tinh vi. Chính vì vậy, số người được đặc xá, chấp hành xong hình phạt tù về địa phương có nhiều biến động, tăng dần trong các năm.
Công an huyện với vai trò là cơ quan thường trực, ngoài việc tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các xã triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 05/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù (Chỉ thị số 33/CT-TTg), Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng (Nghị định số 49/2020/NĐ-CP) còn trực tiếp thực hiện công tác tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tội phạm và công tác tái hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã phối hợp với Phòng PC10 - Công an tỉnh tổ chức 04 hội nghị quán triệt tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và công tác tái hòa nhập cộng đồng cho các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị chức năng của huyện, Ủy ban nhân dân và công an các xã trên địa bàn toàn huyện; tổ chức 120 buổi tuyên truyền, thu hút 2.369 lượt người tham gia; nhà tạm giữ công an huyện đã tổ chức giáo dục, trang bị những kiến thức cơ bản về tái hòa nhập cộng đồng cho 38 phạm nhân sắp chấp hành xong hình phạt tù; chỉ đạo công an xã đẩy mạnh tư vấn pháp luật, hướng dẫn các quy định về cư trú, thủ tục cấp thẻ căn cước công dân. Vận động người chấp hành xong hình phạt tù cam kết thực hiện đúng các quy định của pháp luật khi về địa phương, yên tâm về tư tưởng, không mặc cảm, sớm ổn định cuộc sống hòa nhập với cộng đồng.
Trung tâm văn hóa - truyền thanh - truyền hình huyện tăng cường thời lượng phát sóng, tuyên truyền trên sóng phát thanh và truyền hình điện tử của huyện, đài truyền thanh các xã. Trong 03 năm đã chuyển tải 25 tin, bài và tuyên truyền 168 lượt tập trung vào các nội dung của Chỉ thị số 33/2018/CT-TTg, Nghị định số 49/2020/NĐ-CP đến từng xã, bản để nhân dân nắm rõ các quy định của pháp luật đối với người chấp hành xong hình phạt tù; tuyên truyền những gương người tốt, việc tốt của tập thể, cá nhân trong công tác tái hòa nhập cộng đồng và những gương hoàn lương tiêu biểu, điển hình tiên tiến về xóa bỏ mặc cảm, phấn đấu tự vươn lên, ổn định cuộc sống.
Hiện nay, huyện đang quản lý 180 người chấp hành xong hình phạt tù (gồm 07 người được đặc xá, 173 người chấp hành xong hình phạt tù), trong đó, 45 người có công việc ổn định, 83 người chưa có việc làm, 65 người thường xuyên sống trong môi trường an ninh, trật tự phức tạp; 100% người chấp hành xong hình phạt tù được hướng dẫn quy định về cư trú, 180/180 người hiện đang quản lý được cấp thẻ. Trong những năm qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên đã tạo được hiệu ứng tích cực trong các tầng lớp nhân dân, thông qua đó không những đã phần nào xóa bỏ được sự kỳ thị, định kiến, xa lánh, phân biệt hoặc xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành xong hình phạt tù mà còn tạo cho người dân có thái độ đúng đắn, cởi mở hơn và chủ động tham gia vào các hoạt động giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, đồng thời đã tạo được sự chuyển biến, tác động tích cực đến nhận thức, hành động của các cơ quan, ban, ngành, đơn vị có liên quan, các tổ chức xã hội về việc giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù, góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, tái phạm tội và thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Huyện cũng đã hoàn thiện thủ tục, hồ sơ đề nghị vay “Quỹ hoàn lương” tỉnh Điện Biên năm 2023 cho 01 người chấp hành xong hình phạt tù, ngân hàng chính sách xã hội cho 67 hộ gia đình có người chấp hành xong hình phạt tù vay vốn sản xuất với tổng số tiền là trên 03 tỷ đồng, cho vay theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong hình phạt tù đối với 01 người với số tiền là 100 triệu đồng, góp phần giúp đỡ họ ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Ủy ban nhân dân các xã nắm chắc tình hình, phân công tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ, giám sát chặt chẽ người chấp hành xong hình phạt tù ở địa bàn và động viên, tạo điều kiện cả về vật chất lẫn tinh thần để người chấp hành xong hình phạt tù xóa bỏ mặc cảm, yên tâm làm ăn, sinh sống. Do đó, tỷ lệ người chấp hành xong hình phạt tù tái phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn ở mức dưới 10%, đặc biệt, nhờ sự tạo điều kiện, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, đã có nhiều người thoát khỏi sự đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Huyện xác định công tác tái hòa nhập cộng đồng phải được các ngành, các xã quan tâm thực hiện thường xuyên, trong đó, lực lượng công an giữ vai trò nòng cốt; việc tư vấn hướng nghiệp, hỗ trợ vốn vay phải phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương; thường xuyên tổ chức vận động, tuyên truyền cá biệt, tư vấn nhóm để người chấp hành xong hình phạt tù có ý thức vươn lên trong lao động, sản xuất, thoát nghèo, làm giàu chính đáng, hạn chế tái phạm, đồng thời cần kịp thời hỗ trợ cho người chấp hành xong hình phạt tù có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ổn định cuộc sống, sớm hòa nhập với cộng đồng./.
Đỗ Thành Trung
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Nậm Pồ