Triển khai quyết liệt, hiệu quả 5 trọng tâm về xây dựng thể chế
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực cho biết, thời gian qua, dịch COVID-19 tiếp tục được kiểm soát tốt trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).
Phó Thủ tướng Thường trực đã thông tin cụ thể về kết quả thực hiện Chương trình phục hồi KT-XH; khẳng định, tiếp thu ý kiến của các đại biểu QH, thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, cơ quan khắc phục mọi khó khăn, triển khai Chương trình nhanh hơn và hiệu quả, thực chất hơn.
Về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, nhất là trong yêu cầu phục hồi nhanh, phát triển bền vững KT-XH.
Tính đến ngày 31/5/2022, đã giải ngân 22,37% kế hoạch. Hầu hết các bộ, cơ quan, địa phương đều cam kết sẽ có giải pháp mạnh mẽ, cụ thể hơn để hoàn thành giải ngân trên 95% kế hoạch vốn được giao trong năm 2022.
Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ khẩn trương rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công; giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến đất đai, nguyên vật liệu; rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án để giải ngân nhanh, hiệu quả...
Về công tác quy hoạch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết giám sát chuyên đề của QH và tiếp tục đôn đốc các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thẩm định, phê duyệt quy hoạch, hoàn thành quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành, hạ tầng quan trọng trong năm 2022, phấn đấu hoàn thành các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch ngành quốc gia trong năm 2023.
Nhấn mạnh về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định, triển khai quyết liệt, hiệu quả 5 trọng tâm về xây dựng, hoàn thiện thể chế, bao gồm đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường rà soát, tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển, nhất là trong phòng, chống dịch, phục hồi, phát triển KT-XH và việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của QH; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong việc xây dựng, trình các dự án luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành; quan tâm đầu tư nguồn lực; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác thể chế.
“Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế thời gian qua có nhiều đổi mới, tập trung tháo gỡ, xử lý những vướng mắc, điểm nghẽn, góp phần quan trọng vào thành công trong phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển KT-XH”, Phó Thủ tướng cho hay.
Khó xảy ra lợi ích nhóm nếu tuân thủ quy định về xây dựng pháp luật
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, tới đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế. Trong đó, tập trung rà soát, triển khai quyết liệt, hiệu quả các trọng tâm về xây dựng, hoàn thiện thể chế; bảo đảm chất lượng và tiến độ thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm gắn với việc thực hiện Đề án định hướng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH.
Các bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và xử lý kịp thời, hiệu quả những vấn đề mới phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Triển khai hiệu quả các chương trình, chiến lược, đề án về cải cách hành chính; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với bảo đảm nguồn lực và thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực…
Trả lời câu hỏi tranh luận của đại biểu Cầm Hà Chung (đoàn Phú Thọ) về khả năng có lợi ích nhóm, cục bộ, chạy theo thành tích trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã có những quy định hết sức chặt chẽ về quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
“Quy trình hết sức chặt chẽ. Nếu tuân thủ quy trình xây dựng văn bản pháp luật một cách nghiêm túc thì hiện tượng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình xây dựng văn bản rất khó xảy ra”, Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định.
Phó Thủ tướng Thường trực cũng nhấn mạnh, Chính phủ đã đề ra những quy định và có những biện pháp, nhóm giải pháp để minh bạch hóa và kiểm soát chặt chẽ quá trình xây dựng luật.
Theo Phó Thủ tướng, trong các cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ luôn yêu cầu, các Bộ trưởng phải có trách nhiệm trong việc xây dựng pháp luật. Cùng với đó, phát huy vai trò của Ban soạn thảo, soạn thảo văn bản theo đúng tinh thần của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Nâng cao chất lượng thẩm định, thẩm tra của Bộ Tư pháp và các cơ quan của QH trong việc thông qua các luật cũng là giải pháp được Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh. Đi cùng với đó là củng cố, kiện toàn và phát huy hiệu quả tổ chức pháp chế của các bộ, cơ quan ngang bộ.
(Theo Báo điện tử Pháp luật Việt Nam)